Trịnh Cung
1.
Một Chuyến Đi Xuyên Bang Bằng Xe Ao Ước Từ Lâu.
Tôi nghe nói Portland là một thành phố cao nguyên thơ mộng như Đà Lạt nằm ở phía tây bắc nước Mỹ và bên cạnh Seattle nổi tiếng với hồ Washington và núi tuyết Rainier rất giống với Phú Sĩ Sơn nhưng ở độ cao hơn.
Đây cũng là cái duyên mà hai bạn trẻ Thuận Khánh Linh và Giáp Lê đã dành cho tôi chuyến đi này khi họ biết tôi có ước muốn đi thăm Portland và Seattle bằng đường bộ. Đặc biệt, tôi chỉ mới gặp hai bạn ấy chỉ hơn năm nay, Thuận bằng tuổi con gái út của tôi, 47 tuổi, còn Giáp 66 tuổi, cả hai đều dành cho tôi nhiều sự kính trọng và gần gũi. Trong mùa dịch Coronavirus, biết tôi buồn và chán nên thường gọi điện thoại rủ tôi đi cà phê và luôn dành trả tiền. Điều này thật rất hiếm có đối với tôi ở đất Bolsa này. Cho tôi cảm ơn hai bạn thật nhiều.
2.
Lên Đường
Khởi hành lúc 1 giờ trưa từ Bolsa, ngày 1 tháng 9-2020. Ngoài Thuận Giáp và tôi, chuyến đi còn có nhà thơ Đặng Phú Phong, người cũng đã phải gánh chịu những lời ong tiếng ve về tôi của giới văn nghệ ở quanh Bolsa khi kết thân với tôi, một người rất tai tiếng cả về phát ngôn văn nghệ lẫn ái tình, từ hơn 5 năm qua.
Chúng tôi cùng thuê một chiếc xe SUV Chevrolet Equinox để đi Portland. Kế hoạch là dừng nghỉ đêm tại nhà Tuấn, em của Giáp ở thành phố Livermore, nằm giữa San Jose và San Francisco.
Đến nhà Tuấn lúc 6 giờ chiều cùng ngày, vợ Tuấn đãi chúng tôi một bữa tối bằng món mì Quảng tự nấu, rất ngon. Trước khi đi ngủ, Tuấn đốt lửa ngoài sân để anh em quây quần ấm áp quanh ngọn lửa bập bùng làm tôi nhớ đến lửa trại thời còn theo Hướng Đạo.
3.
Tiến Về PORTLAND
Rời Livermore lúc 7 giờ sáng ngày 2-9-2020, theo xa lộ 680 hướng về Portland, xe chúng tôi chạy qua những cánh đồng bát ngát như vô tận của Sacramento, nền nông nghiệp khổng lồ của vùng bắc Cali trải dài dọc theo xa lộ 5 từ nam Cali cho đến hết biên giới Sacramento nơi ranh với Oregon-Portland. Tốc độ xe đường đèo dốc là 65 miles/giờ. Vì bị cuốn vào những câu chuyện rôm rả nên Thuận cho xe vượt qua xe cảnh sát tuần tra xa lộ mà không hề biết cho đến khi thấy đèn xe cảnh sát nháy xanh đỏ bắt dừng lại. Anh police trẻ lễ độ hỏi bằng lái và nói với Thuận rằng bạn đã cho xe chạy quá tốc độ cho phép tới 21 miles, tôi chỉ phạt bạn lỗi chạy quá 20 miles, bớt cho 1 mile, thay vì là 86 m/giờ thì còn 85 m/giờ để được hưởng mức phạt khoảng hơn 400usd, nếu thêm 1mile thì mức phạt sẽ trên 700usd. Vì thế tuy bị phạt mà Thuận, tay lái “ anh hùng xa lộ” vẫn thấy hên.
Đến 11:30 trưa , xe nhập vào xa lộ 5 để vào địa phận Oregon -Portland. Khung cảnh bắt đầu thay đổi, cây xanh và núi đồi nhấp nhô, sự khô khan và đơn điệu của vùng nông nghiệp Cali đã bị đẩy lùi về phía sau.
Sau 15 phút chúng tôi tạm dừng ở Rest Area để đi toilet và thư giãn, Giáp thay Thuận cầm vô lăng. Càng đi, dốc càng cao, đèo nối đèo không dứt, cheo leo nhưng cũng vô cùng ngoạn mục bởi những cánh rừng thông cao vút và xanh tươi kỳ vĩ.
6:30 chiều cùng ngày, chúng tôi cũng đến được chỗ đã hẹn trước, nhà vợ chồng nhạc sĩ nổi tiếng Từ Công Phụng, nằm rất sát với trung tâm Portland.
4.
