Quan điểm nước Mỹ trên hết của ông Trump có lợi gì cho thế giới?

Kha Đạt

Lời tòa soạn: Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, cho thấy một cái nhìn khác về chủ trương “Nước Mỹ Trên Hết” của Tổng Thống Donald Trump

Hôm thứ Ba (22/9, giờ Mỹ), Tổng thống Trump có bài phát biểu tại Liên Hợp Quốc (LHQ). Người đứng đầu Nhà Trắng nói rằng ông bác bỏ các cách tiếp cận sai lầm và lựa chọn “đặt nước Mỹ lên trên hết” để mang lại thịnh vượng và hạnh phúc cho Hoa Kỳ. Điều thú vị là, cách tiếp cận “phản giáo điều” của ông Trump đã và đang mang lại nhiều điều tích cực hơn cho thế giới.

“Toàn cầu hóa” là ý tưởng khá giống với mơ ước xây dựng một “thế giới đại đồng” của những người thiên tả, nó đề xuất cách tiếp cận hòa tan tất cả trong một “nồi lẩu”. Tôn chỉ trên bề mặt của nó nghe có vẻ rất hợp lý khi chủ trương tạo lập một môi trường phẳng để tất cả các quốc gia kết nối sâu hơn về kinh tế, văn hóa, thông tin, công nghệ… từ đó xây dựng một thế giới phồn vinh và hạnh phúc hơn. Tuy nhiên điều này là không khả thi và dễ dẫn tới thảm họa.

Không khả thi vì thực tế cho thấy mong muốn hàng trăm năm qua của những người thiên tả về việc xây dựng một “thế giới đại đồng” cho tới nay đã không thể thực hiện vì một lý do đơn giản: nó phản lại các quy luật tự nhiên ngay cả ở mục đích và cách tiếp cận.

Thế giới tự nhiên là đa sắc màu, nhiều tầng thứ và hình thái, nó không phải do con người tạo ra, nó có hệ thống quy luật hình thành và vận động riêng. Con người chỉ là một phần tử trong thế giới này, trong khi mới chỉ có những hiểu biết hết sức sơ sài trên bề mặt về ý nghĩa và nội hàm của các quy luật đó, nhưng lại vội vàng muốn thay đổi nó nhằm cải biến mọi thứ theo điều mà mình tin rằng đúng thì liệu có thể đạt được mục đích?.

Dễ dẫn tới thảm họa vì khi tham gia trong một sân chơi chung, hệ thống “luật chơi” không thể ràng buộc được tất cả, chắc chắn sẽ luôn có khe hở. Đây là cơ hội cho những kẻ “xấu chơi” luôn tìm cách “lách” và tranh thủ điều đó để thủ lợi cho riêng mình. Thực tế cho thấy Bắc Kinh đã rất giỏi lợi dụng các xã hội mở như Hoa Kỳ để bòn rút lợi ích cho họ.

Thế giới công bằng hơn

Trong bài phát biểu tại Đại hội đồng LHQ lần thứ 75, ông Trump nói rằng “Chúng tôi đã hồi sinh Liên minh NATO, ở đó các quốc gia khác đang đóng góp vào ngân sách [chung] công bằng hơn nhiều”.

Vì coi “nước Mỹ trên hết” nên ông Trump yêu cầu các nước thành viên NATO thay vì ỷ lại vào Hoa Kỳ cả về tài chính, vũ khí và các hoạt động quân sự thì hãy tự chủ hơn, đóng góp nhiều hơn để xây dựng khối. Điều này ban đầu sẽ khiến các đồng mình của Mỹ bị sốc nhưng, có thể thấy, về lâu dài thì quyết định này của chính quyền Trump lại góp phần chấn hưng NATO.

Thật vậy, một quần thể mạnh và bền vững thật sự khi các thành viên trong đó đều mạnh và có mối quan hệ với các thành viên còn lại dựa trên sự chia sẻ công bằng về quyền lợi. Năng lực tiềm tại trong mỗi cá nhân hay, tập thể hoặc lớn hơn là quốc gia là rất lớn, nhưng năng lực đó sẽ bị ru ngủ bởi tâm lý dựa dẫm, không chịu vận động. Áp lực buộc phải chia sẻ nhiều hơn khiến các thành viên NATO phải vận động để tự đổi mới và gia cố sức mạnh quân sự của mình, và một cách tự nhiên sẽ làm sức mạnh của khối được gia cường đáng kể.

