Nhật hiện có thể tấn công mục tiêu đất liền ở Hoa lục
Nhiều tháng trước khi tuyên bố từ chức, Thủ tướng Shinzo Abe đã đưa ra một thay đổi chính sách, lần đầu tiên cho phép quân đội Nhật Bản lên kế hoạch tấn công các mục tiêu đất liền ở Trung Quốc và các khu vực khác của châu Á, theo Reuters.
Nếu được chính phủ tiếp theo thông qua, chính sách này sẽ đánh dấu một trong những thay đổi quan trọng nhất trong lập trường quân sự của Nhật Bản kể từ khi Thế chiến II kết thúc. Động thái này thể hiện nỗ lực lâu dài của ông Abe trong việc thúc đẩy một lực lượng quân đội mạnh mẽ hơn và thể hiện mối lo ngại sâu sắc của Tokyo về sức ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.
Chính phủ Nhật Bản đang quan ngại trước các hoạt động quân sự gia tăng của Trung Quốc xung quanh các đảo nhỏ đang tranh chấp ở Biển Hoa Đông.
Nhà hoạt động Hồng Kông cảm ơn thị trưởng Séc
Honcques Laus, một nhà hoạt động Hồng Kông, cựu thành viên nhóm Studentlocalism, đã đăng một bức thư hôm 5/9 bày tỏ sự cảm ơn tới thị trưởng Prague là ông Pavel Novotny, vì ông đã viết một bức thư chỉ trích gay gắt các quan chức ĐCSTQ là “những tên hề thô lỗ” sau khi họ đưa ra những lời đe dọa đối với các nhà lãnh đạo Séc tới thăm Đài Loan, theo Taiwan News.
Phản hồi trước chuyến thăm của Chủ tịch Thượng viện Séc Milos Vystrcil và phái đoàn 89 thành viên tới Đài Loan vào tuần trước, Ủy viên Quốc vụ viện kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị ngày 31/8 tuyên bố: “Chính phủ và nhân dân Trung Quốc sẽ không khách sáo hoặc ngồi yên và sẽ khiến ông ta (Vystrcil) trả giá đắt cho hành vi thiển cận và chủ nghĩa cơ hội chính trị của mình”.
“Cùng ngày, ông Novotny đăng trên trang Facebook của mình một bức thư gửi ông Vương bày tỏ sự bất bình của bản thân ông. Trong thư, ông Novotny chỉ trích ông Vương vì đã “vượt qua ranh giới” các chuẩn mực ngoại giao khi đe dọa chủ tịch Thượng viện Séc và cư xử như “những tên hề thô lỗ, vô lễ”.
Trong thư cảm ơn, anh Laus cũng cho biết, đã 37 ngày trôi qua kể từ khi cảnh sát Hồng Kông phát lệnh bắt giữ anh với cáo buộc vi phạm Luật an ninh Quốc gia hà khắc mà Trung Quốc áp cho đặc khu.
Ông Pompeo: Khả năng cao Nga đứng sau vụ đầu độc Navalny
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo cho biết có “nhiều khả năng” chính phủ Nga phải chịu trách nhiệm về vụ đầu độc nhà lãnh đạo đối lập Navalny hồi tháng 8, theo Dailycaller.
Ông Pompeo gần như khẳng định trách nhiệm của Nga về vụ việc trong cuộc phỏng vấn với nhà bình luận bảo thủ Ben Shapiro hôm thứ Tư, theo bản ghi của Bộ Ngoại giao về cuộc phỏng vấn. Alexei Navalny, một nhà phê bình nổi tiếng và là đối thủ của Tổng thống Nga Putin, đã ngã bệnh sau khi được cho là uống trà bị bỏ độc hôm 20/8.
Thiết bị không người lái: Vũ khí đột phá mới của Hải quân Mỹ đối đầu Trung Quốc trên Biển Đông
Hải quân Mỹ sẽ triển khai các máy bay không người lái hoạt động trên không, dưới nước và trên mặt nước vào năm 2021, tích hợp công nghệ không người lái vào các tình huống chiến đấu. Hải quân Mỹ đã nhấn mạnh tầm quan trọng của hệ thống không người lái đối với các hoạt động hàng hải trong trường hợp nổ ra xung đột với Trung Quốc, theo tờ EurAsia ngày 11/9.
