Thanh Hà
Việc không quân Trung Quốc công bố video mô phỏng một cuộc tấn công nhắm vào một căn cứ quân sự rất giống địa bàn của quân đội Mỹ trên đảo Guam ở Thái Bình Dương là một bước ngoặt trong chính sách phô trương sức mạnh quân sự của Bắc Kinh. Nhưng còn quá sớm để cho rằng Trung Quốc chuẩn bị một kế hoạch quân sự tấn công Hoa Kỳ.
Trung Quốc dồn dập tập trận tại eo biển Đài Loan, điều máy bay vượt qua đường trung tuyến vốn được xem là ranh giới giữa Hoa lục và Đài Loan đúng vào lúc thứ trưởng Ngoại Giao Mỹ Keith Krack có mặt tại Đài Bắc.
Hành động đó dường như chưa đủ. Ngày 19/09/2020 Bắc Kinh lao vào một cuộc chiến hình ảnh khi tung lên mạng Vi Bác video với hình ảnh oanh tạc cơ H-6 của Trung Quốc đang nhắm vào mục tiêu trông rất giống căn cứ không quân Andersen của Mỹ trên đảo Guam với lời giải thích : “Nếu nổ ra chiến tranh, đây là hành động chúng tôi đáp trả”.
Tại Bắc Kinh, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Vương Văn Bân không che giấu tức giận, xem sự hiện diện của quan chức trong chính quyền Mỹ tại Đài Bắc là “hành vi khiêu khích chính trị và cổ vũ cho thái độ ngạo mạn của những lực lượng ly khai Đài Loan”.
Trả lời hãng tin Anh Reuters, nhà nghiên cứu Collin Koh, thuộc Viện Nghiên Cứu Quốc Phòng và Chiến Lược IDSS của Singapore cho rằng, hành động nói trên là một “lời cảnh báo nhắm tới Hoa Kỳ” với thông điệp chính là ngay cả những vị trí được coi là an toàn nhất của quân đội Mỹ cũng có thể bị đe dọa nếu như “xảy ra xung đột tại Đài Loan hay Biển Đông”.
Nhìn từ Pháp, các chuyên gia thận trọng hơn khi cho rằng, kịch bản Trung Quốc đối đầu quân sự không phải là không có. Dù vậy có ít nhất ba yếu tố cho thấy là còn quá sớm để cho rằng Bắc Kinh đang chuẩn bị một kế hoạch quân sự nhằm đáp trả Hoa Kỳ trong trường hợp nổ ra xung đột tại eo biển Đài Loan hay Biển Đông.Theo quan điểm của chuyên gia về Trung Quốc, bà Valérie Niquet thuộc Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược (FSR), Trung Quốc đang “giương đủ cao đe dọa tấn công nhằm khủng bố tinh thần các đối tác của Mỹ và nếu có thể, là kể cả của châu Âu và các quốc gia châu Á khác” để những nước này “gây áp lực với Mỹ, thuyết phục Washington tránh chọc ngoáy vào hồ sơ Đài Loan”, hay ít ra là giữ nguyên trạng tình hình ở eo biển Đài Loan và “kể cả trong một số những hồ sơ khác”. Theo bà Niquet, Trung Quốc muốn tránh rủi ro xảy ra xung đột, một cuộc xung đột mà ”có nhiều khả năng là bản thân Bắc Kinh cũng không mong muốn chút nào”.
Một tiếng nói khác có uy tín trong số các nhà Trung Quốc học của Pháp là giáo sư Jean Pierre Cabestan, giảng dậy tại đại học Baptiste Hồng Kông thì cho rằng, mục đích mà Bắc Kinh nhắm tới “trong ngắn hạn là bóp nghẹt kinh tế Đài Loan, mở rộng ảnh hưởng chính trị của Hoa lục với Đài Loan đồng thời gia tăng sức ép quân sự” để ngăn chận mọi ý tưởng ly khai. Nhưng về phía Mỹ, Washington không loại trừ khả năng Trung Quốc đủ tự tin vào sức mạnh quân sự của mình để trong tương lai chiếm đoạt hòn đảo này bằng vũ lực.
Một báo cáo gần đây của Lầu Năm Góc nhìn nhận Trung Quốc đang có lực lượng Hải Quân hùng mạnh nhất thế giới. Do vậy, chuyên gia Cabestan cho rằng nhìn xa hơn một chút, “với đội ngũ tàu thuyền hùng hậu nhất thế giới với khoảng 350 hải thuyền và tàu ngầm, với rất nhiều chiến đấu cơ mà Trung Quốc có thể huy động được trước cửa ngõ Đài Loan trong tương lai, cái giá phải trả sẽ khá đắt trong trường hợp Mỹ phải can thiệp tại khu vực này”. Nói cách khác, giáo sư Cabestan không mấy tin vào kịch bản Hoa Kỳ huy động quân đội bảo vệ chưa đầy 24 triệu dân Đài Loan.
Sau cùng trong bài viết đăng trên báo Le Point hôm 21/09/2020, trong mục tập hợp các quan điểm của giới chuyên gia, Antoine Bondaz, chuyên gia về Đông Bắc Á Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược Pháp giảng dậy tại trường Khoa học Chính Trị Paris nêu lên một yếu tố khác cho thấy Trung Quốc chưa sẵn sàng đương đầu với Mỹ trên mặt trận quân sự.
Lý do đơn giản là “công nghệ của Trung Quốc về mặt quân sự vẫn bị Hoa Kỳ bỏ xa lại phía sau”. Theo ông, hiện tượng toàn cầu hóa mà ở đó một số công cụ có thể sử dụng được cả trong lĩnh vực dân sự lẫn quân sự, cộng thêm với các vụ tin tặc và công nghệ thông tin ngày càng hiện đại đã tạo cơ hội cho Trung Quốc bắt kịp công nghệ của Mỹ nhưng đồng thời kỹ nghệ được sử dụng trong lĩnh vực quân sự cũng đã có những bước tiến nhanh đến chóng mặt.
Nền công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc từ hàng chục năm qua đã lợi dụng đầu tư nước ngoài từ lĩnh vực chế tạo máy đến tin học, điện tử… để vươn lên. Nhưng chỉ cần so sánh chiến đấu cơ F22 của Mỹ với J20 của Trung Quốc cũng đủ thấy cách biệt quá rõ ràng mà ở đó phần thắng nghiêng về phía Mỹ.
Vẫn theo Antoine Bondaz, Bắc Kinh đã huy động nhiều phương tiện kể cả một số tập đoàn từ Alibaba hay Hoa Vi để nâng cấp mảng công nghiệp và công nghệ, đẩy mạnh khả năng sáng tạo… nhưng trong lĩnh vực quân sự thì Mỹ vẫn dẫn đầu thế giới.
Chuyên gia Pháp này mượn lời kết luận của giáo sư Michael Beckley đại học Tufts University, bang Massachusetts, Hoa Kỳ : “Mỹ đang và sẽ tiếp tục là một siêu cường trên thế giới trong nhiều thập niên nữa, ngoại trừ trường hợp phương Tây, mà đứng đầu là Mỹ không còn xem khả năng phát minh (capacité d’innovation ) là một ưu tiên”.