Tin thế giới sáng thứ Bảy

Giám đốc FBI: Tin tặc Trung Quốc, Nga đang ‘phá’ nghiên cứu vắc-xin Covid của Mỹ

Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Christopher Wray (ảnh: Reuters).

Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Christopher Wray hôm 17/8 nói với một Ủy ban Hạ viện rằng tin tặc nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc và Nga, đang cố gắng đánh cắp công nghệ nghiên cứu và thử nghiệm vắc-xin Covid-19 của Hoa Kỳ và cản trở chính phủ nước này chống dịch.

Trang Breitbart đưa tin, trong phiên điều trần về các mối đe dọa đối với Mỹ do Ủy ban An ninh Nội địa Hạ viện tổ chức, Hạ nghị sĩ Xochitl Torres Small cho biết:

“Theo các quan chức tình báo Mỹ, tin tặc Trung Quốc và Nga đang sử dụng các công cụ mạng để đánh cắp nghiên cứu y sinh của Hoa Kỳ dùng trong phát triển vắc-xin Covid-19. Các quan chức cũng bày tỏ lo ngại về khả năng tin tặc Trung Quốc và Nga cản trở nỗ lực phát triển vắc-xin của Mỹ”.

Bà Small chất vấn ông Wray rằng FBI đang có động thái gì để chống lại tin tặc nước ngoài cũng như phối hợp với các tổ chức dược phẩm, học thuật để tăng cường khả năng phòng thủ trước hoạt động tấn công mạng.

Ông Wray đáp: “Đúng là chúng tôi đang chứng kiến các nỗ lực tấn công mạng của đối thủ nước ngoài nhắm vào các nghiên cứu vắc-xin, công nghệ thử nghiệm, công nghệ điều trị đồng thời cản trở nỗ lực ứng phó đại dịch của chúng ta”, giám đốc FBI trả lời.

“Đây là mối đe dọa mạng rất, rất thực tế mà chúng tôi đang phải đối mặt hàng ngày”, ông Wray nói thêm.

Giám đốc Wray chỉ ra rằng người Nga đang phát tán thông tin sai lệch về virus corona và các loại vắc-xin được đưa ra trong tương lai nhằm tạo ra sự ngờ vực của công chúng đối với hiệu quả của các loại vắc-xin này.

Trong một khuyến cáo chung hồi tháng 7, các cơ quan tình báo Hoa Kỳ, Anh và Canada đã cáo buộc các tin tặc từ Nga được nhà nước hậu thuẫn tấn công các công ty nghiên cứu Covid-19.

Ngay sau đó, vào ngày 21/7, Bộ Tư pháp Mỹ đã truy tố hai tin tặc Trung Quốc có ý định đánh cắp các bí mật nghiên cứu của Mỹ về phát triển vắc-xin.

Một số nước bao gồm Nga, Trung Quốc, Vương quốc Anh, Canada và Hoa Kỳ, đang tham gia vào cuộc chạy đua toàn cầu để phát triển một loại vắc-xin an toàn và hiệu quả.

Nga và Trung Quốc tuyên bố đã phát triển được vắc-xin Covid, song các chuyên gia y tế lo ngại chúng không an toàn.

Nghị sĩ Mỹ trình dự luật bỏ chính sách ‘Một Trung Quốc’, quan hệ chính thức với Đài Loan

Nghị sĩ Mỹ Tom Tiffany (ảnh: Tom Tiffany/Youtube).

Hạ nghị sĩ Hoa Kỳ Tom Tiffany hôm thứ Tư (16/9) đã giới thiệu một dự luật kêu gọi Washington chấm dứt chính sách “Một Trung Quốc”, nối lại quan hệ chính thức với Đài Loan và bắt đầu đàm phán về Hiệp định Thương mại Tự do giữa hai bên.

