Phạm Đức Đồng Hùng
Chỉ hai ngày sau khi buông lời tán tỉnh nhưng bị cự tuyệt, Trung Cộng đã tỏ ngay thái độ của kẻ xấu tính keo kiệt. Đó là quyết định của Tổng cục Quan thuế ngày 28.8.2020, cấm cửa sản phẩm công ty thịt bò John Dee.
Theo giới bình luận thì có thể nhìn ra hai ý nghĩa ở diễn biến này. Thứ nhất là từ phía Trung Cộng: nước này muốn sử dụng Úc như một thí dụ, một tấm gương với hàng loạt quốc gia khác.
Thứ hai là từ Úc: sở dĩ chính phủ Morrison không lay chuyển trước những ve vãn hay sự dọa nạt của Trung Cộng bằng tầm nhìn xa, dựa trên quyền lợi quốc gia và chủ quyền lâu dài. Vì lẽ nếu tiếp tục nhượng bộ theo mối lợi của những lô hàng thịt bò hay rượu vang, Trung Cộng sẽ càng làm tới, như bao nhiêu năm nay với cung cách được đằng chân, lấn đằng đầu.
Trung Quốc tán tỉnh
Trò ve vãn này trên diễn ra ngày 26.8.2020 tại Câu lạc bộ báo chí quốc gia với bài nói chuyện được xem là “bất thường” của Phó Đại sứ Trung Cộng Vương Tây Ninh (Wang Xining), một hành động mà giới bình luận gọi là “charm offensive”, tức hành vi tán tỉnh, gây cảm tình.
Trong bài nói chuyện Ninh khẳng định rằng Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Úc; rằng từng người, từng người dân Trung Quốc đều cảm thấy thương tổn khi Úc kêu gọi phải điều tra nguồn gốc của dịch Covid-19; rằng “đừng để những trái tim lạnh giá và những ý đồ đen tối che mờ quan hệ giữa hai nước”. Ninh thậm chí còn so sánh trục trặc trong quan hệ Úc – Trung như là chuyện vợ chồng lục đục: “Trong khi rạn nứt giữa chồng và vợ làm thuong tổn một gia đình thì rạn nứt giữa hai nước làm thương tổn hàng triệu người”.
Ninh đã quay ngoặt 180 độ và làm như thể không hề có với những lời chửi bới thậm tệ và, có thể nói là “vô học” trên báo chí nhà nước Trung Cộng chỉ mới mấy tuần trước, thí dụ như cho rằng nước Úc đang “nhai bã kẹo cao su dính trên gót giày chúng ta”.
Rõ ràng, Trung Cộng đang chơi trò “tháu cáy” với Úc, phát tín hiệu để thay đổi tình hình theo chiều hướng “hai bên cùng có lợi”, trong đó Trung Cộng lợi về cả thương mại lẫn chính trị, còn Úc thì lợi về thương mại nhưng thiệt hại nặng về chính trị.
Nếu quả thực quan hệ giữa hai nước Úc – Trung là một cuộc hôn nhân, đó chắn chắn là một cuộc hôn nhân một chiều, hôn nhân không bền vững trong đó người này phải hoàn toàn phục tùng, không được làm trái lòng người kia, bằng không sẽ đối mặt với sự trừng phạt và ghẻ lạnh.
Và đó là những gì Úc đang bị đối xử. Trong suốt hơn ba tháng qua, kể từ khi Úc kêu gọi hãy điều tra nguồn gốc đại dịch Covid-19 thì, bên cạnh những đòn phạt thương mại liên tiếp, giới lãnh đạo Bắc Kinh đã liên tiếp từ chối, không thèm trao đổi với Úc. Từ Thủ tướng Scott Morrison đến Ngoại trưởng Marise Payne hay Tổng trưởng Thương Mại Simon Birmingham, không ai có thể liên lạc, trao đổi với những người tương nhiệm Trung Quốc.
Rõ ràng, nỗ lực khai thông nói trên phải xuất phát từ cấp cao nhất. Nhưng vượt qua tình trạng bế tắc như thế thì Trung Cộng cần phải đưa ra một quan chức tầm cỡ hơn để mở lời, ít ra là cỡ Bộ trưởng Ngoại giao. Đằng này Trung Cộng cũng không thèm cử đại sứ, chỉ là một anh phó đại sứ làng nhàng.
