Đại Nghĩa
Trong cuộc gặp với người đồng cấp Trung Quốc tại Berlin, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nói: “Chúng tôi muốn nguyên tắc ‘một quốc gia, hai thể chế’ được áp dụng đầy đủ”, theo hãng tin DW.
Luật an ninh quốc gia đã được Bắc Kinh thông qua vào cuối tháng 6 nhằm cấm các hoạt động lật đổ, ly khai, khủng bố và cấu kết với thế lực nước ngoài.
Ngoại trưởng Đức cũng kêu gọi các cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp cần nhanh chóng được tiến hành ở Hồng Kông. Chính quyền Hồng Kông lấy lý do đại dịch đã hoãn vô thời hạn cuộc bầu cử. Tuy nhiên, các nhóm dân chủ coi việc trì hoãn là bất hợp pháp.
Ông Maas nói, châu Âu yêu cầu cuộc bầu cử diễn ra “nhanh chóng và không bị cản trở”, đồng thời nói thêm rằng EU nên áp dụng một loạt các biện pháp trừng phạt chung để đối phó với việc trì hoãn bầu cử.
Trung Quốc bác bỏ ‘mọi sự can thiệp của nước ngoài’
Ngoại trưởng Đức cũng kêu gọi phái đoàn quan sát viên của LHQ đến điều tra tình hình nhân quyền của người thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở vùng Tân Cương, tây bắc Trung Quốc.
Ông Maas nói: “Chúng tôi rất hoan nghênh nếu Trung Quốc cho phép quan sát viên độc lập của Liên Hợp Quốc tiếp cận các trại này.”
Trả lời bình luận của ngoại trưởng Maas, ông Vương nói rằng các vấn đề này đều là “vấn đề nội bộ của Trung Quốc” và các chính phủ nước ngoài không nên can thiệp.
“Cho dù Hồng Kông hay Tân Cương, cả hai đều thuộc các vấn đề nội bộ của Trung Quốc. Chúng tôi không muốn có bất kỳ sự can thiệp nào của nước ngoài vào xã hội Trung Quốc”.
Tình hình ở Tân Cương cũng được coi là trọng tâm của cuộc đối thoại nhân quyền Đức – Trung sẽ được tổ chức vào tuần tới. Theo một số tổ chức nhân quyền, hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ và những người Hồi giáo khác hiện đang bị giam giữ trong các trại tạm giam ở Tân Cương.
Bắc Kinh đã bác bỏ cáo buộc, nói rằng các trại này là “trung tâm giáo dục” phục vụ cuộc chiến chống Hồi giáo cực đoan.
Bất chấp những vấn đề tranh cãi nêu trên, ông Maas cũng nhấn mạnh điểm chung giữa hai nước, đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng Đức và Trung Quốc sẽ sớm đạt được thỏa thuận về bảo hộ đầu tư.
Các nhà hoạt động kêu gọi cải cách nhân quyền
Trước đó, hôm 1/9, các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ Hồng Kông đã tụ tập bên ngoài Bộ Ngoại giao Đức ở Berlin, khi hai ông Maas và Vương gặp nhau tại một biệt thự ở ngoại ô.
Dẫn đầu là nhà hoạt động nổi tiếng Nathan Law (La Quán Thông), người đã trốn khỏi Hồng Kông đến Anh ngay sau khi Trung Quốc áp đặt Luật an ninh quốc gia. Người biểu tình cầm ảnh của những người bất đồng chính kiến bị cầm tù và hô vang các khẩu hiệu “Hồng Kông tự do” và “đứng lên vì nhân quyền.”
Ông Law đã kêu gọi ông Maas nêu ra các vấn đề về tự do và nhân quyền ở Hồng Kông, đồng thời nói với đám đông khoảng 100 đến 150 người biểu tình rằng: Đức và các quốc gia phương Tây khác, một cách đơn giản có thể bị thuyết phục để thực hiện các cải cách dân chủ thông qua đối thoại.
Ông nói: “Chính phủ độc tài đang đi theo con đường ngược lại, Liên minh châu Âu nên gia tăng áp lực buộc Trung Quốc phải tôn trọng các quyền cơ bản của con người ”. Đức là quốc gia nắm giữ chức chủ tịch luân phiên của EU và cần phải dẫn đầu trong việc này. Law nói “Các chiến lược xoa dịu là thực sự vô dụng”.
Theo DW
Đại Nghĩa biên dịch