Trong một thông cáo báo chí được đăng ngày 17/9, ông Tiffany chỉ ra rằng trước năm 1979, Mỹ và Đài Loan duy trì quan hệ ngoại giao bình thường và hữu nghị. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ khi đó là Jimmy Carter đột ngột cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan “mà không có sự chấp thuận của cơ quan lập pháp” và bắt tay với ĐCSTQ.

Hạ nghị sĩ Tiffany cho biết Nghị viện Mỹ sau đó đã thông qua “Đạo luật Quan hệ Đài Loan” (TRA), được coi nền tảng của quan hệ kinh tế và văn hóa Mỹ – Đài Loan, đồng thời cho phép Washington bán vũ khí cho hòn đảo. Cựu Tổng thống Ronald Reagan về sau đã “nâng cấp mối quan hệ” bằng cách ban hành “Sáu điều Bảo đảm”, trong đó nói rõ rằng Mỹ không thay đổi lập trường của mình về chủ quyền của Đài Loan.

Tuy nhiên, Hoa Kỳ vẫn không chính thức công nhận mối quan hệ với Đài Loan. Nghị sĩ Tiffany bày tỏ Mỹ đang đối xử với chính phủ Đài Loan vốn được bầu cử dân chủ, giống với “các chế độ tàn bạo” ở Triều Tiên và Iran, và điều này “không thể giải thích được”.

Theo Nghị quyết chung mà văn phòng của ông Tiffany gửi cho Taiwan News, Nghị viện Mỹ cho rằng Washington nên nối lại quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan, hủy bỏ các hạn chế đối với trao đổi bình thường giữa hai nước, đàm phán và ký kết Hiệp định Thương mại Tự do (FTA), và ủng hộ việc Đài Loan trở thành thành viên của Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế khác.

“Nước Mỹ không cần giấy phép của ĐCSTQ để nói chuyện với bạn bè và đối tác của mình trên khắp thế giới”, ông Tiffany viết trên Twitter.

Last night I introduced legislation calling for an end to the outdated “One China Policy” and closer ties with our allies in #Taiwan.
#America doesn’t need a permission slip from Communist #China to talk to our democratic friends and partners.

It’s time for a change.— Rep. Tom Tiffany (@RepTiffany) September 17, 2020

Ông Tiffany nhận định: “Bây giờ là lúc Mỹ ngừng chính sách ‘Một Trung Quốc’ của Bắc Kinh và để chính sách của Mỹ phản ánh thực tế rằng Đài Loan là một quốc gia tự do, dân chủ và độc lập.

Hạ nghị sĩ Tiffany kết luận: “Nếu Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Bahrain có thể bình thường hóa quan hệ với Israel, chắc chắn chúng tôi có thể chính thức hóa tình bạn lâu dài của mình với Đài Loan”.

Trung Quốc tăng mua gấp đôi đậu nành Mỹ trước cuộc bầu cử tháng 11

Theo các nhà quan sát, Bắc Kinh có thể sử dụng việc trì hoãn và hủy bỏ đơn hàng trong trò chơi ngoại giao với Washington.

Trung Quốc đã tăng mua gấp đôi đậu nành của Mỹ so với kế hoạch do mặt hàng này được xem là một trong số ít các công cụ ngoại giao còn lại để Bắc Kinh có thể gây sức ép lên Washington.

Tờ Nikkei dẫn thông tin từ Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cho biết, tính đến ngày 15/9, Trung Quốc đã đồng ý mua 9,89 triệu tấn đậu nành Mỹ trong thời gian từ tháng 9/2020 đến tháng 8/2021. Trong số đó, 3,27 triệu tấn được đặt hàng vào tháng 8 và 2,07 triệu tấn khác được đặt hàng vào tháng này.

Trung Quốc mua gần 40% sản lượng đậu nành do Mỹ trồng. Việc tăng mua này có thể nhằm làm nổi bật sức ảnh hưởng của nền kinh tế Trung Quốc, đặc biệt khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tranh thủ lá phiếu của giới cử tri nông nghiệp trước cuộc bầu cử tháng 11.

