Khen thưởng thành tích chống dịch, ĐCSTQ bị dân chê ‘biến tang sự thành hỷ sự’

Tâm Thanh

Ngày 8/9, ĐCSTQ đã tổ chức một cuộc họp tuyên dương các cá nhân và tập thể có thành tích chống dịch tốt và đã vấp phải phản ứng dữ dội từ người dân. Nó bị chỉ trích là “biến tang sự thành hỷ sự” và không khí buổi lễ cũng ảm đạm như một đám tang (ảnh: Chụp màn hình Epoch Times).

Hơn nữa chính quyền Trung Quốc còn bị chính người dân ở Vũ Hán vạch trần ý đồ thực sự đằng sau hội nghị khen thưởng này.

Trong khi dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán vẫn đang hoành hành trên khắp thế giới thì Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lại tổ chức đại hội biểu dương những cá nhân và tập thể tiên tiến trong công tác phòng chống dịch. Động thái này bị dư luận chỉ trích mạnh mẽ trên internet. Công chúng cho rằng đây đúng là ĐCSTQ đang biến tang sự thành hỷ sự và các nhà chức trách của ĐCSTQ đang cố gắng chuyển hướng sự chú ý của dư luận quốc tế, đồng thời tự tô vẽ cho bản thân mình.

Vào ngày 8/9, ĐCSTQ đã tổ chức đại hội khen thưởng, vinh danh các cơ quan thuộc Quốc vụ viện và Quân ủy Trung ương vì đã chiến đấu chống lại dịch bệnh. Tổng bí thư Tập Cận Bình đã có bài phát biểu trong hơn một giờ đồng hồ và tuyên dương 1.499 cá nhân cùng 500 tập thể, trong đó có bệnh viện Kim Ngân Đàm của thành phố Vũ Hán, Epoch Times cho biết.

Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, hội nghị khen thưởng do ông Lý Khắc Cường làm chủ trì; Lật Chiến Thư là người đọc lệnh của chủ tịch Tập; Vương Hỗ Ninh, người được mệnh danh là “Quốc sư ba triều” tuyên đọc quyết định khen thưởng. Ngoài ra còn có sự tham dự của Uông Dương, Triệu Lạc Tế, Hàn Chính và Vương Kỳ Sơn.

Bài phát biểu gần 10.000 từ, truyền thông khoe khoang “thành tích”, người dân đáp trả

Các phương tiện truyền thông của ĐCSTQ đã phân tích bài phát biểu gần 10.000 chữ của ông Tập Cận Bình từ 7 phương diện và các mốc thời gian để xem xét các thành quả chiến lược trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh, bao gồm: Dùng thời gian hơn 1 tháng trong giai đoạn đầu để chặn đứng tình thế lây lan của dịch bệnh; dùng thời gian của khoảng 2 tháng để kiểm soát số ca lây nhiễm mới hàng ngày ở khu vực địa phương trong phạm vi một con số; dùng thời gian khoảng 3 tháng để thu được kết quả mang tính quyết định trong cuộc chiến bảo vệ thành phố Vũ Hán và tỉnh Hồ Bắc…

Ông Trần Lâm, một cán bộ lãnh đạo trong chính quyền địa phương ở Vũ Hán khi tiếp nhận phỏng vấn của Epoch Times đã nói về vấn đề này. Trên thực tế, nếu ĐCSTQ không che giấu dịch bệnh ngay trong giai đoạn nó đang manh nha mà đưa ra thông báo về dịch bệnh ngay tại thời điểm đó thì người dân Vũ Hán căn bản không phải chịu cảnh khổ sở về việc phong tỏa thành phố trong mấy tháng liên tiếp và trăm nghề cũng không phải bị suy thoái như hiện nay.

Thay vào đó, cách làm của chính quyền là trấn áp những “người thổi còi” đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự nguy hiểm của dịch bệnh ngay từ thời kỳ đầu. Đồng thời gắng sức tuyên truyền rằng “không có sự lây nhiễm từ người sang người”; “dịch bệnh đã được ngăn chặn, đã được kiểm soát”. Thậm chí còn tổ chức “bữa tiệc vạn nhà” và các buổi biểu diễn quy mô lớn khiến nhiều người ở vào tình trạng hoàn toàn không hay biết gì mà lơ là việc phòng hộ, khiến dịch bệnh lây lan rộng khắp.

Ông Trần nhấn mạnh, “ĐCSTQ đã biến một vấn đề mà lẽ ra có thể giải quyết tại một địa phương thành một vấn đề lớn ảnh hưởng đến quốc gia và toàn thế giới. Cái này không thể gọi nó là thành tích, mà phải gọi là thảm họa. Hơn nữa, số người chết bởi dịch bệnh ở Trung Quốc do ĐCSTQ công bố là rất mơ hồ, có nhiều chỗ rất đáng nghi. Thật khó để nói tình hình dịch bệnh trong nước hiện giờ đã đến mức nào rồi, hoàn toàn chưa đến mức có thể thở phào nhẹ nhõm, thậm chí là ăn mừng”.

Ông Dương Chiêm Thanh, một nhân sĩ tham gia “Nhóm Tư vấn Pháp lý đòi bồi thường vì viêm phổi Vũ Hán” cũng nói với Epoch Times rằng, “nếu không phải vì ĐCSTQ che giấu dịch bệnh trong hai tháng đầu tiên, bỏ lỡ mất thời điểm phòng chống dịch tốt nhất thì có lẽ sẽ không cần đến một tháng, hai tháng hay ba tháng sau đó nữa, càng sẽ không có nhiều người ở Vũ Hán bị lây nhiễm và chết trong tình huống vốn không hay biết về virus này trước đó mà phải trả giá bằng cả mạng sống, bác sĩ Lý Văn Lượng cũng sẽ không bị ‘cảnh cáo’ và chết vì virus”.