Hội Ngộ Như Mong Muốn
Vì chuyến đi rất khó thực hiện nhất là trong thời buổi nạn dịch lịch sử đang chưa có hồi kết, mọi người phải tránh tiếp xúc và đi ra ngoài. Chúng tôi cũng đã ở nhà khá lâu như mọi người, tuy nhiên, vì biết nhau và tin nhau không ai mắc covid 19 nên chúng tôi, từ hơn tháng qua, vẫn đi cà phê mỗi sáng ở cà phê Hạt Ngò nằm trên đường Westminster-Little SG, do vậy nên cùng thực hiện chuyến đi xa này để thăm thú cảnh đẹp miền núi vùng Tây Bắc Hoa Kỳ nơi chúng tôi có những người bạn văn nghệ sĩ nổi tiếng đang sống ở đó như nhạc sĩ Từ Công Phụng, nhạc sĩ Vũ Thành An, nhà báo Mặc Lâm,… và đặc biệt, chúng tôi được dịp đến xem tận mắt những nơi đã và đang xảy ra những cuộc biểu tình kèm theo đập phá, hôi của và phong toả do phong trào Black Lives Matter ở trung tâm thành phố Portland và thành phố Seattle.
Trước khi xe vào địa phận Portland, tôi gọi điện thoại cho Từ Công Phụng để báo trước anh em chúng tôi sắp đến thăm nếu bạn mình không thấy trở ngại. Chị Ái, vợ TCP nhắn cho tôi địa chỉ nhà và vui vẻ đón tiếp nếu chúng tôi đến được. Cũng nhân bạn mình nhận lời, tôi gọi phone cho Vũ Thành An và nhà báo Mặc Lâm để đến nhà TCP cùng hội ngộ, một hội ngộ giữa những người bạn văn nghệ lâu năm còn sống sót qua nhiều biến cố và bệnh nan y nay đã ngoài thất thập và hơn thế nữa.
Chúng tôi được vợ chồng nhạc sĩ Từ Công Phụng vui vẻ đón tiếp, anh em tay bắt mặt mừng, cảm động vì đã lâu ngăn cách và không biết có còn gặp lại. Sức khoẻ Từ Công Phụng đang hồi phục rất tốt, da mặt hồng hào, mắt sáng, giọng nói nhẹ và ấm. 14 năm sống sót sau ung thư gan mà bác sĩ cho biết anh không sống được quá 3 tháng. Tôi cũng sống sót đã 19 năm sau ung thư tuỵ, mà bệnh viên Fountain Valley, sau ca mổ 6 giờ, cho biết tôi không thể sống quá 6 tháng.
Vũ Thành An và Mặc Lâm cũng khoẻ mạnh và hoạt bát, cuộc hội ngộ không tính trước, rất bất ngờ lại rất hoàn hảo nên cho tôi dâng trào cảm xúc và chắc các bạn tôi cũng vậy, ai cũng tươi vui và hào hứng chuyện trò đủ chuyện từ văn nghệ, covid 19 đến chính trị Mỹ hiện nay ngay trước veranda nhà vợ chồng Từ Công Phụng. Chị Ái cho chúng tôi bữa ăn tối bằng food to go cùng rượu vang đỏ. Trong khoảnh khắc hạnh phúc, Từ Công Phụng được chị Ái chăm sóc thức ăn, chàng hát khẽ nhưng cũng đủ cho chúng tôi nghe câu: ”Tạ ơn em, tạ ơn em,…” Tôi cũng bật lên câu: ”Nếu có điều gì vĩnh cửu thì em ơi đó là tình yêu chúng ta” để góp vui với TCP, tác giả của lời ca ấy thì chị Ái đã hài hước sửa lại: ”thì eo ôi đó là…” Nghe vậy, tôi liền kêu lên: ‘”Chị sửa lại từ ‘em ơi thành eo ơi thì hay quá vì âm chữ eo rất giống với eL trong tiếng Anh nên từ hôm nay, tôi xin mượn nó thay chữ “em ơi” thành “ eL ơi” vì đấy là bút hiệu của nhà thơ PLan, vợ tôi.”
Sau khi anh em hàn huyên, ăn uống vui vẻ đến 8 giờ tối, chị Ái hướng dẫn cho anh em chúng tôi đi “viếng” khu biểu tình và đập phá của phong trào BLM trước khi 4 anh em chúng tôi tiếp tục hành trình về Olympia, thủ phủ của bang Washington, nơi có nhà con trai của Giáp để nghỉ đêm, kết thúc một hành trình dài 1120 miles tính từ Little Saigon.
5.
Tìm Đến Khu Black Lives Matter
Đến để nhìn tận mắt nơi đã xảy ra cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc do phong trào Black Lives Matter khởi xướng kéo theo đập phá, cướp của các cửa hàng thời trang và bắn giết dân oan trong nhiều ngày qua tại trung tâm Portland, nơi có toà án liên bang, là một điều không thể bỏ qua khi đến đây và tiếp theo là khu “tự trị” ở Seattle.