Theo các nhà quan sát, Trung Quốc có thể có thể sử dụng việc đặt hàng như một cách để đối phó với các áp lực thương mại của Hoa Kỳ, cũng như làm lợi thế khi thảo luận các vấn đề ngoại giao nóng bỏng khác như Luật An ninh Hồng Kông, việc trừng phạt đối với Huawei Technologies và việc tách rời công nghệ giữa hai quốc gia. Theo cách này, Bắc Kinh có thể chọn việc thực hiện hoặc hủy bỏ đơn hàng khi các chuyến hàng thực tế đã sẵn sàng. Trước đó, việc Trung Quốc hủy bỏ hợp đồng mua 800.000 tấn đậu nành vào tháng 2/2019 đã khiến giá mặt hàng này lao dốc. 

Ông Trump tuyên bố rằng Trung Quốc đang đặt những đơn hàng mua đậu nành và bắp của Mỹ lớn nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, nhiều người suy đoán rằng Bắc Kinh có thể trì hoãn việc nhập hàng thực tế cho đến tháng 11 hoặc sau đó để tránh tỏ ra quá ủng hộ ông Trump nếu cựu Phó Tổng thống Joe Biden đắc cử.

Theo thỏa thuận thương mại “giai đoạn một” giữa hai nước, Trung Quốc được cho là sẽ đẩy mạnh việc nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ của Hoa Kỳ thêm 200 tỷ USD vào cuối năm 2021 so với mức năm 2017, năm trước khi xảy ra cuộc chiến thương mại.

Theo Viện Kinh tế quốc tế Peterson, để đạt mục tiêu này, việc nhập khẩu hàng hóa Mỹ của Trung Quốc cần phải đạt mức 100,7 tỷ USD trong bảy tháng đầu năm nay, nhưng con số thực tế chỉ là 48,5 tỷ USD, tương đương 48% của mục tiêu.

Hoa Kỳ và Trung Quốc đều khẳng định tiếp tục thực hiện thỏa thuận “giai đoạn một” tại cuộc họp cấp chính phủ vào cuối tháng 8, nhưng con số thực tế cho thấy vẫn còn kém xa.

Đặc biệt, việc nhập khẩu nông sản Mỹ của Trung Quốc chỉ mới đạt 46% so với kế hoạch từ đầu năm đến nay, giảm từ mức 58% vào tháng 2 khi thỏa thuận thương mại có hiệu lực.

Hàng hóa công nghiệp chiếm 40% trong tổng số 200 tỷ USD nhập khẩu thêm mà Trung Quốc đã hứa, cũng chỉ mới đạt 56% kế hoạch từ đầu năm đến nay. Trung Quốc đã đổ lỗi vấn đề này một phần là do những hạn chế cứng rắn hơn của Hoa Kỳ đối với việc xuất khẩu công nghệ sang Trung Quốc. Nhập khẩu năng lượng thậm chí còn tụt lại nhiều hơn ở mức 17%, do giá khí hóa lỏng và các nguồn năng lượng khác trên toàn cầu giảm xuống.

Lo ngại gián điệp Trung Quốc, công ty Philippines chuyển sang hợp tác với công ty Mỹ

Lục Du | DKN 10 giờ trước 294 lượt xem

Công ty Dito của Philippines đã chuyển sang hợp tác với công ty Mỹ để xây dựng hệ thống an ninh mạng (ảnh: Từ video của ANC 24/7)

Một công ty công nghệ của Philippine có liên kết với công ty China Telecom của Trung Quốc đã mời công ty Fortinet của Mỹ làm đối tác an ninh để xua tan các mối lo ngại về các hoạt động do thám của Bắc Kinh.

Dito Telecomnity, một công ty liên doanh giữa China Telecom của Trung Quốc và tỷ phú Philippines Dennis Uy, nhà tài trợ cho chiến dịch tranh cử của Tổng thống Rodrigo Duterte, đang xây dựng hệ thống của mình sau khi thắng thầu vào năm 2018 để trở thành hãng viễn thông lớn thứ ba Philippines.

