Hương Thảo
Hiện tại Trung Quốc vẫn nghĩ rằng phản ứng của thế giới với những hành động vi phạm nhân quyền và pháp quyền của mình chỉ dừng lại ở những lời lên án, nhưng các lãnh đạo thế giới cho rằng ĐCSTQ phải nhận lấy hậu quả hơn như thế.
Người sáng lập một liên minh các nghị sĩ toàn cầu đang thúc đẩy Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) xem xét lại việc cho Bắc Kinh đăng cai Thế vận hội Mùa đông 2022, khi các chính trị gia trên khắp thế giới lên tiếng lo ngại về những vấn đề nhân quyền của Trung Quốc, theo Sydney Morning Herald.
Động thái này mở đường cho một liên minh trên toàn thế giới giữa các nhóm nhân quyền và các chính trị gia bảo thủ và cấp tiến thúc đẩy tẩy chay Thế vận hội tại Bắc Kinh. Diễn biến này cũng có thể đe dọa hơn nữa đến tài chính của IOC khi tổ chức này phải vật lộn để giữ cho Thế vận hội Tokyo năm 2021 đi đúng hướng trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Nghị sĩ Anh, Ngài Iain Duncan Smith, đồng chủ tịch Liên minh Nghị viện về Trung Quốc (Inter-Parliamentary Alliance on China) và là cựu lãnh đạo Đảng Bảo thủ ở Anh, cho biết: “Tôi đã yêu cầu IOC suy nghĩ lại về việc đăng cai tổ chức ở Trung Quốc”.
Liên minh Nghị viện bao gồm các chính trị gia Úc Tim Wilson, Kimberley Kitching, Andrew Hastie, Eric Abetz, Kevin Andrews, James Paterson, Amanda Stoker và Raff Ciccone trong số 160 thành viên của liên minh trên khắp Canada, Mỹ, Anh, Nhật Bản, New Zealand và Châu Âu.
Ông Iain nói rằng đã đến lúc cần có những chế tài kinh tế rộng hơn đối với Trung Quốc, và các chính phủ quốc gia khác “nên ủng hộ nhiều hơn cho Australia”, quốc gia được coi là “vật tế thần”, bị Bắc Kinh trừng phạt thương mại trước những lời kêu gọi điều tra độc lập về đại dịch viêm phổi Vũ Hán (Covid-19).
Ông nói: “Thế giới tự do có một quan điểm mạnh mẽ khi nói đến sự bắt nạt, đe dọa, đàn áp nội bộ, tranh chấp biên giới, thái độ ngạo mạn với các nước láng giềng, việc phá vỡ hiệp ước với Hồng Kông – những điều này phải dẫn đến hậu quả. Hiện tại, [chính quyền] Trung Quốc vẫn tin rằng những hậu quả này không đi xa hơn một sự lên án”.
Nghị sĩ Anh Iain Duncan Smith nói rằng chính phủ Trung Quốc phải biết rằng hành động của họ mang lại hậu quả.
Lập trường của nghị sĩ Iain theo sau 160 nhóm vận động nhân quyền gửi một lá thư chung cho người đứng đầu Ủy ban Olympic Quốc tế, kêu gọi Bắc Kinh tước quyền tham dự Thế vận hội vì đàn áp phong trào ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông và giam giữ người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Các phóng viên Úc Mike Smith và Bill Birtles đã buộc phải rời Trung Quốc vào tháng 9 và các phóng viên khác đã phải vật lộn để có được thẻ nhà báo để vào nước này.
Nghị sĩ Australia độc lập Zali Steggall, người giành huy chương đồng môn trượt tuyết trên núi cao tại Thế vận hội Olympic Nagano năm 1998 cho biết, IOC cần phải “theo dõi tình hình đang diễn ra” ở Trung Quốc.
Steggall, người không liên kết với Liên minh nghị viện cho biết: “Tôi lo ngại về những cáo buộc vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và sự ngừng hoạt động tự do ngôn luận gần đây ở Trung Quốc”.
Nghị sĩ Úc và cựu vận động viên Olympic mùa đông Zali Steggall cho biết bà lo ngại về các cáo buộc vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của New Zealand, Simon O’Connor cho biết đất nước của ông sẽ hành động thận trọng nhưng “Thế vận hội có thể là chất xúc tác” cho sức ép toàn cầu lớn hơn đối với hành động của Trung Quốc.
Ông nói: “Không quan trọng đó là Hồng Kông, người Duy Ngô Nhĩ, Đài Loan hay ăn cắp công nghệ. Đây không phải là một sự kết hợp tốt vào lúc này và thật khó để xem trong một năm tới, điều gì sẽ khiến tình trạng [nhân quyền] được cải thiện”.
