Ngày 16/9, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đã đến thăm Tập đoàn RAND tại California, ông cho biết thực lực hải quân của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) không cách nào so sánh với Mỹ được.
Bài diễn thuyết của Bộ trưởng Quốc phòng lấy cạnh tranh an ninh Mỹ – Trung và tình hình căn cứ công nghiệp quốc phòng của Mỹ làm chủ đề. “Trong thời đại nước lớn cạnh tranh này, Bộ Quốc phòng coi ĐCSTQ sau đó đến Nga là đối thủ cạnh tranh chiến lược hàng đầu của chúng ta”, ông Mark Esper nói.
Bộ Quốc phòng Mỹ mới thành lập “Nhóm Quản lý Chiến lược Trung Quốc”, coi ĐCSTQ trở thành mối đe dọa số một trong giảng dạy tại các học viện quân sự.
Chênh lệch thực lực hải quân Mỹ – Trung
Theo Đài Tiếng nói Hoa Kỳ đưa tin, trong bài diễn thuyết của mình, ông Mark Esper cho biết, ĐCSTQ có kế hoạch tạo một nhánh quân đội cấp thế giới để dẫn đầu châu Á, và cố gắng định hình lại trật tự quốc tế do Mỹ chủ đạo từ sau Thế chiến thứ II. Tuy nhiên, thực lực của hải quân ĐCSTQ không cách nào so với Mỹ được, bởi vì Bộ Quốc phòng Mỹ đang xây dựng hạm đội tương lai lớn mạnh, chủ yếu bao gồm công nghệ không người lái, trí tuệ nhân tạo, vũ khí điều khiển chính xác từ xa, v.v.
Ông nhấn mạnh, 70 năm qua, trật tự tự do và cởi mở do Mỹ và các nước đồng minh sáng lập đã hỗ trợ cho sự phồn vinh ổn định của toàn cầu. Tuy nhiên hiện nay, trật tự tự do và cởi mở này đang “chịu áp lực’. Hành động của ĐCSTQ tại khu vực Biển Hoa Đông và Biển Đông, đã cho thấy họ có ý đồ định hình lại trật tự quốc tế.
Ông Mark Esper cho biết, ĐCSTQ và Nga, “những cường quyền theo chủ nghĩa xét lại này đang lợi dụng sức mạnh kinh tế, chính trị và quân sự để cố gắng chuyển cán cân quyền lực sang lợi ích của chính họ. Tuy nhiên thường sẽ phải hy sinh người khác để đổi lấy.” Lấy “Một vành đai, Một con đường” của ĐCSTQ làm ví dụ, “để cho quốc gia thực lực tương đối yếu phải gánh vác món nợ nặng, khiến các quốc gia này từ bỏ chủ quyền để nhận được viện trợ kinh tế của ĐCSTQ.”
Ông nói rằng, với tư cách là Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, nhiệm vụ đầu hàng đầu là thực hiện chiến lược quốc phòng không thể đảo ngược của Mỹ. Thành công của chiến lược này phụ thuộc vào ba khía cạnh: nâng cao khả năng sát thương và khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội; thiết lập và củng cố các mối quan hệ đồng minh; cải cách nội bộ để các nguồn lực của nội bộ phù hợp với các nhiệm vụ hàng đầu.
Ông Esper cho rằng ngay cả khi hiện nay Mỹ ngừng đóng tàu chiến mới, thì thực lực hải quân của ĐCSTQ sẽ phải mất nhiều năm mới đuổi kịp quân đội Mỹ. Tuy nhiên, Mỹ phải duy trì ưu thế của mình và tiếp tục đóng các tàu hiện đại để đảm bảo rằng quân đội Mỹ có lực lượng hải quân mạnh nhất thế giới.
Chính quyền Tổng thống Trump tăng dự toán ngân sách quân đội Mỹ
Sau khi Tổng thống Trump nhậm chức, ông đã tăng cường đầu tư cho sức mạnh quân sự. Trong năm tài chính 2020, ngân sách của quân đội Mỹ là 738 tỷ USD. Vào đầu năm ngoái, Hải quân Mỹ đã ký hợp đồng trị giá 795 triệu USD để mua tàu hộ vệ mang tên lửa dẫn đường đầu tiên thuộc thế hệ mới, và có kế hoạch mua thêm 9 chiếc nữa với tổng giá trị gần 5,6 tỷ USD. Đồng thời, Mỹ đã đạt được những tiến bộ rất tốt trong việc phát triển tàu mặt nước không người lái và phương tiện dưới biển không người lái. Hệ thống không người lái trong tương lai sẽ có thể thực hiện nhiều chức năng chiến đấu như phóng hỏa lực chí mạng, đặt mìn, cung cấp thiết bị và giám sát đối phương.
