Tin nước Úc sáng thứ Hai: Mâu thuẫn về lộ trình mở cửa của Victoria

Mâu thuẫn về lộ trình mở cửa của Victoria

Biểu tình chống lệnh phong tỏa vì dịch Covid-19 nổ ra ở Australia ảnh 1

Cả chính phủ liên bang lẫn cộng đồng kinh doanh đều phản ứng gay gắt với lộ trình mở cửa của chính phủ tiểu bang Victoria. Trong khi Thủ tướng Scott Morrison gọi đó là tin “khó khăn và tan nát” thì giới kinh doanh cho rằng chẳng biết tiểu bang Victoria sẽ “trôi giạt về đâu”.

Trong cuộc họp báo ngày 6.9.2020 Thủ hiến Daniel Andrews thông báo quyết định gia hạn thêm 2 tuần lệnh phong tỏa với Melbourne vì dù số ca nhiễm Covid-19 mỗi ngày đã giảm song vẫn chưa đủ để ngăn chặn một đợt bùng phát mới.

Lệnh phong tỏa kéo dài 6 tuần sẽ kết thúc vào tuần này, song Thủ hiến Andrews thông báo biện pháp sẽ gia hạn tới ngày 28.9.2020, viện lẽ việc vội vàng nới lỏng các biện pháp chống dịch có thể khiến bệnh dịch tái phát và vượt ngoài tầm kiểm soát trở lại.

Theo ông thì các tính toán cho thấy các ca nhiễm mới sẽ tiếp tục duy trì ở mức trung bình 60 ca mỗi ngày vào tuần này và Victoria sẽ có nguy cơ đối mặt với làn sóng dịch bệnh thứ ba vào giữa tháng 11 tới nếu mở cửa trở lại quá nhanh.

Tại buổi họp báo, ông Andrews cũng công bố lộ trình nới lỏng các biện pháp hạn chế giai đoạn 4 đối với thành phố Melbourne, bắt đầu từ 11h59′ đêm 13.9.2020.

Theo đó, lệnh giới nghiêm sẽ bắt đầu từ 21h tối thay vì 20h như trước đó. Người dân được phép ra ngoài trong khoảng 2 tiếng thay vì 1 tiếng như trước, và những người sống một mình sẽ được phép tiếp đón 1 khách tới thăm.

Sau đó, đến ngày 28.9.2020, nếu số ca nhiễm mới trung bình hàng ngày giảm xuống còn khoảng 30 – 50 ca trong 14 ngày liên tiếp, chính phủ sẽ cho phép các cơ sở giữ trẻ, công trình xây dựng, nhà máy sản xuất và kho hàng hoạt động bình thường trở lại, nghĩa là 101,000 nhân công sẽ quay trở lại làm việc. Các trường học cũng sẽ mở cửa một phần và việc tụ tập ngoài trời sẽ được phép với mức giới hạn tối đa 5 người.

Sau nữa, đến ngày 26.10, nếu tỷ lệ lây nhiễm hàng ngày xuống dưới 5 ca trong 2 tuần trước đó, các quán cà phê và nhà hàng có thể mở cửa trở lại, chủ yếu dành cho dịch vụ ngoài trời, các cửa hàng bán lẻ và tiệm cắt tóc cũng được phép đón khách. Cùng thời điểm này, lệnh giới nghiêm sẽ được dỡ bỏ và không có hạn chế đối với việc ra ngoài. Các buổi tụ họp ngoài trời với 10 người tham gia sẽ được phép, trong khi các gia đình có thể tiếp đón 5 khách tới thăm. Một số trung tâm thể thao không tiếp xúc dành cho người lớn cũng được nối lại hoạt động.

Chính phủ liên bang hoàn toàn không bằng lòng trước “lộ trình” này. Thủ tướng Scott Morrison cùng Tổng trưởng Kinh tế Josh Frydenberg và Tổng trưởng Y tế Greg Hunt cùng ra một thông báo chung, tuyên bố rằng điều quan trọng là phải “mở cửa nền kinh tế và khôi phục quyền tự do của mọi người Úc”.

Trước đó, công chúng đã xuống đường biểu tình để đòi hỏi điều mà ba nhà lãnh đạo liên bang đã nên trong thông báo chung này.

