Thế giới “hợp tung”: người Việt có cần cám ơn Tập Cận Bình?

Phạm Đức Đồng Hùng

Xem ra người Việt Nam ai cũng căm thù Tập Cận Bình thế nhưng khi thế giới tự do đang tiến đối mối quan hệ “hợp tung” để đối phó với Trung Cộng, có lẽ chúng ta nên cảm ơn hắn.

Tưởng tượng Trung Cộng với một lãnh tụ cáo già như Đặng Tiểu Bình mà nước Mỹ lại được lãnh đạo bởi một ông tổng thống bốc đồng và tùy tiện như Donald Trump! Có lẽ cả thể giới sẽ hồ hởi bắt tay với Bắc Kinh để mưu lợi và lúc đó rất có thể Việt Nam sẽ trở thành vật tế thần, theo như suy nghĩ mà cựu Thủ tướng Úc Paul Keating hay “chiến lược gia” Hughe White từng bày tỏ.

Tuy nhiên Tập khác hẳn Đặng. Kể từ khi “lên ngôi” vào năm 2012 hắn ta đã làm phá sản chiếc lược “liên hoành” mà Trung Cộng hằng theo đuổi. Tập bất chấp mọi lề luật quốc tế để đẩy mạnh tham vọng thống trị toàn cầu để rồi càng khiến thế giới còn lại phản ứng mạnh mẽ hơn.

Lợi dụng lúc cả thế giới đang bị phân tâm bởi đại dịch Covid-19, Tập mở nhiều mặt trận để chứng tỏ “uy quyền”, từ Hồng Kông đến Đài Loan rồi Biển Đông, biển Nhật Bản và biên giới với Ấn Độ. Hắn phá vỡ cam kết ràng buộc của Bắc Kinh đối với quyền tự trị của Hồng Kông. Hắn quấy nhiễu vùng biển ngoài khơi quần đảo Senkaku do Nhật kiểm soát. Hắn gây chiến với Ấn Độ và cho quân xâm phạm lãnh thổ của nước này theo cung cách man rợ của thời Trung cổ.

Từ lâu Trung Cộng đã thể hiện ý đồ thao túng khu vực Á châu hay cả thế giới bằng các mối liên kết ngang, thông qua các cuộc đàm phám song phương, đúng chiến lược “liên hoành” của Tô Tần trong thời Chiến Quốc. Tuy nhiên kế “liên hoành” này đang bị phá vỡ bởi chính Tập đã đẩy thế giới vào thế “hợp tung”. Để hiểu chuyện này, chúng ta thử ôn lại thời “Chiến quốc” của Tàu!

Hợp tung và liên hoành

Đó là cuộc phân tranh kéo dài từ khoảng thế kỷ 5 BC cho tới khi Tần Thủy Hoàng tóm thu về một mối vào năm 221 BC. Đó là sự xung đột giữa “Chiến Quốc thất hùng” gồm các nước Hàn, Ngụy, Sở, Tần, Tề, Triệu và Yên; bảy nước này hình thành từ sự suy yếu của nhà Chu. Cuối cùng chiến thắng đã thuộc về nước Tần và đâu là cách mà Tần chiến thắng?

Vào cuối thời Chiến Quốc nước Tần vụt mạnh lên trở thành “siêu cường”, đặt sáu nước còn lại trước một trong hai chọn lựa.

Thứ nhất là “hợp tung”, ngụ ý “hợp chúng nhược dĩ công nhất cường”, nghĩa là hợp nhiều nước nhỏ đánh một nước lớn, nhằm chống bị nước lớn thôn tính. Tô Tần đề ra thuyết này để hợp sáu nước thành một liên minh để chống lại mộng bá chủ của Tần.

Theo chiến lược này thì sáu nước liên kết lại để chống Tần. Tần muốn “xử” với một trong 6 nước cũng có nghĩa là phải “xử” với cả 6 nước. Nghĩa là nếu Tần muốn thương thảo các vấn đề tranh chấp nào với một nước thì nói chuyện với nguyên khối gồm sáu nước.

Tô Tần thành công, trở thành tể tướng của sáu nước Tề, Sở, Triệu, Ngụy, Hàn và Yên.