Chính quyền Trump cũng thể hiện cách cư xử công bằng và nhất quán trong quan hệ với các đồng minh. Hoa Kỳ dưới thời vị tổng thống thứ 45 cũng yêu cầu các đồng minh ở châu Á như Nhật Bản hay Hàn Quốc chia sẻ gánh nặng tài chính cho việc duy trì lực lượng quân đội Mỹ đồn trú tại bán đảo Triều Tiên và các căn cứ của Nhật để bảo vệ an ninh trước hết cho hai nước này và khu vực.

Việc Hoa Kỳ yêu cầu các nước chia sẻ tài chính cho hoạt động bảo vệ an ninh chung không có nghĩa là các nước trả tiền “thuê” Mỹ bảo vệ mình, mà thực ra là các nước cần phải chịu phần trách nhiệm duy trì các hoạt động phối hợp với quân đội Mỹ để bảo vệ an ninh cho họ, đa số trường hợp trong đó họ cần phải chia sẻ khoản tài chính nuôi chính quân đội hoặc nhân viên của họ, điều mà Mỹ đã phải “bao” trong nhiều năm. Ví như trường hợp của Hàn Quốc, chính quyền Trump đang yêu cầu Seoul chia sẻ việc chi trả lương cho hơn 4.000 nhân viên người Hàn làm việc trong các đơn vị lính Mỹ đồn trú tại bán đảo Triều Tiên.

Việc Mỹ rút nguồn tài trợ vốn có phần quá dễ dãi và yêu cầu các nước tự chủ cũng góp phần “thức tỉnh” các đồng minh. Vì khi một thực thể được “nuông chiều” quá mức đến một lúc nó có thể sẽ coi rằng tiền thuế của người dân Mỹ là “không khí” và Hoa Kỳ đương nhiên phải có trách nhiệm bảo vệ họ, thậm chí còn có thể dẫn tới ý nghĩ rằng nếu Mỹ không tài trợ thì họ sẽ không làm gì để bảo vệ chính quê hương của mình.

Trong bài phát biểu hôm thứ Ba, ông Trump nói rằng “Chúng tôi đã chống lại nhiều thập niên Trung Quốc lạm dụng thương mại”. Hành động này của chính quyền Trump cũng lại có tác dụng cảnh tỉnh các nước về mối đe dọa từ Bắc Kinh và tạo ra một môi trường hợp tác thương mại công bằng hơn trong bối cảnh ĐCSTQ đang “dụ dỗ” thế giới bằng luận điệu “trỗi dậy hòa bình” nhưng thực tế dùng nhiều chiêu trò ma mãnh để xâm nhập và thâu tóm các thị trường, đẩy nhiều nước nghèo vào bẫy nợ, trong khi dung túng cho việc sản xuất hàng giả, thao túng tiền tệ, bảo trợ thái quá doanh nghiệp trong nước, ăn cắp cũng như ép doanh nghiệp nước ngoài chuyển giao công nghệ.

Bảo vệ các giá trị phổ quát, thúc đẩy phát triển

Khác với những người tiền nhiệm, Tổng thống Trump coi chính quyền Trung Quốc, chứ không phải Nga, mới là kẻ thù số một của nước Mỹ. Bắc Kinh cho thấy nó là thế lực đang từng ngày đe dọa những giá trị và quyền lợi của người Mỹ. Vậy nên, vì “nước Mỹ trên hết” ông Trump đã thực hiện hàng loạt hành động tấn công lực lượng này để đòi lại những gì mà chính quyền Trung Quốc tước đoạt của người dân nước ông và bảo vệ những giá trị mà người Mỹ tôn thờ.

Dấu ấn đậm nét nhất thể hiện ở việc chính quyền Trump đã giáng những đòn thuế nặng nề vào hàng hóa Trung Quốc khiến Bắc Kinh “choáng váng”. Việc chính quyền Trung Quốc suy yếu trước những “cú đánh” của chính quyền Trump vô hình chung khiến Bắc Kinh bớt hung hăng hơn và phải “nhìn trước ngó sau” trong những việc làm bất hảo đối với thế giới, nhất là đối với các nước láng giềng của Trung Quốc, những nước đang phải chịu sức ép trực tiếp hàng ngày từ lực lượng này.

