Tin thế giới chiều thứ Ba

Trung Quốc lại tập trận ở Bột Hải, Hoàng Hải

Quý Khải

Trung Quốc lại tập trận ở Bột Hải, Hoàng Hải
Ảnh chụp màn hình Youtube/Viet Pho TV

Đây là lần đầu tiên Hải quân Trung Quốc triển khai cùng lúc hai cuộc tập trận tàu sân bay trong bối cảnh căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington ngày càng gia tăng, theo SCMP.

Hàng không mẫu hạm đầu tiên của Trung Quốc, tàu Liêu Ninh, đã rời căn cứ ở thành phố phía đông Thanh Đảo và đang trên đường đến biển Hoàng Hải vào cuối tuần trước, tạp chí Modern Ships của nhà nước Trung Quốc đưa tin hôm thứ Bảy (5/9), trích dẫn các ảnh chụp vệ tinh.

Giới chức hàng hải ở thành phố Đại Liên phía đông bắc Trung Quốc hôm thứ Sáu (4/9) đã ban bố một khu vực cấm tàu bè dân sự ở Biển Bột Hải và khu vực phía bắc của biển Hoàng Hải trong vòng bảy ngày.

Chiến dịch tập trận của tàu Liêu Ninh nối tiếp thông báo cho biết tàu sân bay mới nhất của Trung Quốc, tàu Sơn Đông, đã rời cảng Đại Liên để đến tập trận ở Biển Bột Hải hồi tuần trước. Giới chức hàng hải đã đóng cửa một phần khu vực Biển Bột Hải, đối với tàu bè dân sự trong vòng ba tuần kể từ ngày 1/9 để tổ chức các “chiến dịch quân sự”.

Tuy hai hàng không mẫu hạm đang tiến hành các chiến dịch diễn tập độc lập, nhưng có suy đoán chúng có kế hoạch tiến hành tập trận chung bởi hai khu vực này chỉ cách nhau khoảng 300km.

Đây là lần đầu tiên hai tàu chiến tối tân của Trung Quốc tiến hành đồng thời các cuộc tập trận kể từ khi tàu Sơn Đông – tàu sân bay mới nhất của nước này đi vào hoạt động từ tháng 12 năm ngoái.

Các cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh quan hệ căng thẳng giữa hai bờ eo biển Trung Quốc và Đài Loan xấu đi, khi phái đoàn Cộng hòa Séc và Mỹ đang có chuyến thăm chính thức đến Đài Loan. Trung Quốc vẫn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình, và tuyên bố sẽ đưa hòn đảo này vào quyền kiểm soát, thậm chí bằng vũ lực nếu cần.

Cuộc tập trận cũng diễn ra trong bối cảnh đụng độ giữa Bắc Kinh và Washington trên nhiều mặt trận, bao gồm cả ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Các cuộc tập trận mới nhất của Trung Quốc nối tiếp một loạt cuộc tập trận cấp cao trước đó của nước này ở biển Hoàng Hải và Bột Hải trong những tuần gần đây.

Tháng trước, Trung Quốc đã bắn hai quả tên lửa – một tên lửa DF-26B từ phía tây bắc tỉnh Thanh Hải và một tên lửa DF-21D từ phía đông tỉnh Chiết Giang – vào khu vực giữa đảo Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp.

Tên lửa được phóng một ngày sau khi Trung Quốc cáo buộcmáy bay do thám U-2 của Mỹ đã tiến vào vùng cấm bay trong cuộc diễn tập hải quân bắn đạn thật của Trung Quốc ở Biển Bột Hải.

Cùng lúc, Hải quân Mỹ cũng đã thực hiện một loạt cuộc tập trận trong khu vực vào những tháng gần đây, bao gồm việc cử hai tàu sân bay đến Biển Đông diễn tập hồi tháng 7, song song với các cuộc tập trận của Trung Quốc.

Hồi tháng 7 Mỹ đã ra công bố phủ nhận gần như toàn bộ tất cả các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông, một động thái chắc chắn sẽ khiến Bắc Kinh nổi giận.

