Tin thế giới sáng thứ Năm

Tổng thống Thái Anh Văn lọt top 100 người ảnh hưởng nhất thế giới 2020

Tạp chí TIME hôm 22/9 (giờ Mỹ) công bố danh sách 100 người ảnh hưởng nhất thế giới ở 5 lĩnh vực, trong đó Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn.

Bà Thái nằm trong số 54 phụ nữ được tạp chí liệt kê có ảnh hưởng đáng kể trong việc định hình thế giới.

Ảnh chụp màn hình TIME.

“Tổng thống Thái Anh Văn là ngọn đèn xua đi cái bóng lu mờ của Trung Quốc, gửi thông điệp đến thế giới rằng Đài Loan sẽ không chịu khuất phục trước Đảng Cộng sản Trung Quốc”, Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Ted Cruz giới thiệu về bà Thái Anh Văn trên tạp chí danh giá của Mỹ.

Ông Cruz tiếp tục:

“Khi những người hoài nghi tuyên bố rằng Đài Loan quá nhỏ bé và quá cô lập để có thể chống lại tham vọng khu vực của Trung Quốc, thì Tổng thống Thái vẫn đứng vững. Khi Trung Quốc dụ các đồng minh của Đài Loan cắt đứt quan hệ với quốc đảo này, Tổng thống Thái không hề nao núng. Tôi đã có vinh dự được gặp Tổng thống Thái vào năm ngoái trong lễ kỷ niệm Quốc khánh Đài Loan, và tôi đã tận mắt chứng kiến ​​cách bà ấy đấu tranh cho quyền lợi của người dân Đài Loan. Trung Quốc là chế độ cộng sản lớn nhất thế giới và người phụ nữ tự lập này quyết tâm chống lại chính quyền đó. Bà ấy không hề khúm núm”.

Thượng nghị sĩ Mỹ cũng ca ngợi sự thành công của Đài Loan dưới sự lãnh đạo của bà Thái trong việc đối phó với dịch Covid-19, dù hòn đảo chỉ cách Trung Quốc đại lục vỏn vẹn 100 dặm. “Đài Loan đã chứng minh rằng virus có thể được kiểm soát – mà không cần làm theo các chính sách quyết liệt của Trung Quốc”, ông Cruz viết.

Tổng thống Thái Anh Văn viết trên Facebook rằng, việc được tạp chí TIME bình chọn không chỉ là niềm vinh dự của cá nhân bà, mà còn là niềm vinh dự của cả đất nước. Bà cho rằng tất cả người Đài Loan cùng góp sức tạo nên thành tựu này.

Đài Loan trưng bày hỏa tiễn tự sản xuất có thể tấn công miền nam Trung Quốc

Hỏa tiễn Wan Chien của Đài Loan được trưng bày cùng với những loại vũ khí khác (ảnh: CNA)

Lực lượng Không quân Đài Loan hôm thứ Ba (22/9) đã trưng bày hỏa tiễn hành trình không đối đất Wan Chien mới của họ, cùng với Máy bay chiến đấu Phòng vệ Bản địa (IDF) và các loại vũ khí khác tại một căn cứ quân sự ngoài khơi.

Trong chuyến thăm của Tổng thống Thái Anh Văn vào thứ Ba tới căn cứ Không quân Magong ở đảo Bành Hồ, quân đội Đài Loan đã giới thiệu với bà Thái và quan khách tên lửa Wan Chien được phát triển trong nước, mới được đưa vào sử dụng năm 2018.

Taiwan News cho hay, tên lửa Wan Chien được phát triển bởi Viện Khoa học và Công nghệ Chungshan (NCSIST), vũ khí này được độc quyền vận chuyển bởi máy bay phản lực IDF và có tầm bắn xa khoảng 200 km.

Loại tên lửa này được dẫn đường bằng GPS có khả năng tấn công các căn cứ không quân, doanh trại quân sự và công sự của Trung Quốc ở các tỉnh Phúc Kiến và Quảng Đông khi chúng được bắn đi từ vị trí ở gần đường trung tuyến của eo biển Đài Loan. Wan Chien cũng có thể được sử dụng để tấn công các tàu đổ bộ đang tiếp cận Đài Loan, CNA đưa tin.

Đây là lần đầu tiên tên lửa hành trình Wan Chien được trưng bày trước công chúng trong bối cảnh quân đội Trung Quốc đang tăng cường các hoạt động xung quanh Đài Loan.

