Hương Thảo
Đây là hành động gây bất lợi cho chính Trung Quốc và nếu chiến tranh thực sự nổ ra, Đài Loan sẽ không thất thế, Hoa Kỳ không đứng nhìn.
Trong chuyên mục bình luận định kỳ trên The Epoch Times, nhà phân tích Đường Hạo đã chia sẻ về những hành động gây hấn gần đây của Trung Quốc với Đài Loan.
Khiêu khích gia tăng và ác liệt, nhưng khả năng chiến tranh không cao
Theo ông Đường, để đáp trả chuyến thăm của Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ tới Đài Loan, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã tung ra hành động khiêu khích tồi tệ nhất trong 24 năm qua.
Vào tối ngày 17/9, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Keith Krach đã đến thăm Đài Loan. Vị trí của ông Keith Krach trong Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chỉ đứng sau ngoại trưởng. Ông Krach cũng đã trở thành quan chức cấp cao nhất của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đến thăm Đài Loan trong 41 năm qua.
Ngày hôm sau, Tổng thống Thái Anh Văn của Trung Hoa Dân Quốc đã tổ chức tiệc chiêu đãi tại nhà cho ông Krach và người sáng lập hãng TSMC Trương Trung Mưu. Bà Thái Anh Văn nói rằng hai bên “đã trao đổi sâu sắc với nhau về các vấn đề liên quan đến hợp tác Đài Loan-Hoa Kỳ”. Ông Krach cũng sẽ tham dự lễ tưởng niệm cựu Tổng thống Đài Loan Lý Đăng Huy.
Tuy nhiên, cùng ngày, ĐCSTQ tuyên bố sẽ tiến hành các cuộc tập trận quân sự ở eo biển Đài Loan. Họ hiếm khi phái tới 18 máy bay chiến đấu xuất kích quấy rối không phận Đài Loan trên eo biển Đài Loan, thậm chí một số máy bay chiến đấu đã vượt qua đường trung tâm của eo biển.
ĐCSTQ cũng điều tàu hải quân đi qua eo biển Đài Loan, và quân đội Đài Loan cũng điều tàu chiến để đáp trả. Cuộc tập trận quân sự quy mô lớn hiếm hoi này cũng được coi là hành động khiêu khích ác liệt nhất của ĐCSTQ sau cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan lần thứ ba năm 1996.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Pompeo ngay lập tức chỉ trích hành động đe dọa quân sự của ĐCSTQ. Ông nói: “Chúng tôi chỉ cử một phái đoàn đến Đài Loan để tham dự một buổi lễ tưởng niệm. Trung Quốc rõ ràng đã đáp trả bằng đe dọa quân sự”.
Nhìn tình huống này thì có thể nói đây là căng thẳng cao nhất ở eo biển Đài Loan trong hơn 2 thập kỷ qua, nhưng ông Đường Hạo vẫn nhấn mạnh một nhận định rằng: Hoa Kỳ, Trung Quốc và Đài Loan hiện đang ở trạng thái “căng thẳng cao độ”, nhưng “cân bằng cao độ”. Không thể loại trừ những xích mích và xung đột quy mô nhỏ giữa hai bên eo biển, nhưng khả năng leo thang thành chiến tranh là khá thấp.
Bởi vì chính quyền Bắc Kinh đang có nhiều mối quan ngại chết người cần xem xét, và sức mạnh quân sự của PLA (quân đội Trung Quốc) khá chênh lệch so với quân đội Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, ông Đường nhấn mạnh thêm, “mặc dù một cựu tổng thống một nước thân ĐCSTQ đã hùng hồn tuyên bố rằng, nếu hai bên eo biển khai chiến thì ‘trận đầu sẽ là trận kết’ và ‘quân đội Mỹ sẽ không đến’, nhưng trên thực tế, nếu ĐCSTQ thực sự tấn công Đài Loan, quân đội Mỹ chắc chắn sẽ đến. Vì hiện nay Đài Loan có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng đối với Hoa Kỳ. Tại sao?”