Sau đó, Mỹ đã tổ chức nhiều cuộc tập trận chung tại vùng biển Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương với 3 nước Ấn Độ, Australia và Nhật Bản, hợp thành nhóm “Bộ Tứ (Quad)” để răn đe Bắc Kinh. Cùng với nhóm 3 nước này, Mỹ hôm 1/9 đã lên tiếng về ý định thành lập một liên minh như NATO để đối phó Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Bệnh viện tại Berlin nói ông Navalny đã tỉnh và sức khỏe có cải thiện

  • Như Ngọc

Bệnh viện Charite tại Berlin, Đức hôm thứ Hai (7/9) cho biết chính trị gia đối lập người Nga Alexei Navalny đã không cần phải gây mê y tế và đã có phản ứng với âm thanh.

Theo hãng tin Reuters, Bệnh viện Charite nơi điều trị cho ông Navalny từ khi ông được chuyển bằng đường hàng không từ Nga tới Đức cuối tháng Tám, nói rằng điều kiện sức khỏe của chính trị gia 44 tuổi đã cải thiện và ông đang được cai dần thở máy.

Tuy nhiên, Bệnh viện Charite cũng cho biết: “Hiện vẫn còn quá sớm để đánh giá về những hệ quả tiềm tàng lâu dài từ việc bị trúng độc nặng này”.

Ông Navalny đổ bệnh hôm 20/8 sau khi uống một tách trà trên một chuyến bay nội địa từ Siberia về Moscow. Sau khi được cấp cứu tại thành phố Omsk, Siberia, ông Navalny đã được chuyển tới Đức để điều trị.

Các chuyên gia Đức nói rằng ông Navaly đã bị đầu độc bằng chất độc thần kinh Novichok. Đây cũng là chất độc được sử dụng trong vụ tấn công điệp viên hai mang người Nga Sergei Skripal và con gái ông khi hai người đang ở Anh Quốc năm 2018.

Theo hãng tin DW, Thủ tướng Đức Angela Merkel tuần trước đã xác nhận những phát hiện cho thấy “không còn nghi ngờ gì nữa” ông Navalny đã bị đầu độc bằng chất độc thần kinh thuộc nhóm Novichok. Bà nói nhà lãnh đạo đối lập người Nga là nạn nhân của “một vụ cố ý giết người bằng chất độc thần kinh” trong một phi vụ tấn công nhằm bịt miệng ông.

Phía Nga đã phủ nhận trách nhiệm về vụ tấn công này. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói rằng phía Đức chưa chia sẻ bất kỳ phát hiện nào của họ cho các công tố viên Nga.

Điện Kremlin cũng đã lên án những nỗ lực đổ lỗi vụ tấn công này cho Nga và gọi đó là “phi lý”.

Sự vụ liên quan tới ông Navalny đã đặt ra tương lai không chắc chắn cho dự án đường ống dẫn khí Nord Stream 2 Nga – Đức. Ngày càng nhiều chính trị gia kêu gọi Đức rút lại dự án này nếu Nga không hỗ trợ làm rõ tình huống xung quanh vụ đầu độc ông Navalny.

Phát ngôn viên của Thủ tướng Merkel hôm 7/9 cảnh báo rằng bà thủ tướng sẽ không loại trừ các hậu quả đối với dự án đường ống Nord Stream 2 trị giá hàng tỷ Euro nếu chính phủ Nga không điều tra vụ Navalny.

Sau khi có thông tin ông Navalny đã tỉnh lại, Ngoại trưởng Anh Quốc Dominic Raab bày tỏ rằng ông “nhẹ nhõm khi biết ông Alexei Navalny đã không còn phải gây mê y tế”.

Ông Raab cũng nói rằng chính phủ Anh Quốc đã triệu tập Đại sứ Nga tại London để “bày tỏ quan ngại sâu sắc” về vụ đầu độc.

Việc sử dụng một loại vũ khí hóa học đã bị cấm là hoàn toàn không thể chấp nhận được và Nga phải thực hiện một cuộc điều tra toàn diện, minh bạch”, ông Raab viết trên Twitter.