Kể từ thứ Năm tuần trước (17/9), máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã tiến vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan 5 lần. Vào ngày 18/9, 12 máy bay phản lực của Trung Quốc đã vượt qua đường trung tuyến của eo biển Đài Loan và tiến sát vùng trời thuộc chủ quyền Đài Loan.

Trong bài phát biểu trước các sĩ quan và binh lính ở căn cứ Không quân Magong, Tổng thống Thái nhấn mạnh rằng Đài Loan sẽ không cho phép Trung Quốc tiếp tục đe dọa. Bà nói rằng bà tin tưởng vào “khả năng” và “quyết tâm” của các lực lượng vũ trang Đài Loan trong việc bảo vệ đất nước và rằng Đài Loan luôn nỗ lực để duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực.

ĐCSTQ dùng những thủ đoạn gì để bắt giáo viên phải trung thành?

Một nhóm giáo viên Trung Quốc giơ nắm tay thề trung thành với ĐCSTQ (ảnh: Chụp màn hình trang Bitter Winter)

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã và đang thực thi các biện pháp hà khắc để đảm bảo giáo viên ở tất cả các cấp học phải tuyệt đối trung thành với lực lượng này.

Để đạt được mục đích này ĐCSTQ đã tìm mọi cách để giáo viên tiếp xúc ít nhất có thể với các nền dân chủ, tôn giáo và những phát biểu phản biện Bắc Kinh.

Bitter Winter cho hay, kể từ khi ông Tập Cận Bình thâu tóm quyền lực vào năm 2013, các biện pháp kiểm duyệt và kiểm soát đối với giáo viên tiếp tục được tăng cường. Nhiều nhà giáo đã bị trừng phạt vì phát ngôn “không đúng mực” và có những “tư tưởng” khác.

Trong số các biện pháp mà ĐCSTQ quản lý giáo viên, có những quy định hạn chế nghiêm ngặt việc đi lại của các thầy cô giáo. Giáo viên phải nộp lại hộ chiếu cho cơ quan quản lý sau mỗi chuyến đi nước ngoài hoặc có thể không được phép rời khỏi Trung Quốc, thậm chí không thể đi du lịch ở Hồng Kông, Macau hay Đài Loan, những vùng lãnh thổ mà Bắc Kinh đang quản lý hoặc tuyên bố là một phần không thể tách rời của Trung Quốc. Những người không tuân theo các quy định này sẽ bị trừng phạt và có thể bị mất việc làm.

Vào tháng 12/2019, Phòng Giáo dục Ruian, một thành phố cấp quận ở tỉnh Chiết Giang, miền đông Trung Quốc, đã chỉ trích công khai ba giáo viên địa phương vì đi du lịch nước ngoài, trong số đó có người chưa nhận được chấp thuận cho xuất ngoại từ lãnh đạo, những người còn lại tự ý kéo dài chuyến du lịch mà không xin phép.

Một giáo viên tiểu học ở Nội Mông xác nhận với Bitter Winter rằng việc đi du lịch nước ngoài ngày càng trở nên khó khăn. “Chúng tôi phải trải qua một quy trình phê duyệt nhiều cấp và bao gồm một cuộc phỏng vấn để họ tìm hiểu những hiểu biết của chúng tôi về các vấn đề đối ngoại và đối nội, và chúng tôi phải nộp lại hộ chiếu sau mỗi chuyến đi”, giáo viên này cho biết. “Những người không nộp hộ chiếu trong thời hạn đã định sẽ bị chỉ trích công khai và hộ chiếu của họ bị thu hồi trong 5 năm”.

Một nữ giảng viên đại học ở Nội Mông nói với Bitter Winter rằng một đoàn thanh tra của chính quyền trung ương đã đến trường của bà vào tháng Mười năm ngoái để điều tra quan điểm của giảng viên đối với các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông. Họ phỏng vấn riêng đối với tất cả các giảng viên và theo dõi các lớp học của họ để xác định xem họ có “tư tưởng phản động” hay không. Những ai có “lời nói không đúng” đã bị trừng phạt.

