- Alex Wu
Một loạt các tài liệu nội bộ của chính quyền đã tiết lộ nhiều chi tiết về cách nhà chức trách Trung Quốc kiểm duyệt và ngăn chặn các câu chuyện tin tức tiêu cực.
Theo ước tính của chính phủ Trung Quốc, tính đến năm 2019 có hơn 850 triệu người dùng internet tại Trung Quốc. Kể từ khi internet ra đời, ĐCSTQ đã sử dụng những nguồn lực to lớn để kiểm soát thông tin và thao túng dư luận vì lợi ích của mình.
Ngoài việc giám sát trực tuyến và xóa các bài đăng có những từ khóa mà chính phủ Trung Quốc không chấp nhận, ĐCSTQ còn sử dụng nhiều chiến thuật để xử lý dư luận tiêu cực. Các chiến thuật này đã được tiết lộ trong một vài tài liệu của chính quyền tỉnh Hà Nam mà The Epoch Times nhận được.
Ngăn chặn các câu chuyện tin tức tiêu cực
Trong niên giám hàng năm về “công tác trên internet” của thành phố Zhumadian, chính quyền đã nêu chi tiết cách họ lan truyền thông tin sai lệch để thao túng dư luận.
Theo tài liệu, vào năm 2016, chinh nhánh địa phương của Văn phòng Quản lý Không gian mạng tại thành phố Nanyang đã chặn các bức ảnh về một vụ tai nạn xe hơi khiến nhiều người thiệt mạng và đưa ra nhiều câu chuyện khác nhau nhằm giảm thiểu tác động “tiêu cực” của nó.
Theo truyền thông Trung Quốc đưa tin, vào ngày 29/2/2016, tại ngã tư phía trước Trường Trung học Đệ nhất của thành phố, một chiếc xe hơi SUV bất thình lình tăng tốc và lao vào nhóm học sinh khiến 1 em thiệt mạng và 11 em bị thương. Tài xế là trưởng phòng của văn phòng công tố Nanyang đã nghỉ hưu. Sau khi nghỉ hưu, ông làm việc cho một công ty bất động sản địa phương. Sau khi công ty này mắc món nợ khổng lồ và chủ doanh nghiệp bỏ trốn, người đàn ông này đã bị các chủ nợ truy đuổi. Ông đã cố ý lái xe tông vào đám đông để trả thù xã hội.
Chính quyền đã sớm thực hiện các biện pháp kiểm soát dư luận về sự cố này. Đầu tiên, Văn phòng quản lý không gian mạng địa phương “đã nhanh chóng báo cáo lên cấp trên để nghiên cứu và xem xét,” sau đó Ban tuyên giáo tỉnh ủy “đưa ra yêu cầu và hướng dẫn” về việc đưa tin vụ tai nạn. Các cơ quan báo chí và truyền thông địa phương không được phép đăng tin về vụ việc trước khi chính quyền phát hành phiên bản chính thức. Nhà chức trách cũng ra lệnh các cơ quan truyền thông gỡ bỏ tất cả ảnh và video về vụ tai nạn ra khỏi trang web của họ.
Tuy nhiên, tài liệu cho biết chiến lược này có vẻ phản tác dụng. Phiên bản chính thức của vụ tai nạn có nhiều thông tin mâu thuẫn và liên tục thay đổi. Công chúng đã chỉ trích và đặt câu hỏi về vấn đề này.
Vào thời điểm đó, một sinh viên đại học địa phương nói trong cuộc phỏng vấn với The Epoch Times tiếng Trung: “‘người lái xe say rượu’ và ‘mất khả năng kiểm soát phương tiện’ là hoàn toàn vô nghĩa!”
Chính quyền thừa nhận rằng việc can thiệp của họ “đã gây ra nhiều chú ý hơn và tạo ra dư luận tiêu cực hơn liên quan đến vụ tai nạn và gây hoang mang trong xã hội.”
Điều này cũng xảy ra tương tự như vụ cảnh sát bắn chết một người đàn ông không có vũ khí vào ngày 2/5/2017. Một chiếc xe hơi sedan màu đen bị cảnh sát chặn lại ở đầu ra của đường cao tốc tại thành phố Sanmenxia. Khi người lái xe cố gắng quay đầu và bỏ chạy, một số cảnh sát đã nổ súng bắn chết tài xế bên trong.
Một số video về vụ nổ súng đã lan truyền trên mạng và thu hút sự chú ý của công chúng.