Cũng giống như nhiều nhà khoa học kiệt xuất như Albert Einstein hay Isaac Newton, ông Trump tin vào Chúa, và dường như ông đã thấu hiểu một điều trong văn hóa truyền thống rằng con người cần khiêm nhường dưới Chúa và duy trì đạo đức phổ quát thì mới có được những điều tốt đẹp. Vì thế trong cách tiếp cận để giải quyết vấn đề, người ta thấy ông Trump luôn lấy văn hóa truyền thống làm cơ sở, và cũng nhờ đó mà thành tựu trên cương vị tổng thống của ông có vẻ như đã đem lại nhiều lợi ích hơn cho thế giới, thông qua việc bảo vệ những giá trị mà người Mỹ truyền thống tôn thờ.

Giá trị mà nước Mỹ tôn thờ là những quyền cơ bản của con người, trong đó có “quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Việc Bắc Kinh vì quyền lợi ích kỷ bất chấp sự thật lịch sử tuyên bố chủ quyền gần 90% diện tích Biển Đông là hành động o ép người dân của những quốc gia láng giềng, xâm phạm quyền sống và các quyền cơ bản của con người. Vì thế việc chính quyền Trump thúc đẩy các hoạt động trấn áp Trung Quốc trên Biển Đông, trên bề mặt là để bảo vệ ảnh hưởng của nước Mỹ, nhưng tác động sâu xa hơn là để bảo vệ những giá trị mà Hoa Kỳ coi trọng.

Để giữ nước Mỹ an toàn trước các hành vi phá hoại của gián điệp Trung Quốc, chính quyền Trump đã đẩy mạnh các hành động truy quét tình báo Hoa Nam trên khắp cả nước. Đồng thời với việc này, chính phủ Mỹ cũng “khóa tay” hàng loạt các công ty công nghệ Trung Quốc bị nghi ngờ thu thập thông tin tình báo cho Trung Nam Hải như ZTE, Huawei, và mới đây nhất là quyết định mạnh tay với ứng dụng đầy tai tiếng Tik Tok. Những hành động này của chính quyền Trump đã có tác dụng cảnh báo các quốc gia tự do trên thế giới về mối đe dọa an ninh từ Trung Quốc.

Tổng thống Trump từng nói rằng Hoa Kỳ là một quốc gia dưới Chúa, người dân ở đây tôn thờ đấng sáng tạo chứ không tôn thờ chính phủ. Nên một giá trị cốt lõi nữa mà người dân Hoa Kỳ bảo vệ là tự do tôn giáo, tự do tư tưởng, người Mỹ sẽ không đứng yên nếu giá trị này bị xâm hại cho dù nó ở bất cứ đâu trên thế giới. Người Mỹ cũng trân quý dân chủ như sinh mệnh mình. Vì là một người coi nước Mỹ trên hết, nguyện phụng sự nhân dân, Tổng thống Trump đã không ngừng nỗ lực bảo vệ quyền tự do tôn giáo và dân chủ cho thế giới, đặc biệt ở những nơi mà những giá trị này bị coi là “cỏ rác”, như ở Trung Quốc, hay Venezuela.

Suy cho cùng những giá trị thực sự mà mỗi dân tộc tôn thờ đều là những điều cao cả, đó là những giá trị phổ quát, là sản phẩm của nền văn hóa dân tộc được tích lũy hàng ngàn năm lịch sử chứ không phải là các giá trị được đề nghị trong những lý thuyết đã thất bại trên thực tế mà một nhóm người tự nghĩ ra.

Về nguyên tắc, lãnh đạo quốc gia được dân bầu là để bảo vệ những giá trị mà người dân tôn thờ và chăm lo cho đời sống vật chất và tinh thần cho họ. Như đã đề cập ở trên, xét trên tổng thể, những điều số đông người dân muốn đều là những điều tốt đẹp. Vậy thì lãnh đạo thực hiện theo ý chí của dân cũng chính là đang hướng tới cái tốt đẹp mà kiến tạo.

Có lẽ vì vậy mà ở cuối bài phát biểu tại LHQ, ông Trump nhắn nhủ lãnh đạo các quốc gia rằng chỉ khi họ thực sự quan tâm tới ý nguyện của người dân thì mới tìm thấy cơ sở thật sự để hợp tác, và khuyên họ hãy như ông, đặt đất nước lên trên hết.

Lãnh đạo mà hành động vì nguyện vọng tốt đẹp của người dân với tâm thái phụng sự chẳng phải sẽ làm cho đất nước đó phát triển và qua đó giúp thế giới trở nên tốt đẹp hơn? Vậy thì phương pháp tiếp cận và lời khuyên của ông Trump chẳng phải là chí lý, chí tình?

Related posts