Nga công bố thông tin về các đợt thử nghiệm vắc-xin COVID-19 ban đầu

Là một quốc gia bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, Nga cũng nỗ lực để phát triển vắc-xin của tự mình như nhiều quốc gia khác. Điều khác biệt là khi việc nghiên cứu vẫn đang được tiến hành, Nga đã thông báo với thế giới rằng họ sẽ không đợi dữ liệu an toàn chi tiết, mà sẽ đưa vắc-xin này tới hàng triệu người. Không lâu sau đó, ngày 20/8, Nga cho biết sẽ tiến hành thử nghiệm lâm sàng tiêu chuẩn giai đoạn 3, với 40.000 người tham gia.

Nhiều suy đoán và đánh giá đã được đưa ra về vắc-xin của Nga, nhưng lại có rất ít thông tin công khai về loại vắc-xin này. Mãi cho tới ngày 4/9, những người tham gia phát triển vắc-xin của Nga đã đăng tải kết quả của những cuộc thử nghiệm ban đầu trên tạp chí Lancet. Theo đó, phương thuốc này tỏ ra hiệu quả như những ứng cử viên vắc-xin khác trên thế giới đã vượt qua thử nghiệm ban đầu.

Hai virus tốt hơn một?

Vắc-xin của Nga bao gồm 2 chủng virus được chỉnh sửa. Chúng chứa những thành phần cơ bản của một virus không độc, gọi là adenovirus, được chỉnh sửa để chứa gen mã hóa cho protein liên kết bề mặt của virus corona COVID-19. Protein này gọi là protein gai, chính là công cụ mà virus corona dùng để liên kết và xâm nhập vào tế bào vật chủ. Việc dùng adenovirus trong vắc-xin cho phép hệ miễn dịch học hỏi cách nhận ra protein gai trong khi cơ thể chỉ trải qua một cuộc xâm nhập adenovirus vô hại.

Vấn đề với cách làm này là: rất nhiều người đã từng tiếp xúc với adenovirus và do đó sẽ có phản ứng miễn dịch mạnh mẽ với chúng. Điều này có thể gây ra tác dụng phụ tương tự như khi cơ thể đang phản ứng với sự xâm nhập của virus (điều này đã xảy ra trong các thử nghiệm vắc-xin dựa trên adenovirus ở Trung Quốc). Đây là phản ứng không mong muốn, nó cũng sẽ giới hạn phản ứng miễn dịch với protein gai, bởi hệ thống miễn dịch chỉ tập trung vào những phần nó quen thuộc (adenovirus) trên virus đã được chỉnh sửa.

Để kiểm tra vắc-xin, các nhà nghiên cứu đã tuyển chọn hai nhóm 38 người. Nhóm đầu tiên chỉ nhận được một liều tiêm adenovirs đã chỉnh sửa có mang theo protein gai. Nhóm thứ hai cũng nhận được liều tiêm ban đầu, nhưng sau đó là một liều bổ sung với một chủng adenovirus khác mang protein gai.

Lý do dùng hai chủng virus khác nhau là: ngay cả khi hệ miễn dịch đã phản ứng với chủng adenovirus ở liều đầu tiên, nó sẽ không tấn công chủng adenovirus khác trong liều bổ sung. Lý tưởng thì điều này sẽ giúp cho hệ miễn dịch tập trung vào thứ tương đồng giữa hai loại virus: các protein gai.

Tác dụng phụ và khả năng tạo kháng thể của vắc-xin Nga

Đúng như kỳ vọng, nhiều người từng được tiêm vắc-xin, dù có liều bổ sung hay không, đều xuất hiện phản ứng phụ như khi bị nhiễm virus. Những phản ứng này bao gồm: sốt, đau đầu, cảm thấy yếu ớt, đau cơ và khớp. Ngoài đó ra thì một số người bị đau ở chỗ tiêm vắc-xin. Nhưng tất cả các triệu chứng này đều được đánh giá là không nghiêm trọng.

Các nhà nghiên cứu cũng tìm kiếm các kháng thể giúp vô hiệu hóa virus COVID-19 bằng cách bám vào protein gai làm nó không thể tương tác hay xâm nhập vào tế bào. Những kháng thể này thường được xem là rất trọng yếu trong việc phòng thủ chống lại virus, nhưng mức độ hiệu quả của chúng đối với virus COVID-19 vẫn chưa được khẳng định chắc chắn.

Ở đây, việc dùng liều tiêm bổ sung tạo ra khác biệt lớn. Khi không tiêm bổ sung, ít hơn 2/3 số người tham gia  xuất hiện kháng thể. Khi có tiêm bổ sung, tất cả người tham gia đều xuất hiện kháng thể.

Một ưu điểm khác của việc dùng virus mang protein gai, đó là nó kích thích mọi tính năng thông thường của phản ứng miễn dịch: tế bào B sản sinh ra kháng thể, và tế bào T nhận ra các tế bào bị nhiễm virus. Các nhà nghiên cứu Nga xác nhận rằng vắc-xin tạo ra phản ứng kích hoạt tế bào T ở những người tham gia, giúp dẫn tới khả năng miễn dịch mạnh mẽ hơn. Và họ nhận thấy rằng nhiều tế bào T đã phản ứng với protein gai, thay vì adenovirus.

Các nhà nghiên cứu Nga còn phát hiện rằng, loại vắc-xin này vẫn hoạt động sau khi nó được đông lạnh. Phản ứng miễn dịch chỉ bị giảm đi một chút khi dùng vắc-xin được sấy lạnh (freeze-dry) sau đó hòa tan với nước trở lại. Điều này sẽ có ích khi vận chuyển tới các vùng xa xôi của Nga.

Nhìn chung, vắc-xin Nga có kết quả thử nghiệm tốt mà mọi nhà nghiên cứu đều muốn thấy: không có tác dụng phụ nghiêm trọng, tạo ra được phản ứng miễn dịch, bao gồm cả kháng thể. Nhưng thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn vẫn cần thiết vì một vài lý do:

Chúng ta cần biết có những tác dụng phụ hiếm nhưng nghiêm trọng hay không, điều này chỉ có thể phát hiện khi có mẫu thử lớn.

Chúng ta cần biết các kháng thể tạo ra thực sự có khả năng bảo vệ cơ thể hay không; điều này chỉ có thể xác nhận khi đưa vắc-xin cho một nhóm người đủ lớn, một số trong đó hẳn sẽ tiếp xúc với virus COVID-19.

Nhìn ở bức tranh toàn cầu, vắc-xin của Nga không phải là loại vắc-xin adenovirus duy nhất đang được phát triển. Có một số vắc-xin đã đi vào giai đoạn thử nghiệm quy mô lớn. Nếu có một trong số này thành công, đó có lẽ sẽ là tin vui cho chúng ta; nếu không, ta sẽ phải đợi cho tới ngày một loại vắc-xin qua được thử nghiệm giai đoạn 3 quy mô lớn.

Theo ArsTechnica,
Sơn Vũ

Related posts