- Lâm Trung Vũ
Sự kiện gần đây Nhân dân Nhật báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) từ chối đăng bài “Nền tảng để xây dựng lại mối quan hệ bình đẳng” có chữ ký của Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Terry Branstad, một lần nữa làm dấy lên tranh luận ngoại giao giữa hai nước. Chiều ngày 11/9, Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc đã đăng toàn văn bài viết này trên Weibo và kêu gọi ĐCSTQ tôn trọng quyền của các nhà ngoại giao phương Tây được đối thoại trực tiếp với người dân Trung Quốc. Nhưng sau đó bài viết này đã bị xóa bỏ. Việc bài viết của ông Branstad bị truyền thông nhà nước Trung Quốc từ chối đã khiến bài viết được giới quan sát bên ngoài quan tâm nhiều hơn.
Chiều ngày 11/9, toàn văn bài viết bằng tiếng Trung có chữ ký của Đại sứ Branstad đã được đăng trên Weibo của Đại sứ quán Mỹ tại Trung Quốc, bài viết cũng được công bố trên trang web của Đại sứ quán Mỹ tại Trung Quốc. Nội dung bài viết tập trung vào sự bất bình đẳng kéo dài trong quan hệ Trung – Mỹ và kêu gọi ĐCSTQ tôn trọng quyền đối thoại trực tiếp với người dân Trung Quốc của các nhà ngoại giao phương Tây.
Đại sứ quán Mỹ tại Trung Quốc cũng đã công bố bài viết chỉ ra phản ứng của Nhân dân Nhật báo về vụ việc này là “Một lần nữa ĐCSTQ bộc lộ sợ hãi về quyền tự do ngôn luận và tranh luận tư tưởng nghiêm túc, cho thấy sự hư ngụy của Bắc Kinh khi phàn nàn nước khác về việc đối xử không công bằng và bình đẳng”.
Theo Hãng Thông tấn Trung ương Đài Loan (CNA), bài viết này được đăng trên Weibo vào lúc 4:30 phút chiều, có thời điểm nhận được hơn 2200 lượt thích và 1937 lượt chia sẻ lại, tuy nhiên những chia sẻ lại không thể kiểm tra được các bình luận của cư dân mạng, chỉ hiển thị “Bài này bị cấm bình luận”. Bài viết đã bị xóa ngay buổi chiều ngày công bố.
Về việc Nhân dân Nhật báo từ chối công bố bài của ông Branstad, trong một tuyên bố vào ngày 9/9, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã chỉ trích ĐCSTQ đạo đức giả và sợ quyền tự do tư tưởng.
Ngày 9/9, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo đã ra tuyên bố chỉ trích Nhân dân Nhật báo của ĐCSTQ đã từ chối công bố bài viết của Đại sứ Branstad, đã nêu một loạt vấn đề không hài lòng: “Trớ trêu là bài viết này là bài viết kêu gọi mối quan hệ tích cực hơn giữa hai nước, kêu gọi thiết lập các mối quan hệ thông qua các cuộc trao đổi không hạn chế và các cuộc thảo luận không bị kiểm duyệt. Phản hồi của Nhân dân Nhật báo phơi bày nỗi sợ hãi của ĐCSTQ về quyền tự do ngôn luận và tranh luận tư tưởng nghiêm túc, cho thấy hư ngụy của Bắc Kinh khi phàn nàn nước khác về việc thiếu đối xử không công bằng và bình đẳng”.
Trong tuyên bố ông Pompeo chỉ ra rằng trong nền dân chủ năng động và tự tin của Mỹ, các quan chức ĐCSTQ có thể đối thoại trực tiếp với người dân Mỹ, và họ cũng có thể bày tỏ quan điểm của chính quyền ĐCSTQ trên các phương tiện truyền thông Mỹ. Chỉ tính riêng năm nay thì Đại sứ của ĐCSTQ tại Mỹ là Thôi Thiên Khải đã công bố 5 bài viết có chữ ký cá nhân trên các tổ chức tin tức nổi tiếng của Mỹ như Washington Post và Politico, đồng thời nhận được các cuộc phỏng vấn độc quyền từ các phương tiện truyền thông như CNN và CBS. Bộ Ngoại giao ĐCSTQ, Thời báo Hoàn cầu và Nhật báo Trung Quốc… có thể sử dụng các nền tảng truyền thông xã hội của Mỹ như Twitter và Facebook để tấn công các chính sách, lối sống và hệ thống dân chủ của Mỹ nhằm bảo vệ quyền tự do ngôn luận, họ cũng đã làm như vậy tại các nước dân chủ khác.