Tài liệu cho biết cảnh sát thành phố và cơ quan quản lý không gian mạng đã sớm đưa ra các thông báo công khai để “dẫn dắt dư luận.” Họ cũng soạn thảo một chỉ thị cho đội quân dư luận viên được thuê của thành phố, thường được gọi là đội quân 50 xu để hướng dẫn cách đưa ra những bình luận tích cực. Các tài khoản mạng xã hội chính thức của cảnh sát thành phố cũng sẽ “like” cho những bài đăng này. Nếu có những nhận xét tiêu cực, đội quân dư luận viên này sẽ “thực hiện hướng dẫn tương tác, nghĩa là họ sẽ phản ứng các bài đăng đó bằng những nhận xét tích cực đối với chính quyền địa phương.
Bất chấp một chiến lược toàn diện và những hướng dẫn chi tiết, câu chuyện chính thức của chính quyền về vụ việc vẫn bị công chúng nghi ngờ. Một cư dân mạng bình luận vào lúc đó: “Anh ta không bắn cảnh sát hoặc thậm chí không có súng để chống lại việc bắt giữ.” Một người khác nói: “Đó là thói quen của họ: giết người trước và sau đó tạo ra bằng chứng để buộc tội anh ta.”
Chuyển sự chú ý
Một chiến thuật khác để chuyển sự chú ý của công chúng ra khỏi một vụ việc tiêu cực là tạo ra một “đề tài nóng bỏng” mới.
Tài liệu giải thích cách thức hoạt động của chiến thuật này trong một trường hợp gian lận viễn thông và điện thoại tại địa phương. Vào ngày 26/9/2016, truyền thông Trung Quốc đại lục đưa tin 113 dân làng tại quận Thượng Đài của thành phố Zhumadian đã bị cảnh sát truy nã vì giả danh quân nhân để thực hiện gian lận viễn thông. Sự việc đã thu hút nhiều người quan tâm trên mạng.
Sau khi vụ gian lận bị phanh phui, “nhằm đảo ngược tình thế,” Cơ quan quản lý không gian mạng thành phố đã quyết định tổ chức một sự kiện PR trực tuyến “để quảng bá và dẫn hướng dư luận trên mạng”- nói theo cách khác là để chuyển sự chú ý của công chúng ra khỏi vụ án gian lận.
Theo tài liệu, chính quyền đã quyết định quảng bá rầm rộ một lễ hội văn hóa sắp diễn ra. Đội quân dư luận viên được thuê của quận và thành phố đã đăng một số lượng lớn các bài báo liên quan đến sự kiện này và thiết lập các chủ đề trên các diễn đàn trực tuyến có liên quan. Họ cũng đăng các nhận xét và chia sẻ các bài báo hơn 1.000 lần trong 48 giờ. Cuối cùng, chính quyền kết luận rằng với chủ đề nóng bỏng mới này, họ đã thành công chuyển sự chú ý của công chúng ra khỏi vụ án gian lận.
Theo tài liệu, vào thời điểm đó, thành phố Zhumadian có 720 nền tảng trực tuyến và tài khoản truyền thông tham gia thảo luận trực tuyến về lễ hội văn hóa này. Tính đến năm 2017, thành phố nhỏ này có hơn 1.500 dư luận viên làm việc cho chính quyền.
Tuyên truyền “thống nhất”
Tài liệu cũng cho thấy chính quyền địa phương và trung ương thường cộng tác với nhau để đảm bảo việc tuyên truyền của họ đồng bộ với nhau.
Ví dụ, vào ngày 22/9/2016 tại quận Sui, một xe buýt trường mẫu giáo đâm vào một xe tải lớn, gây ra nhiều thương vong. Các cơ quan truyền thông nhà nước đã đưa ra hai con số thương vong khác nhau.
Nhật báo Kinh doanh Hà Nam và Nhật báo Dahe đưa tin 6 người chết và 28 người bị thương cùng với hình ảnh tại hiện trường, trong khi đó Tân Hoa Xã chỉ đưa tin 13 người bị thương bao gồm 2 người trong tình trạng nguy kịch. Ngay sau đó, bài báo của Nhật báo Dahe đã bị xóa. Tài liệu ghi nhận rằng sau vụ tai nạn, Cơ quan quản lý không gian mạng thành phố Thương Khâu đã thẩm vấn và la mắng các quan chức quản lý các tài khoản mạng xã hội của chính quyền bởi vì họ đã đăng và chia sẻ “thông tin sai lệch”.
Cơ quan quản lý không gian mạng cũng thẩm vấn các lãnh đạo của Nhật báo Kinh doanh Hà Nam và Nhật báo Dahe, đồng thời ra lệnh cho họ “cải tổ” ngay lập tức và buộc những nhân viên có liên quan chịu trách nhiệm về sự chênh lệch về số thương vong được đăng tin.
Alex Wu/ The Epoch Times