Trong tiếng Việt, tôi thích nhất là chữ ‘duyên’, có nét dễ thương, thân thiện, hiền hòa và đoan trang. Chữ ‘duyên’ cũng gắn liền với duyên phận, vừa tiền định, vừa hiển nhiên trong giao tế và tình người. Thật vậy đời người ai cũng có gắn bó với một vài cái duyên làm tô điểm thêm hương vị cho cuộc sống.
Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ, Vô duyên đối diện bất tương phùng.
Cám ơn Ban Tổ Chức chương trình văn nghệ đặc biệt “Mậu Thân 1968 – 50 Năm Mùa Xuân Máu Lệ”, đã bắt cầu cho hai gia đình chúng tôi quen biết, và nhận nhau làm bà con, cùng họ Hồng Bàng, cùng con Rồng cháu Tiên.
Nếu không phải chữ ‘duyên’ thì chắc chắn giờ này, gặp nhau ngoài đường, chúng tôi cũng chỉ là những người xa lạ, dù hơn 10 năm, hai gia đình người Việt hiếm hoi, ở cùng xóm, chỉ cách nhau mấy gốc Canadian Maples, băng qua đường, trong thành phố mà hầu như tất cả dân cư là người gốc da trắng, chưa một lần gặp nhau!
Tôi biết Trâm Anh vả Andy từ hôm đó. Trâm Anh trong chiếc áo dài tím ưu buồn, với giọng đọc ngọt ngào nhưng ai oán, như hoà cùng sáu ngàn oan hồn vô tội, đã chở chuyên tâm sự của người con xứ Huế, thi sĩ Trần thị Lai Hồng, đến với khán giả, trong đó có tôi, người lính Nhảy Dù đã từng dừng gót hành quân nơi vùng đất đó, qua bài thơ “ Tình Ca Dâng Huế”.
“Ơi Huế ! bao dâu bể oan khiên, sáu vài mười hai nhịp Tràng Tiền, vẫn nối liền kim cổ, bên ni Hoàng Thành tưởng trống Tam Toà còn đổ, vọng về bên tê toà Khâm Sứ, chưa nguôi vong quốc hờn kinh đô thất thủ, thì đã nặng hận thù mồ tập thể Mậu Thân ! Huế ! Huế ơi ! Nghìn trùng xa cách tôi vẫn thấy rất gần, Dù cố lý có vạn áng mây Tần chắn lối,
Tôi như chìm mình vào từng lời thơ, từng giọng đọc của cô gái Huế không quen, như một người con xứ Huế, chia sẻ với Huế, qua trăm cảnh bể dâu, tương tàn với nội chiến, rồi chống ngoại xâm dưới thời nhà Nguyễn, đến chết chóc tang thương dưới bàn tay tàn ác vô nhân cuả lủ giặc Đỏ khát máu miền Bắc, trong mùa Xuân máu lệ Mậu Thân, rồi ngậm ngùi chia tay kẻ ở người đi sau Tháng Tư Đen, để rồi mãi nhớ mãi thương nhìn về xứ Huế, nơi đất khách quê người!!!
Người lính Nhảy Dù chúng tôi lúc nào cũng coi Huế như quê huơng thứ hai cuả mình, và ngược lại, người dân xứ Huế cũng rất tin tưởng vào đoàn quân Mũ Đỏ chúng tôi.
Từ những vụ Phật Giáo xuống đường, đến biến cố Mậu thân, rồi Mùa Hè Đỏ Lửa , lúc nào nguời lính Nhảy Dù cũng sát cánh với người dân Huế trong suốt dòng lịch sử, bất chấp mọi hy sinh xương máu, để bảo vệ Cố Đô thân yêu, và đáp lại những gì người dân Huế dành cho họ.
Làm sao chúng tôi nở ngoảnh mặt làm ngơ khi người dân Huế đã trao hết niềm tin vào chúng tôi, khi họ reo mừng “Nhảy Dù đến rồi bà con ơi”, rồi cùng nhau gánh gồng theo sau lưng chúng tôi, kéo nhau quay trở về mãnh vườn của họ, trên đường chạy giặc.
Huế ! Huế ơi ! chim xa bầy thương cây nhớ cội, người xa người tội lắm người ơi ! cuộc đổi đời, dù đá nát vàng phai, nơi đất khách lạc loài, tôi vẫn nhớ mãi thương hoài về Huế !
Hai gia đình chúng tôi quen nhau từ sau buổi văn nghệ đặc biệt này, một con dân Huế và một người lính Nhảy Dù, cùng khóc, cùng chia sẻ nồi lòng cho Huế, trong ngày kỷ niệm “Mậu Thân 1968 – 50 Năm Mùa Xuân Máu Lệ”.
Rạng Nguyễn, mùa Đông Melbourne, 2020.