Ngày thứ Bảy 5.9.2020 hàng trăm người đã xuống đường biểu tình phản đối biện pháp phong tỏa chống dịch Covid-19 tại nhiều thành phố, đông đảo nhất là tại Melbourne.

Tại Melbourne, khoảng trên 200 người đã tập trung tại khu vực Đài chiến sĩ trận vong tại trung tâm thành phố để phản đối lệnh phong tỏa mà chính quyền đang áp dụng và đòi quyền tự do. Cảnh sát Victoria đã thẳng tay trấn áp, ghi giấy phạt hơn 150 người và bắt giữ 15 người khác.

Tại Sydney, rất nhiều người đã tập trung biểu tình tại công viên Hype ở trung tâm thành phố, khiến cảnh sát phải can thiệp và bắt giữ một số người. Tại vịnh Byron, phía bắc NSW, 8 người cũng bị bắt trong một cuộc biểu tình trái phép.

Diễn biến tương tự cũng diễn ra tại thành phố Brisbane, Adelaide và Perth mặc dù với quy mô nhỏ hơn.

Phát biểu trong một cuộc họp báo sau đó Thủ hiến Andrews cho biết hành động biểu tình này là “không an toàn, không khôn ngoan và bất tuân luật lệ.” Ông tuyên bố rằng những kẻ biểu tình này là “hoàn toàn ích kỷ”, đã không hề chung tay vào “cuộc chiến duy nhất mà chúng ta nên tham gia là chống lại COVID-19”.

Đúng vào ngày biểu tình này, tiểu bang Victoria đã ghi nhận thêm 76 ca nhiễm mới và 11 ca tử vong.

Cùng ngày, Cơ quan y tế Victoria thông báo một trường hợp bệnh nhi mắc hội chứng hiếm gặp liên quan đến Covid-19 với triệu chứng tương tự hội chứng hiếm gặp Kawasaki và có nguy cơ tử vong.

Tin cho hay Bệnh viện Monash tại Melbourne vừa tiếp nhận một bệnh nhân 9 tuổi mắc “chứng viêm đa hệ ở trẻ em liên quan đến virus SARS-COV-2” (PIMS-TS). Căn bệnh mới này được cho là cực kỳ hiếm gặp liên quan đến chứng viêm mạch máu, sốt dai dẳng, phát ban hoặc viêm các tuyến ở cổ.

Trước đó vào tháng 4 vừa qua, tại Anh, Pháp, Thụy Sĩ và Tây Ban Nha, một số bệnh nhi được cho là mắc chứng bệnh này sau khi nhiễm Covid-19 từ 2 đến 6 tuần và 3 trẻ em đã tử vong. Các bệnh nhi có tình trạng bệnh tương tự như bệnh Kawasaki, một hội chứng viêm đa hệ hiếm gặp ở trẻ em, có các triệu chứng như sốt và bong da.

Theo nhận định của Giáo sư Robert Booy thuộc Đại học Sydney, chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm ở trẻ em và đã nghiên cứu bệnh Kawasaki trong nhiều năm, các bệnh nhân có các triệu chứng tương tự của bệnh Kawasaki, nhưng hiện chưa thể kết luận “chứng viêm đa hệ ở trẻ em liên quan đến virus SARS-COV-2” có phải là bệnh Kawasaki hay không. Theo Giáo sư Booy, chứng bệnh mới có thể ảnh hưởng đến tim, phổi, thận và hệ tuần hoàn. Và phương pháp điều trị đang được áp dụng đối với bệnh Kawasaki cho thấy có hiệu quả đối với bệnh nhân mắc chứng bệnh mới.

Theo một nghiên cứu gần đây được công bố trên tạp chí y học Lancet, có 78 trường hợp bệnh nhi mắc chứng bệnh này tại Anh trong tháng 4 và tháng 5 vừa qua. Độ tuổi trung bình của bệnh nhi là 11, trong đó đa số là trẻ em trai và các triệu chứng thường gặp bao gồm sốt, viêm, tổn thương cơ tim, sốc, đau bụng, nôn và tiêu chảy.

Australia ghi nhận bệnh nhân COVID-19 có hội chứng hiếm gặp - 1

Gia hạn lệnh phong tỏa: tại sao phe đối lập Victoria bị thua

Lãnh tụ đối lập Victorian, ông Michael O’Brien, đã thề thốt là sẽ chống tới cùng ý đồ của Thủ hiến Daniel Andrews là muốn gia hạn tình trạng khẩn cấp của tiểu bang, tuy nhiên ông ta đã bị thất bại.