“Chúng tôi đang chạy đua để có thể vận hành hệ thống chiến hạm đặt trọng tâm vào máy bay không người lái trong đầu năm 2021”, Chuẩn đô đốc Robert Gaucher, giám đốc trụ sở hàng hải của Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ tại triển lãm quốc phòng thường niên của Hiệp hội Hệ thống Phương tiện Không người lái Quốc tế cho biết.
“Nó sẽ … hoạt động trên mặt biển, trên không và dưới biển khi chúng tôi mô phỏng cách chúng tôi phối hợp với [Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương Hoa Kỳ], sử dụng thử nghiệm để thúc đẩy khả năng tiêu diệt mục tiêu”, ông nói.
Đô đốc Gaucher nói thêm rằng Hải quân Mỹ thường xuyên tiến hành các cuộc tập trận hải quân – để kiểm tra việc triển khai lực lượng cho hoạt động tác chiến cao cấp – ở khu vực Thái Bình Dương và Đại Tây Dương, vốn thường được thực hiện bởi các nhóm tấn công tàu sân bay. Việc kết hợp các công nghệ máy bay không người lái mới vào tác chiến chiến hạm sẽ là một sự thay đổi lớn, và Hải quân có kế hoạch đầu tư hàng tỷ Mỹ kim vào các hệ thống không người lái mới.
Hải quân muốn có 2 tỷ Mỹ kim để đóng 10 tàu chiến mặt nước tự hành cỡ lớn trong vòng 5 năm tới. Tuy nhiên, Nghị viện Mỹ đã đưa ra một số chất vấn về vấn đề này và thậm chí đã chuyển sang ngăn chặn Hải quân mua các tàu chiến tự hành cỡ lớn.
“Tôi muốn có thể đưa một tàu chiến tự hành (không người lái) vào bên trong các khu vực cấm của kẻ địch. Nếu tôi mất con tàu này, tôi sẽ mất một con tàu ít tốn kém hơn, và không mất đi bất kỳ quân nhân nào, và tôi vẫn có thể tạo ra một tình huống có lợi – tôi có thể nhử đối phương khai hỏa và tôi sẽ biết được họ ở đâu … tôi sẽ triệt tiêu đạn dược của đối phương [nhờ con tàu này] hoặc tôi sẽ bắn trả vài phát trước khi mất nó”, ông Gaucher nói.
Hải quân đã chậm triển khai các hệ thống không người lái và đang dần thử nghiệm các khả năng. Trước đó họ đã tiến hành thử nghiệm các hệ thống không người lái. Giống như năm ngoái, họ đã chạy thử một con tàu tự hành dài 40 m, tàu Sea Hunter, hành trình khứ hồi từ San Diego đến Hawaii.
Nó đã trở thành con tàu đầu tiên tự động điều hướng thành công từ San Diego đến Trân Châu Cảng (Hawaii) và quay trở lại mà không có một thành viên nào trên tàu. Ông Gerry Fasano, Chủ tịch Tập đoàn Quốc phòng Leidos cho biết: “Chương trình Sea Hunter đang dẫn đầu thế giới về thiết kế và sản xuất tàu hải quân không người lái và hoàn toàn tự động”.
“Nhiệm vụ tầm xa gần đây là loại đầu tiên thuộc loại này và đã chứng minh cho Hải quân Mỹ thấy rằng công nghệ tự hành đã sẵn sàng chuyển từ giai đoạn phát triển và thử nghiệm sang thử nghiệm nhiệm vụ cấp cao”.
Ông Gaucher cho biết Hải quân vẫn đang trong giai đoạn lập kế hoạch cho việc diễn tập hạm đội chiến đấu không người lái của họ, nhưng cuộc diễn tập này có khả năng bao hàm việc tích hợp các cảm biến và các tên lửa mang đầu đạn.
Mỹ và Trung Quốc đang đối đầu trên Biển Đông. Mỹ đã điều tàu chiến và tàu sân bay vào Biển Đông với tần suất ngày càng tăng, ngay cả khi Hải quân Mỹ đang phải vật lộn để đối phó với nhiều đợt bùng phát COVID-19.
Trung Quốc cũng báo cáo đã tiến hành nhiều cuộc tập trận với các tàu chiến của Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân nước này.
Theo EurAsian Times
Hương Thảo biên dịch
Ấn – Nhật ký hiệp ước quân sự khi căng thẳng Trung Quốc gia tăng
Nhật Bản và Ấn Độ đã ký kết một hiệp ước quân sự cho phép họ trao đổi nguồn cung và hỗ trợ hậu cần trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc ngày càng leo thang, theo Taiwan News ngày 11/9.
