Châu Á hiện nay giống vùng xôi đậu

Đại-Dương

image.png

 – Khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương có hai quốc gia đông dân nhất: Trung Cộng (TC) (1.4 tỉ), Ấn Độ (1.3 tỉ); ba nền kinh tế với GDP nominal lớn nhất thế giới: Hoa Kỳ ($21,400 tỉ), TC ($14,000 tỉ), Nhật Bản ($5,200 tỉ). Thế giới có 9 quốc gia thủ đắc vũ khí nguyên tử mà khu vực này chiếm 5: Hoa Kỳ (5,800), TQ (300), Ấn Độ (140), Pakistan (160), Bắc Hàn (40?).

Khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương có bốn Lực lượng Hải quân mạnh nhất: Hoa Kỳ, Trung Cộng, Nhật Bản, Ấn Độ khiến nguy cơ đụng độ trên biển dễ xảy ra. Nhiều cuộc chiến tranh đã diễn ra trong khu vực này sau Đệ nhị Thế chiến đều do các chế độ độc tài như Trung Cộng, Bắc Việt Nam, Bắc Hàn, Pakistan, Myanmar, Lào, Cambode chủ động. Vào đầu thế kỷ 21, TC, Bắc Hàn, Pakistan trở thành mối đe doạ trong vùng buộc cộng đồng quốc tế phải tìm biện pháp chặn đứng và hoá giải nên tạo ra một cuộc chạy đua vũ trang ráo riết, không có điểm dừng vì “chuẩn bị chiến tranh để gìn giữ hoà bình”.

Việt Nam và Bán đảo Triều Tiên bị chia đôi. Nhưng, Cộng sản Bắc Việt chiếm được toàn bộ nước Việt Nam từ 30-04-1975 và đưa dân tộc vào mô hình trại lính làm đất nước tụt hậu. Sau 45 năm toàn trị, lợi tức bình quân đầu người VN được $2,740 so với $31,430 của Nam Hàn và $1,300 của Bắc Hàn. Trình độ kỹ nghệ và công nghiệp của Nam Hàn tương đương với các cường quốc kinh tế trên thế giới trong khi VN chỉ làm công cho Nam Hàn và nhiều nước khác. Bắc Hàn đóng kín nên nhân loại chỉ biết được tin tức tuyên truyền của Bình Nhưỡng.

Nam Hàn bảo toàn được lãnh thổ phía nam vĩ tuyến 38 nhờ toàn dân yêu nước hơn bản thân: (1) Thanh niên Đại Hàn không trốn quân dịch trong chiến tranh Nam/Bắc. (2) Đa số dân chúng Đại Hàn chống Cộng quyết liệt và hợp tác chặt chẽ với Hoa Kỳ. (3) Giới học giả, trí thức Nam Hàn chịu ảnh hưởng của Mỹ và Nhật nên tuyên truyền Chủ nghĩa Cộng sản hoặc đội lốt Chủ nghĩa Xã hội của Liên Sô, Trung Cộng không thu hút được công luận. (4) Hôm 4 tháng 9 năm 2020, Nam Hàn cho bay thử chiếc chiến đấu cơ tàng hình, đa năng, dự trù bay thử năm 2022 và sản xuất đồng loạt vào 2028.

Việt Nam Cộng Hoà sụp đổ vì: (1) Đa số trí thức tòng học tại Châu Âu nên mê mẩn Chủ nghĩa Xã hội nên không chống Cộng quyết liệt. Triết gia Pháp Jean Paul Sartre từng hết mình ủng hộ Liên Sô mà khi Joseph Stalin xua quân chiếm đóng Ba Lan năm 1956 thì chấm dứt mối quan hệ và chỉ trích Liên Sô vì “mỗi hành động mà họ thực hiện đều là đỉnh điểm của 30 năm gian dối và cực đoan”. Mặc dù vậy, khá nhiều trí thức của Việt Nam Cộng Hoà vẫn sống trong tháp ngà. (2) Xu hướng chống hoặc không hợp tác với Mỹ xuất phát từ giới trí thức miền Nam vĩ tuyến 17 đã tác hại rất lớn tới khả năng tự vệ của Việt Nam Cộng Hoà. (3) Thanh niên trốn lính làm suy yếu tinh thần vệ quốc. (4) Hoa Kỳ không thấy khả năng chiến thắng nên buông tay trong khi đồng minh Châu Âu bênh vực Bắc Việt.