Gần đây Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana nói rằng ông đã cho phép Dito xây dựng các trạm viễn thông bên trong các doanh trại quân sự. Điều này làm dấy lên lo ngại về hoạt động gián điệp của Bắc Kinh khi Dito là một đối tác liên doanh với China Telecom, một công ty quốc doanh của Trung Quốc.

Trong cuộc họp báo trực tuyến hôm thứ Năm (17/9), Giám đốc hành chính của Dito, ông Adel Tamano, nhấn mạnh rằng Dito do người Philippines kiểm soát và quản lý, trong đó China Telecom sở hữu 40% và tập đoàn của tỷ phú Uy là 60%.

Thượng nghị sĩ đối lập Risa Hontiveros đã kêu gọi một cuộc điều tra về thỏa thuận giữa quân đội Philippines và Dito, kèm cảnh báo rằng luật pháp của Trung Quốc bắt buộc các công ty của nước này phải hỗ trợ Bắc Kinh trong việc thu thập thông tin tình báo. Ông Hontiveros cho biết: “Ngoài ra còn có Luật chống gián điệp của Trung Quốc mà các tập đoàn của Trung Quốc không thể từ chối hỗ trợ chính phủ của họ trong vấn đề này [thu thập thông tin tình báo]”.

Trước các phản ứng gay gắt, ông Tamano cho biết Dito trung thành với Philippines. “Là một thành viên của ban quản lý, tôi không thể hình dùng được việc chúng tôi [lại] đi nói rằng ‘Chúng tôi chấp thuận hoạt động gián điệp, chúng tôi đồng ý nhận thông tin mật’”, ông Tamano nói. “[Nếu làm thế] chúng tôi sẽ vào tù”.

Để xoa dịu nỗi lo về gián điệp, công ty Dito vào tháng trước, sau khi nhận được sự chấp thuận từ quốc hội Philippines, đã chuyển sang sử dụng dịch vụ do công ty Fortinet của Mỹ cung cấp. Theo đó Fortinet sẽ giúp Dito xây dựng hệ thống an ninh mạng trị giá một tỷ peso (tương đương 20 triệu USD).

Fortinet có trụ sở tại California được thành lập và lãnh đạo bởi Ken Xie, một chuyên gia an ninh mạng được đào tạo tại Đại học Stanford. Fortinet đã giành được nhiều hợp đồng với các công ty lớn của Mỹ.

18 máy bay quân sự Trung Quốc áp sát Đài Loan

“Hai oanh tạc cơ H-6, tám tiêm kích J-16, bốn tiêm kích J-10 và 4 chiến đấu cơ J-11 đã vượt qua đường trung tuyến trên eo biển Đài Loan và tiến vào vùng nhận diện phòng không phía tây nam”, Reuters dẫn thông báo hôm nay từ Bộ Quốc phòng Đài Loan.

“Lực lượng Không quân Đài Loan đã điều tiêm kích và triển khai hệ thống tên lửa phòng không để giám sát những hoạt động này”, Bộ Quốc phòng cho biết thêm.

Tờ Liberty Times của Đài Loan cho biết, tiêm kích Đài Loan đã xuất kích đến 17 lần chỉ trong 4 tiếng buổi sáng để áp sát, yêu cầu máy bay Trung Quốc đại lục rời vùng nhận diện phòng không quanh hòn đảo.

Động thái trên của quân đội Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách vấn đề kinh tế Keith Krach đang thăm Đài Loan.

Ông Trump sẽ không phát biểu trực tiếp tại Liên Hợp Quốc

Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ không đến New York vào thứ Ba tới (22/9) để phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, nhưng nhưng sẽ đọc diễn văn qua video từ Nhà Trắng, Reuters dẫn tin từ Chánh văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows hôm 17/9 cho biết.