Theo tờ Hindustan Times, Thỏa thuận mua lại và phục vụ chéo (ACSA) giữa các lực lượng vũ trang Ấn Độ và Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đã được ký kết giữa Đại sứ Nhật Bản Satoshi Suzuki và Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Ajay Kumar tại New Delhi hôm thứ Tư (9/9). Hiệp ước sẽ cho phép quân đội hai nước tiếp cận các căn cứ của nhau để tiếp tế và dịch vụ trong quá trình huấn luyện song phương, gìn giữ hòa bình, hoạt động nhân đạo và các hoạt động khác mà hai bên đã thỏa thuận.
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã có cuộc điện đàm kéo dài 30 phút hôm thứ Năm (10/9), hai bên hoan nghênh việc ký kết thỏa thuận và cho biết họ sẽ thúc đẩy hợp tác chặt chẽ hơn giữa các lực lượng tại thực địa.
Các nguồn cung cấp và dịch vụ trong phạm vi hiệp ước bao gồm thực phẩm, nước, các dịch vụ vận tải, bao gồm xăng dầu, máy bay, thông tin liên lạc và dịch vụ y tế, quần áo, các trang thiết bị, phụ tùng và linh kiện dư cũng như các dịch vụ sửa chữa và bảo dưỡng, theo tờ Hindustan Times. Hiệp ước sẽ có hiệu lực trong 10 năm và sẽ tự động được gia hạn thêm một thập kỷ nữa trừ khi một trong hai quốc gia quyết định chấm dứt hiệp ước này.
Theo Times of India, Ấn Độ đã có các thỏa thuận tương tự với Mỹ, Úc, Pháp, Hàn Quốc và Singapore.
Thủ tướng Abe cho biết Ấn Độ và Nhật Bản đang nỗ lực hướng tới việc xây dựng một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở, đồng thời chỉ ra mối quan hệ đối tác chiến lược và toàn cầu đặc biệt giữa hai nước trong số những thành tựu chính trong quan hệ song phương. Trong cuộc gọi, Abe cũng thông báo ngắn gọn với Thủ tướng Modi về quyết định từ chức vì lý do sức khỏe, mà Thủ tướng Ấn Độ đã trả lời bằng cách cảm ơn sự lãnh đạo của ông Abe và vì tăng cường mối quan hệ song phương, theo tờ Japan Times.
Trước đó, Mỹ cũng lên tiếng về ý định thành lập liên minh như NATO để đối phó Trung Quốc. Theo đó Washington đang dự tính chính thức hóa mối quan hệ quốc phòng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương chặt chẽ hơn với Ấn Độ, Nhật Bản và Australia – để tạo nên một “Bộ Tứ” – một cơ cấu tương tự Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)
Ấn Độ, Trung Quốc: Đạt thỏa thuận trong nghi ngờ
Đại Nghĩa
Mặc dù đã đạt được thỏa thuận 5 điểm tại Matxcơva, nhưng dường như Ấn Độ tỏ ra thiếu tin tưởng về khả năng phía chính quyền Trung Quốc sẽ tuân thủ.
Sáng sớm ngày 11/9, ngoại trưởng Ấn Độ và Trung Quốc sau cuộc thảo luận tại Matxcova đã thống nhất thỏa thuận 5 điểm, trong đó có việc rút quân khỏi các điểm xung đột. Ngoại trưởng Ấn Độ Jaishankar cho biết, quan hệ song phương tích cực phải gắn liền với hòa bình tại biên giới, theo Hindustan Times.
Các chỉ huy quân sự của Ấn Độ và Trung Quốc sẽ gặp nhau trong vài ngày tới để thảo luận về việc rút lui toàn diện khỏi tất cả các điểm xung đột ở Ladakh như bước đầu tiên để giảm leo thang.
Đây là kết quả quan trọng trong cuộc họp ngắn giữa Ngoại trưởng Jaishankar và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị.
“Nhiệm vụ trước mắt là đảm bảo rút quân toàn diện ở tất cả các địa bàn xung đột để không xảy ra sự cố đáng tiếc trong tương lai. Việc bố trí quân số cuối cùng sẽ do các chỉ huy quân sự thực địa tiến hành”, một quan chức cấp cao của Ấn Độ cho biết.