Lý tưởng hoàn-cầu-hoá của Tây Phương suốt 40 năm đã bị Bắc Kinh lợi dụng toàn diện để phát triển kinh tế, quân sự, tình báo, ngoại giao, kỹ thuật đến mức độ cạnh tranh trực diện với Siêu cường duy nhất Hoa Kỳ.

Chủ tịch TC, Tập Cận Bình lên nắm quyền toàn diện từ năm 2013 đã công khai tham vọng thống trị thế giới để thực hiện “Giấc Mộng Trung Hoa”. Lãnh tụ Đặng Tiểu Bình che giấu tham vọng qua khẩu hiệu “Thao Quang Dưỡng Hối = Ẩn Mình Chờ Thời” được hai người kế nhiệm Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào tiếp tục đưa Trung Cộng tham gia vào Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) và Tổ chức Thương Mại Thế Giới (WTO) năm 2001.

Tuy TC trực tiếp tham gia quá trình hình thành UNCLOS suốt 10 và phê chuẩn trong tốp đầu tiên, nhưng, Bắc Kinh luôn luôn sử dụng luật quốc gia trên hai Biển Đông Trung Hoa (ECS) và Biển Nam Trung Hoa (SCS).

Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền trên ECS, nhưng, không thể áp đặt vì chạm phải lực lượng phòng vệ duyên hải của Nam Hàn và Nhật Bản được sự yểm trợ của Đệ thất Hạm đội Hoa Kỳ đồn trú thường trực tại Hải cảng Yokosuka (Nhật Bản). Bắc Kinh lấy khái niệm “vùng biển lịch sử” (không có quy định trong UNCLOS) để vẽ Đường 9 Đoạn, chiếm 95% Biển Đông Nam Á, làm chiếc ao nhà trong khi các quốc gia duyên hải như Việt Nam, Indonesia, Mã Lai Á, Phi Luật Tân, Brunei chỉ được 5%. Bắc Kinh đã xây 7 đảo nhân tạo tại Nhóm đảo Tây Sa (Hoàng Sa, Spratly Islands), và quân-sự-hoá SCS để sẵn sàng áp đặt Vùng Nhận dạng Phòng Không (ADIZ). Phán quyết ngày 12-07-2016 của Toà án Trọng tài Thường trực về Luật Biển (PCA) đã bác bỏ toàn bộ yêu sách chủ quyền của Trung Cộng trên SCS.

Các Quốc gia duyên hải Đông Nam Á không đủ khả năng chống chọi Trung Cộng nên phải chọn một trong hai giải pháp: (1) Thần phục và làm căn cứ xuất phát cho thiên triều Bắc Kinh trên con đường thống trị thế giới mà chắc chắn kết cục sẽ vô cùng thê thảm. (2) Hợp tác chặt chẽ với Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ tức Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương Hoa Kỳ (USINDOPACOM), đồn trú tại Hawaii nhằm đối phó với tham vọng gây chiến của Bắc Kinh trên hai phương diện quân sự và kinh tế.