Ông Đường giải thích:
Lý do thứ nhất là, ai cũng biết rằng Đài Loan nằm ở trung tâm của “chuỗi đảo đầu tiên” của Đông Á và rất gần với Trung Quốc. Vị trí chiến lược của Đài Loan đặc biệt quan trọng. Nó không chỉ phong tỏa pháo đài biển sâu của hải quân ĐCSTQ ở Thái Bình Dương mà Đài Loan còn là “Người tiên phong” trong phong trào toàn cầu chống ĐCSTQ. Nếu Mỹ có thể triển khai tên lửa tầm trung hoặc máy bay quân sự cất và hạ cánh ở Đài Loan, điều đó sẽ có tác dụng răn đe rất lớn đối với ĐCSTQ.
Ngoài ra, trong trường hợp xảy ra chiến tranh ở Đông Bắc Á hoặc Biển Đông, vị trí địa lý độc đáo của Đài Loan cũng sẽ là cơ sở thuận lợi để quân đội Mỹ có được nguồn cung cấp hậu cần.
Lý do thứ hai là, Ngoại trưởng Pompeo hiện đang đi khắp thế giới, vận động các nước gia nhập “liên minh chống ĐCSTQ”. Hoa Kỳ cũng đang thống nhất với các nước Asean như Nhật Bản, Úc, Ấn Độ và Thái Lan để chuẩn bị tổ chức một “NATO phiên bản châu Á” cho khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, chống lại sự xâm lược và ngăn chặn sự bành trướng của ĐCSTQ.
Do đó, Hoa Kỳ càng cần can thiệp vào eo biển Đài Loan để đối kháng với việc ĐCSTQ sử dụng vũ lực chống lại Đài Loan, bảo vệ an ninh cũng như thể chế tự do và dân chủ của Đài Loan. Một mặt, cần phải chứng minh với ĐCSTQ rằng Hoa Kỳ hoàn toàn có khả năng chống lại sự bành trướng của ĐCSTQ và trấn áp sức mạnh quân sự của ĐCSTQ. Mặt khác, Hoa Kỳ cũng cần phải chứng minh với các nước khác rằng Hoa Kỳ có sức mạnh và cam kết bảo vệ an ninh của mọi liên minh chống ĐCSTQ, từ đó khuyến khích nhiều nước tham gia “Liên minh chống Trung cộng”.
Đặc biệt, khi Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ đến thăm Đài Loan, ĐCSTQ đã điều 18 máy bay quân sự để uy hiếp Đài Loan trên quy mô lớn, điều này tương đương với việc công khai đe dọa các quan chức cấp cao của Hoa Kỳ, và đe dọa các đồng minh của Hoa Kỳ. Nó tương đương với gửi lời đe dọa trực tiếp đối với Hoa Kỳ. Điều này nhất định được Mỹ “ghi nhớ”, và Mỹ nhất định đẩy mạnh công tác chuẩn bị ở eo biển Đài Loan và sẵn sàng đối phó với ĐCSTQ bất cứ lúc nào.
Lý do thứ ba là, Đài Loan có các giá trị phổ quát như tự do, dân chủ, nhân quyền, không chỉ có chung các giá trị với Mỹ mà còn là một tham chiếu quan trọng giúp Trung Quốc tiến tới tự do và quay trở về với truyền thống trong tương lai.
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã từng công khai ca ngợi Đài Loan là “ngọn hải đăng của nền văn hóa và dân chủ Trung Quốc” khi ông có bài phát biểu tại Washington vào tháng 10/2019. “Một Đài Loan chấp nhận nền dân chủ cho thấy một con đường tốt hơn cho tất cả người dân Trung Quốc”.
Nếu chúng ta lùi thêm một năm nữa, hãy xem bài phát biểu đầu tiên của ông Pence về Trung Quốc tại Viện Hudson vào năm 2018. Ông Pence đã xem xét lại mối quan hệ hàng thế kỷ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, và chỉ rõ rằng trong quá khứ, trước khi ĐCSTQ được thành lập, mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc truyền thống rất hữu nghị, thậm chí còn trở thành đồng minh quan trọng trong Thế chiến II.