Vị ngoại trưởng Trung Quốc muốn mối quan hệ song phương tiếp tục như bình thường và tách biệt với xung đột biên giới đang diễn ra ở Đông Ladakh. Tuy nhiên ông Vương lại không có câu trả lời nào cho câu hỏi từ ngoại trưởng Jaishankar về việc phía Trung Quốc đang tập trung lực lượng lớn tại Aksai Chin – vùng đất tranh chấp giữa hai nước hiện đang nằm dưới sự quản lý của Bắc Kinh. Hiện tại, quân đội Trung Quốc (PLA) đã triển khai hơn 50.000 quân, 150 máy bay, xe tăng và tên lửa để gây áp lực cho quân đội Ấn Độ tại Đường kiểm soát thực tế (LAC).
Theo các nguồn tin chính phủ có thẩm quyền, ông Jaishankar đã nói rất rõ với người đồng cấp Vương rằng mối quan hệ song phương tích cực trong hai thập kỷ qua là nhờ hòa bình ở biên giới và việc tập trung lực lượng của PLA sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến mối quan hệ hai nước.
“Ông Jaishankar nói với ông Vương rằng những điều tốt đẹp trong quan hệ song phương là do biên giới hòa bình, và mối quan hệ sẽ xấu đi nếu biên giới không yên bình”, một quan chức cấp cao nói.
Mặc dù ngoại trưởng Vương không thể giải thích việc PLA đột ngột tăng cường lực lượng trong khu vực, trái với thỏa thuận 1993-96, ông chỉ đề cập đến việc cắt giảm quân đội ở các khu vực sâu.
“Tuyên bố chung năm điểm là những chủ đề mà hai bên đã thống nhất đối với việc rút quân khỏi biên giới. Tuy nhiên tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ là nhận thức chủ quan của họ về cuộc đối thoại, và điều này không được phía Ấn Độ tán đồng. Ngoại trưởng Jaishankar cho rằng hai bên cần tuân thủ các thỏa thuận và nghị định thư trong quá khứ để giữ cho biên giới hòa bình”, một quan chức Ấn Độ từ Matxcơva cho biết.
Tuy nhiên, ông Jaishankar đã thẳng thắn nói với người đồng cấp Trung Quốc rằng không có lý do gì để cắt giảm quân ở các khu vực sâu bên trong, khi các quân tiền tuyến đang đối đầu trực diện.
Hai bộ trưởng sẽ đưa ra chỉ đạo việc triệt thoái toàn diện khỏi tất cả các điểm xung đột, họ cho rằng đây sẽ là bước đầu tiên hướng tới khôi phục hòa bình cho biên giới.
Một quan chức Ấn Độ nói : “Với việc nâng cấp cơ sở hạ tầng của Trung Quốc tại các khu vực biên giới với Ấn Độ, thì việc cùng triệt thoái là điều bắt buộc trước khi cắt giảm ở khu vực sâu bên trong. Nếu không PLA sẽ lại chiếm các điểm chốt trên Đường kiểm soát thực tế (LAC) nhanh hơn Quân đội Ấn Độ”.
Ông Pompeo tiếp tục vạch trần thói ‘đạo đức giả’ của Bắc Kinh
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã chỉ ra thói đạo đức giả của Bắc Kinh trong một phát biểu phản ứng quyết định của Nhân dân Nhật báo, tờ báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã từ chối đăng một bài viết của ông Terry Branstad, Đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc.
Ông Pompeo cho biết, trong một bức thư gửi tới Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Trung Quốc, tờ Nhân dân Nhật báo đã đưa ra “lời than thờ” làm lý do để từ chối bài viết của ông Terry Branstad.
“Phản ứng của Nhân dân Nhật báo một lần nữa cho thấy sự sợ hãi của Đảng Cộng sản Trung Quốc trước quyền tự do ngôn luận và tranh luận trí tuệ nghiêm túc, cũng như cho thấy thói đạo đức giả của Bắc Kinh khi họ phàn nàn về [việc Mỹ] đối xử thiếu công bằng và có đi có lại với nước khác”, ông Pompeo nói trong một tuyên bố vào ngày 9/9.
Ông Pompeo đã lấy ví dụ để chỉ ra rằng ngược lại với điều Nhân dân Nhật báo “than thở”, Hoa Kỳ đã cư xử rất công bằng với ông Thôi Thiên Khải, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, trong khi đó Bắc Kinh lại không làm được điều tương tự với đại sứ Mỹ.