Như vậy Trung Cộng đang hành xử với cung cách bề trên: ta đang nắm mọi quân bài trong ta, hoặc theo ta, hoặc sẽ bị ta vùi dập, không còn đường sống. Và với cung cách ấy, Trung Cộng cho thấy nó vẫn không thay đổi: muốn làm ăn với nó thì phải giả câm, giả điếc và giả đui, hoàn toàn không được phép đá động trước những gì nó làm tại Hồng Kông, tại Biển Đông, tại Tân Cương v.v.
Vô tình hay cố ý, chỉ một ngày sau (27.7.2020) chính quyền Úc công bố một tu chính mới với đạo luật can thiệp nước ngoài, theo đó Bộ trưởng Ngoại giao Úc có quyền phủ quyết bất cứ thỏa thuận mà một chính phủ tiểu bang hay một chính quyền địa phương hoặc các đại học Úc đã ký với nước ngoài, nếu xét thấy chúng đi ngược với quyền lợi quốc gia.
Thế là chỉ một ngày sau, Trung Quốc đưa thêm một công ty xuất cảng thịt bò của Úc vào danh sách cấm vận với lý do an toàn sức khỏe!
Nhận thức mới của Úc
Giới lãnh đạo Úc đã nhận ra rằng đã đến lúc phải thay đổi chiến lược trong quan hệ ngoại giao với Trung Cộng để hướng tới một cái đích xa hơn, đạt tới một cân bằng bền vững hơn. Úc không thể cong lưng theo những mối lợi trước mắt, chấp nhận nhượng bộ tưng chút, từng chút để rồi đến một lúc nào đó nhìn lại mới thấy mình đã đầu hàng quá nhiều.
Và đó chính là tính chất của mối quan hệ với Trung Cộng từ nhiều thập niên qua. Càng gặt hái lợi nhuận từ việc xuất cảng tài nguyên sang Trung Cộng bao nhiêu, Úc càng phải giữ mồm giữ miệng trước những hành vi dẫm lên con người, dẫm lên công pháp quốc tế của Trung Cộng bấy nhiêu, thậm chí còn phải mắt nhắm mắt mở trước những hành vi xâm phạm chủ quyền Úc, ngay trên lãnh thổ Úc, càng ngày càng trắng trợn.
Trong khi đó thì viễn tượng về sự mất ổn định khu vực Ấn Độ Dương – Thái Dương này trở nên rõ nét hơn và nó sẽ gây hại cho sự thịnh vượng của Úc rất nhiều lần so với mối lợi thương mại mà Trung Cộng mang lại. Mà thực tế đang rành rành ra trước mắt: bao nhiêu thành tựu kinh tế gầy dựng từ những năm qua đã đổ sập trong phút chốc chỉ vì trò bưng bít của Trung Cộng với coronavirus!
Trên thực tế, Trung Cộng đã có thể tự tin và quyết đoán hơn từ sự im lặng hay chỉ lên tiếng chiếu lệ đó. Thành công trong bàn tay đàn áp ở Tây Tạng khiến nó hung hăng hơn ở Tân Cương với người Duy Ngô Nhĩ, rồi thành công với người Duy Ngô Nhĩ khiến nó táo tợn hơn ở Hồng Kông, nơi hiện có 100,000 công dân Úc sinh sống và làm việc.
Úc cảm thấy không thể “nhịn” thêm.
Nhưng rõ ràng là Úc và cả Trung Cộng đều không muốn đóng băng ngoại giao. Trong thời gian qua các giới chức ngoại giao chuyên nghiệp giữa hai nước vẫn tiếp tục đàm phán, trong đó Trung Quốc đã bắn tín hiệu là nếu muốn tái tục quan hệ ngoại giao như trước, Úc phải im mồm trước hai vấn đề nêu trên.
Trung Cộng muốn sử dụng Úc như một thứ thuốc thử màu: Úc là nước đầu tiên cấm Huawei, Úc là nước đầu tiên áp dụng luật cấm can thiệp nước ngoài và đang xem xét việc ngăn chặn đầu tư nước ngoài trong những dự án hạ tầng thiết yếu của quốc gia. Nếu “cải tạo” được Úc, Trung Cộng có thể xỏ mũi thêm nhiều quốc gia khác.
Nhưng Úc lại tỏ ra quyết đoán hơn với “quyền” của mình: phải cứng rắn hơn trong vấn đề Hồng Kông và Biển Đông, trước khi quá trễ. Úc cương quyết có quyền bảo vệ chủ quyền của mình trước sự can thiệp nước ngoài và quyền minh bạch hóa điều này. Úc cũng khẳng định quyền lên tiếng về những vấn đề quốc tế ở đó nhân phẩm con người và lề luật quốc tế bị chà đạp.