Ông Pompeo nói rằng nếu ĐCSTQ thực sự muốn Trung Quốc trở thành một nước lớn và tăng cường quan hệ với thế giới tự do thì nên tôn trọng quyền của các nhà ngoại giao phương Tây được tiếp xúc với người dân Trung Quốc, tạo điều kiện cho phóng viên nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc, chấm dứt các động thái đe dọa và quấy rối phóng viên điều tra: cho dù đó là người nước ngoài hay người Trung Quốc. Vì phục vụ lợi ích cộng đồng, những phóng viên này nỗ lực bảo vệ hệ giá trị của truyền thông tự do mới nổi. “Họ từ chối làm điều này, cho thấy giới tinh anh ĐCSTQ không được bầu chọn dân chủ lo sợ rằng người dân của họ có tự do tư tưởng, sợ thế giới tự do phản biện cách quản trị nội bộ của Trung Quốc.”, ngoại trưởng Mỹ Pompeo cho biết.
Ngày 10/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao ĐCSTQ Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) và Nhân dân Nhật báo đã liên tiếp phản công lại phát biểu của ông Pompeo, cho rằng họ có quyền từ chối đăng các bài viết “bôi nhọ”. Nhưng cả hai đều không chỉ ra cụ thể những nội dung nào “bôi nhọ” trong bài viết của ông Branstad.
Như vậy, Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc đã viết những gì khiến ĐCSTQ không dám công bố? Sau đây là toàn văn bài của Branstad do Bộ Ngoại giao Mỹ công bố, đại ý như sau:
“Nền tảng của xây dựng lại quan hệ bình đẳng”
Từ lâu, chúng tôi luôn muốn có mối quan hệ với Trung Quốc mang tính xây dựng và hướng tới kết quả có sức nặng. Quan điểm này vẫn không thay đổi. Một mối quan hệ mang tính xây dựng có nghĩa là chúng ta không chỉ phải trung thực và thẳng thắn về lợi ích chung của chúng ta mà còn phải cởi mở và trung thực về những vấn đề gây chia rẽ chúng ta. Điều chúng ta cần không chỉ là liên tục nhắc lại những lợi ích tương ứng của chúng ta mà còn là những kết quả thiết thực mang lại lợi ích cho người dân của chúng ta.
Từ góc nhìn của Mỹ, chúng tôi đạt được rất ít tiến bộ. Trong nhiều năm, lãnh đạo Trung Quốc (ĐCSTQ) đã kêu gọi chúng ta tập trung vào các lĩnh vực hợp tác trong khi gạt bỏ những khác biệt của chúng ta. Trong những năm qua, Mỹ đã đồng ý với cách tiếp cận này và kỳ vọng theo thời gian, sẽ dần giải quyết được những vấn đề mà chúng tôi quan tâm chặt chẽ.
Nhưng giới lãnh đạo Trung Quốc (ĐCSTQ) đã lợi dụng cách tiếp cận này. Giới lãnh đạo Trung Quốc (ĐCSTQ) thường kiên định đề nghị chúng tôi tránh nhắc đến những khác biệt, xem đây là điều kiện tiên quyết để xây dựng mối quan hệ. Đôi khi, ban lãnh đạo Trung Quốc (ĐCSTQ) đã hứa sẽ giải quyết những quan tâm của chúng tôi, nhưng rồi lại không có hành động tương ứng. Hệ quả là quan hệ của chúng ta ngày càng mang lại ít hiệu quả có tính quan trọng hơn đối với người dân Mỹ.
Đồng thời, mối quan hệ cũng ngày càng mất cân bằng. Một ví dụ là cơ hội tiếp cận không bình đẳng cho các công ty, giới truyền thông, nhà ngoại giao và thậm chí cả xã hội dân sự Mỹ. Là một xã hội cởi mở, Mỹ hoan nghênh các công ty Trung Quốc gia nhập thị trường của chúng tôi, bán sản phẩm cho người tiêu dùng Mỹ, xúc tiến đầu tư và tham gia đấu thầu dự án, và thậm chí là gây quỹ.
Chúng tôi chào đón các sinh viên và nhà nghiên cứu Trung Quốc đến các trường đại học và phòng thí nghiệm của chúng tôi, tại đó họ được thu nhận kiến thức để thực hiện hiện đại hóa và phát triển nền kinh tế Trung Quốc. Trong khi các phóng viên Mỹ phải đối mặt với những hạn chế về việc đưa tin và thậm chí xin vào Trung Quốc, còn trái lại lâu nay giới truyền thông nhà nước Trung Quốc được thoải mái đưa tin ở Mỹ.
