Đại Nghĩa
Ngày 22/9/2020, trong khi tổng thống Moon Jae-in có bài phát biểu hùng hồn tại Đại hội đồng LHQ, kêu gọi thế giới mở ra một “kỷ nguyên hòa bình với Triều Tiên” thì nhận được một gáo nước lạnh từ “đối tác hòa bình” của mình.
Việc lính Triều Tiên bắn chết và được cho là đốt xác một quan chức nghề cá của Hàn Quốc trên biển đã gây chấn động trong dư luận Hàn Quốc.
Ngày 25/9, thông tin từ chính phủ Hàn Quốc cho biết đã nhận được lời xin lỗi của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Trong đó cho biết lính Triều Tiên đã bắn 10 phát súng vào người quan chức Hàn Quốc, với lý do ông này “xâm phạm vùng biển Triều Tiên, không cho biết danh tính và tìm cách bỏ trốn”.
SCMP dẫn lời giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Inha – Hàn Quốc, Nam Chang-hee, bày tỏ nghi ngờ rằng Bình Nhưỡng thực sự muốn lôi kéo Seoul sau hành động thù địch của họ, và cho rằng trọng tâm thực sự của họ là ở Washington.
Ông Nam nói: “Điều đó cho thấy Triều Tiên không quan tâm đến những nỗ lực của chính quyền Moon trong mối liên lạc”.
“Đứng trước lời kêu gọi của Moon Jae-in về việc tuyên bố chấm dứt chiến tranh tại LHQ, đây là cơ hội để người dân Hàn Quốc nhận thức rõ ràng về tính phi thực tế trong chính sách xoa dịu của chính quyền Moon và càng khiến Nhà Xanh xấu hổ hơn”.
Tổng thống Moon Jae-in là người có cha mẹ sinh ra tại Triều Tiên chạy nạn chiến tranh tới miền nam. Ông thuộc đảng Dân chủ Hàn Quốc theo đường lối thiên tả. Trong mối quan hệ với Triều Tiên, ông Moon Jae-in chủ trương mềm mỏng với chế độ họ Kim.
Tuy nhiên, ngày 16/6/2020, chế độ Triều Tiên đã cho nổ tung tòa nhà Văn phòng liên lạc chung, vốn được thành lập vào tháng 9-2018, vài ngày trước khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in bay đến Bình Nhưỡng để có cuộc gặp thượng đỉnh thứ ba với nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Song song với hành động này, Triều Tiên đã cảnh báo cắt đứt mọi liên lạc với Hàn Quốc vì lý do miền Nam không ngăn chặn những người thả truyền đơn trong bóng bay sang miền Bắc. Mặc dù ngày trước đó, ngày 15/6 tổng thống Moon Jae-in đã kêu gọi Triều Tiên “không đóng cánh cửa ngoại giao”.
Sau vụ việc trên biển, SCMP dẫn thông tin từ hãng thông tấn nhà nước Hàn Quốc Yonhap, phát biểu tại buổi lễ Ngày Lực lượng Vũ trang vào hôm 25/9, ông Moon tuyên bố quân đội nước này sẽ phản ứng “kiên quyết” với bất kỳ mối đe dọa nào đối với công chúng, đồng thời liên tục nhấn mạnh “tầm quan trọng của hòa bình”.
Theo hãng thông tấn này, ông Moon không đề cập đến Triều Tiên hay vụ giết hại quan chức thủy sản.
Hong Deuk-pyo, giáo sư danh dự về khoa học chính trị tại Đại học Inha – Hàn Quốc, cho biết: “Lời kêu gọi của Tổng thống Moon về việc tuyên bố chấm dứt chiến tranh tại LHQ đã trở thành trò cười quốc tế”.
“Trường hợp này cho thấy rõ ràng rằng việc theo đuổi một chiều với Triều Tiên của chính quyền Moon đã trống rỗng như thế nào. Nó phơi bày cách Triều Tiên coi thường và không coi Hàn Quốc ra gì. Tôi nghĩ rằng người Hàn Quốc sẽ tức giận và thái độ phản đối của họ đối với chính sách hòa giải và hợp tác của chính quyền Moon với Triều Tiên ngày càng tăng ”.
Theo Yonhap hôm 27/9, Văn phòng tổng thống Hàn Quốc kêu gọi Triều Tiên khôi phục đường dây nóng quân sự, để liên lạc về đề xuất của Seoul tiến hành một cuộc điều tra chung về vụ việc.
Tuy nhiên, phó phát ngôn viên Moon Hong-sik cho biết trong một cuộc họp báo thường kỳ rằng, Triều Tiên không có phản ứng với lời kêu gọi này. Đường dây liên lạc này vốn đã bị Triều Tiên cắt đứt sau khi cho nổ Văn phòng liên lạc vào tháng 6 vừa qua.
Cũng theo Yonhap, trước thông tin về kế hoạch tuần hành của những người theo quan điểm cứng rắn với Triều Tiên dự kiến tổ chức vào ngày 3/10, Thủ tướng Chung Sye- kyun của chính phủ ông Moon Jae-in cảnh báo:
Quyền biểu tình của người dân “không quan trọng hơn tính mạng và sự an toàn của người dân.” Ông Chung cũng cảnh báo chính phủ sẽ thực hiện chính sách không khoan nhượng đối với bất kỳ cuộc biểu tình không phép nào vào Ngày Lập Quốc 3/10, rằng những người tham gia bất hợp pháp sẽ phải đối mặt với việc bắt giữ ngay lập tức.
Giáo sư người Mỹ Gordon Chang, chuyên gia về châu Á, tác giả của cuốn “Losing South Korea” (Để mất Hàn Quốc), cho biết trong một cuộc phỏng vấn với chương trình Trung Quốc không kiểm duyệt:
“Trong một nỗ lực tái hồi sinh sự cai trị độc đoán ở Hàn Quốc, họ đã thâu tóm các đài truyền hình lớn, áp đặt kiểm duyệt, đặc biệt là các phương tiện truyền thông xã hội. Họ bỏ tủ các đối thủ, quấy rối các đối thủ bằng các vụ kiện phỉ báng, Moon Jae-in cho phép côn đồ thân Triều Tiên hoạt động tự do ở Hàn Quốc, muốn gì làm nấy. Có thể nói nền dân chủ Hàn Quốc đang gặp nguy hiểm.