Trung Cộng tiếp tục đánh những đòn chí tử vào hàng xuất cảng từ Úc. Sau khi điều tra về nhãn dán trên thịt bò, đánh thuế lúa mạch, gần đây Trung Cộng tung cước đá vào những chai rượu Úc. Và mới nhất: Trung Cộng đã ngưng mua lúa mạch từ Úc.
Đánh vào một thứ hàng hoá rồi từ từ đánh sang thứ khác là chiến thuật Trung Cộng đang dùng để làm cho nông gia và công ty xuất cảng của Úc lúc nào cũng lo sợ. Hôm nay ‘nó’ đánh thịt bò, mai ‘nó’ đánh lúa mạch. Thế là ai cũng sờ gáy e rằng nồi cơm bị bể.
Làm thế, Trung Cộng gây áp lực lên chính phủ Úc. Chính phủ Úc đặt câu hỏi về trùng trùng trại giam người Ngô Duy Nhĩ ư? Coi chừng nông gia trồng lúa mạch ở Nam Úc và Tây Úc nổi loạn à nghe. Úc đưa chiến hạm vào Biển Đông để chứng tỏ quyền tự do hàng hải ư? Coi chừng hai tiểu bang Queensland và NSW — nơi có năm hãng đóng gói thịt bò bán cho Trung Cộng — cự, à nghe….
Trung Cộng không gởi ‘công hàm’ hay cho phát ngôn viên bộ ngoại giao ‘quan ngại’ này nọ. Họ chỉ đánh vào những mối lợi Úc đang hưởng nhờ xuất cảng. Sau thịt bò, lúa mạch và rượu – dường như Trung Cộng sẽ kiếm chuyện để không gởi sinh viên qua Úc du học. Được biết: giáo dục mang về cho Úc mỗi năm $28 tỷ Đô La. Số tiền này chỉ thua tiền xuất cảng quặng mỏ và than đá.
Một mặt bắn sẻ vào vài ba món hàng xuất cảng của Úc; Mặc khác, Trung Cộng nắn gân chính sách ngoại giao của Úc bằng cách ‘chộp’ một hai con tin. Chộp con tin là trò của dân khủng bố (và cũng là trò của Cộng Sản, gồm có Cộng Sản Tàu và Cộng Sản Việt).
Từ khi bang giao Úc-Trung không còn mặn mà, bộ ngoại giao Úc đã lên tiếng cảnh cáo người mang quốc tịch Úc chẳng đặng đừng mới đi Trung Cộng. Nếu phải đặt chân lên thiên đường này thì coi chừng bị chộp. Úc đã thấy Bắc Kinh chộp công dân Canada để trả đủa sau khi bà Mạnh Vãn Châu (giám đốc tài chính cho Huawei) bị bắt. Nói như thánh! Trung Cộng đã chộp một công dân Úc đang bỏ lại hai con nhỏ ở Melbourne. Đây là một phụ nữ sinh tại Trung Cộng, có tên rặc Trung Hoa ‘Chen Lei, Trình Lôi’, nói tiếng Anh giọng đặc sệt Vegemite Úc, có quốc tịch Úc và làm việc cho cái loa Global Television Network do đảng Cộng sản Trung Hoa kiểm soát.
Gần đây, bang giao Úc và Trung Cộng mỗi lúc một xấu đi vì hai bên có quá nhiều khác biệt. Vào thứ Tư tuần này, bà ngoại Marise Payne đã ra trước ủy ban đối ngoại tại quốc hội liên bang Úc. Trong phiên tường trình này, bộ ngoại giao Úc cho biết: Úc và Trung Cộng vốn đã có nhiều khác biệt. Khi xảy ra đại dịch Corona thì những khác biệt này càng sâu đậm hơn. Theo nhận xét của bà ngoại Úc: khi con Corona hoành hành thì các đường dây buôn bán và cung cấp hàng hoá trên thế giới bị đứt đoạn, nước nào cũng đóng chặt biên giới và ra nhiều biện pháp ngặt nghèo đối với người dân trong nước. Ở nước tự do đã vậy, huống chi nước độc tài Cộng Sản.
Úc đang tự cô lập và ra nhiều biện pháp ngặt nghèo. Hãy nhìn vào lệnh giới nghiêm và kiểm soát đi lại của người dân ở tiểu bang Victoria. Chuyện đã xảy ra ở Vũ Hán trong những ngày đầu đại dịch như thế nào thì cũng đang xảy ra như thế ở thành phố Melbourne ‘đáng sống’ bậc nhất nhì thế giới. Nếu Trung Cộng từng bước dí hàng xuất cảng của Úc thì Úc bắt đầu xét lại tất cả thoả hiệp lớn nhỏ với … nước lạ. Quốc hội liên bang sẽ ra luật cho phép chính phủ trung ương xét lại hơn 130 cái bắt tay giữa Úc với các nước khác. Đi đầu có thể là ‘bảng ghi nhớ’ giữa Victoria với Bắc Kinh về sáng kiến Nhất Đái Nhất Lộ. Kế tiếp có thể xét lại thoả thuận cho Trung Cộng thuê hải cảng Darwin 99 năm! Chí đến, những cái bắt tay ‘kết nghĩa’ giữa thành phố, thị trấn hay thôn ấp Úc – Trung Cộng cũng bị đưa lên bàn mổ.
Dự luật xét lại này làm cho ai chống Trung Cộng có thể hả dạ, nhưng khiến cho Bắc Kinh lên cơn điên. Cái loa Hoà Cầu Thời Báo (Global Times) la làng: Úc đã mù quáng ăn phải bã đế quốc Mỹ mà ‘bổng dưng uýnh Trung Cộng trong bối cảnh đang làm ăn bình thường…’ Cái loa này đe doạ ‘trong chục năm qua, Trung Cộng đã từng làm bạn hàng lớn nhất của Úc nên Úc khó kiếm được nước khác thế vào chỗ này. Nếu Úc thấy buôn bán lớn với Trung Cộng và các cuộc kết nghĩa trong nhiều lãnh vực khác (như nghiên cứu khoa học chẳng hạn) chỉ tổ gây thêm gánh nặng cho Úc thì Úc sẽ lãnh đủ những hậu quả vô lường’.
Đã có những lúc thế giới phân chia rành mạch giữa Tự Do và Cộng Sản. Hai bên như nước với lửa. Sau đó, Tự Do bắt tay với Cộng Sản vì tưởng khi Cộng Sản giàu lên thì bỏ đảng mà chạy qua Tự Do. Nhưng Cộng Sản giàu không những không bỏ đảng mà còn lăm le xuất cảng nghèo đói qua nước Tự Do. Hình như Úc bắt đầu thấy được như thế, nên thà ‘lãnh đủ những hậu quả vô lường’ như Trung Cộng doạ — còn hơn bán hết thứ này sang thứ khác cho họ để cuối cùng bị họ khống chế.
Việt Luận