Theo ngoại trưởng Mỹ, ông Thôi được thoải mái bày tỏ quan điểm với truyền thông Hoa Kỳ, bằng chứng là đại sứ Trung Quốc, chỉ tính từ đầu năm tới nay, đã trả lời phỏng vấn độc quyền và xuất bản 5 bài viết trên các tờ báo lớn của Mỹ như Washington Post, CNN và CBS.
Trong phát biểu của mình, ông Pompeo cũng kêu gọi Bắc Kinh hãy tạo điều kiện cho các nhà ngoại giao phương Tây “tiếp xúc trực tiếp với người dân Trung Quốc”. Ngoài ra, Bắc Kinh nên ngừng đe dọa và quấy rối cả các nhà báo nước ngoài và Trung Quốc, những người mà theo ngoại trưởng Mỹ đang cố gắng phục vụ tốt công chúng.
Bài viết bị từ chối của ông Branstad có tiêu đề “Thiết lập lại mối quan hệ dựa trên sự công bằng”. Trong bài viết này, ông Bradstad lưu ý rằng Bắc Kinh đã thu lợi từ việc khai thác xã hội cởi mở của Hoa Kỳ, đồng thời ngăn cản các quan chức Hoa Kỳ, bao gồm cả ông Branstad, tự do tương tác với người Trung Quốc. Và chính quyền Trung Quốc gần đây cũng đặt ra các hạn chế đối với các nhà báo Mỹ đưa tin ở Đại lục.
Trong bài viết này, ông Branstad đã chỉ ra cách làm ăn thiếu công bằng của các công ty Trung Quốc, khi họ tham gia thị trường chứng khoán Hoa Kỳ nhưng lại từ chối tuân theo các quy tắc kiểm toán của Hoa Kỳ, những quy định mà bất cứ công ty nào tham gia thị trường này đều phải tuân thủ.
Bên cạnh đó, ông Bradstad cũng đề cập trong bài viết của mình việc một số sinh viên và nhà nghiên cứu Trung Quốc cũng đã đánh cắp tài sản trí tuệ của Mỹ để làm lợi cho Bắc Kinh trong khi đang học tập hoặc làm việc tại các trường học, công ty hoặc viện nghiên cứu của Hoa Kỳ.
Ông Branstad cũng chỉ trích một luận điểm tuyên truyền của Trung Quốc rằng Hoa Kỳ đang cố gắng “kiềm chế” sự trỗi dậy của Trung Quốc, theo đại sứ Mỹ, tuyên bố như vậy là “hoàn toàn sai lầm”.
Ông Brandstad cũng lấy ví dụ để minh chứng rằng cách chính phủ Mỹ cư cử với người Trung Quốc là công bằng, những người không làm tổn hại Hoa Kỳ được chào đón, và ngược lại sẽ bị từ chối nhập cảnh hoặc trừng phạt.
“Tại các trường đại học của chúng tôi, chúng tôi tiếp tục chào đón phần lớn sinh viên Trung Quốc, nhưng chúng tôi đã thực hiện hành động từ chối cấp thị thực cho những người đánh cắp tài sản trí tuệ và kết quả nghiên cứu của Hoa Kỳ”, ông Bradstad viết.
Theo Epoch Times
Tiếp tục đàn áp nhân quyền, Bắc Kinh bắt giữ giám đốc nhà xuất bản
Một nữ giám đốc nhà xuất bản ở Trung Quốc đã bị chính quyền bắt giữ vì ủng hộ những người bất đồng chính kiến. Theo Taiwan News, đây là ví dụ mới nhất về việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) luốn cố gắng bịt miệng những người phản biện.
Bà Huỳnh Tiêu Nam và chồng là Tần Chân, người đồng điều hành công ty xuất bản Ruiya Books, đã bị cảnh sát Bắc Kinh bắt vào hôm thứ Tư (9/9) với cáo buộc điều hành doanh nghiệp bất chính, tờ SCMP dẫn lời vợ chồng luật sư Thượng Bảo Quân cho biết.
Tuy nhiên, ông Hứa Chương Thuận, học giả và cựu giáo sư luật tại Đại học Thanh Hoa, đánh giá việc chính quyền bắt giữ vợ chồng bà Huỳnh là có động cơ chính trị, về bản chất là do vợ chồng bà lên tiếng ủng hộ ông.
