Căng thẳng Úc-Trung : Canberra linh hoạt không để Bắc Kinh ép

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (P) và đồng nhiệm Úc Marise Payne trong buổi họp báo ngày 08/11/2018 tại Đại lễ đường Nhân dân, Bắc Kinh, Trung Quốc. AP – Mark Schiefelbein Thu Hằng 25 phút

Quan hệ giữa Úc và Trung Quốc trở nên căng thẳng hơn trên mọi mặt kể từ khi thủ tướng Scott Morrison yêu cầu điều tra độc lập về nguồn gốc virus corona, xuất phát từ Vũ Hán, Trung Quốc và hiện gây đại dịch trên toàn cầu. Tiếp theo là việc thủ tướng Úc gửi công hàm lên tổng thư ký Liên Hiệp Quốc phản đối yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. QUẢNG CÁO

Một trong những biện pháp gần đây của Bắc Kinh, được cho là để cảnh cáo Canberra, là nhắm đến giới nhà báo Úc hoạt động tại Trung Quốc. Quan hệ Úc-Trung hiện nay ra sao ? Canberra có khả năng đáp trả những biện pháp « trừng phạt » kinh tế mà Bắc Kinh tiến hành trong thời gian gần đây ? RFI Tiếng Việt đặt câu hỏi với nhà báo Lưu Tường Quang tại Sydney, Úc.

RFI : Thưa nhà báo Lưu Tường Quang, quan hệ giữa Úc và Trung Quốc hiện rất căng thẳng trên mọi mặt, mà sự kiện mới nhất là hai nhà báo của Úc đã phải vội vã về nước. Xin ông giải thích về sự kiện này như thế nào ?

Nhà báo Lưu Tường Quang : Tình trạng bang giao giữa Trung Quốc và Úc châu đang trở nên căng thẳng và mỗi ngày một leo thang. Tin mới nhất là vào sáng thứ Ba 08/09 khi hai ký giả của đài truyền hình ABC Australia và ký giả của tờ báo kinh tế-tài chính Australian Financial Review đặt chân tới phi trường Sydney, người ta mới vỡ lẽ là một tuần trước đó, ký giả của đài ABC, Bill Birtles tại Bắc Kinh đã phải chạy trốn tạm trú trong đại sứ quán Úc tại Bắc Kinh và ký giả Michael Smith của Australian Financial Review phải vào trong tòa tổng lãnh sự của Úc tại Thượng Hải cũng để tránh trường hợp có thể bị bắt. Lý do là nửa đêm hôm trước, họ đã bị công an gõ cửa và hẹn sẽ gặp lại vào ngày hôm sau. Do đó họ tới tạm trú tại đại sứ quán Úc và tổng lãnh sự Úc để nhờ giúp đỡ.

Trong suốt gần cả một tuần, ngoại giao hai nước đã thương thuyết để làm thế nào để hai ký giả này có thể trở về Úc. Bên Trung Quốc đặt ra điều kiện là nếu hai người này đồng ý đến cơ quan công an ở Bắc Kinh và Thượng Hải để phỏng vấn, thì sau đó họ cho phép rời khỏi Trung Quốc. Hai người này, được sự giúp đỡ của các nhà ngoại giao và các lãnh sự Úc đã đến để được phỏng vấn và sau đó họ được trở về Úc một cách rất vội vàng. Đó là một mức thang mới, một diễn tiến mới làm cho bang giao càng căng thẳng hơn. PUBLICITÉ

Ngày 09/09 có một tin khác, cũng quan trọng không kém, được tiết lộ từ phía Bắc Kinh, chứ không phải từ chính phủ Úc. Trước đó, vào cuối tháng Sáu, trưởng văn phòng của China News Service, là bà Tao Shelan, và trưởng văn phòng của đài Quốc tế tại Sydney (China Radio International) Li Dayong, đã bị cảnh sát liên bang và cơ quan tình báo của Úc khám nhà cửa. Đồng thời cùng lúc đó, hai học giả Chen Hong và Li Jianjun cũng bị thẩm vấn và sau đó visa tạm trú của hai học giả này đã bị hủy bỏ.