Nhưng bạn học cũ của Tô Tần là Trương Nghi sang Tần lập kế “liên hoành” để phá. Theo chiến lược này thì Tần “đi đêm” với từng nước hứa hẹn lợi lộc, từ đó bước từng bước phá tan liên minh “hợp tung”.

Chiến lược này gọi là “liên hoành”, tức tạo mối liên kết dọc, trong đó Tần “đối thoại song phương” với từng nước, kết thành 6 mối quan hệ liên minh. Theo sự hứa hẹn của Tần, các nước nhỏ yên tâm trong quan hệ liên minh với nước lớn là Tần để chống lại sự cạnh tranh của 5 nước nhỏ láng giềng. Họ chỉ biết có mình và Tần, mặc kệ năm nước còn lại, Tần muốn làm gì thì làm.

Thực chất thì đây là kế sách bẻ đũa từng chiếc, giống như chiến lược mà Trung Cộng theo đuổi là chỉ “đối thoại song phương” và “không can thiệp công việc nội bộ” của nước khác.

Vì tham cái lợi trước mắt do Tần hứa hẹn nên các nước nhỏ đã không tính đến hậu quả lâu dài và bội ước với nhau, dẫn đến liên minh hợp tung bị phá vỡ.

Thí dụ việc Tần lừa nước Sở.

Thay mặt Tần Huệ Văn vương, Trương Nghi mật ước với Sở là nếu bỏ liên minh với Tề, Tần sẽ cắt đất 600 dặm đất Thượng Ư trước đây đã chiếm của Sở. Hám lợi, Sở tuyệt giao với Tề và ngay lúc đó Tần bí mật giao ước quan hệ liên minh với Tề. Khi Sở đòi đất thì Tần trở mặt và Sở tức giận mang quân đánh Tần. Tuy nhiên Tần và Tề cùng liên minh để đánh Sở và Sở thua to.

Bằng thủ đoạn này, Tần đã lần lượt nuốt chửng từng nước.

Trẻ con hơn nước Tần?

So ra thì giới lãnh đạo nước Tần già dặn về chính trị hơn giới lãnh đạo Trung Cộng hiện tại rất nhiều.

Tần muốn tóm thu thiên hạ và hiện Trung Cộng cũng muốn tóm thu thiên hạ. Tần muốn “liên hoành” với từng nước, xây dựng nên 6 mối quan hệ liên minh với 6 nước. Trung Cộng luôn nhấn mạnh đến chính sách “đàm phán song phương”, khăng khăng bài bác “đàm phán đa phương” hay “quốc tế hoá vấn đề”. Nhưng có sự khác biệt trong cách hành xử.

Để xây dựng quan hệ liên minh “liên hoành”, ngày xưa vua Tần cử nhà ngoại giao Trương Nghi đi làm thuyết khách, mang những mối lợi trước mắt để chiêu dụ láng giềng. Bây giờ Trung Cộng vừa làm như thế nhưng lại vừa lớn giọng đòi hỏi, thậm chí sử dụng cả tàu chiến để răn đe nhằm đòi hỏi quyền “tóm thâu thiên hạ” trên Biển Đông thông qua “chủ quyền đường lưỡi bò”.

Trong Diễn đàn khu vực ASEAN năm 2010 ở Hà Nội, Dương Khiết Trì, nguyên ngoại trưởng Trung Cộng, đã tỏ vẻ giận dữ cáu kỉnh khi các giới chức ASEAN đề cập việc Trung Cộng gây hấn trên biển Đông. Thậm chí ông Dương còn hách dịch: “Trung Quốc là một nước lớn và các nước khác là các nước nhỏ, đó là một thực tế”.

Tại Diễn đàn an ninh Shangri-La ở Singapore vào năm 2014, cả thế giới đã chứng kiến phản ứng lố bịch của tướng Vương Quán Trung, phó tổng tham mưu trưởng Trung Quốc.

Họ Vương dùng những từ ngữ nặng nề như “khiêu khích, thách thức, bá quyền” để chỉ trích bài phát biểu trước đó của nguyên Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel. Tuy nhiên, khi bị các học giả chất vấn về những hành động gây lo ngại trên biển cũng như về sự mơ hồ của yêu sách đường 9 đoạn, ông tướng này lại lẩn tránh, trả lời lòng vòng.