Các nhà ngoại giao của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (ĐCSTQ) có thể bước vào xã hội Mỹ mà không bị hạn chế, trong khi các nhà ngoại giao của chúng tôi ở Trung Quốc thì phải đối phó với hệ thống phê duyệt nhà nước, cho dù là hoạt động tương tác cơ bản nhất với người dân Trung Quốc.
Cùng với lợi ích có được từ sự cởi mở của chúng tôi thì Chính phủ Trung Quốc (ĐCSTQ) còn lợi dụng sự cởi mở của chúng tôi theo cách ngày càng không phù hợp với các chuẩn mực quốc tế. Một số thực thể Trung Quốc đã mua lại các công ty Mỹ không phải để tạo việc làm, mà để có được công nghệ, sau đó khiến Trung Quốc phát triển và cạnh tranh với chúng tôi.
Một số công ty Trung Quốc đã huy động vốn trên sàn giao dịch chứng khoán của chúng tôi, nhưng họ lại từ chối chấp nhận các quy tắc kiểm toán theo tiêu chuẩn, trong khi tất cả các công ty niêm yết khác đều được yêu cầu tuân thủ các quy tắc này, cho dù đó là công ty Mỹ hay công ty nước ngoài nào khác.
Một số ít sinh viên và nhà nghiên cứu Trung Quốc tận dụng cơ hội vào các trường đại học, tổ chức nghiên cứu và công ty của chúng tôi để đánh cắp tài sản trí tuệ của Mỹ. Những hành động này không chỉ làm tổn hại đến quan hệ song phương của chúng ta, mà còn làm hoen ố đối với tiến bộ kinh tế phi thường và hợp lý mà người dân Trung Quốc có quyền tự hào chính đáng.
Tổng thống Trump nhậm chức và thề sẽ làm cho mối quan hệ tổng thể trở nên cân bằng và bình đẳng hơn. Giai đoạn đầu của hiệp định thương mại và các chính sách gần đây của Mỹ là một bước quan trọng trong nhiệm vụ của chúng tôi nhằm tạo ra một sân chơi thực sự bình đẳng cho các bên liên quan của Mỹ.
Nhiều người cho rằng điều này là để cản trở khát vọng phát triển hợp lý của Trung Quốc, để “kìm hãm” sự trỗi dậy của Trung Quốc hoặc để “tách rời” khỏi Trung Quốc. Điều này là hoàn toàn sai lầm.
Nguyên nhân cơ bản dẫn đến những căng thẳng trong quan hệ Mỹ – Trung hiện nay là do trong thời gian dài chiến lược của Trung Quốc (ĐCSTQ) đã “kết nối” có chọn lọc với Mỹ, đã kiểm soát một cách có hệ thống người Mỹ vào xã hội Trung Quốc. Hệ thống đại học của chúng tôi tiếp tục chào đón phần lớn sinh viên Trung Quốc, nhưng chúng tôi đã hành động để xử lý những trường hợp vi phạm tài sản trí tuệ và kết quả nghiên cứu của Mỹ, hoặc từ chối cấp thị thực đối với trường hợp tiếp thu kiến thức tiên tiến nhất của thế kỷ 21 để cạnh tranh không lành mạnh với chúng tôi.
Chúng tôi cũng đã thực hiện các hành động chống lại các công ty Trung Quốc, bao gồm cả các công ty nổi tiếng như Huawei, vì đã đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ, vượt qua các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ, hoặc đe dọa an ninh mạng internet và dữ liệu cá nhân của công dân Mỹ.
Chúng ta là hai nước khác nhau với lịch sử khác nhau. Mỹ tiếp tục học bài học từ sai lầm của mình để tiếp tục tiến lên nhằm xây dựng tương lai tốt đẹp hơn. Chúng tôi hy vọng Trung Quốc cũng có thể làm được như vậy. Trong nỗ lực này, chúng ta cần thiết lập nền tảng cho sự hiểu biết lẫn nhau và bình đẳng thực sự. Điều này phải dựa trên tiền đề chính phủ Trung Quốc (ĐCSTQ) khởi động giải quyết mối quan hệ không công bằng giữa hai nước, đồng thời làm cho nhân dân hai nước thiết lập quan hệ thông qua trao đổi không hạn chế và thảo luận không bị kiểm duyệt.
Chỉ có như vậy, tôi mới có thể tận hưởng được quyền tự do tiếp xúc với người dân Trung Quốc, như chúng tôi đã cam kiết với Đại sứ Thôi Thiên Khải đang làm việc ở Mỹ, và chỉ khi đó chúng ta mới có thể có được mối quan hệ thực sự bình đẳng và thực sự ngang hàng.
Lâm Trung Vũ