Cổ Nhuế
Trong tuần qua, từ ngày 9 đến 12, các bộ trưởng ngoại giao trong tổ chức các quốc gia Đông Nam Á (gọi tắt là ASEAN) đã họp. Phiên họp lẽ ra được tổ chức tại Việt Nam nhưng vì đại dịch Corona nên các phái đoàn không cần ra khỏi nhà. Tất cả đã gặp nhau qua màn ảnh computer. Vậy là Việt Nam mất cái màn cho mấy ông Thái, Miên, Lào… vận áo dài khăn đóng rồi xếp dài ngoéo tay nhau cười toét mà chụp hình.
Bên cạnh phiên họp giữa 10 ngoại trưởng, ASEAN còn nhân cơ hội này mở rộng liên lạc với các cường quốc và lân bang. Trong mấy ngày qua, 10 nước Đông Nam Á còn gặp gỡ ba nước Trung Cộng, Nam Hàn và Nhật Bản – gọi là ‘ASEAN Plus Three’; và gặp thêm ba nước khác, gồm có Ấn Độ, Úc và New Zealand – gọi là ‘ASEAN Plus Six’.
Như thường lệ, hội nghị này đã kết thúc thành công với một thông cáo chung. Thông cáo lần này dài hơn 12 ngàn chữ. Dài chưa từng thấy. Và thông cáo chung này đầy những sáo ngữ, nào là ‘hợp tác, đồng thuận, hoà bình, phát triển, bla bla và bla bla’. Những sáo ngữ này sẽ được bổn cũ soạn lại trong thông cáo chung của hội nghị sắp tới.
Thật ra, điều đáng ghi nhận trong hội nghị của ASEAN không phải là những diễn văn lòng thòng và thông cáo chung khuôn sáo mà ở các cuộc gặp gỡ bên lề và những vấn đề hội nghị này tránh né.
Xưa rày, ASEAN luôn luô tránh né những gì đang xảy ra bên trong cái ‘ao làng’ rộng 3 triệu rưỡi cây số vuông nằm giữa Việt Nam, Phi Luật Tân, Brunei, Indonesia và Mã Lai. Vùng biển này đang bị ‘nước lạ’ giành chủ quyền và nhiều nước trong tổ chức ASEAN tranh chấp lẫn nhau. Đã có thượng đỉnh ASEAN loại bỏ chuyện Biển Đông ra khỏi nghị sự (khi Cambodia làm chủ tịch). Tuy nhiên, tình hình ở vùng biển này ngày càng nóng lên, khiến cho ASEAN mỗi năm một nhắc tới vùng tranh chấp này nhiều hơn. Đặc biệt, năm nay đến phiên Việt Nam làm chủ tịch nên người ta chờ đợi ASEAN có thái độ minh bạch hơn về chuyện này. Nhưng thông cáo chung kết thúc hội nghị vẫn bóng gió ‘một số bộ trưởng tỏ ý quan ngại về chuyện giành chủ quyền đất đai, nhiều hoạt động và những va chạm nghiêm trọng đã xảy ra trong vùng…’
Như trên có nói: với ASEAN, đáng ghi nhớ là chuyện xảy ra bên lề. Thời sự hôm nay xin trình bày cùng bạn đọc Việt Luận vài ba chuyện bên lề này.
Hà Nội và Bắc Kinh gặp nhau
Bên lề hội nghị bộ trưởng của ASEAN năm nay là Hà Nội và Bắc Kinh đã gặp nhau. Thật vậy, trong tuần qua, hai phái đoàn Hà Nội và Bắc Kinh một lần nữa đã ngồi bên nhau để bàn thảo về quyền kiểm soát hơn ba triệu cây số vuông biển. Vùng biển này có tên quốc tế là South China Sea. Người Việt Nam ngày trước gọi là Nam Hải và bây giờ thường gọi là Biển Đông. Đây là lần thứ 13 hai bên đồng ý bàn luận vấn đề gai góc này.
Nếu có thiện chí, Hà Nội và Bắc Kinh dễ dàng giải quyết tranh chấp vì cả hai đều ký tên vào Công ước về Luật Biển do Liên Hiệp Quốc ban hành năm 1982 (the 1982 United Nations Convention on the Law of the Sea). Nhưng tiếc thay, Bắc Kinh đã chà đạp công ước này khi toà án quốc tế The Hague nhân danh nó để xử cho Phi Luật Tân thắng trong vụ kiện năm 2016. Còn Hà Nội thì không dám dùng công ước này để lôi Bắc Kinh ra toà.
Hà Nội hoan nghênh Hoa Kỳ
Cũng như hội nghị bộ trưởng ASEAN, hai phái đoàn Trung Cộng và Việt Nam không rời nơi mình ở. Họ thảo luận qua hệ thống computer. Ngoài ra, cả Hà Nội và Bắc Kinh cũng đồng ý thông qua các đường dây ngoại giao quốc tế để dàn xếp những khác biệt giữa hai nước.