Tháng Tư năm 2014 tạp chí Asia Sentinel có trụ sở ở Hồng Kông đã tổng kết về những hành vi thô lỗ và ngôn ngữ kém văn minh của các quan chức ngoại giao Trung Quốc tại các hội nghị quốc tế.

Đòi hỏi tối thiểu đối với các nhà ngoại giao quốc tế là sự lịch sự, tôn trọng người khác. Tuy nhiên theo Asia Sentinel thì đây dường như là điều không thể đối với các quan chức Trung Quốc. Tháng 7 năm 2011, Philippines quyết định cấm một quan chức Trung Quốc dự họp tại nước này vì các hành vi thô lỗ “không xứng đáng với một nhà ngoại giao”.

Ngoài ra Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn liên tục “ăn vạ” với tuyên bố “người Trung Quốc đã bị tổn thương”. Theo thống kê thì người Trung Quốc đã bị ít nhất 42 quốc gia và tổ chức, cá nhân làm “tổn thương” vì những chính sách hay tuyên bố nói lên sự thật.

Hễ có điều gì bất ý thì phát ngôn viên ngoại giao Trung Quốc lại lên tiếng khẳng định “vụ việc này làm tổn thương nghiêm trọng người dân Trung Quốc” rồi dọa nạt rằng nó sẽ “gây ảnh hưởng nặng nề đến quan hệ ngoại giao giữa hai nước”. Nhà nghiên cứu Mair thuộc Đại học Pennsylvania (Mỹ) đã thử thống kê và ghi nhận cụm từ “tổn thương người dân Trung Quốc” xuất hiện 17,000 lần trên Google vào năm 2011, trong khi đó cụm từ này chỉ xuất hiện ở Nhật 178 lần và ở Mỹ năm lần. Nhưng nếu quốc gia nào phản ứng theo kiểu “bị tổn thương” như mình, Trung Quốc sẽ còn phản ứng dữ dội hơn.

Tuy nhiên sự thô lỗ và hung hăng này càng bị đẩy đi xa với đường lối ngoại giao chiến lang trong thời gian gần đây, khi Trung Quốc bị xem là thủ phạm gây ra đại dịch Covid-19.

Thí dụ chuyện tại Úc. Ngày 23.4.2020 Thủ Tướng Scott Morrison tuyên bố Úc sẽ thúc đẩy một cuộc điều tra quốc tế để làm rõ nguồn gốc đại dịch Covid-19 và cách đối phó của WHO Ngay lập tức, Bộ Ngoại giao Trung Cộng dữ dội phản ứng bằng cuộc họp báo ngay sau đó, chỉ trích Úc là “cái loa phát thanh” của Mỹ và dọa rằng việc này sẽ “gây ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao giữa hai nước”. Sau đó, trong cuộc phỏng vấn đăng tải trên tờ The Australian Financial Review ngày 27.4.2020, Đại sứ Thành Cạnh Nghiệp chỉ trích TT Morrison “có động cơ chính trị” và “vâng lời Mỹ”m sau đó rồi đe dọa tẩy chay các trường đại học, ngành du lịch và các sản phẩm như rượu và thịt bò của Úc.

Trong khi đó thì danh sách các hành động gây hấn của Trung Cộng trên Biển Đông ngày càng dài ra. Việc Trung Cộng điều tàu ngư chính xuống tuần tra tại vùng Hoàng Sa, trực tiếp đe dọa các tàu đánh cá Việt Nam. Việc Trung Cộng hung hăng đe doạ tàu thăm dò dầu lửa của Việt Nam và Philippines sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của mình, viện cớ “chủ quyền lịch sử” của Trung Quốc. Không chỉ là tranh giành Biển Đông, Trung Cộng còn biểu lộ tham vọng kiểm soát Ấn Độ Dương, tranh giành chủ quyền với Nhật tại biển Hoa Đông, gây sự với Nam Hàn v.v…

Thái độ này chỉ có thể làm các láng giềng thêm lo lắng và không chỉ là ASEAN mà cả Mỹ, Nhật, Ấn Độ, Úc mà cả Âu châu cũng lo ngại. Tất cả đều tham gia cuộc chiến công hàm, phản bác chủ quyền của Trung Cộng theo bản đồ hình chữ U.

