Tâm Thanh
Chính quyền Trung Quốc đang thúc đẩy sử dụng khẩn cấp vắc xin Covid-19 bất chấp những lo ngại về công hiệu và tính an toàn của nó, theo AP.
Vắc xin viêm phổi Vũ Hán của Trung Quốc, được phát triển bởi các công ty công nghệ sinh học như China Biotechnology, mặc dù vẫn còn nhiều lo ngại tiềm ẩn đối với công hiệu và tính an toàn của nó, nhưng đã được Bắc Kinh cho phép cung cấp để sử dụng trong một số trường hợp.
Vài ngày trước, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân thậm chí còn tuyên bố rằng, Trung Quốc sẽ cung cấp vắc xin do Trung Quốc phát triển như một “sản phẩm công cộng toàn cầu” và sẽ ưu tiên bán cho các nước đang phát triển.
Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 30/9, ông Vương cho biết: Để đối phó với đại dịch viêm phổi Vũ Hán trên toàn cầu, Trung Quốc đại lục đang đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển vắc-xin.
Bắc Kinh từ lâu đã tuyên bố rằng, sau khi nghiên cứu, vắc-xin của họ sẽ được đưa vào sử dụng, và nó sẽ đóng vai trò là một “sản phẩm công cộng toàn cầu”, thể hiện sự đóng góp của Trung Quốc đối với cộng đồng thế giới sao cho các nước đang phát triển đều có khả năng tiếp cận cũng như chi trả.
Ông Vương nhấn mạnh rằng, Trung Quốc “nói được làm được”, mặc dù vắc-xin ở nhiều nước vẫn đang được phát triển, nhưng đối với Trung Quốc, vắc-xin chắc chắn sẽ được coi là một “sản phẩm công cộng toàn cầu”. Thông qua các phương thức khác nhau, Trung Quốc sẽ ưu tiên cung cấp vắc-xin của mình cho các nước đang phát triển.
Theo hãng tin AP, giám đốc điều hành cấp cao của Tập đoàn Dược phẩm Quốc gia Trung Quốc Sinopharm mới đây đã tiết lộ rằng, ngoài 40.000 “thí sinh” (người được tiêm thử nghiệm), thì công ty con China National Biotec Group (CNBG) đã cung cấp vắc xin cho 350.000 người khác.
Ngoài ra, vắc xin viêm phổi Vũ Hán của công ty Công nghệ sinh học Sinovac Biotech (có trụ sở tại Bắc Kinh, Trung Quốc) mặc dù chưa hoàn thành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III theo tiêu chuẩn quốc tế, nhưng vẫn tiến hành tiêm cho 90% nhân viên và thành viên gia đình của những nhân viên này (khoảng 3000 người). Loại vắc-xin do quân đội Trung Quốc và CanSinoBIO hợp tác phát triển cũng đã được phê duyệt để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.
New York Times đã có bài viết nói rằng việc ĐCSTQ sẽ tiêm chủng cho người dân trên quy mô lớn, khi vắc-xin chưa được chứng minh và công nhận trên toàn cầu về tính an toàn và hiệu quả, giống như Bắc Kinh đang “chơi” một canh bạc lớn.
Mặc dù được phát triển trong khoảng thời gian ngắn, bỏ qua những quy chuẩn quốc tế, nhưng giá vắc xin Covid Trung Quốc có thể cao hơn giá vắc xin Covid của châu Âu và Mỹ.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng hôm 22/9 đưa tin, hai loại vắc-xin bất hoạt ở Trung Quốc đang xin phê duyệt có thể được định giá cao nhất là 600 Nhân dân tệ (khoảng hơn 2 triệu VNĐ) cho hai mũi tiêm.
Hãng tin BBC chỉ ra rằng, nếu việc định giá được chấp thuận, so với loại vắc-xin đơn liều (một mũi tiêm) được biết đến trên toàn cầu hiện nay có giá từ 3 đô-la Mỹ đến 44 đô-la Mỹ (khoảng từ gần 70 nghìn đến hơn 1 triệu VNĐ), thì vắc xin của Sinopharm có thể được gọi là “đắt nhất thế giới”.
Trước sự việc này, người dân Trung Quốc đã bày tỏ rằng, họ “không thể mua nổi” và đặt câu hỏi “Trung Quốc có dân số 1,4 tỷ người, thu nhập bình quân đầu người chỉ bằng 1/6 Hoa Kỳ. Tại sao vắc-xin Trung Quốc lại đắt hơn Hoa Kỳ?”.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân đã khẩn trương bác bỏ những tin đồn trên trong cuộc họp báo ngày 30/9, nói rằng “tuyên bố này không có cơ sở”. Bước tiếp theo sẽ định giá như thế nào, vẫn còn nhiều điều chưa xác định được.