Lúc đó trời còn chưa tối hẳn, mọi người lên xe của Mặc Lâm, 8 anh em trong một chiếc xe Luxury Lincoln Aviator mới trông rất lịch lãm và bề thế, cùng đi tới hiện trường với chỉ dẫn của chị Ái.
Xe chạy chậm qua các dãy phố im vắng, nhiều cửa hàng đóng ván buồn hiu, nằm chờ ngày phục sinh. Toà án liên bang vẫn nguyên vẹn vẻ uy nghiêm của nó với hàng rào chắn bảo vệ từng bị những người biểu tình xô đổ. Mặc Lâm dừng xe ngay tại công viên đối diện với toà án liên bang cho bọn tôi, 4 anh em dân Bolsa – California, xuống làm một vòng tham quan những di tích còn lại của BLM gồm có các vật dụng và bảng khẩu hiệu, trụ cột bị bôi sơn và vài cái lều vải lì lợm nằm ăn vạ của những người biểu tình cố thủ. Nơi đây, trong công viên, vẫn còn một số người trông rất bụi đời đứng ngồi đây đó dưới những tàng cây như đang chờ tới giờ hành động.
Trong lúc đang “tác nghiệp” tại hiện trường, chúng tôi tình cờ gặp ở đây một phóng viên của báo New York Times và có một trò chuyện ngắn với anh ấy một cách cởi mở và thân thiện. Đặng Phú Phong hỏi anh ấy có ủng hộ BLM không, nhà báo mặc đồ đen này vui vẻ nói: “no“ và anh với chúng tôi cùng chụp hình kỷ niệm bên trụ cột được xây bằng xi măng được đặt giữa công viên đã bị người của BLM xịt sơn, bôi bẩn.
Theo lời chị Ái, tình hình bạo loạn ở đây gần như đã chấm dứt, chỉ còn biểu tình ôn hoà và tương đối không mấy ồn ào. Bây giờ, họ chỉ quậy từ 11 giờ đêm cho đến 3 giờ sáng. Cuộc dạo qua khu biểu tình của chúng tôi kết thúc vào 10 giờ tối, quay về lại nhà TCP, chúng tôi chia tay và cám ơn anh chị Từ Công Phụng đã đón tiếp, tạm biệt Vũ Thành An và Mặc Lâm đã đến chung vui, hẹn gặp lại. Bè lũ 4 tên chúng tôi lại lên đường qua thành phố Olympia.
Sau 2 giờ sáng, xe đến nơi. Thành phố Olympia đã đi ngủ, chỉ còn đèn đường và đèn quảng cáo thức sáng đón tiếp những người khách đến từ Cali xa xôi.
6.
Seattle Sau Cơn Ác Mộng
Khi chúng tôi đến nơi vào chiều ngày 3 tháng 9, trung tâm thành phố Seattle, khu Capitol Hill, nơi từng bị người của Black Lives Matter chiếm đóng làm khu “Tự Trị” một thời nay rất yên ắng, người đi dạo phố thưa thớt dù hàng quán đã mở cửa nhưng hình như vẫn còn rụt rè. Nhiều cửa hàng vẫn còn đóng ván, chợ cá nổi tiếng nay trống trơn xơ xác. Seattle mới ngày nào còn là một thành phố nguy nga, kiêu sang giờ như một hoàng hậu vừa bị truất phế, mang một dáng vẻ buồn thảm hiu hắt.
Chiếm đóng và phá hoại dưới chiêu bài đòi công lý và bình đẳng chủng tộc của BLM đã không mang lại sự đồng tình của người dân ở đây, họ cảm thấy bất an và tài sản bị chiếm đoạt nên đã bày tỏ sự lo sợ, bất mãn khiến chính quyền ở đây cũng không thể tiếp tục ủng hộ cách hành xử của những người BLM.
Nhờ vậy mà Seattle đã gần như kết thúc cơn ác mộng mang tên BLM.
God Bless Seattle
God Bless USA
7.
Núi Tuyết Rainier va Những Điều Kỳ Vĩ.
Tôi đã có lần đến thăm thành phố Seattle vào tháng 3 năm 1997, thành phố của mưa, của rừng thông bạt ngàn như vô tận, của biển hồ mênh mong và độc đáo với núi tuyết Rainier nổi bật trên nền trời xanh, đẹp không kém gì núi Phú Sĩ của Nhật bản.
Tuy nhiên lần đó, tôi chỉ nhìn núi tuyết từ xa. Hôm nay, sau 23 năm, nhờ chuyến đi này, tôi được biết thế nào là sự kỳ vĩ của con đường dẫn lên núi Rainier, một đường đèo dài hun hút như bất tận xuyên giữa muôn trùng thông xanh. Xe chúng tôi phải chạy mất 3 giờ mới đến chân núi tuyết ở độ cao 4392 mét so với mực nước biển, cao hơn núi Phú Sĩ lừng danh của Nhật Bản.