Tuy nhiên, ngay sau khi ĐCSTQ lên nắm quyền vào năm 1949, ĐCSTQ đã thực hiện “chủ nghĩa bành trướng bá quyền” và quan hệ Mỹ – Trung bắt đầu tiến tới đối đầu. Hai bên đã đối đầu trong Chiến tranh Triều Tiên trên Bán đảo Triều Tiên vào một năm sau đó.
Ông Đường nói: “Nội dung hai bài phát biểu quan trọng này của ông Pence thực ra đã tiết lộ một điểm quan trọng: Mỹ không chỉ phân biệt ‘Trung Quốc và ĐCSTQ’, mà còn phân biệt ‘Trung Quốc truyền thống’ và ‘Trung Quốc cộng sản’. ‘Trung Quốc truyền thống’ thân thiện Hoa Kỳ, ‘Trung Quốc cộng sản’ thì thù địch và đầy đe dọa đối với Hoa Kỳ”.
Do đó, Pence đã công khai ca ngợi Đài Loan là “ngọn hải đăng của văn hóa và dân chủ Trung Quốc”. “Tôi nghĩ ở một mức độ nào đó, điều đó ám chỉ rằng Hoa Kỳ có ý định đối xử với ‘Trung Hoa Dân Quốc’ truyền thống khác với ‘Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa’ do ĐCSTQ kiểm soát”, ông Đường nhận định.
Thậm chí có thể nói rằng chính quyền Trump tin rằng không chỉ ĐCSTQ không thể đại diện cho nhân dân Trung Quốc, mà Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cũng không thể đại diện cho Trung Quốc truyền thống. Đó là lý do tại sao ông Pence đặc biệt đánh giá cao việc Đài Loan bảo tồn văn hóa truyền thống Trung Quốc, vì nó có thể được sử dụng như một dẫn hướng để giúp người Trung Quốc quay trở lại với nền tảng xã hội truyền thống.
Hiện Hoa Kỳ đã tăng cường mạnh mẽ trao đổi kinh tế, chính trị và hỗ trợ quân sự cho Đài Loan, không chỉ cử Bộ trưởng Bộ Y tế và Thứ trưởng Ngoại giao Crach đến thăm Đài Loan, mà còn chuẩn bị bán 7 loại vũ khí quan trọng cùng một lúc để giúp Đài Loan tăng cường khả năng quốc phòng của mình. Đại sứ LHQ cũng lần đầu tiên gặp đại diện của Đài Loan tại New York và bày tỏ sự ủng hộ đối với việc Đài Loan trở lại LHQ.
Với tất cả các biện pháp này, ngoài việc giúp Đài Loan củng cố quốc phòng, an ninh và nâng cao vị thế quốc tế, Hoa Kỳ sẽ củng cố sự tồn tại của “Trung Hoa Dân Quốc” và chờ đợi đến một thời điểm nào đó trong tương lai hoặc khi ĐCSTQ sụp đổ, sẽ sử dụng Đài Loan để hỗ trợ Trung Quốc xây dựng lại xã hội và văn hóa truyền thống của mình, hoặc có thể trực tiếp thay thế “Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” bằng việc công nhận “Cộng hòa Trung Hoa”?
Thật vậy, suy đoán này có thể khá táo bạo, nhưng từ các bài phát biểu và bố cục chính sách khác nhau của chính quyền Trump trong hai hoặc ba năm qua thể hiện rõ ràng là Hoa Kỳ đang tăng tốc “tách rời” khỏi chế độ Cộng sản Trung Quốc, trong khi họ đang cố gắng hết sức để duy trì mối liên kết với người dân Trung Quốc, và thậm chí công khai kêu gọi người dân Trung Quốc đến với nhau để từ bỏ ĐCSTQ. Hàm ý là kêu gọi người dân Trung Quốc cùng nhau từ bỏ ĐCSTQ.