Bộ trưởng Quốc phòng cũng tuyên bố rằng hiện nay quân đội Mỹ đang ở một bước ngoặt. Hải quân và Thủy quân lục chiến Mỹ trong tương lai sẽ áp dụng các lý thuyết tác chiến tiên tiến như “tác chiến phân bố trên biển” và “tác chiến căn cứ viễn chinh tiên tiến.” Công nghệ lái xe không người lái, trí tuệ nhân tạo và vũ khí chính xác tầm xa sẽ ngày càng đóng vai trò chủ đạo.
Ông kêu gọi, để duy trì lợi thế hàng hải hiện tại và tương lai của Mỹ cũng như xây dựng hạm đội trong tương lai, thì vẫn cần hợp tác xuyên ngành giữa chính phủ, các doanh nghiệp và các lĩnh vực học thuật.
Đọ sức giữa Mỹ và Trung Quốc trên Biển Đông
Khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là trung tâm của cuộc đọ sức Mỹ – Trung, ông Esper nói rằng quân đội Mỹ phải chuẩn bị sẵn sàng để đối đầu với ĐCSTQ trên biển. “Đối mặt với hành vi gây mất ổn định của Giải phóng quân ĐCSTQ, đặc biệt là trong lĩnh vực hàng hải, Mỹ cần chuẩn bị sẵn sàng để ngăn chặn các cuộc xung đột. Nếu cần thiết chiến đấu trên biển thì cũng giành được chiến thắng”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đặc biệt nhấn mạnh.
Gần đây, Mỹ đã tăng cường lực lượng quân sự của mình tại các vùng biển nóng như Biển Đông, eo biển Đài Loan và Biển Hoa Đông để đáp trả các hành động khiêu khích của ĐCSTQ.
Ngày 4/7, quân đội Mỹ đã tổ chức cuộc tập trận lớn nhất trong những năm gần đây ở Biển Đông. Các tàu sân bay USS Ronald Reagan và USS Nimitz tham gia cuộc tập trận nhằm mục đích cho các đồng minh của Mỹ biết về cam kết của Mỹ đối với an ninh và ổn định ở Biển Đông.
Từ ngày 19 – 23/7, ba nước gồm Mỹ, Nhật Bản và Úc đã tổ chức các cuộc tập trận chung ở Biển Đông và Tây Thái Bình Dương nhằm tăng cường khả năng hợp tác quân sự.
Theo tin chính thức của chính quyền ĐCSTQ vào ngày 29/8, vào ngày cuối cùng của cuộc tập trận hải quân của ĐCSTQ ở Biển Đông, Mỹ đã điều ít nhất bốn máy bay quân sự đến Biển Đông. Trong đó bao gồm một máy bay trinh sát điện tử EP-3E và hai máy bay tuần tra chống ngầm P-8A và một máy bay tiếp dầu KC-135R.
Từ 0 giờ ngày 24/8 đến 24 giờ ngày 29/8, quân đội ĐCSTQ đã tổ chức tập trận tại vùng biển phía đông nam đảo Hải Nam.
Ngày 25/8, quân đội ĐCSTQ tuyên bố một chiếc máy bay trinh sát tầm cao U-2 của quân đội Mỹ đã “tự ý xâm nhập” vào vùng trời cấm mà Trung Quốc đang thực hiện các cuộc tập trận bắn đạn thật, và đã có “cuộc nói chuyện nghiêm túc”.
Tuy nhiên, quân đội Mỹ đã hồi đáp rằng máy bay trinh sát U-2 bay ở Thái Bình Dương tuân thủ các quy tắc và quy định quốc tế được công nhận. Mỹ sẽ tiếp tục bay và hoạt động ở bất kỳ nơi nào được luật pháp quốc tế cho phép.
Vào ngày 26/8, ĐCSTQ đã phóng bốn tên lửa về phía Biển Đông mà không thông báo với thế giới bên ngoài. Hành vi này được cho là đã gửi một tín hiệu mạnh mẽ về sự bất mãn đối với quân đội Mỹ.
Ngày 27/8, Hải quân Mỹ tiếp tục điều tàu khu trục USS Mustin vào vùng biển quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông để thực hiện “nhiệm vụ tự do hàng hải”. Hải quân Trung Quốc đã phát lệnh “rời khỏi khu vực”. Sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc trên Biển Đông ngày càng gay gắt.
Tiêu Nhiên