“Chúng tôi bị theo dõi trong mọi giờ học”, giảng viên này nói. Bà cho biết thêm rằng Bộ Giáo dục Trung Quốc đã ban hành một quy định vào năm 2016 trong đó yêu cầu giáo viên “không được nói hoặc làm bất cứ điều gì chống lại đường lối của Đảng trong các hoạt động giáo dục hoặc giảng dạy”.

Chính quyền sẽ tìm hiểu thông tin từ những học sinh, sinh viên mà họ cài cằm ở các lớp để quản lý việc giáo viên thực hiện mệnh lệnh này.

Một giáo viên tiểu học ở tỉnh Hà Nam nói với Bitter Winter rằng Sở Giáo dục tỉnh đã tổ chức một cuộc họp vào tháng Sáu để xác định “những nguy cơ và rủi ro tiềm ẩn trong lĩnh vực tư tưởng”. Sau đó, mỗi trường được yêu cầu thành lập một “nhóm kiểm soát tư tưởng” để đảm bảo rằng giáo viên không có các phát ngôn chỉ trích chính phủ hoặc hệ thống xã hội chủ nghĩa. Nhóm này cũng được giao nhiệm vụ điều tra kỹ lưỡng niềm tin tôn giáo của giáo viên.

“Chính phủ tin rằng các giáo viên có đức tin là thù địch với Đảng, ngay cả khi họ không quảng bá đạo của họ”, một giáo viên tiếng Anh ở tỉnh Sơn Đông cho biết. “ĐCSTQ sợ rằng họ sẽ lồng ghép đức tin vào việc giảng dạy. Đó là lý do tại sao họ kiểm soát chặt chẽ giáo viên và muốn họ tuân theo hệ thống tư tưởng của nó và cuối cùng trở thành những con rối không thể suy nghĩ độc lập”.

Vào tháng Sáu năm ngoái, một giáo viên tiểu học ở Sơn Đông đã đề nghị một học sinh Hồi giáo thực hiện một bài thuyết trình giới thiệu về phong tục và truyền thống của dân tộc mình. Giáo viên này sau đó đã bị nhiều cơ quan chính phủ điều tra và buộc phải bỏ nghề.

Theo Bitter Winter

Nhà phê bình Điện Kremlin xuất viện

“Tình trạng bệnh nhân đã được cải thiện đủ để ông ấy có thể ngừng quá trình điều trị nội trú cấp tính”, CNN dẫn thông báo của bệnh viện Charité ở Berlin hôm nay, một ngày sau khi nhà phê bình Điện Kremlin Alexey Navalny xuất viện.

“Alexey Navalny đã được điều trị tại Charité tổng cộng 32 ngày, trong đó 24 ngày được chăm sóc tích cực”, thông báo cho biết thêm. “Dựa trên tiến triển và tình trạng hiện tại của bệnh nhân, các bác sĩ tin rằng khả năng hồi phục hoàn toàn là có thể. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để đánh giá những tác động lâu dài tiềm tàng do tình trạng ngộ độc nặng”.

Ông Navalny bất tỉnh khi đang trên chuyến bay từ Siberia đến Moskva hôm 20/8, sau đó được đưa tới Berlin điều trị. Chính phủ Đức và hai phòng thí nghiệm độc lập tại Thụy Điển và Pháp đã kết luận ông Navalny bị đầu độc bằng chất độc thần kinh Novichok. Nga phủ nhận cáo buộc này.

Bắc Kinh ‘phản pháo’ sau khi Hạ viện Mỹ thông qua dự luật về Tân Cương

Reuters đưa tin, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm nay tuyên bố, Bắc Kinh đã gửi “giao thiệp nghiêm khắc” tới Hạ viện Mỹ sau khi nước này thông qua dự luật hạn chế hàng nhập khẩu từ Tân Cương.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân tuyên bố các cáo buộc về lao động cưỡng bức là tin đồn thất thiệt do một số người ở Hoa Kỳ và phương Tây đưa ra.

Ông Uông đe doạ, Bắc Kinh sẽ thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để duy trì quyền lợi của các công ty Trung Quốc và bảo vệ chủ quyền cũng như lợi ích phát triển của họ.

Chính phủ Mỹ đã có một loạt các biện pháp đối với vấn đề Tân Cương, bao gồm chế tài các quan chức đàn áp quyền tự do tín ngưỡng đối với nhóm dân tộc thiểu số theo sắc tộc Turk, cấm nhập bông và các sản phẩm sử dụng lao động cưỡng bức, cũng như trừng phạt một tập đoàn quân sự có dính líu đến vi phạm nhân quyền tại khu vực.

