Quán nhậu!

Đoàn Xuân Thu

Chuyện rằng: Một thằng Úc mới cưới được hai tuần. Dù rất yêu vợ nhưng trong tâm khảm vẫn nhớ những ngày độc thân! Cứ mỗi chiều trời sập tối là đóng bộ, đầu chải bảy ba xức ‘bi-ăng-tin’ ruồi đậu phải chống gậy, rồi bò ra quán nhậu để bù khú say sưa với bạn bè.

“Em yêu, anh sẽ quay về ngay!”

“Anh đi đâu vậy, anh yêu?”

“Anh đi nhậu đây, người đẹp của anh. Anh đi uống bia.”

“Anh muốn uống bia phải không, cục cưng của em?”

Con vợ mở cửa tủ lạnh ra và cho thằng chồng thấy. Có tới 25 loại bia khác nhau của 12 quốc gia khác nhau: Schöfferhofer của Đức, Asahi của Nhật, Hollandia của Hòa Lan. Dĩ nhiên là không thể nào thiếu của Úc như Victoria Bitter (VB) (Mít mình gọi thân mật là beer Vợ Bỏ).

Cái tủ lạnh đồ sộ của em không chứa gì khác ngoài beer và beer. Nó giống như một cửa hàng chuyên bán rượu Dan Murphy’s thu nhỏ vậy!

Nghe con vợ chào hàng như thế; thằng chồng không biết phải làm gì, và điều duy nhất nó có thể nghĩ ra là: “Nhưng ở Pub… em biết đấy… họ có những chiếc ly đông lạnh…”

Chưa nói hết câu thì bị con vợ ngắt lời: “Anh muốn một ly đông lạnh hả Chó con?”

Con vợ lấy một ly bia khổng lồ có thể đựng tới nửa lít beer lận, ra khỏi tủ đông, đông cứng đến mức chỉ cần cầm nó lên là cảm thấy lạnh quéo cả hai tay.

“Đúng! Nhưng ở Pub họ có những đồ nhắm rất ngon… Anh hứa sẽ đi không lâu đâu. OK Salem?”

“Anh muốn đồ nhắm hả?” Con vợ bèn mở cái lò nướng và lấy ra nào là cánh gà chiên bơ, bò xào nấm, thịt heo xông khói…

“Nhưng em yêu… Em biết không… Ở Pub… có những lời chửi thề, nói năng bậy bạ…”

“Anh muốn những lời lời chửi thề, nói năng bậy bạ hay sao, anh yêu?”

Thì có ngay đây: “Mẹ họ! Câm mõm lại! Hãy ở nhà uống những ly beer chết tiệt nầy trong cái ly đông lạnh và mồi nhậu là những món ăn chỉ mấy thằng ngu mới cầm đủa gắp! Bởi vì anh đã kết hôn, anh đã cưới vợ nên anh không được phép đi đâu cả! Hiểu chưa, đồ ngốc? “

***

Bên Tàu gọi quán nhậu là tửu quán. Quán có lầu vừa nhậu vừa ngắm ông đi qua bà đi lại pjhía dưới đường rồi tán dóc thì gọi là tửu lầu.

Hồi chiến tranh Việt Nam, ở bến xe mới Cần Thơ có chỗ đèn xanh đèn đỏ chớp nháy đề là ‘Snack Bar’. Đọc là ‘sờ nách ba’ nên tui cứ tưởng thiên hạ vô đó để sờ nách nhau chớ? Sau nầy mới biết ‘Snack bar’ không có ‘sờ nách’ gì nhau hết ráo mà là nơi bán những thức ăn dặm thêm bữa chánh như: bánh mì kẹp xúc xích, khoai tây chiên và nước ngọt như Coca Cola hay Pepsi Cola.

Còn những chàng lính Mỹ (G.I) xa nhà, nhớ em yêu bên Cali (hổng biết đang đi nhảy đầm với thằng khốn trốn lính nào) đến để giải sầu trong giây lát thì phải đến ‘night club’ tức hộp đêm.

Còn quán nhậu bên Úc đây gọi là ‘Pub’ viết tắt chữ ‘Public House’, nơi công cộng cho bà con mình đến nhậu.

Ngoài city, bên bờ Nam sông Yarra của thủ phủ Melbourne, tiểu bang Victoria, Úc Châu, có cái quán tên là P. J. O’Brien’s của mấy thằng Irish làm chủ. Chiều thứ Sáu, bắt đầu cuối tuần, Úc sắp hàng dài thườn thượt để chờ tới phiên mình vô nhậu. Đi nhậu mà cũng phải xếp hàng làm tui lại nhớ những ngày ở quê nhà sau 75 xếp hàng cả ngày để mua được 100 ‘cà ram’ thịt lợn vậy!

Những quán nhậu kiểu nầy thực ra là nó có truyền thống khá lâu đời, từ hồi dân Irish, dân Anh nhậu quỵt, bị mẫu quốc đày qua đây hồi thế kỷ thứ 19 lận.