Ngoài ra, chính quyền Trump đã nhiều lần sử dụng những kỳ chiêu về chính sách đối ngoại, không chỉ công khai công nhận Jerusalem là của Israel mà gần đây còn thúc đẩy việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa nhiều quốc gia Ả Rập và Israel, phá bỏ tư duy ngoại giao cũ trước đây, và mạnh dạn tạo ra những hình mẫu mới. Do đó, ai có thể đảm bảo rằng chính quyền Trump đã không lên kế hoạch thay thế Đảng Cộng sản toàn trị của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa bằng một chính phủ nước Trung Hoa Dân chủ Cộng hòa?
Tất nhiên, ván cờ này sẽ có những khó khăn và thách thức đáng kể về mặt kỹ thuật, và nó sẽ vi phạm “Thông cáo thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc” ký năm 1979. Vào thời điểm đó, Hoa Kỳ công nhận rằng “Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là chính phủ hợp pháp duy nhất của Trung Quốc”.
Hơn nữa, Hoa Kỳ sắp tổ chức một cuộc tổng tuyển cử, và việc tái đắc cử của Tổng thống Trump vẫn chưa thể biết chắc. Tuy nhiên, miễn là ông Trump vẫn còn tại vị ở bất kỳ ngày nào, liệu Mỹ có tiến tới giải pháp này hay không là điều rất đáng để chúng ta chú ý.
Tóm lại, nếu ĐCSTQ xâm phạm Đài Loan bằng vũ lực, Mỹ chắc chắn sẽ giúp đỡ, bởi vì Đài Loan rất quan trọng đối với Mỹ, và có ba lý do chính: (1) Vị trí chiến lược của Đài Loan là đi đầu trong việc ngăn chặn ĐCSTQ trên toàn cầu; (2) Chống lại ĐCSTQ, bảo vệ các quốc gia thân thiện và kêu gọi nhiều quốc gia hơn tham gia liên minh chống ĐCSTQ; (3) Đài Loan có các giá trị phổ quát và văn hóa truyền thống, và nó là ngọn hải đăng của Trung Quốc trong tương lai.
4 lý do Trung Quốc không dám tấn công trước
Ông Đường cũng phân tích vì sao việc ĐCSTQ tung ra các cuộc khiêu khích quy mô lớn vào lúc này lại là điều bất lợi cho chính quyền này.
Chưa kể tới thiên tai, dịch bệnh, vấn đề lương thực và cuộc tranh giành quyền lực nghiêm trọng nào trong nội bộ ĐCSTQ, từ góc độ quân sự, nếu ĐCSTQ thực sự muốn leo thang các cuộc khiêu khích vũ trang, thì có thể phải chú ý đến một số vấn đề quan trọng:
Vấn đề đầu tiên là quân đội Đài Loan đang công khai chuẩn bị chiến tranh, và Hoa Kỳ, Đài Loan đã có sẵn kế hoạch phản công. Hành động khiêu khích trên không của ĐCSTQ vào ngày 18/9 đã khiến Không quân Đài Loan điều hơn một chục máy bay quân sự đến dỡ bom và xua đuổi chúng. Lần đầu tiên, họ sử dụng thuật ngữ “các vị đã xâm phạm lãnh không của chúng tôi” thay vì thuật ngữ “không phận” như thông thường.
Hơn nữa, Bộ Quốc phòng Đài Loan cũng lần đầu tiên đề cập rằng lực lượng tên lửa đã tiến hành “theo dõi radar” các máy bay quân sự. Điều đó nghĩa là gì? Nghĩa là, tên lửa của Đài Loan đã bắt đầu khóa chặt máy bay quân sự của ĐCSTQ và sẽ bắn hạ chúng nếu cần thiết.
Sức mạnh quân sự của Đài Loan thua xa ĐCSTQ về quy mô, nhưng bây giờ lại mạnh dạn cảnh cáo ĐCSTQ đột nhập “lĩnh không” và sử dụng tên lửa để “theo dõi radar”, tương đương với việc công khai sử dụng vũ lực để cảnh cáo ĐCSTQ. Tại sao dám làm điều này? Rõ ràng, Hoa Kỳ và Đài Loan đã đạt được sự đồng thuận và lên kế hoạch phản công ĐCSTQ, và quân đội Đài Loan cũng đã giành được sự công nhận và ủng hộ của Hoa Kỳ. Vì vậy, chỉ cần ĐCSTQ thực sự khai hỏa hỏa lực với Đài Loan, ĐCSTQ sẽ phải đối mặt với lực lượng quân sự liên kết giữa Hoa Kỳ và Đài Loan.