Trong bối cảnh Bắc Kinh tập trận thuỷ bộ nhằm xâm lăng Đài Loan thì Hoa Kỳ gia tăng việc bán vũ khí tối tân cho Đài Bắc, thường xuyên điều động khu trục hạm, tuần dương hạm đi qua Eo biển Đài Loan. Khi Trung Cộng tấn công sẽ gặp phản ứng sống còn của 23 triệu dân Đài Loan và Đệ thất Hạm đội Hoa Kỳ và Hải quân Nhật Bản. Pháo đài bay B-52 sẽ thả thuỷ lôi cở 500 hoặc 1,000 hoặc 2,000 cân Anh mà mỗi chiếc mang theo 15 quả. Hoa Kỳ hiện có 70 chiếc B-52.

Mấy tháng qua, Bắc Kinh đã hai lần gây xáo trộn tại biên giới với Ấn Độ nhằm lưu ý New Dehli không nên hợp tác chặt chẽ với Hoa Kỳ vì Trung Cộng thừa sức đè bẹp Ấn Độ. Thực tế, Hải quân Ấn Độ đã tập trận với Hải đội Xung kích Hàng không mẫu hạm Nimitz tại cửa ngõ Ấn Độ Dương. Nga đồng ý bán hệ thống Phòng thủ hoả tiễn S-400, nhưng, từ chối giao loại này cho Trung Cộng như lời hứa.

Thoả ước Ấn Độ- Trung Cộng năm 1996 cấm nổ súng trong vòng 2 km cách Đường Kiểm Soát Thực tế (LAC) đã bị Bắc Kinh vi phạm hôm 7 tháng 9 năm 2020. Tập Cận Bình muốn nhắc nhở Thủ tướng Narendra Modi rằng ai là người cầm đầu trong khu vực. Mối thù truyền kiếp giữa Ấn Độ và Pakistan rất khó hoá giải khi Trung Cộng là người đở đầu chương trình vũ khí nguyên tử của Pakistan. Trung Cộng, Ấn Độ, Pakistan trở thành “Tam giác Bất ổn” trên thế giới.

Hiến pháp Hoà bình Nhật Bản không thể ngăn cản Tokyo đánh đòn phủ đầu nếu biết chắc về một cuộc tấn công nhắm vào Xứ Mặt Trời Mọc. Tuy nhiên, trong thời hiện đại, vũ khí thông thường chưa đủ sức răn đe tham vọng của Trung Cộng và Bắc Hàn nên dư luận Nhật Bản đang bàn chuyện thủ đắc vũ khí nguyên tử. Nhật Bản và Đại Hàn nằm dưới chiếc dù che nguyên tử của Hoa Kỳ kể từ sau Đệ nhị Thế chiến. Như thế, hiệu lực của đánh phủ đầu sẽ bị hạn chế. Nhu cầu nguyên-tử-hoá của Nhật Bản sẽ rất cấp bách nếu mối đe dọa từ Trung Cộng và Bắc Hàn lên cao độ. Vì thế, Đông Bắc Á cũng là một điểm nóng trên thế giới.

Ngoài sức mạnh của Bộ Tứ Kim Cương (QUAD) chuẩn bị phương tiện bao vây Trung Cộng và Bắc Hàn thì Pháp và Anh cũng sẽ điều động Hàng không mẫu hạm vào hai biển Đông và Nam Trung Hoa để bảo vệ luật pháp hàng hải quốc tế.

Thật khó ai biết chiến tranh có xảy ra trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương hay không?

Đại-Dương  

Tài liệu tham khảo:

India and China Exchange Accusations About Gunfire as Window for Diplomacy Narrows (Diplomat)

How Strong Are the Ropes That Bind the Japanese Military? (Diplomat)

US expected to step up surveillance as China continues to escalate naval exercises (SCMP)

Triangles of Instability: Nuclear Dilemmas and How They Feed into Each Other (Diplomat)

USAF eyes B-52s dropping sea mines to defend Taiwan (Asia Times)

China, India accuse each other of firing shots in tense border region (SCMP)

China vs. America: A New Cold War Means New Great Power Blocs (National Interest)

Sino-US tug of war looms large in ASEAN meetings (Nikkei)

Related posts