Sự kiện này xảy ra từ cuối tháng Sáu, tức là cách đây hơn hai tháng, và ngày thứ Tư 09/09, báo chí Nhà nước tại Bắc Kinh đã tung ra tin này. Tất nhiên, chúng ta có thể nghĩ là việc ép hai ký giả Úc về nước, hay là rời khỏi Trung Quốc một cách vội vã, có thể là một hành động trả đũa, nhưng cũng có thể không phải là một hành động trả đũa.

Trung Quốc hiện đang bắt giữ một nữ ký giả khác, cũng quốc tịch Úc, là bà Trình Lôi (Cheng Lei). Trường hợp bà Cheng Lei rất đặc biệt vì bà là người Úc, làm việc tại Bắc Kinh, nhưng lại là làm việc cho một đài truyền hình chính thức của Nhà nước Trung Quốc, nhưng lại bị bắt giữ vì cáo buộc « có những hành động bất hợp pháp, tạo nguy hại cho nền an ninh quốc gia ». Cho nên, vấn đề phức tạp ở chỗ nó liên hệ với nhiều vấn đề khác nhau, mà như chúng ta biết là nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa luôn giữ những bí mật. Vì vậy, đến lúc này, chúng ta cũng chưa biết một cách chính thức là lý do gì mà hai ký giả Úc phải vội vã trở về nước.

Riêng về phần nước Úc, việc lục xét tư gia của hai ký giả Trung Quốc và thẩm vấn hai học giả Trung Quốc là hành động được thực hiện trên cơ sở đạo luật chống gián điệp và chống sự can thiệp của nước ngoài vào tình hình chính trị và tự do cấp đại học ở Úc.

Đây là những diễn tiến mới nhất chứng tỏ rằng quan hệ song phương giữa Bắc Kinh và Canberra đang có những bước thụt lùi, mỗi ngày một trầm trọng mà người ta chưa biết sẽ đi về đâu.

RFI : Việc gây sức ép đối với các nhà báo chỉ là một trong những biện pháp đang khiến cho mối quan hệ song phương ngày càng xấu đi. Ngoài ra, Trung Quốc còn gây sức ép với Úc trên những lĩnh vực nào khác ?

Lưu Tường Quang : Tất nhiên là Bắc Kinh luôn luôn cải chính là tất cả những hành động của họ không là phải dựa trên những suy tính về chính trị mà thường họ nêu ra những vẫn đề có tính chất kỹ thuật hơn.

Sức ép và hành động mà có thể coi như là sự trả đũa về phương diện kinh tế là Bắc Kinh đã áp dụng những biện pháp hạn chế những sản phẩm về nông nghiệp và những ngành khác. Điều này thực sự đã xảy ra từ hồi tháng 04/2020 khi đại sứ Trung Quốc tại Canberra là ông Thành Cảnh Nghiệp tuyên bố trên báo Australian Financial Review là vì lý do thủ tướng Úc Scott Morrison đã đề nghị mở một cuộc điều tra độc lập và toàn diện về nguồn gốc của dịch bệnh Vũ Hán, hay tên chính thức là Covid-19.

Điều này đã làm Bắc Kinh bất bình và do đó, ông Thành Cảnh Nghiệp, với tư cách là đại sứ Trung Quốc tại Canberra, đã cảnh báo rằng nếu nước Úc có những hành động không thân thiện như vậy, chính phủ có thể khuyên công dân Trung Quốc không du lịch nước Úc, du sinh Trung Quốc không đến học đại học tại các trường ở Úc và có thể Trung Quốc sẽ không mua lúa mạch, thịt bò, rượu vang.

Tất cả những điều ông Thành Cảnh Nghiệp nêu lên với báo Australian Financial Review, sau đó bộ Thương Mại ở Bắc Kinh đã đưa ra quyết định không nhập cảng lúa mạch, thịt bò của Úc, mới gần đây là không nhập cảng rượu vang của Úc, với lý do hoàn toàn vĩ thực là Úc đã phá giá, Úc đã tài trợ một cách không chính đáng. Tất cả những điều này đều được quy định trong thỏa hiệp của Tổ chức Thương Mại Thế Giới (WTO).

