Cổ Nhuế
Sau sáu tuần lễ cùm chân trong nhà, bà con ở Melbourne tưởng có thể được xả trại. Nhưng không. Vào Chủ nhật vừa qua, thủ hiến Daniel Andrews đã trình bày lộ trình đưa Melbourne nói riêng và tiểu bang Victoria nói chung trở lại bình thường.
Lộ trình này thật dài và gồm có năm bước. Bước đầu tiên bắt đầu từ thứ Hai 13.9 và bước cuối cùng từ ngày 23.11. Nhưng tất cả còn tuỳ theo tiểu bang còn bị đông người mắc dịch hay không. Victoria sẽ bước bước cuối cùng trong lộ trình dẫn đến bình thường khi trong vòng 28 ngày mà không có ai bị dính con Corona nữa, và cũng không còn người mang con Corona trong người, và ở các nơi khác trên toàn nước Úc cũng không còn chỗ nào sợ bị dịch. Đây là ba điều kiện ngặt nghèo vì có lẽ phải chờ đến ‘tết Congo’ thì ở Victoria mới sạch sành sanh con Corona và các nơi khác cũng không còn lo lắng ‘coro-na coro-niết’ gì ráo.
Bà con của bạn đọc sống ở Melbourne mà muốn hớt tóc ư? Xin đợi thêm ít nhất một tháng nữa. Theo lộ trình vòng vo này, mãi cho đến bước thứ ba, bắt đầu vào ngày 26.10.2020 tiệm hớt tóc mới được phép mở cửa. Nhưng xin nói ngay, tiệm hớt tóc chỉ được mở cửa với điều kiện trong 14 ngày trước đó trung bình mỗi ngày chỉ có 5 người dính con Corona. Chao ơi! Sao mà lâu quá và cũng khó quá. Thôi đành quên đi cái đầu loả xoả tóc cho nó khoẻ.
Học sinh từ lớp 3 cho đến lớp 10 muốn tung tăng trở lại trong sân trường? Xin chờ cho tới sau ngày 23.11 và trước đó 14 ngày không có ai bị dính. Cũng phải chờ cho tới cuối tháng 11 người dân ở Melbourne mới được quyền đi ngắm nghía nhà để mua, vào sân vận động coi tranh tài thể thao …
Bạn đọc có nghĩ vào dịp lễ Giáng Sinh và năm mới Dương Lịch, người ở Melbourne được dập dìu mua sắm trở lại chưa? Không chắc, à nghe. Rủi vào đầu tháng 12 năm nay, đọc báo thấy còn ‘ca nhiễm’ hay ‘ca tử vong’ ở Melbourne thì xin bà con ở đó bỏ hết chương trình ăn lễ Giáng Sinh và tết Dương Lịch.
Mở cửa sớm, sớm đóng cửa
Bị cùm chưn thì ai không tức. Bị nhốt trong nhà thì ai không mong sớm được thả rông. Nhưng chính phủ Victoria phải kéo dài các biện pháp ngặt nghèo vì họ đựa vào dự đoán do đại học Melbourne và New England soạn ra.
Theo đó, nếu khi số người dính con Corona hạ xuống trung bình 25 người mỗi ngày mà Victoria đã nới lỏng các biện pháp thì trước lễ Giáng Sinh tiểu bang nhà dám phải đóng sập một lần nữa, à nghe. Sợ bị thêm đợt thứ ba, Victoria đành chọn con đường khó khăn và chậm chạp nhất. Theo đó, chính phủ chờ cho đến khi trong vòng 14 ngày mà chỉ còn trung bình 5 người bị dính (mỗi ngày) thì mới mở cửa trở lại.
Thủ hiến Daniel Andrews nói thẳng ổng không muốn mở cửa sớm, rồi lại phải đóng cửa. Thật vậy, Victoria có thể sớm tung tăng vui chơi. Nhưng chắc là chỉ được tung tăng trong hai tuần lễ. Rồi lại bị cùm chưn. Có lẽ thà chờ cho đến lễ Giáng Sinh mới tổ chức tiệc tùng còn hơn mãi mãi dự đám tang người thân qua màn ảnh Zoom!
Canberra nặng lời với Melbourne
Phải nhìn nhận nhờ dân chúng ở Melbourne nói riêng và toàn tiểu bang Victoria nói chung tuân lệnh chính phủ nên số người bị dính con Corona mỗi ngày một giảm sút. Trong tuần qua, tình trung bình trong bảy ngày ở tiểu bang này chỉ còn chừng 80 người (hay ít hơn) bị lây bệnh.
Bị khá nặng khi con Corona tấn công đợt nhì, xem chừng thủ hiến Victoria thấy ê càng. Ông chọn con dường vòng vo nhất. Trước kế hoạch mở cửa rất chậm chạp này, xem chừng thủ tướng Scott Morrison và nội các liên bang bất bình.
