Tâm Tuệ
Vấn đề sông Mêkông trở thành một mặt trận mới trong cuộc đối đầu Mỹ -Trung khi mới đây vào hôm 4/9, trợ lý ngoại trưởng Mỹ David Stilwell phụ trách các vấn đề Đông Á đã cáo buộc Trung Quốc “thao túng” dòng nước sông Mêkông, và ông cảnh báo đây là một “thách thức khẩn cấp”.
Trung Quốc đang ‘thao túng’ dòng chảy sông Mêkông
“Một thách thức khẩn cấp là sự thao túng của Trung Quốc đối với dòng chảy sông Mêkông vì lợi ích riêng trong khi các nước hạ nguồn phải trả giá đắt”, tờ South China Morning Post (SCMP) hôm 4/9 dẫn lời nhà ngoại giao Mỹ phát biểu tại một hội nghị do Viện Hòa bình Mỹ và Đại học chính sách công Lý Quang Diệu của Singapore thực hiện.
Ông Stilwell dẫn một báo cáo gần đây, cho rằng Trung Quốc “thao túng dòng chảy dọc sông Mêkông trong 25 năm, trong đó sự gián đoạn dòng chảy tự nhiên nghiêm trọng nhất xảy ra đồng thời với việc xây dựng và hoạt động đập lớn”.
Quan chức này cho biết khủng hoảng thể hiện ở việc mùa màng bị thiệt hại, an ninh lương thực và nguồn nước toàn khu vực bị đe dọa.
“Những điều này tiềm ẩn khả năng lớn về việc gây bất ổn nhiều hơn. Mỹ đang cùng các nước sông Mêkông, Ủy hội sông Mêkông và các đối tác quốc tế đảm bảo lời kêu gọi minh bạch dữ liệu nước được đáp lời”, ông Stilwell cho biết.
Theo SCMP, tuyên bố của ông Stilwell cho thấy sông Mêkông là mặt trận mới trong cuộc đối đầu Mỹ -Trung.
Mỹ và Trung Quốc thời gian qua đã đưa ra các nghiên cứu có kết quả trái ngược về vấn đề sông Mêkông.
Chẳng hạn, một báo cáo hồi tháng 4/2020 của tổ chức Eyes on Earth đặt tại Mỹ cho rằng các con đập của Trung Quốc đã giữ lại khoảng 47 tỷ m3 nước sông Mêkông. Còn nghiên cứu của Đại học Tsinghua và Viện tài nguyên nước Trung Quốc khẳng định các con đập giúp điều tiết hạn hán ở khu vực sông Mêkông.
Và trên tực tế, các nước vùng hạ lưu trong đó có Việt Nam đã và đang phải gánh chịu những thiệt hại nặng nề do hạn hán liên quan đến việc điều tiết nguồn nước sông Mêkông từ các con tập của phía Trung Quốc.
Chuyên gia: Vấn đề sông Mêkông là một ví dụ cho thấy ĐCSTQ coi thường lợi ích của các nước láng giềng
Ông Gregory Poling, nhà nghiên cứu của Dự án Đông Nam Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), một tổ chức tư vấn của Hoa Kỳ, nói với Đài Tiếng nói Hoa Kỳ rằng vấn đề Mê Kông là ví dụ rõ ràng nhất về việc ĐCSTQ phớt lờ lợi ích của các nước láng giềng, lợi dụng thông tin hư giả và không minh bạch để che giấu hành động của mình. Đây là ví dụ minh hiển nhất.
Ông James Buchanan, đang là nghiên cứu sinh tại Đại học Hồng Kông và nghiên cứu các vấn đề của Thái Lan, cho biết: “Các vấn đề như Đập trên sông Mêkông cho thấy sự quan ngại trước hành động bành trướng ngày càng tăng của ĐCSTQ và sự bất an trong khu vực này. Trong khu vực này, ĐCSTQ luôn bị coi là ức hiếp các nước láng giềng nhỏ hơn. Trên thực tế, đây đang trở thành hình ảnh của ĐCSTQ trên toàn thế giới“.
Cũng theo SCMP, nhiều khả năng vấn đề nguồn nước sông Mêkông sẽ được đưa ra thảo luận tại Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF). Diễn đàn dự kiến diễn ra vào tuần tới với sự tham dự của ngoại trưởng 10 nước ASEAN và ngoại trưởng Mỹ, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ. Sự kiện diễn ra dưới hình thức họp trực tuyến do ảnh hưởng của dịch Covid-19.