Trong trường hợp du lịch, tất nhiên chuyện này chưa xảy ra vì Úc vẫn còn đóng cửa biên giới vì đại dịch Covid-19. Vấn đề du sinh là một vấn đề rất quan trọng với Úc vì Trung Quốc có khoảng 250.000 du sinh học tại tất cả các viện đại học tại Úc và đem lại cho nền kinh tế Úc mỗi năm khoảng 36 đến 40 tỉ đô la Úc. Cho nên, đây là một vấn đề quan trọng.

Trong ngắn hạn, tất cả những việc như nhập cảng nông sản, thực phẩm được coi như là biện pháp trừng phạt kinh tế đối với nước Úc, nhưng vấn đề du lịch và du sinh chỉ là những điều được nêu ra nhưng trong thực tế, Trung Quốc không làm gì được vì lý do đại dịch và Úc vẫn còn đóng cửa biên giới.

RFI : Theo như quan sát hiện nay thì Úc phụ thuộc khá nhiều vào thị trường Trung Quốc. Theo ông, Canberra có thể đáp trả và phản ứng như thế nào ?

Lưu Tường Quang: Nguyên nhân của tình trạng căng thẳng này có từ nhiều năm nay, đặc biệt là trong hai năm gần đây, cả hai nước có thỏa hiệp là lãnh đạo hai nước gặp nhau một lần. Nhưng từ năm 2018 cho đến giờ, thủ tướng Úc, hiện nay là ông Scott Morisson, vẫn không được mời thăm Bắc Kinh, trong khi đó các bộ trưởng Thương Mại, Nông Nghiệp đã nhiều lần gọi điện cho đồng nhiệm và đối tác tại Bắc Kinh nhưng vẫn không có được cơ hội thảo luận vấn đề.

Nếu chúng ta nhìn xa hơn một chút, giữa Úc và Trung Quốc đang có nhiều vấn đề khác biệt về chính sách. Giả sử trường hợp năm 2017, khi thủ tướng Lý Khắc Cường đến thăm Sydney với hy vọng Úc sẽ gia nhập Sáng kiến Một vành đai Một con đường, nhưng nước Úc từ chối. Cũng trong năm 2017, sau khi đã thương thuyết với nhau khoảng 10 năm, Úc lại quyết định không phê chuẩn hiệp ước dẫn độ với Bắc Kinh. Rồi gần đây nhất là trong vấn đề Biển Đông, vào ngày 23/06/2020, Úc đã gửi công hàm lên tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, nói một cách rất rõ ràng là trong tầm nhìn của Úc, việc xác quyết chủ quyền biển của Bắc Kinh tại Biển Đông là hoàn toàn bất hợp pháp và không có cơ sở pháp lý. Đây là những lý do tôi nêu ra để chứng tỏ rằng quan hệ song phương giữa Úc và Trung Quốc đang có những lấn cấn mà Úc có những quyết định như vậy là dựa trên quyền lợi quốc gia và sự độc lập của Úc.

Còn câu hỏi : Úc có những phản ứng gì đối với Bắc Kinh ? Thực sự, Úc luôn luôn tuyên bố là tất cả những hành động của nước Úc đều dựa trên căn bản quyền lợi quốc gia và giá trị của nước Úc. Lấy ví dụ cụ thể là khi Bắc Kinh mua lúa mạch từ Argentina, hay mua thịt bò, lúa mạch từ Hoa Kỳ, Úc cũng chấp nhận điều đó. Nếu Bắc Kinh có những quyết định bất lợi cho Úc, Canberra sẽ thưa kiện Bắc Kinh ra WTO.

