Hương Thảo
Bắc Kinh đã công bố Sáng kiến bảo mật dữ liệu toàn cầu vào ngày 8/9. Tuy nhiên, một chuyên gia an ninh mạng Đài Loan nhận định động cơ đằng sau động thái này của chính quyền Trung Quốc nhằm mục đích tuyên truyền.
The Epoch Times đưa tin, trong một hội thảo quốc tế ngày 8/9, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã đưa ra sáng kiến nhằm thiết lập các tiêu chuẩn quốc tế về bảo mật dữ liệu. Mặc dù không nêu chi tiết, nhưng ông Vương cho biết sáng kiến hướng đến tám mục tiêu, trong đó có việc đảm bảo các nhà cung cấp dịch vụ không cài đặt các “backdoors” (1) trong sản phẩm của họ để khai thác dữ liệu của người dùng một cách bất hợp pháp và phản đối việc sử dụng công nghệ thông tin làm công cụ giám sát hàng loạt.
Tuy nhiên, nhiều công ty công nghệ Trung Quốc được báo cáo là vi phạm cả hai điều này.
Lin Tsung-nan, giáo sư chuyên về khoa học dữ liệu, trí tuệ nhân tạo và an ninh mạng tại Đại học Quốc gia Đài Loan cho biết: “Trung Quốc có ba ý đồ đằng sau sáng kiến này, và một trong số đó là phục vụ mục đích tuyên truyền ra thế giới”.
“Các tuyên bố khác nhau trong sáng kiến này nghe có vẻ rất hợp lý trên bề mặt, nhưng sẽ cho phép [Bắc Kinh] nói rằng Hoa Kỳ đang ích kỷ khi triển khai ‘Mạng Sạch’ (Clean Network) để chống lại Trung Quốc”, ông Lin nhận định trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.
Theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, mục đích chính sách “Mạng Sạch” của nước này là hướng đến việc bảo vệ quyền riêng tư của công dân cũng như bảo vệ các bí mật thương mại của các công ty khỏi sự xâm nhập của những bên có mục đích xấu, ví dụ như ĐCSTQ. Sáng kiến “Mạng Sạch” tìm cách bảo vệ dữ liệu đi qua các mạng viễn thông, các hệ thống đám mây, và các ứng dụng khỏi bị Bắc Kinh xâm nhập, ví dụ như không sử dụng thiết bị Huawei cho mạng 5G.
Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị đã khiêu khích “Mạng Sạch” của Hoa Kỳ trong bài phát biểu hôm 8/9.
“Khăng khăng với các hành vi đơn phương, một quốc gia liên tục đưa ra những cáo buộc vô căn cứ chống lại những nước khác dưới danh nghĩa ‘Mạng Sạch’ và sử dụng bảo mật như một cái cớ để bắt nạt các doanh nghiệp của các quốc gia có lợi thế cạnh tranh”, ông Vương nói, song không đề cập thẳng tới Hoa Kỳ.
Thời báo Hoàn cầu, cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ, trong một bài báo nói về tuyên bố của Vương Nghị, cũng trích dẫn lời một chuyên gia an ninh mạng Trung Quốc cáo buộc Hoa Kỳ “vừa ăn cắp vừa la làng” trong lĩnh vực an ninh mạng.
Đáp lại phản ứng của chính quyền Trung Quốc, Thượng nghị sĩ Mỹ Rick Scott viết trên tài khoản Twitter của mình: “Để Trung Quốc thiết lập các quy tắc bảo mật dữ liệu toàn cầu không khác gì để cáo trông chuồng gà!”.
Thượng nghị sĩ Scott nói thêm: “ĐCSTQ kiểm soát đáng kể cách công dân của họ sử dụng internet, và đánh cắp dữ liệu cũng như tài sản trí tuệ từ các quốc gia trên toàn cầu”.
Theo giáo sư Lin, các tuyên bố mà bề mặt nghe có vẻ “hợp lý” trong sáng kiến mới của Bắc Kinh cũng sẽ cho phép chính quyền này thực hiện “tuyên truyền nội bộ”, từ đó có thể cáo buộc Hoa Kỳ đang “vu khống” cho ngành công nghệ của Trung Quốc.
Ông Lin nói thêm rằng Bắc Kinh có thể tìm cách tập hợp “bạn bè” của mình để thành lập một liên minh đối đầu với Hoa Kỳ.
Chuyên gia Lin dự đoán, các nước đang phát triển, đặc biệt là những nước đã ký kết dự án Vành đai và Con đường của Trung Quốc, có thể sẽ tham gia vào sáng kiến bảo mật dữ liệu mới của Bắc Kinh.
Vị giáo sư Đài Loan cũng cho rằng Bắc Kinh sẽ thúc đẩy sáng kiến này thông qua các cơ quan quốc tế mà họ có ảnh hưởng, bao gồm cả những cơ quan trực thuộc Liên hợp quốc (LHQ).
Đầu tháng 8, Hạ nghị sĩ Mỹ Michael McCaul đưa ra dự luật mới nhằm chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc trong hệ thống LHQ. Hiện tại, vị trí cao nhất tại 4 cơ quan của LHQ, trong đó có Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế, đều do các công dân Trung Quốc nắm giữ. Một thẩm phán Trung Quốc gần đây cũng đã được bầu vào một cơ quan tư pháp do LHQ hậu thuẫn để xét xử các tranh chấp hàng hải.
Vị giáo sư Đài Loan cũng nghi ngờ liệu ĐCSTQ có tuân thủ những cam kết trong sáng kiến này hay không.
ĐCSTQ luôn “nói một đằng và làm một nẻo,” ông Lin nói, trích dẫn ví dụ về việc Bắc Kinh không tôn trọng Tuyên bố chung Trung-Anh. Đây là một hiệp ước quốc tế được ký vào năm 1984, đảm bảo Hồng Kông được hưởng mức độ tự chủ cao trong ít nhất 50 năm kể từ năm 1997, theo mô hình “một quốc gia, hai chế độ”. Nhưng Bắc Kinh gần đây đã ban hành luật an ninh quốc gia Hồng Kông, phá vỡ cam kết trên và bóp nghẹt các quyền dân chủ của người dân đặc khu vốn còn lại ít ỏi.
“Tại sao mọi người lại nghĩ rằng ĐCSTQ sẽ giữ lời hứa như đã tuyên bố trong sáng kiến bảo mật dữ liệu?”, giáo sư Lin kết luận.
Theo The Epoch Times
Hương Thảo dịch và biên tập
(Chú thích: Backdoors – cửa hậu: thường là một đoạn mã nằm trong phần mềm, hoặc phần mềm nằm trong một phần cứng cho phép truy cập hệ thống từ xa nhằm lấy thông tin, hỗ trợ, phân tích hoặc cho các mục đích khác)