Gần đây nhất, sau khi cúc cung đi theo quỹ đạo Trung Cộng suốt bốn năm qua mà chẳng được lợi lộc gì ngoài nguy cơ bị gặm nhấm lãnh thổ mỗi ngày một ít, tuần qua Phillipines đã quay ngoắt 180 độ để “vỗ mặt” Trung Cộng ngay tại phiên họp Đại hội đồng Liên Hiệp quốc thứ 75 vào ngày 22.9.2020. Đó là việc Tổng thống Rodrigo Duterte minh định phán quyết của Tòa Trọng Tài quốc tế tại Hà Lan 2016, theo đó Phillipines đã thắng Trung Cộng trong vụ kiện Biển Đông.

Có thể nói, chính Trung Cộng và đặt biệt là cá nhân Tập Cận Bình đã góp phần đẩy đến là sự hình thành của “liên minh chống bành trướng” theo thế hợp tung.

Khi những cường quốc “hợp tung”

Từ Úc, chúng ta cũng có thể nhìn thấy rõ mối quan hệ này theo sự nồng ấm trong quan hệ Úc-Ấn.

Trong thời Chiến Tranh Lạnh Ấn Độ quan hệ mật thiết với Liên Xô nên gây cảm giác nghi kỵ tại Úc. Tàn chiến tranh lạnh thì Ấn “thù” Úc vì quyết định cấm vận Uranium, bởi lẽ Ấn không chịu ký vào Hiệp ước không phát triển vũ khí hạt nhân. Đến năm 2009, khi hai nước ký hiệp ước xem nhau là “đối tác chiến lược” thì tinh thần bài Úc lại nổi lên tại Ấn sau một loạt các vụ hành hung sinh viên Ấn tại Melbourne. Tháng Bảy năm 2009 những thành phần cực đoan của Bà La Môn giáo đã tổ chức phản đối bên ngoài trụ sở Cao uỷ Úc tại New Delhi, dựng hình nộm của nguyên Thủ tướng Kevin Rudd rồi đốt cháy, hô vang các khẩu hiệu chỉ trích Úc như là một quốc gia kỳ thị. Sự thể khiến chính phủ Úc phải bổ nhiệm ông Peter Verghese – người có bố mẹ là người Ấn – đảm nhiệm vài trò Cao ủy Úc (Đại sứ) tại Ấn để chữa lành quan hệ.

Năm 2011 nguyên Thủ tướng Julia Gillard xóa bỏ lệnh cấm vận Uranium nhưng quan hệ giữa hai bên vẫn chưa tiến xa hơn. Phải chờ đến khi Tập Cận Bình đẩy mạnh chính sách “chiến lang”, mối quan hệ Ấn-Úc trở nên thắm thiết bao giờ hết bởi cả hai nước đều cần tới mối quan hệ này. Úc đang đối mặt với sự trả đũa thương mại và mối đe dọa an ninh ngày càng tăng từ Trung Quốc. Ấn thì vừa đối phó với tình trạng căng thẳng ở biên giới phía Bắc, vừa dè chừng vùng biển phía Nam khi Trung Cộng thò vòi bạch tuộc ra Ấn Độ Dương, thao túng cả chính quyền đảo quốc Maldives lẫn Srilanka.

Kể từng ngày 4/6/2020 thì Úc và Ấn đã có quan hệ “đối tác chiến lược toàn diện” và hai bên đã ký hiệp ước hỗ trợ tiếp liệu quốc phòng. Cho đến lúc đó, chỉ trong vòng 18 tháng, Thủ tướng Ấn Narendra Modi và Thủ tướng Scott Morrison đã gặp nhau 4 lần trước khi tiến hành hội nghị thượng đỉnh bất thành vì dịch bệnh Covid-19, phải chuyển sang hình thức “online”.