Nhưng về vấn đề trả đũa hay không trả đũa, thì đó lại là vấn đề giải thích. Chẳng hạn trong vấn đề Úc lục soát hai ký giả hay hủy bỏ visa đối với hai học giả Trung Quốc tại Sydney, người ta có thể giải thích đó như là một hành động trả đũa, mà cũng có thể giải thích không phải là hành động trả đũa mà chỉ là trong quyền lợi quốc gia : Có hay không có căng thẳng thì Úc vẫn như vậy vì họ nghi ngờ là những người này có những hành động xen vào nội bộ của Úc, do đó họ có bổn phận phải xử lý.

Đứng về phương diện nguyên tắc, đặc biệt là thủ tướng Scott Morrison luôn luôn nói là nước Úc không bán rẻ linh hồn, đánh đổi thang giá trị của Úc cho một lô thịt bò hay một bao lúa mạch. Điều này rất rõ ràng. Nhưng nói đi thì phải nói lại, tuy là Bắc Kinh đã trừng phạt kinh tế Úc bằng cách không mua những nông sản hoặc thực phẩm, nhưng ngược lại, bang giao song phương về thương mại giữa Úc và Trung Quốc vẫn không bị ảnh hưởng, ví dụ năm 2018-2019, tổng lượng trao đổi hai chiều đã lên đến 235 tỉ đô la Úc và trong số này thặng dư của Úc là trên 58 tỉ đô la.

Giữa Canberra và Bắc Kinh đã có hiệp định tự do thương mại, được ký vào năm 2014 và có giá trị từ năm 2015. Hiệp định này vẫn không có gì thay đổi, cho nên, một mặt có căng thẳng, có sự trừng phạt về kinh tế, nhưng mặt khác, Trung Quốc vẫn tiếp tục mua, mà mua rất nhiều sản phẩm có tính chất chiến lược như than hoặc quặng mỏ mà Trung Quốc rất cần từ Úc để phát triển cho chính Trung Quốc.

Điều này lại có một yếu tố khác là Trung Quốc không có lựa chọn, tại vì đối thủ trên thị trường quốc tế của là Brazil, nhưng bây giờ Brazil đang bị sa lầy vì vấn đề đại dịch Covid-19 cho nên Brazil không còn là một quốc gia cạnh tranh với Úc về những nguyên liệu chiến lược này nữa. Cũng vì lý do đó mà tuy Bắc Kinh đe dọa trừng phạt, và đã thực sự trừng phạt về phương diện kinh tế nhưng vẫn tiếp tục mua hàng hóa, nhất là nguyên liệu chiến lược. Cho nên, một mặt, chúng ta thấy rằng bang giao song phương, đặc biệt là về phương diện thương mại đang rất căng thẳng và mỗi ngày có một yếu tố mới như chúng ta đã nói trong lúc đầu, nhưng trong thực tế, hai bên vẫn tiếp tục giao thương với nhau.

Canberra nói rất rõ là Úc coi Trung Quốc, cũng như Hoa Kỳ, là những đối tác quan trọng : Hoa Kỳ là đối tác về phương diện an ninh, chiến lược, và Trung Quốc là về phương diện giao thương. Đối với cả hai nước, Úc đều có quan hệ ở cấp chiến lược toàn diện. Riêng đối với Hoa Kỳ, Úc có cả một hiệp định hợp tác về an ninh quốc phòng.

Chính vì lý do đó, chính sách ngoại giao của Úc rất uyển chuyển. Một mặt rất là cứng rắn để bảo vệ quyền lợi quốc gia và bảo vệ giá trị của Úc. Mặt khác cũng rất thực tế : Trong hoàn cảnh nào mà Úc có thể cải thiện bang giao với Trung Quốc thì Úc sẵn sàng làm, và trong hoàn cảnh nào Úc cần giữ sự độc lập, ngay cả đối với Hoa Kỳ, thì Úc vẫn giữ sự độc lập đó.

Nói một cách khác, Úc chỉ là một cường quốc bậc trung, chỉ đứng hàng thứ 13 trên thế giới về tổng sản lượng nội địa, nhưng Úc vẫn có một chinh sách độc lập đối với hai cường quốc lớn nhất thế giới là Hoa Kỳ và Trung Quốc.

RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn nhà báo Lưu Tường Quang tại Sydney, Úc.

Related posts