Cư dân mạng cho rằng bác sĩ Lý Văn Lượng đã không được nhắc đến trong hội nghị khen thưởng này (ảnh dẫn qua
Epoch Times).

Ông cho rằng, ĐCSTQ không nên tổ chức một đại hội khen thưởng như vậy: “Trong tình huống đang không thừa nhận việc che giấu dịch bệnh, chèn ép các gia đình nạn nhân đang đòi bồi thường mà mở cuộc họp biểu dương như vậy; Không dám nhìn thẳng vào yêu cầu của các nạn nhân mà lại giương cờ gióng trống biểu dương những người đã tham gia giấu dịch thì thật khó để thuyết phục được dư luận, và càng khiến gia đình nạn nhân thêm phẫn nộ”.

Người Vũ Hán vạch trần ý đồ của ĐCSTQ khi tổ chức một cuộc họp khen thưởng vào lúc này

Các kênh truyền thông tuyên truyền bài phát biểu của ông Tập Cận Bình, cho rằng cuộc chiến chống dịch đã thể hiện đầy đủ ưu thế của lãnh đạo ĐCSTQ, thể hiện đầy đủ tính tự giác và tinh thần trách nhiệm của một nước lớn.

Ông Trần Lâm, cán bộ địa phương ở Vũ Hán cho rằng, ĐCSTQ kỳ thực đang ở trong tình trạng khó khăn cả bên trong lẫn bên ngoài, trong nước thì kinh tế tiêu điều, người dân oán thán khắp nơi, bên ngoài thì đang đứng trước sự truy cứu trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, mâu thuẫn giữa ông Tập Cận Bình và ông Lý Khắc Cường đã trở nên công khai. Bên trong thể chế cũng đã xuất hiện những người phản đối công khai như Nhậm Chí Cường, Thái Hà và Lý Truyền Lương, tình cảnh hết sức bị động. Vì vậy, họ cần gấp một hoạt động có “năng lượng tích cực”, “biến tang sự thành hỷ sự” để chuyển hướng chú ý của người dân, tiếp thêm can đảm cho bản thân mình.

Ông nhấn mạnh, điều đáng chú ý là ông Tập Cận Bình đã nói tại đại hội biểu dương chiến thắng trong công tác chống dịch viêm phổi Vũ Hán, rằng phải giữ vững sự lãnh đạo của ĐCSTQ, hệ thống xã hội chủ nghĩa đặc sắc của Trung Quốc, có thể thấy ông Tập dù có chết cũng phải bảo vệ đảng, nhất quyết đi đến cùng, thật sự muốn trở thành “người tăng tốc” cho sự diệt vong của ĐCSTQ.

“Ông Tập Cận Bình bị đầu độc nghiêm trọng bởi tư duy văn hóa đảng và không thể phân biệt được sự khác biệt giữa ĐCSTQ và Trung Quốc. Ông ấy tin rằng bảo vệ đảng chính là cứu đất nước và tinh thần đảng chính là tinh thần dân tộc”, ông Trần bày tỏ.

Cư dân mạng lên án mạnh mẽ

Một cư dân mạng có tài khoản tên “Đại Lang Tiểu Đào” bày tỏ: “Gần 900.000 người chết trên toàn thế giới, người đã chết xương cốt vẫn chưa nguội lạnh, biết bao gia đình ở Vũ Hán vẫn đang chìm đắm trong nỗi đau gia đình ly tán. Nếu biết suy nghĩ một chút thì sẽ không tổ chức đại hội biểu dương chống dịch thành công vào lúc này!”

Cư dân mạng “Toàn Trí Sinh” cũng liên tục truy vấn: “Đã hết dịch chưa? Đã nghiên cứu thành công vắc xin chưa? Đã tưởng niệm những người đã chết vì đại dịch trên khắp cả nước hay chưa? Các quan chức che giấu dịch bệnh đã bị xử lý chưa? Tất cả đều chưa, vậy mà tiệc mừng đã được tổ chức rất náo nhiệt!”

Từ hình ảnh những video được công khai cho thấy, những người được biểu dương như ông Chung Nam Sơn, dù là ở trên xe bus hay là khi nhận bằng khen ở Đại lễ đường Nhân Dân, biểu cảm trên gương mặt nói chung đều rất gượng gạo.

Người dùng mạng nói: “Đây là đang biến lễ tưởng niệm thành một hội ăn mừng. Những kẻ giết người đang tập hợp lại với nhau và cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm phạm tội của họ”.

Cư dân mạng “Thorn-Thorns-Birds” phản ứng: “Vì tội ác chống lại loài người, phải để họ ở tù cả đời!”

Người dùng mạng có tài khoản “RHBNg” nói một cách hoài nghi: “Đảng – Nhà nước giỏi biến tang sự thành hỷ sự. Đại hội tuyên dương lần này có thể được chuẩn bị có mục đích để chứng minh với thế giới rằng, Trung Quốc đã hoàn toàn dập tắt được dịch bệnh. Du lịch, kinh doanh hay cả việc học sinh đến trường… tất cả đều đã trở lại hoạt động bình thường nhằm đánh lừa các quốc gia khác mở cửa với Trung Quốc. Đối với ĐCSTQ mà nói, sự tuyên truyền của chính quyền còn đáng sợ hơn cả sự lây lan của virus ra toàn thế giới”.

Theo Cao Tĩnh, Epochtimes
Tâm Thanh biên dịch

Related posts