Nghị sĩ Hà Lan Martijn van Helvert, người ngồi trong Ủy ban Đối ngoại của Hà Lan, cho biết cuộc thảo luận ngoại giao về Thế vận hội Bắc Kinh bây giờ sẽ “chắc chắn bắt đầu”.
“Tôi có thể nói thể thao là thứ gắn kết chúng ta, nhưng thật kỳ lạ khi Nhà vua và Hoàng hậu [Hà Lan] có thể sẽ vỗ tay ở Bắc Kinh vào năm 2022 trong khi biết rằng có 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ bị trừng phạt trong các trại cải tạo, và người Hồng Kông bị bắt giữ ở Trung Quốc”.
Bắc Kinh sẽ là Thế vận hội cuối cùng được miễn trừ các nguyên tắc nhân quyền mà IOC chuẩn bị đưa vào hợp đồng thành phố đăng cai, sẽ ràng buộc chủ nhà với các công ước của Liên hợp quốc, từ Thế vận hội Paris 2024 trở đi.
Chính phủ Trung Quốc đang tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng trị giá hàng tỷ đô la trước các trận đấu, thêm một trung tâm trượt tuyết, một sân vận động trượt băng tốc độ và một trung tâm hội nghị 1,3 triệu mét vuông mới.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã bác bỏ cáo buộc từ 160 nhóm nhân quyền vào ngày 9/9 rằng họ đã vi phạm nhân quyền ở Tân Cương hoặc Hồng Kông.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết: “Những cáo buộc vô căn cứ của các tổ chức này đáng bị bác bỏ”; “Những cố gắng chính trị hóa các môn thể thao là trái với tinh thần của Hiến chương Olympic. Trung Quốc kiên quyết phản đối”.
Vào tháng 7, thành viên IOC, Dick Pound, đã đưa ra khả năng hủy bỏ Đại hội thể thao Bắc Kinh nếu virus Vũ Hán buộc họ phải từ bỏ Đại hội thể thao Tokyo.
“Bỏ qua khía cạnh chính trị vào lúc này, nếu nói rằng có vấn đề COVID vào tháng 7 và tháng 8 năm sau ở Tokyo, thì thật khó để tưởng tượng rằng sẽ không có một tác động nào xảy ra ở khu vực tương tự vào 5 tháng sau đó”, ông nói.
IOC, vốn dự kiến sẽ chịu khoản chi phí tới 1,2 tỷ USD do Thế vận hội Tokyo bị trì hoãn, đã được liên hệ để đưa ra bình luận.
Thế vận hội Olympíc từ lâu đã kích hoạt những tranh cãi về nhân quyền. Berlin năm 1936 được dùng làm nơi trưng bày tuyên truyền của Đức Quốc xã. Năm 1968 ở Mexico, hàng trăm sinh viên biểu tình đã bị giết chưa đầy hai tuần trước lễ khai mạc. Thế vận hội Munich năm 1972 đã chứng kiến các vận động viên Israel bị các tay súng Palestine bắt làm con tin và sát hại. Thế vận hội mùa hè ở Bắc Kinh năm 2008 chứng kiến những lo ngại về các cuộc đàn áp đối với những người bất đồng chính kiến và đàn áp chính trị ở Tây Tạng. Thế vận hội mùa đông Sochi ở Nga năm 2014 cũng bị tàn phá bởi nạn bóc lột lao động nhập cư và những lời đe dọa nhắm vào các nhà báo, đồng thời các nhà hoạt động đã ghi nhận những thiệt hại về môi trường do Thế vận hội gây ra.
Lãnh đạo Đảng Tự do Na Uy, Trine Skei Grande nói rằng việc Bắc Kinh giam giữ các tù nhân chính trị, phá hủy pháp quyền ở Hồng Kông, thiếu tự do ngôn luận và trách nhiệm giải trình dân chủ “phản ánh sự hoang tưởng về một chế độ không được bầu cử, không an toàn về vị trí của mình và bị đe dọa bởi những người bất đồng chính kiến”.
Bà cho rằng Thế vận hội nên là cơ hội để thảo luận về nhân quyền. “Tôi không nghĩ rằng nhân quyền sẽ được cải thiện khi các quốc gia quyết định không tham gia Thế vận hội”, bà nói.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã được liên hệ để đưa ra bình luận.
Theo Eryk Bagshaw, Sydney Morning Herald
Hương Thảo biên dịch