Như Ngọc

Apple, Samsung dịch chuyển sản xuất, Ấn Độ phất lên như “đại công xưởng mới”

  • Lý Tuyên

Thực tế tàn khốc trong đại dịch viêm phổi đã khiến các công ty lớn trên thế giới nhận ra, để đảm bảo an toàn, không có cách nào khác là tránh xa Trung Quốc và tìm một miền đất an lạc mới. Apple đã chuyển 8 nhà máy từ Trung Quốc sang Ấn Độ. Samsung cũng đã dịch chuyển dây chuyền sản xuất sang nước này. Bộ trưởng Bộ Điện tử và Công nghệ thông tin Ấn Độ Prasad tuyên bố, Ấn Độ đang nổi lên như một “đại công xưởng mới” và một nền kinh tế lớn trên thế giới, sẽ trở thành một lực lượng tích cực hỗ trợ cho nền kinh tế toàn cầu.

Nhà máy sản xuất điện thoại di động của Samsung tại Noida, Ấn Độ. (Ảnh: A4ASHISHMISHRA / Shutterstock).

Hãng truyền thông Ấn Độ Zee News đưa tin, ngày 6/9, tại bang Bihar, trong buổi tương tác với người Ấn Độ ở nước ngoài (non-resident Indian, NRI), Bộ trưởng Bộ Điện tử và Công nghệ thông tin Ấn Độ Prasad cho biết: “Ấn Độ hiện đang nổi lên như một trung tâm sản xuất lớn của thế giới. Hệ sinh thái kinh doanh quốc tế đã nhận ra yêu cầu cấp thiết phải thiết lập các nhà máy bên ngoài Trung Quốc .”

“Tôi vui mừng thông báo rằng, Apple đang dịch chuyển sản xuất sang Ấn Độ với quy mô lớn. Tám nhà máy đã chuyển từ Trung Quốc sang Ấn Độ. Samsung cũng đã đến và họ hy vọng sẽ mở rộng hơn nữa quy mô sản xuất”, ông Prasad cho biết thêm.

Tạp chí Fortune, Mỹ chỉ ra, do xung đột biên giới Trung – Ấn, các đảng phái chính trị và các nhóm công dân Ấn Độ đã phát động phong trào tẩy chay hàng hóa Trung Quốc. Các hãng điện thoại di động Trung Quốc như Huawei và Xiaomi tại thị trường Ấn Độ đã bị tẩy chay, khiến thị phần sản phẩm Trung Quốc tại nước này sụt giảm nghiêm trọng. Điều này đã thúc đẩy các thương hiệu điện thoại di động quốc tế mở rộng năng lực sản xuất tại Ấn Độ.

Không bỏ lỡ cơ hội tốt này, Samsung đã nhanh chóng thành công trong việc lấp đầy “khoảng trống” bị bỏ lại và trở thành thương hiệu điện thoại thông minh lớn thứ hai tại Ấn Độ. Hiện tại, Samsung có nhà máy sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới tại Noida, bang Uttar Pradesh. Tháng Tám vừa rồi, cũng có thông tin về việc Samsung đã quyết định mở rộng dây chuyền sản xuất tại Ấn Độ. Hãng này dự kiến ​​sẽ sản xuất điện thoại di động và các thiết bị khác trị giá ít nhất 40 tỷ USD trong 5 năm tới.

Ông Prasad cho biết: “Năm 2014, khi tôi mới nhậm chức, chỉ có hai nhà máy sản xuất điện thoại di động ở Ấn Độ, đến nay số lượng các nhà máy này đã vượt quá con số 250. Đồng thời, chúng tôi đã đưa ra tầm nhìn về ‘Atmanirbhar Bharat’ – một Ấn Độ tự lực và kiên cường, với cơ chế khuyến khích sản xuất và hoan nghênh các công ty đa quốc gia đến Ấn Độ. Điều này cũng thúc đẩy các công ty trong nước cạnh tranh.”

Năm 2019, Samsung đã hoàn toàn dừng sản xuất điện thoại di động ở Trung Quốc và chuyển dịch dây chuyền từ Huệ Châu, Trung Quốc sang Việt Nam. Động thái này đã gây ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế địa phương Huệ Châu.