Từ đây, các tàu chiến và phi cơ hai bên nước có thể tiếp nhiên liệu và sử dụng các cơ sở bảo trì tại căn cứ quân sự của nhau. Bên cạnh đó là một khuôn khổ rộng lớn của mối quan hệ song phương với các đường hướng mở rộng hợp tác thương mại và quốc phòng

 Chính những hành động ngày càng hung hăng của Trung Cộng dưới bàn tay của Tập Cận Bình đã khiến cả hai nước lo ngại và do đó tìm đến nhau.

Nhưng bên cạnh Ấn và Úc còn có Mỹ và Nhật, mà báo chí gọi là “bộ tứ” (Quad) như là nền tảng của “NATO Á châu”.

Các nước Mỹ, Nhật, Ấn Độ và Úc xích lại gần nhau hơn với các cuộc tập trận chung thường xuyên hơn và càng ngày sẽ càng có quy mô lớn hơn. Theo một số nhận định thì sự thể này cho thấy bốn nước có thể hình thành nên khối “NATO Á Châu” và rất có thể sẽ thu hút các quốc gia khác như Nam Hàn và New Zealand.

NATO: từ Âu đến Á

NATO là tên tắt của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, hình thành để ngăn chặn sự bành trướng của Khối cộng sản Đông Âu do Liên Xô lãnh đạo sau Đệ nhị thế chiến, gồm Mỹ và một số nước Âu châu; theo đó khi một quốc gia hội viên bị tấn công, khối sẽ cùng chống trả. Liên Xô tan rã thì NATO hướng đến việc ngăn chặn ảnh hưởng của Nga nhưng bây giờ khối này còn xem Trung Cộng như là mối đe dọa.

Ngày 8.6.2020, trong bài diễn văn kêu gọi cùng cố sức mạnh của khối, Tổng thư ký NATO là ông Jens Stoltenberg đã nêu đích danh Trung Cộng là một “mối đe dọa”. Theo đó thì “mối đe dọa” Trung Cộng quá lớn khiến Mỹ không thể tự mình đối phó, và vì Trung Cộng gây phương hại đến những giá trị dân chủ ở mọi nơi trên thế giới, do đó phải xem xét đến một liên minh quân sự toàn cầu.

Theo ông Stolenbert hì Trung Cộng vẫn chưa phải là “kẻ thù” của NATO nhưng nước này đã là hiện thân của một mối nguy rõ ràng và có thực: “Họ [Trung Quốc] là nước có ngân sách quốc phòng lớn thứ 2 thế giới. Họ đang đầu tư rất nhiều vào việc phát triển các loại vũ khí tà, trong đó bao gồm các loại hỏa tiễn có khả năng tấn công tất cả các thành viên NATO. … Chúng ta thấy quân đội Trung Cộng hiện diện ở Bắc Cực, ở châu Phi. Chúng ta thấy họ đầu tư vào các cơ sở hạ tầng trọng yếu. Và họ đang hợp tác ngày càng chặt chẽ hơn với Nga. Tất cả những điều này đều đe dọa an ninh của NATO”.

Trong tâm thế đó, nếu “NATO Á châu” hình thành, chắc chắn đây sẽ là một “đồng minh” của NATO Âu châu trong nỗ lực xây dựng một “liên minh toàn cầu” để ngăn ngừa tham vọng của Trung Cộng.

Thay lời kết

Là người Việt, chúng ta có thể tức giận và phẫn nộ trước thái độ bá quyền, thái độ hung hăng của Trung Cộng, nhưng dẫu sao chúng ta cũng nên biết ơn thái độ diều hâu đó vì có vậy thế giới mới nhận ra bộ mặt thật của họ. Nếu Tập Cận Bình hành động thâm hiểm như nhà Tần Hệ Văn Vương, nếu Vương Nghị mà khôn khéo như Trương Nghị trong thời Chiến Quốc, nước Việt của chúng ta sẽ bị đẩy vào một tình thế còn nguy ngập hơn. Với giới lãnh đạo ngu xuẩn và mê muội hiện tại, nước Việt chúng ra rất có nguy cơ bị lừa và bị nuốt chửng như là nước Sở của thời Chiến quốc ở bên Tàu!

Related posts