Đạo luật “Public Health and Wellbeing Act” của tiểu bang Victoria quy định thời hạn tối đa cho tình trạng khẩn cấp là 6 tháng và do đó tình trạng này sẽ hết hạn vào ngày 13.9.2020. Tuy nhiên ông Andrews đã thuyết phục được các Nghị viện thông qua dự luật cho phép gia hạn tình trạng khẩn cấp thêm 12 tháng nữa.

Như đã thông tin, một khi đã ban ra “tình trạng khẩn cấp” thì Giám đốc y tế tiểu bang có quyền áp dụng các biện pháp cưỡng bách nhằm bảo vệ sức khoẻ cộng đồng, thí dụ các quy định về cách ly, đeo khẩu trang nơi công cộng, và giới hạn số thực khách trong quán rượu.

Tình trạng này có cũng cho chính quyền và các giới chức hữu trách được quyền giam giữ bất cứ người nào “trong thời gian hợp lý nhằm loại bỏ hoặc giảm thiểu nguy cơ nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng”.

Chính quyền cũng có quyền hạn chế đi lại, khám xét nhà mà không cần trát toà, và đưa ra bất kỳ chỉ dẫn nào khác được cho là cần thiết nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Ví dụ mạnh mẽ nhất về các quyền lực này là khi chính phủ ra lệnh phong toả toàn diện các khu chung cư xã hội ở Flemington và North Melbourne hồi tháng trước, cho cảnh sát và quân đội đến nhà những người nhiễm virus để kiểm tra họ có tuân hành lệnh cách ly hay không.

Trong khi ông Andrews muốn kéo dài tình trạng khẩn cấp thêm 12 tháng nữa để tiêu diệt nạn dịch tận gốc rể thì lãnh tụ đối lập O’Brien cho rằng ông Andrews chỉ muốn “thâu tóm quyền lực”, khẳng định rằng ông thủ hiếm này “không nên nắm mức độ quyền lực như thế trên đời sống của người dân Victoria đến vô hạn”.

Nhưng theo ông Andrews thì đạo luật trên được soạn thảo vào năm 2005, đã không dự liệu được tầm mức kinh khủng của đại dịch Covid-19, trận dịch 100 năm mới có một lần, do đó cần phải tu chỉnh!

Hiện tại Lao Động nắm đa số trong Hạ Viện của Victoria nhưng chỉ chiếm 17 ghế trong tổng số 40 ghế tại Thượng Viện, do đó cần thêm ít nhất bốn phiếu nửa để tu chính trên được thông qua.

Trong 23 ghế còn lại thì Liên đảng chỉ chiếm 11 ghế, còn lại 12 ghế thuộc về các chính trị gia độc lập ha các đảng phải nhỏ, ông Daniel Andrews cần phải vận động sự ủng hộ của ít nhất 4 nghị sĩ trong nhóm này!

 Trong cuộc bỏ phiếu ngày 1.9.2020, thế thắng đã nghiên về ông Andrews với sự xuất hiện bất ngờ của nghị sĩ Đảng Xanh Samantha Ratnam. Hai tháng trước bà này nghỉ hộ sản để sinh con và tuyên bố là sẽ không đến Nghị viện. Tuy nhiên ngày bỏ phiếu đã bất ngờ xuất hiện để ủng hộ ông Andrews, làm đảo lộn mọi tính toán của phe Đối Lập.

Samantha Ratnam speaking
Samantha Ratnam

Ngoài ra các nghị sĩ Fiona Patten của đảng Reason Party và Andy Meddick của đảng Animal Justice Party cũng ủng hộ ông Andrews, giúp Lao Động có đủ số phiếu tại Thượng viện để thông qua.

A photo of Andy Meddick standing and smiling at a microphone, and a photo of Fiona Patten smiling at the camera.
Andy Meddick và Fiona Patten

Tính đến sáng thứ Hai, trong 24 giờ qua Victoria ghi nhận có 41 ca nhiễm mới, thấp nhất kể từ cuối tháng 6. Và số tử vong là 9, tính đến nay tổng số tử vong ở Victoria là 675.

Related posts