Ông Hứa đã bị giam giữ vào tháng Bảy với cáo buộc ‘gạ tình gái mại dâm’, nhưng nhiều người tin rằng ông bị bắt vì liên tục chỉ trích các quan chức của ĐCSTQ, điều đã khiến ông bị mất việc tại trường đại học danh tiếng.
“Tất cả những năm qua bà Huỳnh đã đứng lên vì những người bị đàn áp. Đây là lúc chúng ta kêu gọi công lý cho bà ấy”, bà Hứa Thái Hà, cựu giảng viên Trường Đảng Trung ương ĐCSTQ, người bị khai trừ đảng vì gọi ông Tập Cận Bình là “trùm xã hội đen”, nói.
Bà Huỳnh, 46 tuổi, là một nhân vật hoạt động tích cực trong lĩnh vực nghệ thuật ở Trung Quốc. Bà đã tổ chức nhiều sự kiện cho các học giả và nghệ sĩ có tiếng nói độc lập trong những năm qua. Bà cũng đã lên tiếng bênh vực Trần Thu Thực, một luật sư và nhà hoạt động nhân quyền Trung Quốc, người đã bị bắt trong đại dịch viêm phổi Vũ Hán vì đưa tin phơi bày sự thật và chỉ trích cách phản ứng với dịch bệnh của chính phủ Trung Quốc.
Microsoft: tin tặc Trung-Nga-Iran tấn công bầu cử Mỹ
Các tin tặc Nga, Trung Quốc và Iran đã thực hiện các cuộc tấn công mạng nhằm vào hàng trăm tổ chức và những người liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020, họ hướng mục tiêu vào cả chiến dịch tranh cử của tổng thống Trump và Joe Biden, Microsoft cho biết thông tin hôm thứ Năm (10/9), theo Politico.
Microsoft nói rằng các mục tiêu của tin tặc Nga lần này bao gồm các đảng chính trị ở Mỹ và châu Âu, trong khi tin tặc Trung Quốc bám theo những người trong chiến dịch tranh cử của Biden và phía Iran thì cố gắng xâm phạm tài khoản của các nhân viên chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump.
Tổng thống Trump và những người ủng hộ ông cáo buộc chính quyền Trung Quốc đang cố gắng giúp đỡ Biden. Một tuyên bố chính thức của cộng đồng tình báo vào tháng trước cho biết chính quyền Trung Quốc muốn ông Trump thua cuộc, trong khi Nga đang gièm pha Biden và Iran thì cùng “chí hướng” với Bắc Kinh trong mục tiêu can thiệp vào cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ.
AFA đề nghị Mỹ lập nhóm bảo vệ nhân quyền Tân Cương
Các đại diện cho một nhóm công ty may mặc lớn nhất của Mỹ và quốc tế đã kêu gọi Washington thuyết phục các nước khác cùng gây áp lực buộc chính quyền Trung Quốc chấm dứt lao động cưỡng bức ở khu tự trị Tân Cương, SCMP đưa tin.
Một quan chức của Hiệp hội May mặc và Giày dép (AFA) Hoa Kỳ – đại diện cho The Gap, Versace, Jimmy Choo và các thương hiệu khác – hôm thứ Năm (10/9) nêu ý kiến rằng nhiều quốc gia khác cần tham gia vào các nỗ lực ngoại giao để ngăn chặn lao động cưỡng bức ở khu vực phía Tây Trung Quốc, nơi có hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ và các sắc dân khác đang bị giam giữ trong các trại cải tạo lao động.
Trong một cuộc thảo luận trực tuyến do Hội đồng Kinh doanh Mỹ-Trung tổ chức, ông Nate Herman, phó chủ tịch cấp cao về chính sách của AFA, nói rằng Mỹ cần thuyết phục các quốc gia Châu Âu, Úc, Canada, Nhật Bản hay Hàn Quốc tham gia cùng trong cuộc chiến bảo vệ nhân quyền ở Tân Cương.
Đài Loan lên án hành động khiêu khích của Bắc Kinh
Đài Loan đã lên án “hành động khiêu khích nghiêm trọng” của chính quyền Trung Quốc hôm thứ Năm (10/9) sau khi máy bay phản lực quân sự của Bắc Kinh đã xâm nhập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của hòn đảo hai ngày liên tiếp, theo AFP.