Nỗ lực “khai thông bế tắc” theo ý đồ của Trung Cộng lại bị… bế tắc.
Thách thức của Trung Cộng
Như đã nói ở trên, Trung Cộng hành xử với cung cách bề trên, với niềm tin rằng nó nắm mọi quân bài trong tay, theo nó thì sẽ gặt hái lợi lộc, không theo nó thì bị hại toàn phần!
Nhưng hiện trạng của Trung Cộng là gì? Có bốn điểm nổi bật ở đây!
Thứ nhất, trận lụt lịch sử đang diễn ra và những mối lo sợ quanh đập Tam Hiệp cho thấy những mối lo lớn hơn về hệ thống hạ tầng cùng vấn đề an ninh lương thực.
Thứ hai, việc Mỹ liên tiếp phá vỡ các gián điệp kỹ thuật Trung Cộng, việc Trung Cộng làm đủ cách để thâm nhập và lạm dụng các đại học Úc cho thấy nó chủ yếu bám vào trò ăn cắp, hoàn toàn thiếu tự tin về khả năng để cải tổ, nghiên cứu và ứng dụng của mình.
Thứ ba, thì hàng chục tỷ đầu tư vào Biển Đông đã không mang lại sức mạnh quân sự mong muốn.
Thứ tư, như Tập Cận Bình đã cảnh cáo, Trung Cộng hiện đang đối mặt với một nguy cơ bất ổn lâu dài.
Điểm thứ nhất thì tin tức đã nói nhiều rồi, còn điểm thứ hai thì có thể thấy ở sự trầy trật của một “dự án thoát Trung” ở Vũ Hán, cho thấy còn lâu Trung Quốc mới có thể đạt đến giấc tự chủ về sản phẩm bán dẫn, không phụ thuộc vào Mỹ.
Dở dang bán dẫn
Thông thường, về mặt điện học thì vật chất được chia làm hai loại là “dẫn điện” và “không dẫn điện”, thế nhưng có một lại vật chất thứ ba là “dẫn một nữa” tức “bán dẫn” (Semiconductor), ưng ụng đầu tiên vào năm 1959 và nay trở thành vật liệu không thể thiếu được trong mọi sản phẩm điện tử.
Tháng Năm năm 2015 Trung Cộng đưa ra chiến lược “Made in China 2025”, trong đó quả quyết là đến cuối 2020 sẽ tự sản xuất 40% nhu cầu sản phẩm bán dẫn trong nước, và sẽ đạt 70% đến năm 2025. Nhưng hiện Trung Cộng chỉ cung ứng 9% nhu cầu chất bán dẫn cho những sản phẩm điện tử dân dụng, những vật liệu bán dẫn cao cấp dùng cho các hệ thống điện toán lớn hay siêu bền, siêu nhạy cho ác hệ thống vũ khí thì phải nhập, trong đó hơn 50% nhập từ Mỹ.
Giữa năm 2018, Mỹ ra luật cấm các công ty ở Mỹ cung cấp sản phẩm điện tử cho Huawei và một số hãng khác của Trung Quốc nhưng không gây tác động mạnh. Tháng 5.2020, Mỹ nới rộng lệnh cấm đến tất cả các công ty khác trên thế giới đang sử dụng công cụ, thiết bị hoặc bản quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ” muốn mua sản phẩm của Mỹ thì nghỉ chơi với Trung Cộng.
Nghĩa là Trung Cộng đang bị bao vây toàn diện.
Bị Mỹ bắt chẹt, Trung Cộng đang cố phát triển ngành sản xuất chip nội. Cuối tháng Bảy Trung Cộng thông báo giảm thuế trong vòng 10 năm cho công ty nào sản xuất được chip kích thước từ 28 nm trở xuống, mở rộng ưu đãi thuế cho toàn bộ chuỗi cung ứng sản phẩm bán dẫn (từ thiết kế đến đóng gói).
Tuy vậy nỗ lực này vẫn không đi tới đâu qua câu chuyện công ty chế tạo bán dẫn Hoằng Tâm (HSMC) với kế hoạch đầu tư 20 tỷ USD nhằm biến Vũ Hán thành trung tâm sản xuất chip. Vì thiếu kinh phí, hai năm nay công trình này dựng vẫn ngổn ngang với vài cần cẩu, khu nhà ở tạm cho công nhân và khung thép.
Đây là ví dụ mới nhất cho việc quy hoạch kém và thiếu vốn yếu.
