- Xuân Lan
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã cắt ngắn chuyến công du châu Á của mình sau khi Tổng thống Donald Trump và các quan chức cấp cao khác có kết quả dương tính với COVID-19.
Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận ông Pompeo đã lên đường thăm Tokyo vào ngày 4/9 giờ địa phương và sẽ đến Nhật vào ngày 5/9. Tại đây, Ngoại trưởng Mỹ sẽ thảo luận với 3 nước khác trong “Quad” (Bộ Tứ Kim Cương) gồm Nhật Bản, Úc và Ấn Độ nhằm đối phó với mối đe doạ ngày càng tăng từ Trung Quốc.
Tuy vậy, ông đã hủy kế hoạch thăm Hàn Quốc và Mông Cổ và dự kiến sẽ tới thăm hai nước này sau.
Ông Shi Yinhong, một chuyên gia về quan hệ quốc tế từ Đại học Renmin ở Bắc Kinh, cho biết chuyến đi rút ngắn của Pompeo tới châu Á sẽ không làm thay đổi chính sách chống Trung Quốc mà chính quyền Tổng thống Trump đang triển khai toàn diện.
Ông Shi nói: “Bức tranh lớn vẫn không thay đổi: Mỹ đang thúc đẩy Quad như một chiến tuyến mới để chống lại Trung Quốc.”
Ông cho hay Mỹ sẽ tiếp tục tăng cường việc hình thành các liên minh chống Trung Quốc với các nước khác trong khu vực. Trong đó, Mông Cổ là nước có thể xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với Nhật Bản và Mỹ trong tương lai.
Quan hệ giữa Mông Cổ và Trung Quốc đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi các chính sách ngôn ngữ của Bắc Kinh ở Nội Mông. Quyết định thay thế các lớp học tiếng Mông Cổ trong các môn học chính bằng tiếng Quan Thoại đã gây ra làn sóng phản đối ở Nội Mông cũng như những chỉ trích mạnh mẽ ở cả Mông Cổ.
Cựu Tổng thống Tsakhiagiin Elbegdorj của Mông Cổ đã viết thư cho Chủ tịch Tập Cận Bình để phản đối động thái này, nói rằng đó là một “hành động tàn bạo ngày càng tăng nhằm tìm cách giải tán và loại bỏ người Mông Cổ như một dân tộc độc lập thông qua ngôn ngữ của họ”.
Pang Zhongying, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học Hàng Hải Trung Quốc, cho biết: “Có những lý do để ông Pompeo đến thăm Nhật Bản kể cả khi ông Trump bị nhiễm bệnh, chẳng hạn như Nhật Bản có Thủ tướng mới và cuộc họp với nhóm Bộ Tứ. Bất kể hành trình của ông ấy thay đổi như thế nào, các chính sách đối ngoại chính của ông Trump sẽ tiếp tục. Điều này bao gồm việc hợp tác với nhiều quốc gia trong khu vực hơn để chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc”.
Bắc Kinh đã đặc biệt chỉ trích ông Pompeo vì đã đưa ra lý thuyết về “mối đe dọa Trung Quốc” trên toàn thế giới, đặc biệt về các vấn đề như tính bền vững của các khoản đầu tư Trung Quốc và nguy cơ gián điệp của công nghệ Trung Quốc.
Khi ở châu Âu vào tuần trước, ông Pompeo đã bị từ chối tiếp kiến Giáo hoàng sau khi đưa ra bình luận cảnh báo Vatican bất chấp “thẩm quyền đạo đức” gia hạn thỏa thuận với Trung Quốc.
Tại Nam Mỹ vào giữa tháng 9, ông Pompeo đã nói về việc giữ an toàn cho hệ thống mạng của Brazil trước Bắc Kinh. Và tại Jerusalem vào cuối tháng 8, ông đã nói chuyện với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu về “thách thức mà Đảng Cộng sản Trung Quốc gây ra cho toàn thế giới”.
Tại Nhật Bản, ông Pompeo sẽ gặp những người đồng cấp trong Bộ Tứ lần đầu tiên kể từ khi đại dịch bùng phát. Trong đó, chủ đề nhằm chống lại Bắc Kinh và các tuyên bố chủ quyền của nước này đối với hầu hết Biển Đông có khả năng sẽ là chủ đề bàn thảo chính giữa bốn quốc gia.
Điều này đã được phản ánh qua việc Ấn Độ triển khai tàu chiến vào Biển Đông vào tháng 8 trong bối cảnh cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại biên giới tranh chấp Trung Quốc – Ấn Độ kể từ tháng 6.
Việc Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga dự định thực hiện chuyến công du nước ngoài đầu tiên trong vai trò mới tới Việt Nam và Indonesia vào tháng 10 cũng cho thấy sự tập trung của Nhật Bản vào vấn đề Đông Nam Á và Biển Đông.
Các nhà phân tích nhận định thế giới hậu COVID-19 sẽ ngày càng chứng kiến thêm nhiều quốc gia “đánh giá lại” Trung Quốc trước những nguy cơ an ninh mở rộng hơn.
Xuân Lan