Tháng 8/2020, Samsung đóng cửa nhà máy sản xuất máy vi tính cuối cùng ở Tô Châu, Trung Quốc và gần một nửa trong số 1.700 nhân viên của họ bị mất việc làm.

Ngày 7/9/2020, người phát ngôn của Samsung cho biết nhà máy TV Thiên Tân là nhà máy sản xuất TV cuối cùng ở Trung Quốc, sẽ bị đóng cửa vào cuối tháng Mười Một năm nay. Nhà máy này có 300 công nhân, theo kế hoạch sẽ giữ lại một số người và thiết bị. Trong một tuyên bố đưa ra trước đó, Samsung chỉ ra rằng quyết định đóng cửa nhà máy là “một phần của nỗ lực không ngừng nhằm nâng cao hiệu quả.”

Hiện nay, Samsung Trung Quốc chỉ còn lại các cơ sở sản xuất chip tại tỉnh Tô Châu, tỉnh Tây An, và các nhà máy sản xuất đồ gia dụng ở Tô Châu.

Ngày 4/9, tại Đài Loan, đại diện của Hoa Kỳ, Đài Loan, Liên minh châu Âu và Nhật Bản đã tổ chức một diễn đàn đặc biệt thảo luận về việc định hình lại chuỗi cung ứng quốc tế, liên kết các nền dân chủ “cùng chí hướng”, hình thành một chuỗi cung ứng toàn cầu mới và giảm bớt phụ thuộc vào Trung Quốc.

Diễn đàn nhấn mạnh, các đối tác được khuyến khích rút chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc đại lục, tìm các bên có quan niệm kinh tế tương tự để hợp tác, phát triển chuỗi cung ứng mới dựa trên các tiêu chuẩn và giá trị chung, để thiết lập một mạng lưới chuỗi cung ứng có thể ứng phó với khủng hoảng và không bị tác động bởi các yếu tố chính trị.

Lý Tuyên

Mỹ: Kêu gọi chặn hàng dệt may Trung Quốc nhập khẩu vì vấn đề Tân Cương

SCMP dẫn các nguồn tin từ ngành dệt may và từ cựu quan chức thương mại Nhà Trắng cho biết các tập đoàn may mặc của Mỹ đang mong đợi Tổng thống Trump ra quyết định chặn nhập khẩu các sản phẩm dệt may do Trung Quốc sản xuất với lý do chúng là sản phẩm của lao động cưỡng bức ở Tân Cương.

Hình ảnh một công xưởng dệt may tại tỉnh Giang Tây, Trung Quốc. (Ảnh: Shutterstock)

Nếu lệnh này được Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ (CBP) đưa ra – gọi là Lệnh ủy thác hay Lệnh hủy bỏ (Withhold Release Order – WRO), nó có khả năng ảnh hưởng đến hàng chục tỷ đô la hàng dệt may nhập khẩu của Hoa Kỳ có chứa bông, sợi hoặc vải được sản xuất tại Khu tự trị Tân Cương. 

WRO không phải là lệnh cấm nhập khẩu, nhưng hàng hóa bị áp dụng WRO sẽ được tái xuất hoặc tiêu hủy nếu CBP xác định chúng được sản xuất từ lao động cưỡng bức.

Việc cấm sử dụng bất kỳ sản phẩm bông nào từ Tân Cương trong hàng may mặc nhập khẩu vào Mỹ sẽ đánh dấu thêm một động thái leo thang của Mỹ để phản đối lao động cưỡng bức và các hành vi vi phạm nhân quyền khác ở Trung Quốc. Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã đưa gần 50 công ty Trung Quốc vào ‘Danh sách thực thể’ và cấm các công ty Hoa Kỳ kinh doanh với những công ty này mà không có giấy phép đặc biệt.

Quan hệ Mỹ – Trung đã xấu đi đáng kể trong năm qua với hàng loạt vấn đề, bao gồm việc Bắc Kinh xử lý giai đoạn đầu của đợt bùng phát dịch virus corona ở Vũ Hán, đến việc đàn áp người bất đồng ý kiến ở Hồng Kông và việc cưỡng bức lao động người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Trong báo cáo thường niên gần đây nhất về nạn buôn người, Bộ Ngoại giao Mỹ đã cáo buộc chính phủ Trung Quốc tham gia vào “lao động cưỡng bức trên diện rộng” thông qua việc giam giữ tùy tiện hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ, người Kazakhstan, người Kyrgyzstan và những người Hồi giáo khác tại khu tự trị Tân Cương.