Theo kế hoạch, nhà máy của HSMC giai đoạn 1 phải hoàn thành cơ sở sản xuất chính cùng tòa nhà nghiên cứu& phát triển (R&D), hiện tại công trình này chỉ hoàn thành một phần và đang thiếu vốn.
Căng thẳng về vốn nảy sinh hiện từ năm ngoái, khi một tòa án ở Vũ Hán đình chỉ xây dựng 3 năm với 220,000 mét xuông nhà xưởng, nhà thầu xây dựng khiếu nại HSMC vì không thanh toán tiền công. Giới chức địa phương đã đầu tư đến 200 triệu tệ (29 triệu USD) cho nhà máy, tuy vậy phía công ty mẹ lại không thực hiện cam kết đầu tư 1.8 tỷ tệ (261 triệu USD).
Theo tờ the South China Morning post thì hiện tại công trường hoàn toàn vắng lặng.
“Hàng không mẫu hạm” không thể đáp máy bay
Trung Cộng đã xây dựng ba phi trường tại quần đảo Trường Sa và quảng bá đó như là ba “hàng không mẫu hạm không thể đánh chìm” tuy nhiên sau bốn năm nó vẫn không thể nào đưa chiến đấu cơ hạ cánh xuống đến đây. Theo giới phân tích thìcấu trúc của các đảo nhân tạo không đạt tiêu chuẩn tối thiểu khiến Không Quân Trung Quốc lo sợ, không dám sử dụng.
Theo cách làm thông thường, đất bồi đắp phải được để yên hàng tháng, thậm chí hàng năm để đất cát lắng đọng và bồi tụ ổn định trước khi xây cất bên trên, nếu không thì sẽ có nguy cơ sụt lún. Các đảo nhân tạo này chỉ làm gấp rút trong hai năm.
Ngoài ra lỗi cấu trúc này còn có thể nặng thêm với tình trạng tham nhũng và rút ruột công trình.
Thời kỳ bất ổn” và mô hình Mỹ
Theo Tân Hoa Xã thì Tập Cận Bình đã chủ trì cuộc họp các cố vấn chính trị và kinh tế hàng đầu vào ngày 25.8.2020 nhằm xác địch hướng đi cho kế hoạch 5 năm lần thứ 14, dự tính sẽ công bố tại cuộc họp hàng năm của Quốc hội Trung Quốc vào năm tới.
Tại đây Bình đã lên tiếng cảnh cáo rằng nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với một “thời kỳ bất ổn” do sự gia tăng từ những “rủi ro ở các thị trường bên ngoài”. Cũng theo Bình thì trong tương lai thị trường trong nước phải “chi phối chu kỳ kinh tế quốc gia” trong khi vẫn tiếp tục mở cửa nền kinh tế.
Điều này cho thấy Trung Quốc muốn phát triển theo mô hình của Mỹ là xây dựng kinh tế dựa vào thị trường nội địa, giảm sự phụ thuộc vào bên ngoài.
Ngày 29.7.2020, chỉ một ngày trước cuộc họp Bộ Chính trị, Bình đã có cuộc gặp với các lãnh đạo công ty lớn và nói rằng “chúng ta cần đặt ưu tiên cao nhất cho thị trường nội địa có quy mô siêu lớn” trong bối cảnh xu hướng bảo hộ đang gia tăng và kèm theo đó là triển vọng kinh tế toàn cầu tiếp tục suy giảm.
Rõ ràng Bình muốn giảm sự phụ thuộc vào các nước phương Tây, cũng tương tự như việc các nước này muốn giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Nhưng chiến lược này đang gây tranh cãi.
Trung Cộng hiện đang đói tài nguyên và thành tựu kinh tế những năm qua là nhờ hai gọng kìm, thứ nhất là “bỏ công làm lời”, nhập cảng nguyên liệu về làm thành sản phẩm rồi xuất cảng; thứ hai là ăn cắp kỹ thuật.
Muốn có một thì trường nội địa vững mạnh thì phải có một tầng lớp xã hội đông đảo với túi tiền đầy ắp. Khi túi tiền này đang bị đe đọa vì thị trường nước ngoài đang gặp khó khăn vì thương chiến và các chính sách thù địch, thị trường nội địa khó mà phát triển.
Tóm lại, Trung Quốc chưa phải là con hổ mọc cánh như những thành phần diều hâu và dân túy nước này hùng hổ. Sẽ đến lúc nước này nghĩ rằng nó cần đến Úc cũng như Úc đang cần đến nó.
Nghĩa là ông Morrison và ông Bình đang tháu cáy nhau trong một ván bài xì phé!