Thứ hai là quân đội Hoa Kỳ đã chờ thời cơ để phản kích ĐCSTQ. Tuy nhiên, nếu Mỹ chủ động “nổ phát súng đầu tiên” thì sẽ thiếu tính hợp pháp. Do đó, Mỹ đang chờ ĐCSTQ mất kiểm soát và chủ động “bắn phát súng đầu tiên”. Dù phát súng đầu tiên bắn vào Đài Loan thì cũng sẽ thành một cơ hội để Mỹ gửi quân đến chống lại ĐCSTQ và kiềm chế nó.
Vấn đề thứ ba là “chiến lược con nhím” của Đài Loan. Mặc dù quy mô quân sự của Đài Loan kém xa so với ĐCSTQ, nhưng Đài Loan vẫn luôn theo đuổi “chiến lược bất đối xứng”, “dĩ tiểu bác đại”, và thừa sức thực hiện “các cuộc phản công khốc liệt”, kiểu con nhím chống lại ĐCSTQ: Nếu chư vị ăn thịt tôi, sẽ phải hứng chịu ngứa ran khắp người. Đây được gọi là “chiến lược con nhím” hay “chiến lược bọ cạp có nọc độc”.
Chiến thuật là bí mật, nhưng chúng ta cũng có thể đơn giản suy đoán, nếu Đài Loan bị ĐCSTQ tấn công, họ sẽ phóng tên lửa phản công vào đồng bằng sông Dương Tử, châu thổ sông Châu Giang hoặc đập Tam Hiệp.
Vấn đề thứ tư là, tên lửa của ĐCSTQ có thể không chính xác. ĐCSTQ đã phóng hai tên lửa Đông Phong vào vùng biển quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông vào ngày 26/8, đây được cho là một lời cảnh cáo đối với Hoa Kỳ. Nhưng sau đó Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ xác nhận rằng ĐCSTQ đã phóng tổng cộng 4 tên lửa, nói cách khác là thiếu 2 tên lửa được cho là bay đến Biển Đông, chúng đã bay đến Trung Nam Hải ư? Rốt cuộc không xác định được.
Tuy nhiên, một ngày sau khi ĐCSTQ phóng tên lửa, tàu chiến Hoa Kỳ ngay lập tức tiến vào vùng biển Tây Sa, rõ ràng là để tuyên bố rằng Hoa Kỳ không sợ mối đe dọa tên lửa của ĐCSTQ. Do đó, một số chuyên gia quân sự cho rằng không thể loại trừ khả năng Mỹ đã gây nhiễu thành công khiến hai tên lửa mất tích thông qua chiến tranh điện tử hoặc các phương tiện khác, nên ĐCSTQ cũng im lặng về việc này và không dám đưa ra bất kỳ tuyên bố công khai nào.
Tất nhiên, đây là những bí mật quân sự cao và chúng ta khó biết được sự thật. Tuy nhiên, cho dù đó là sự can thiệp điện tử của Hoa Kỳ, hay chất lượng kém của tên lửa do Trung Quốc sản xuất, điều đó phản ánh rằng tên lửa của ĐCSTQ có thể không thể tấn công chính xác và thậm chí có thể bị khống chế bởi lực lượng phòng không của Hoa Kỳ.
Vì vậy, khi xảy ra tình hình Bắc Kinh phải xem xét kỹ lưỡng bốn vấn đề này. Do đó ĐCSTQ không dễ dàng sử dụng vũ lực và mở rộng các hành động khiêu khích. Nếu không, nếu súng nổ, nó có khả năng gây ra tổn thất lớn và thiệt hại nặng nề cho quân đội ĐCSTQ và thậm chí cả chế độ ĐCSTQ.
Theo The Epoch Times
Hương Thảo biên dịch