Rainier là ngọn núi lửa đã ngưng phun trào từ năm 1894 và sau đó trở thành nơi thăm thú của những nhà thám hiểm, trượt tuyết và du lịch hiking.
May là trời Seattle nắng ấm vào những ngày này nên mọi vẻ đẹp của đường lên núi Rainier được phô bày một cách kỳ vĩ và quyến rũ khó tả, chúng tôi ai cũng cảm thấy được tiếp nạp năng lượng tràn đầy, thật là nhiều may mắn cho chuyến đi khó có lần thứ 2.
8.
Con Đường Lên Tây Bắc Washington State Và Sự Khổng Lồ Của Công Viên Quốc Gia.
Chúng tôi thực hiện chuyến đi này để kết thúc HÀNH TRÌNH VỀ PORTLAND & SEATTLE theo đề nghị của Giáp Lê vì sự vĩ đại của thiên nhiên mà trời đã ban tặng cho bang Washington.
Chúng tôi rời Olympia lúc 10am, trực chỉ về hướng tây bắc. Con đường chạy xuyên qua rừng thông, quanh co, hun hút và cũng dài vô tận. Chúng tôi, ai nấy lồng ngực no khí trong lành của hằng triệu cây thông cung cấp oxy cho toàn tiểu bang. Cũng nhờ thế mà xe ở tiểu bang này không phải smog check như ở Cali. Chỉ có ở đây, với lá phổi khổng lồ cho cả nước Mỹ nên Washington State mới bất chấp mọi sự ô nhiễm từ khí thải.
Xe chạy với tốc độ qui định 40-45 miles/giờ nên phải mất 3 tiếng chúng tôi mới đến bãi biển Kalaloch, nơi có một gốc thông cổ thụ bị nước biển xói mòn đến lòi cả gốc rễ khổng lồ nhưng vẫn ngạo nghễ sừng sững dưới trời xanh. Thật hiếm có sự sống nào kỳ lạ như cây thông già trăm năm này nên nó được gọi là Tree of Live.
Đúng ra, hành trình của chúng tôi phải đến tận mũi đất cuối cùng của vùng tây bắc bang Washington nhưng vì không còn thời gian và cũng không đem theo thực phẩm nên phải quay về. Hơn nữa, nhiều đoạn đường dài không có sóng điện thoai và bản đồ định vị nên nếu lạc đường thì cũng gặp không ít rắc rối. Thực sự là chúng tôi đã có lần mất phương hướng trên đường về nên đã phải ghé vào một cơ sở bên đường để nhờ chỉ dẫn. Trên đường về, chúng tôi nhận được tin là đêm qua đã xảy ra một vụ biểu tình đập phá tiệm cà phê Starbuck, một ngân hàng và một cửa tiệm giữa downtown thủ đô Olympia do khoảng 50 người thực hiện nên chúng tôi cho xe về nơi đó để tận mắt thấy sự thể đã xảy ra như thế nào.
Quán cà phê Starbuck nằm ở góc đường Capital Way và Legion Way đã được đóng ván kín hai mặt tiền. Vài cửa hàng gần đó cũng bị xịt sơn ba chữ BLM, tuy nhiên trật tự ở đây đã được vãn hồi trước khi chúng tôi có mặt.
Thêm một chuyện buồn do BLM mới gây ra làm tổn thương thêm một thành phố đáng yêu của nước Mỹ.
Suốt hành trình trong 5 ngày qua, chúng tôi đã trực tiếp có mặt tại 3 nơi đã xảy ra hỗn loạn bởi cái gọi là chủ nghĩa dân chủ cấp tiến, của cái gọi là đòi hỏi quyền sống của người da đen, và sau cùng cái gọi là chủ nghĩa xã hội, cảm giác để lại trong lòng tôi là sự thất vọng và ngao ngán, đáng tiếc thay!
9.
Lời Cuối
Chúng tôi, bốn anh em, hai trẻ hai già, sẽ trở về Cali vào sáng ngày mai, chủ nhật 6-9-2012, kết thúc một hành trình về Portland và Seattle thật tuyệt vời, chúng tôi đã chạm được vết thương của lịch sử Mỹ hôm nay và cũng đã được bay bổng trên những cung đường tuyệt đẹp của vùng đất tây bắc nước Mỹ.
Xin tạm biệt Portland và Seattle, tạm biệt các bạn Ái- Từ Công Phụng, Vũ Thành An, Mặc Lâm và vợ chồng cháu Quí.
Chúc mọi người hạnh phúc, sức khoẻ và may mắn.
Olympia, Aug. 5 – 2020