Tờ Politico đã báo cáo vào tháng trước rằng chính quyền TT Trump đang cân nhắc xem có nên chính thức gán cho việc đàn áp tàn bạo của Trung Quốc đối với người Duy Ngô Nhĩ là “tội ác diệt chủng” hay không.

Khoảng 85% bông của Trung Quốc được trồng ở Tân Cương, theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ. Còn theo ước tính của liên minh các công đoàn và nhóm hoạt động, ước tính khoảng 1/5 tổng số quần áo cotton được bán trên thế giới có chứa bông hoặc sợi Tân Cương.

Mỹ đã nhập khẩu hàng dệt may từ Trung Quốc trị giá từ 40 đến 50 tỷ USD vào năm ngoái. Bông, sợi và vải từ Tân Cương cũng được chuyển qua các nước khác như Việt Nam, Indonesia, Campuchia, Bangladesh và Sri Lanka để may quần áo.

Các nhóm hoạt động cáo buộc rằng gần như toàn bộ ngành công nghiệp may mặc – bao gồm các thương hiệu như Adidas, H&M, Lacoste, Nike, Ralph Lauren và Zara – có liên quan đến việc sử dụng nguyên liệu từ lao động cưỡng bức trong khu vực. 

Đầu năm nay, một nhóm các nhà lập pháp lưỡng đảng ở cả Hạ viện và Thượng viện đã đưa ra luật yêu cầu các tập đoàn phải chứng minh bằng “bằng chứng rõ ràng và thuyết phục” rằng bất kỳ sản phẩm nào có nguồn gốc từ Tân Cương đều không được làm bằng lao động cưỡng bức trước khi chúng được phép nhập khẩu vào Hoa Kỳ.

Mặc dù cả hai viện đều không bỏ phiếu về biện pháp này, nhưng điều này cũng gây áp lực buộc TT Donald Trump phải hành động.

Ngoài ra, Liên đoàn Lao động và Đại hội các Tổ chức Công nghiệp Hoa Kỳ (AFL-CIO) và một số nhóm bảo vệ quyền lợi người Duy Ngô Nhĩ và chống chế độ nô lệ vào cuối tháng 8 đã chính thức yêu cầu CBP ban hành lệnh huỷ bỏ đối với bông và hàng hóa có chứa bông từ Tân Cương.

AFL-CIO và các nhóm khác cho biết hành động này là cần thiết để buộc Trung Quốc lựa chọn “giữa việc tiếp tục đàn áp người Duy Ngô Nhĩ hoặc đối mặt với việc mất hàng tỷ đô la trong các hợp đồng kinh doanh và đầu tư từ các công ty Hoa Kỳ và những công ty khác.”

Tuy vậy, việc lập chính sách liên quan đến hàng chục tỷ đô la nhập khẩu sẽ buộc CBP phải cân nhắc kỹ càng.

Tom Cliff, giáo sư về Nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Quốc gia Úc nhận định rằng Trung Quốc có thể trả đũa lệnh cấm khi nước này là nhà nhập khẩu bông lớn của Mỹ.

Dữ liệu thương mại từ Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ cho thấy xuất khẩu liên quan đến bông sang Trung Quốc tăng 62% trong bảy tháng đầu năm và 206% chỉ trong tháng Bảy.

David Birnbaum, một nhà tư vấn trong ngành may mặc châu Á, cho biết: “Tôi nghĩ đôi khi mọi người quên rằng Trung Quốc là nhà nhập khẩu bông lớn nhất thế giới. Nếu Mỹ đưa ra lệnh cấm hoàn toàn [đối với các sản phẩm dệt may của Trung Quốc], Trung Quốc chắc chắn sẽ trả đũa ngay lập tức và có thể ngừng mua bông của Mỹ, đó sẽ là một kết quả khủng khiếp.”

Xuân Lan (theo SCMP)

Related posts