Ấn – Trung đồng ý ngừng đưa thêm quân đến biên giới

Trung Quốc và Ấn Độ hôm qua (2/9) ra thông cáo chung cho biết hai bên đồng ý ngừng đưa thêm quân đến biên giới và tránh làm leo thang căng thẳng.

Reuters đưa tin, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm hôm qua cho biết các quan chức quốc phòng cấp cao của hai nước hôm thứ Hai (21/9) đã họp thảo luận về vấn đề tranh chấp biên giới ở khu vực Ladakh trên dãy Himalaya.

Sau cuộc hội đàm, quân đội hai nước đã ra thông cáo chung cho biết hai bên nhất trí “tránh gây hiểu nhầm và đánh giá sai”, đồng thời “tránh đơn phương thay đổi tình hình thực địa”.

Thông cáo cho biết thêm: “Hai bên cũng nhất trí sẽ tổ chức cuộc họp cấp tư lệnh quân sự lần thứ 7 trong thời gian sớm nhất có thể”.

Chiến hạm Nga va chạm tàu hàng

Theo Sputnik, một tàu hộ vệ Nga va chạm với tàu chở hàng dân sự treo cờ Quần đảo Marshall hôm nay, tại phía nam eo biển Sound khu vực nằm giữa Đan Mạch và Thụy Điển.

Quân đội Đan Mạch xác nhận tàu dân sự trong vụ va chạm mang tên Ice Rose. Lisbeth Jorgensen, sĩ quan tại trung tâm hoạt động của Lực lượng Vũ trang Đan Mạch cho biết không có vụ tràn dầu nào xảy ra sau khi va chạm.

Nguyên nhân của vụ va chạm được cho là do tầm nhìn bị che khuất bởi sương mù.

NASA tiết lộ kế hoạch đưa phi hành gia nữ đầu tiên lên mặt trăng

Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) sẽ đưa phi hành gia nữ đầu tiên lên mặt trăng vào năm 2024 trong chương trình không gian Artemis trị giá khoảng 28 tỷ USD.

Theo CNN ngày 22/9, chương trình Artemis được đặt theo tên của nữ thần mặt trăng của Hy Lạp, chị em sinh đôi của Apollo. Sứ mệnh Apollo 11 của NASA đã thành công trong việc đưa người đầu tiên lên Mặt Trăng vào ngày 20/7/1969.

Chương trình Artemis sẽ tìm kiếm và khai thác các nguồn tài nguyên như nước, vốn có thể được chuyển đổi thành các tài nguyên hữu dụng khác như oxy và nhiên liệu.

Theo giám đốc truyền thông NASA Bettina Inclan, chưa có người phụ nữ nào từng đặt chân lên Mặt Trăng, và người cuối cùng từng đặt chân lên Mặt Trăng là vào năm 1972.

Trung Quốc không có đồng minh thực sự: Triều Tiên ‘vô dụng’, Nga ‘làm cao’

Từ trái qua phải: Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình, Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Nga Putin

Đó là lời nhận xét từ cố vấn gốc Hoa của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo sau khi nghe ông Tập Cận Bình phát biểu tại Liên Hợp Quốc (LHQ).

Trong một lần hiếm hoi xuất hiện trước công chúng, ông Dư Mậu Xuân (Miles Yu), cố vấn chính sách người gốc Hoa cho Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, đã bác bỏ “lập trường đa phương” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc và nói rằng Trung Quốc không có bạn bè thực sự, theo Nikkei.

“Chia sẻ các giá trị – đó là nền tảng cho chủ nghĩa đa phương”, ông Dư nói hôm thứ Ba (22/9) trong một cuộc thảo luận trực tuyến về Hồng Kông do Viện nghiên cứu Macdonald-Laurier của Canada tổ chức. Ông lưu ý rằng một “liên minh các nền dân chủ” đang hình thành để chống lại mối đe dọa của Trung Quốc, nhưng điều tương tự không thể xảy ra đối với các quốc gia tập hợp xung quanh Bắc Kinh.

“Chúng ta có các quốc gia như … Nhật Bản, Australia, Anh, Canada, EU, NATO và các quốc gia thuộc tổ chức ASEAN, tất cả chúng ta đều có chung các giá trị”, ông nói.