Thẩm phán Úc ở Hồng Kông từ chức vì luật an ninh

Trang ABC hôm nay đưa tin, thẩm phán người Úc James Spigelman đã từ chức tại toà án phúc thẩm tối cao ở Hồng Kông khi Bắc Kinh tăng cường đàn áp thành phố bán tự trị này.

Ông Spigelman nói với ABC rằng lý do ông từ chức “liên quan đến nội dung luật an ninh quốc gia”, nhưng không đề cập chi tiết.

Một thông báo của Chính phủ Hồng Kông được công bố hôm nay cho biết chức vị của ông đã bị “thu hồi” hồi đầu tháng, nhưng không đưa ra lý do.

Thẩm phán Spigelman từ chức trong bối cảnh chính quyền của bà Carrie Lam gần đây nhấn mạnh rằng thành phố không có “tam quyền phân lập”, các quyền hành pháp, lập pháp và tư pháp đều do Bắc Kinh nắm giữ.

Ngay cả trước khi luật an ninh được ban hành, các thẩm phán cấp cao đã nói với Reuters rằng sự độc lập của hệ thống tư pháp Hồng Kông đã bị ĐCSTQ kiểm soát.

Diễn tập ‘Góa phụ Đen’ giúp Mỹ đối phó tàu ngầm Nga

Hải quân Mỹ cử nhiều chiến hạm, máy bay tới bắc Đại Tây Dương tham gia diễn tập “Góa phụ Đen” nhằm ứng phó mối đe dọa từ tàu ngầm Nga, theo trang Military ngày 17/9.

Đợt diễn tập diễn ra ngày 12 đến 13/9, sau khi các chỉ huy hải quân Mỹ tuyên bố tàu ngầm Nga gia tăng hoạt động ở phía bắc Đại Tây Dương, “đặt ra thách thức mới” tại khu vực mà Mỹ xem như một “vùng chiến sự” tiềm tàng.

Những loại vũ khí hiện đại nhất của Mỹ như tàu sân bay trực thăng, tàu khu trục, tàu ngầm tấn công và máy bay tuần thám săn ngầm đều xuất hiện trong cuộc tập trận này.

Phó đô đốc Andrew Lewis, chỉ huy Hạm đội 2 hải quân Mỹ, tuyên bố trong cuộc họp báo: “Đó là nơi chiến đấu và cạnh tranh. Chúng tôi phải duy trì lợi thế vị trí trước đối thủ, lợi thế trước năng lực hoạt động tàu ngầm của người Nga, đặc biệt ở Đại Tây Dương. Chúng tôi phải duy trì lợi thế đó”.

Liên Hiệp Quốc: Ông Maduro phạm tội ác chống nhân loại ở Venezuela

Đài RFI đưa tin, trong một báo cáo được đưa ra vào hôm 16/9, các nhà điều tra Liên Hiệp Quốc cho biết họ có những cơ sở hợp lý để kết luận rằng giới chức Venezuela đã thực hiện nhiều hành vi trái phép, dẫn tới các tội ác chống nhân loại, trong đó có những vụ tra tấn thường xuyên, bên cạnh những vụ ám sát. 

Các nhà điều tra Liên Hiệp Quốc cho rằng Tổng thống Maduro, và hai bộ trưởng Quốc phòng và Nội vụ đã “ra lệnh hay phối hợp hành động dẫn đến các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng”. 

Bà Marta Valinas, trưởng nhóm điều tra, cho biết: “Những hành động tội ác đã được phối hợp và thực hiện theo chỉ thị của chính phủ, với sự hỗ trợ trực tiếp của các cấp trên và lãnh đạo cao cấp trong chính quyền”.

Các nhà điều tra Liên Hiệp Quốc đã yêu cầu lãnh đạo Venezuela mở một cuộc điều tra độc lập và minh bạch ngay lập tức.

Related posts