Sau khi khá thành công đè đường cong con Corona xuống trong đợt thứ nhất, chính phủ liên bang quay qua tìm cách phục hồi kinh tế Úc. Rủi thay! Khi hai ông Scott Morrison và Josh Frydenberg bắt tay chuẩn bị cho dự luật ngân sách dự trù sẽ đệ trình tại quốc hội vào đầu tháng 10 sắp tới thì tiểu bang đông dân thứ nhì của Úc lâm nạn. Khi lâm nạn thì ở nơi làm ra đến 25% GDP cho nước Úc lại theo con đường của New Zealand nhắm tới không phải ‘ngăn chận’ mà ‘tận diệt’ con Corona. Con đường này có thể làm kinh tế của Victoria giảm sút đến 20% và tiểu bang mất toi 260 ngàn việc làm.
Thủ tướng Scott Morrison cho rằng: nếu đem những giới hạn ở Victoria áp dụng cho Sydney thì ngay bây giờ Sydney đã bị … giới nghiêm rồi đó nghen. Đồng ca với thủ tướng, tổng trưởng y tế liên bang Greg Hunt cũng nói ‘nếu áp dụng luật lệ ở Victoria cho Sydney thì bây giờ Sydney đã bị đóng sập, giới nghiêm và tất cả hàng quán đều phải đóng cửa’. Ông tổng trưởng y té liên bang còn so sánh Melbourne với Vũ Hán. Hai nơi này bị nhiều biện pháp ngặt nghèo như nhau. Nhưng dân ở Vũ Hán chỉ chịu đựng có hai tháng rưỡi. Còn Melbourne thì đã ba tháng rưỡi và có thể kéo dài cho đến … vô tận.
Thay vì cùm chưn dân chúng
Trước những ngặt nghèo ở Melbourne, người ta hỏi có gì để thay thế cho các biện pháp ngặt nghèo này mà vẫn chống lại được con Corona. Thủ tướng Scott Morrison trả lời: Có chứ. Thay vì cùm chưn dân chúng trong nhà và đóng sập chuyện làm ăn thì giới chức y tế phải ra tay bán sát đường đi nước bước của con Corona.
Chính phủ NSW đã làm thế. Khi con Corona lú đầu ra ở Crossroad Hotel hay Thai Rock Restaurant thì bà Gladys Berejiklian đâu có đóng sập cửa NSW. Bả theo dõi đường đi nước bước của con Corona. Nó lú đầu ở đâu thì trừng trị ở đó. Và chỉ ở đó mà thôi. Khi đọc tin tức về con Corona, bạn đọc thấy ở Sydney số người ‘đang bị điều tra, is still being investigated’ rất thấp. Ngược lại số ‘trường hợp mù mờ, mysterious cases’ ở Melbourne có ngày lên đến hàng trăm. Hai chữ này đều có nghĩa là giới chức y tế chưa biết từ đâu mà người dân dính con Corona. Nếu không theo dõi đường đi nước bước của con Corona thì gần như không bao giờ diệt được nó. Ở Sydney, khi theo dõi một người bị dính con Corona, giới chức y tế tìm thấy người này đã từng tiếp xúc lên đến 500 người khác. Trong số 500 người này, lại có 2 người bị dính.
Người Victoria khùng khùng điên điên
Hơn nữa, thưa ngài Daniel Andrews, không ai có quyền cùm chưn nguyên một tiểu bang đông dân hạng nhì nước Úc cho tới … vô tận. Cùm chưn dân chúng sẽ huỷ hoại nền kinh tế và làm cho nhiều người phát điên lên.
Xin nói về kinh tế. Bà Jennifer Westacott, có chân trong hội đồng quản trị công ty Wesfarmers và cũng là giám đốc điều hành hội đồng Thương Mại Úc (The Business Council of Australia) cho rằng lộ trình vòng vo và lâu dài do thủ hiến Daniel Andrews đưa ra sẽ làm mất rất nhiều việc làm. Thật vậy, khi công ty làm ăn không nên tại Victoria,họ sẽ dời qua tiểu bang khác. Vậy là việc làm sẽ khan hiếm. Thay vì đóng sập cơ xưởng, bà Westacott đề nghị Victoria cho phép cơ xưởng nào có kế hoạch COVIDSafe (như chính phủ đòi hỏi) thì được mở cửa. Bà Kate Carnell, uỷ viên bảo vệ giới tiểu thương Úc (The Australian Small Business and Family Enterprise Ombudsman) mạnh miệng hơn khi đòi chính phủ Victoria phải bồi thường cho người làm ăn vì họ phải tuân lệnh đóng cửa do chính phủ ban hành.
Ngoài chuyện làm ăn và tiền bạc, nếu bị cùm chưn lâu Victoria dám thành ‘nhà thương điên’ lắm đa. Chưa nói tới người khùng khùng điên điên với những tên bệnh lạ hoắc lạ quơ do bác sỹ ghi trong toa, khá dông người ‘gối ấp tay kề’ vì thấy mặt nhau cả ngày lẫn đến nên sinh chứng ‘thượng cẳng tay hạ cẳng chưn’. Nạn bạo hành trong gia đình đã tăng lên vượt bậc ở Victoria. Nguyên do là vì… ‘cùm chưn’ đó thôi.
Cổ Nhuế