“Trung Quốc không có nước nào mà họ có thể tin cậy được” như một đồng minh thực sự. “Bắc Triều Tiên phần lớn là vô dụng đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Nga thì đang chơi trò ‘làm cao’” với Bắc Kinh”, ông Yu phân tích.

“Vì vậy, thật là mỉa mai khi ngày hôm qua Tập Cận Bình tại LHQ đã nói về việc Trung Quốc là nhà vô địch của chủ nghĩa đa phương”, ông Dư Mậu Xuân nói. “Đó hoàn toàn phản ánh việc thiếu khả năng tự nhận thức”.

Ông Dư nói rằng chủ nghĩa đa phương có hiệu quả khi có mục tiêu chung chứ không phải khi hoạt động vì lợi ích riêng của ai đó. Ông trích dẫn sự thật bại của cuộc đàm phán sáu bên về phi hạt nhân hóa Triều Tiên là một ví dụ về các cuộc đàm phán kéo dài không đạt được kết quả nào.

“Tổng thống Trump đã đi đến gốc rễ của vấn đề bằng cách làm việc với Bình Nhưỡng, nói chuyện trực tiếp với Kim Jong Un và hòa giải với ông ấy, để kết quả là 3 năm rưỡi tốt đẹp đến nay”. “Vì vậy, chủ nghĩa đa phương là tuyệt vời” nhưng cần một mục tiêu, ông nói thêm.

Ông Dư Mậu Xuân vốn là một học giả người Mỹ gốc Hoa, là thành viên của ban hoạch định chính sách của Bộ Ngoại giao Mỹ. Đơn vị tư vấn nội bộ này có văn phòng được cho là chỉ cách văn phòng của ngoại trưởng Mike Pompeo ở Foggy Bottom vài bước chân.

Ông Dư được coi là nhân vật chủ chốt có ảnh hưởng tới chính quyền Trump trong việc xây dựng chính sách về Trung Quốc, dẫn đầu một đường lối cứng rắn hơn nhiều đối với Bắc Kinh và đã khiến ĐCSTQ tức giận.

Ông Pompeo miêu tả ông Dư là “một phần trung tâm trong nhóm của tôi”, trong khi David Stilwell, trợ lý ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, gọi ông là “kho báu quốc gia”.

Trong cuộc thảo luận hôm thứ Ba, ông Dư mô tả tình hình ở Hồng Kông như một “cuộc thử nghiệm lớn đã thất bại thảm hại”.

“Một quốc gia, hai hệ thống” mà Bắc Kinh hứa sẽ duy trì trong 50 năm khi Vương quốc Anh trả lại lãnh thổ vào năm 1997 là một “ý tưởng phá sản” vì “mâu thuẫn bên trong” của chính họ, ông Dư cho biết. Ông lưu ý rằng sự thống nhất cuối cùng thành “một quốc gia” không thể xảy ra nếu thực thể tồn tại là một chế độ chuyên quyền.

Ông nói: “Người dân Hồng Kông đã chọn hệ thống tự do và pháp quyền, không phải hệ thống của ĐCSTQ và chế độ chuyên quyền. Và “người Tây Đức sẽ không đoàn kết với người Đông Đức nếu Đông Đức vẫn còn do Đảng Cộng sản Đức nắm quyền”.

“Nó cũng đã thất bại vì nó đã hoàn toàn mất đi tác dụng làm mẫu đối với Đài Loan”. Hơn nữa, thông qua cuộc thử nghiệm ở Hồng Kông, mức độ đáng tin cậy của ĐCSTQ đã được bộc lộ: “Hồng Kông trước hết là một lời hứa của ĐCSTQ vào năm 1984, liên quan đến quy định các điều khoản bàn giao của Tuyên bố chung Trung-Anh. Đó là một lời hứa về mức độ tự chủ cao trong 50 năm, được hỗ trợ bởi tư pháp độc lập, báo chí tự do, quyền tự do cá nhân và pháp quyền. Lời hứa này đã được đưa ra nhưng lời hứa này đã bị phá vỡ”.

Ông Dư kết luận, ĐCSTQ cần phải trả một cái giá lớn cho việc đánh mất uy tín, bởi vì một quốc gia không có uy tín thì không thể trở thành lãnh đạo của thế giới.

Theo Nikkei Asian Review

Đại Nghĩa biên dịch

Related posts