Một công ty Trung Quốc có quan hệ chặt chẽ với tình báo và quân đội đã thu thập dữ liệu khổng lồ về thông tin cá nhân của khoảng 2.4 triệu người trên toàn cầu, trong đó có hơn 35,000 công dân Úc, trong đó hầu hết là các nhân vật có tiếng tăm tại Úc.
Những thông tin này đặt câu hỏi về mức độ bành trướng và quy mô của hoạt động tình báo Trung Quốc.
Vấn đề này bị lộ khi cơ sở dữ liệu bị rò rỉ từ công ty Zhenhua Data ở Thẩm Quyến và theo tờ The Australian Financial Review thì các dữ liệu của công ty này đã được Bộ An ninh Quốc gia của Trung Quốc sử dụng.
Các thông tin cá nhân này bao gồm hình ảnh, ngày tháng năm sinh, địa chỉ, tình trạng hôn nhân và xu hướng chính trị. Ngoài ra còn có cả tài khoản mạng xã hội, hồ sơ ngân hàng, đơn xin việc và các hồ sơ tâm lý cũng nằm trong số thông tin bị thu thập. Hầu hết các dữ liệu đã được lấy từ những nguồn công khai như Twitter, Facebook, Instagram, LinkedIn, và TikTok, nhưng bên cạnh đó một số thông tin được lấy từ các tài liệu mật như hồ sơ ngân hàng, đơn xin việc và hồ sơ tâm lý. Các hồ sơ tội phạm và hồ các công ty bị trừng phạt cũng là đối tượng khai thác.
Có 35,000 công dân Úc bị chiếu cố và trong đó có 656 bị liệt kê là “đặc biệt, đáng chú ý”, thí dụ như cựu nghị sĩ NSW David Oldfield, đồng sáng lập đảng One Nation, Chủ tịch đảng Quốc gia Larry Anthony, con trai của cựu Tổng trưởng Kinh tế Peter Costello, cựu dân biểu Lao Động Emma Husar, ký giả Ellen Whinnett, giám đốc đài ABC Georgie Somerset.
Những công dân Úc nằm đặc biệt này bao gồm các chính trị gia liên bang, sĩ quan quân sự, nhà ngoại giao, học giả, doanh nhân, nhà báo, luật sư, kế toán viên. Vài cái tên có thể kể ra là Thủ tướng Scott Morrison, đồng sáng lập công ty Atlassian Mike Cannon-Brookes, và những tên tuổi cộm cán khác như Jennifer Westacott – CEO của Hội đồng Doanh nghiệp Úc, Hugh Marks – CEO của Đài Nine và David Gonski – Chủ tịch ANZ.
Thượng nghị sĩ Lao động Kristina Keneally cho rằng kho dữ liệu này quả thực là điều đáng lo ngại khiến người ta có quyền cảm thấy bất an. Bà nói: “Đương nhiên là các quốc gia đều có thu thập thông tin tình báo nhưng điều quan trọng là sự độc lập của mỗi quốc gia phải được tôn trọng. “Chuyện này nhấn mạnh rằng mối đe dọa từ can thiệp nước ngoài và khả năng thu thập dữ liệu lớn như vậy là có thật và chúng ta phải xem mối đe dọa này là cực kỳ nghiệm trọng.”
Trong khi đó số liệu thống kê cho thấy nhận đầu tư Trung Quốc vào Úc trong năm 2019 đã giảm một nửa so với năm trước đó.
Khảo sát của Đại học Quốc gia Úc (ANU) cho thấy đầu tư Trung Quốc đã sụt giảm hơn 47%, từ $4.8 tỷ trong năm 2018 chỉ còn $2.5 tỷ trong năm 2019.
Số liệu này được thu thập từ năm 2014, theo đó đầu tư Trung Quốc đã giảm trong 3 năm liên tiếp từ khi đạt mức đầu tư cao nhất là $15.8 tỷ trong năm 2016.
Các nhà nghiên cứu cho hay Trung Quốc đã giảm việc đầu tư nước ngoài hồi năm ngoái, nhưng đặc biệt ở Úc thì mức đầu tư sụt giảm mạnh nhất.
Trong 6 năm qua, lĩnh vực địa ốc nhận được thị phần đầu tư cao nhất từ Trung Quốc, tiếp đó là mảng khai khoáng chiếm 21%.
Sụt giảm đầu tư năm 2019 ở hầu hết mọi lĩnh vực, khai thác mỏ, địa ốc, sản xuất. Riêng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp thì sụp đổ hoàn toàn.
Trong khi đó lĩnh vực xây dựng, giáo dục và tài chính thì tăng nhẹ.
Các nhà nghiên cứu tin rằng Trung Quốc đã chuyển hướng đầu tư vào những thị trường đang lên và xem Úc là một thị trường không sinh lợi trong việc đầu tư.
Căng thẳng bang giao giữa hai quốc gia từ khi Úc muốn đẩy mạnh cuộc điều tra về nguồn gốc coronavirus. Chuyện này đã khiến Trung Quốc tức giận, dẫn đến việc cấm vận nhập khẩu lúa mạch, thịt bò và rượu Úc.
Trung Quốc cũng đã tố cáo Úc can thiệp vào cuộc điều tra cảnh sát bằng cách cho hai nhà báo trú ẩn Tòa đại sứ Úc.
Victoria ghi nhận số ca nhiễm mới thấp nhất kể từ ba tháng qua
Tính đến đầu tuần này (14/9/2020) toàn nước Úc ghi xác nhận khoảng 27,000 ca nhiễm COVID-19 và 817 ca tử vong.
Cũng từ đầu tuần này tiểu bang Victoria ghi nhận thêm 35 ca nhiễm Covid -19 trong vòng 24 tiếng đông hồ và 7 ca tử vong, đây là số ca nhiễm mới thấp nhất kể từ ba tháng qua. So với đầu tháng Tám, khi số ca nhiễm mới ở đạt mức hơn 700 ca mỗi ngày, tình hình đã lạc qua hơn rất nhiều.
Trước đó, ngày 13.9.2020 tiểu bang này ghi nhận 41 ca mới và 7 ca tử vong. Số ca nhiễm mới ở Victoria chiếm khoảng 75% tổng số ca bệnh trên toàn quốc trong khi số tử vong chiếm tới hơn 90% trong số tử vong trên cả nước.
Cho đến nay chính phủ Victoria vẫn bất kể áp lực từ liên bang và dân chúng, quyết định gia hạn lệnh phong tỏa thêm bốn tuần, chỉ giảm nhẹ chút đỉnh. Cũng từ ngày 14/9/2020 hơn 5 triệu người dân thành phố Melbourne ày được phép ra ngoài tập thể dục trong 2 giờ đồng hồ, thay vì 1 giờ đồng hồ như quy định trước đây, trong khi thời gian giới nghiêm ban đêm cũng được rút ngắn.
Hôm thứ Bảy và Chủ Nhật hàng trăm cư dân đã xuống đường biểu tinh phản đối lệnh phong tỏa và Cảnh sát Victoria đã mạnh tay trấn áp, bắt giữ 74 người và xử phạt 176 người khác do vi phạm các quy định về phòng, chống dịch.