Khi nhắc tới các đường dây ngoại giao, hãng thông tấn Bloomberg kể ra Hoa Kỳ như là một thế lực được Việt Nam nhắc trong vai trò gìn giữ hoà bình tại Biển Đông. Bloomberg dẫn lời ngoại trưởng Hà Nội tại hội nghị bộ trưởng ASEAN ‘chúng tôi hoan nghênh đóng góp xây dựng của Hoa Kỳ đối với ASEAN để gìn giữ hoà bình, ổng định và phát triển ở Biển Đông…’.
Ông Phạm Bình Minh – cầm cái búa chủ toạ phiên họp giữa 11 nước ASEAN với Hoa Kỳ – đã không dừng lại ở lời ‘hoan nghênh’ rất đẹp lòng Mỹ ấy. Ổng ngước lên phương Bắc nói thêm ‘Chúng tôi quan ngại sân sắc về những diễn tiến xảy ra ở hiện trường, gồm có những va chạm, những hoạt động và diễn tiến quân sự hoá vừa trái với công pháp quốc tế vừa vi phạm quyền lợi hợp pháp của các quốc gia nhỏ’.
Phạm Bình Minh đã nói thế trong bối cảnh hai ông ngoại Trung Cộng và Hoa Kỳ gầm gừ nhau.
Hoa Kỳ và Trung Cộng gầm gừ
Tại hội nghị cấp bộ trưởng của tổ chức ASEAN này, một lần nữa ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo không còn giữ thái độ của kẻ bàng quan trước tranh chấp chủ quyền Biển Đông giữa Trung Cộng và nhiều nước ASEAN. Ông ngoại Mỹ không còn dùng lời lẽ bay bướm trong ngành ngoại giao nữa. Ổng thẳng thừng nhắc lại lời tuyên bố đã có từ tháng Bảy và cho biết Hoa Kỳ đứng về phía các nước ASEAN có tranh chấp với Trung Cộng. Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố ‘chúng tôi ủng hộ các nước trong tổ chức ASEAN vì chúng tôi đề cao pháp trị và tôn trọng chủ quyền tại Biển Đông; trong khi Bắc Kinh hung hăng cưỡng bách …’
Trong khi đó, Trung Cộng luôn luôn cho rằng rối rắm ở Biển Đông là do tên sen đầm quốc tế từ đâu đâu can thiệp thô bạo vào nội tình của một vùng ‘Đại Trung Hoa’. Một ngày trước Phạm Bình Minh lên tiếng tại AMM 53, ngoại trưởng Trung Cộng Vương Nghị cho rằng Hoa Kỳ can thiệp vào cuộc tranh chấp ở Biển Đông bằng cách điều động lực lược quân sự vào đây chỉ ‘nhằm thủ lợi về mặt chính trị mà thôi’. Trung Cộng nói thế nhưng đã quên chính họ đắp một loạt đảo nhân tạo ở Biển Đông, xây dựng phi trường và đưa máy bay quân sự vào đây. Chính Trung Cộng còn cấm Việt Nam và Phi Luật Tân đánh cá và mới nhất Trung Cộng đã tập trận và bắn hai hoả tiễn Đông Phong vào Biển Đông.
Trước hoạt động khiêu khích này, ông ngoại Mỹ xem chừng nóng lòng. Ổng thôi thúc các nước ASEAN ‘đừng nói suông, phải hành động’. Chính Hoa Kỳ đã làm gương bằng vài ba việc làm cụ thể. Sau nhiều lần đưa tàu chiến vào Biển Đông để khẳng định quyển tự do hàng hải, trong tháng qua Hoa Kỳ đã mạnh tay hơn với Bắc Kinh khi cấm vận 24 công ty quốc doanh của Bắc Kinh vì tội tiếp tay xây dựng căn cứ quân sự tại các đảo nhân tạo ở Biển Đông. Đẩy mạnh hơn lời thôi thúc các nước trong tổ chức ASEAN, ông Mike Pompeo khuyên ‘xét lại chuyện làm ăn với các công ty quốc doanh Trung Cộng’.
Giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng
Nói theo chữ nghĩa của người Việt Nam hôm nay ở trong nước, Mỹ đã ‘lật ngửa con bài’. Nhưng có lẽ chúng ta không vội nghĩ ASEAN răm rắp theo Mỹ, dù tổ chức này chỉ là hậu thân của Liên Phòng Đông Nam Á từng dưới quyền kiểm soát của Mỹ.
Trong thời gian ASEAN họp các ngoại trưởng, ngoại trưởng Indonesia – ông Retno Marsudi nhắn với ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ‘chúng tôi không muốn kẹt vào cuộc tranh chấp (giữa Mỹ và Trung Cộng)’. Trước đó, ông Mike Pompeo tìm cách thuyết phục Singapore tỏ thái độ về Biển Đông. Nhưng ngoại trưởng Vivian Balakrishnan lại ra thông cáo cho biết Singapore không tranh chấp và cũng không ngả về phía nào trong cuộc tranh chấp này.
Xem chừng các nước Đông Nam Á đang cân nhắc giữa hai thế lực: họ có thể để cho Trung Cộng khống chế về kinh tế và dành khoảng trống cho Hoa Kỳ chi phối về mặt chính trị. Điều khó cho các nước Đông Nam Á là xì-thẩu không dừng lại ở chỗ bỏ tiền làm ăn buôn bán; và cao-bồi cũng không đổ xương máu miễn phí cho nước khác.
Cổ Nhuế