Các nhà chức trách Đài Loan cho biết nhiều máy bay Trung Quốc, bao gồm tiêm kích Su-30, tiêm kích J-10 và máy bay chống ngầm Y-8, đã liên tiếp xâm phạm ADIZ của Đài Loan vào thứ Tư và thứ Năm trong cuộc tập trận quy mô lớn mà quân đội Trung Quốc (PLA) đang thực hiện.
“Các cuộc diễn tập quân sự của chính phủ Trung Quốc tạo thành một hành động khiêu khích nghiêm trọng đối với Đài Loan và là mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và ổn định khu vực”, Bộ Ngoại giao Đài Loan nêu quan điểm trong một tuyên bố, và cảnh báo cộng đồng quốc tế rằng: “Hôm nay, PLA tiến hành các cuộc tập trận gần Đài Loan; ngày mai, PLA có thể tham gia vào các mối đe dọa tương tự gần các quốc gia khác”.
Sau UAE, Israel có thể sắp có thêm bạn ở Trung Đông
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm thứ Năm (10/9) cho biết, nhiều khả năng một quốc gia khác ở Trung Đông có thể tiếp bước Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) bình thường hóa quan hệ với Israel, theo Reuters.
Tổng thống Trump sẽ tổ chức một buổi lễ ký kết hiệp ước hòa bình giữa hai phái đoàn quan chức Israel và UAE vào thứ Ba tới tại Hoa Kỳ.
Các nhà đàm phán của chính quyền Trump đã cố gắng kêu gọi các quốc gia vùng Vịnh khác, như Bahrain và Oman, bình thường hóa quan hệ với Israel.
Vào tháng trước, Israel và UAE đã đồng ý bình thường hóa quan hệ trong một thỏa thuận mà Tổng thống Trump làm người trung gian kết nối.
Reuters cho hay, ông Trump không tiết lộ tên của quốc gia có thể sẽ tham gia vào hiệp ước hòa bình với Israel, nhưng nhiều khả năng đó là Ả Rập Xê Út.
Cận kề hạn chót, Tổng thống Trump tuyên bố không gia hạn cho TikTok
Tổng thống Donald Trump cho biết ông sẽ không gia hạn thời gian quá hạn chót 15/9 để hãng ByteDance của Trung Quốc bán mảng kinh doanh tại Mỹ của ứng dụng TikTok.
“Chúng tôi sẽ đóng cửa TikTok ở đất nước này vì lý do an ninh, hoặc nó sẽ được bán. Sẽ không có việc gia hạn thời hạn TikTok”, Tổng thống Trump nói với các phóng viên hôm 10/9 trước khi lên chuyến bay tới Michigan để vận động bầu cử.
Trước đó, các quan chức đã cân nhắc xem liệu có nên cho TikTok thêm thời gian để thu xếp việc bán các hoạt động của ứng dụng tại Mỹ cho một công ty bản địa Mỹ hay không.
Chủ sở hữu TikTok có thể sẽ không đáp ứng được thời hạn 15/9 của Tổng thống Trump trong việc có được thỏa thuận thoái vốn hoạt động tại Mỹ. Bởi vì các quy định mới của chính quyền Trung Quốc đang gây khó khăn cho các cuộc đàm phán với các đối tác mua như Microsoft và Oracle.
TikTok bị cuốn vào cuộc đụng độ giữa hai cường quốc khi tổng thống Trump tiếp tục tăng cường chiến dịch gây sức ép lên Trung Quốc. Các quan chức Mỹ đã chỉ trích các hoạt động bảo mật và quyền riêng tư lỏng lẻo của ứng dụng này, cho thấy dữ liệu người dùng được thu thập thông qua ứng dụng có thể được chia sẻ với chính quyền Trung Quốc.
Cũng có thông tin cho biết ĐCSTQ có thể lợi dụng TikTok thu thập danh tính của thanh niên Mỹ, từ đó tạo phiếu bầu giả can thiệp cuộc bầu cử tháng 11. Giới chức tình báo Mỹ cho hay Trung Quốc muốn Biden đắc cử.
Microsoft từ chối bình luận.
Các bên vẫn đang chạy đua để đưa ra một thỏa thuận sơ bộ với Nhà Trắng trước thời hạn 15/9. Ngay cả khi đạt được thỏa thuận các bên thì nó chỉ có hiệu lực với sự đồng ý của phía chính quyền Trung Quốc. Cũng có thể ByteDance sẽ phải rút khỏi thỏa thuận vì không thể làm hài lòng cả hai chính quyền, các đối tác mua và cả các cổ đông.