Rồi cơn sốt đào vàng ập tới vào những năm 1850 tại tiểu bang Victoria làm anh nhậu, tui nhậu, chúng ta cùng nhậu. Nhậu tràn lan như con COVID-19 hiện nay vậy.

Cách đây khá là lâu, quán nhậu ở Úc chỉ được phép mở từ 10 giờ sáng đến 6 giờ chiều, từ Thứ Hai đến Thứ Bảy. Công nhân Úc thường đến quán rượu gần nhất ngay lúc 5 giờ chiều lúc vừa tan sở. Nhứt là ‘long weekend’ ngày lễ rơi vào cuối tuần, được nghỉ bù thêm một ngày, những Lưu Linh Úc chạy việt dã (marathon) từ quán nhậu này sang quán nhậu khác uống cho đã điếu trước giờ quán đóng cửa.

Nhậu xong, thách nhau ra ngoài đánh lộn. Vì đánh lộn trong quán nhân viên bảo vệ quán rượu (gọi là bouncer), đứa nào đứa nấy to như con bò mộng, vai u thịt bắp, mồ hôi dầu, nó nắm đầu ném ra khỏi quán té u đầu đau lắm đó!

Nhậu xỉn thì bắt taxi về nhà để bị vợ đánh hoặc đánh vợ. Con vợ la làng chói lói, kêu phú lít thì lôi thôi cò bót về cái nạn vợ chồng đánh nhau mà Úc gọi là ‘bạo hành gia đình’ cho nó có vẻ văn chương.

Chính vì lu bu và ruồi bu như vậy nên Úc làm luật: “Quán nhậu nào vẫn tiếp tục rót, phục vụ mấy chàng đã say xịn rồi, sẽ bị phạt rất nặng.

***

Hồi đầu những năm 1970, chỉ có đàn ông Úc mới được phép đi nhậu. Còn đàn bà Úc phải ở nhà, vò võ trông chồng say xỉn, lè nhè bò về. Thằng chả, đàn ông đi nhậu được mấy chị em mình là phụ nữ tại sao không? Cứ nói nam nữ bình quyền hoài hè!

Vậy là mấy chị em phụ nữ Úc vùng lên, không phải ‘đòi quyền sướng’ như bà Ngô Bá Thành, VC nằm vùng, hồi chiến tranh Việt Nam đâu! Mà vùng lên ‘đòi quyền nhậu’.

Tháng Giêng, năm 1973, quán nhậu Manly ở Sydney từ chối phục vụ mấy em; với lý do là quán chỉ có phòng vệ sinh nam cho mấy anh đứng tè không hè. Hổng lẽ để mấy em phải ra ngoài hè hầu giải tỏa bầu tâm sự đầy ứ nước beer hay sao?

Lời từ chối ‘cà chớn, cà cháo, cà pháo’ nầy mấy em nghe không lọt lỗ tai; nên mấy em nổi quạu biểu tình rầm rộ. Mấy em tự xích tay chưn mình quanh quán nhậu để phán kháng. Truyền thông, báo chí, truyền hình nhào vô đưa tin ào ào.

Chánh phủ phải đầu hàng trước áp lực dữ dội ‘đòi quyền nhậu’ của chị em ta. Mà không phải riêng chị em không đâu, Chánh phủ Úc còn lo lắng cho việc ăn nhậu cho những người dân Úc không phải là anh, mà cũng không phải là em, tức những người đồng tính! Rồi còn đi xa thêm một bước là cấm những người không thuộc thành phần thứ ba léo hánh đến quán nhậu nầy. Nhờ vậy giới đồng tính rất thoải mái với người cùng một giuộc. Mà không bị thằng cha nào trông thấy hai ông hun nhau, hai bà hun nhau rồi le lưỡi lắc đầu.

Cái quán nhậu ‘Blue Train’ ở ngoài city Melbourne, dành riêng cho người đồng tính. Ôi nó đắt hết biết! Ì xèo ngày lẫn đêm, lúc nào cũng vui như Tết tới.

***

Nói nào ngay, quán nhậu Úc là nơi tụ tập dân chơi trên chốn giang hồ, là siêu thị bán cần sa, thuốc lắc, heroin và cocain. Vậy là mấy ‘cớm chìm’ được cấp cho cái thẻ ngân hàng do chánh phủ trả tiền để thi hành công vụ. Miệng uống, tai nghe lóm tin tức để truy bắt các băng nhóm bán buôn xì ke, ma tuý.

Mặt khác quán nhậu của Úc, từ thế kỷ 19, cũng là cần câu cơm cho mấy chị em mình kiếm sống nuôi con khi chồng chết hay bị chồng bỏ hoặc ở tù mới được thả ra. Lúc đó, Úc đâu có chế độ an sinh xã hội trợ cấp nuôi con như bây giờ đâu.

Vậy mà mấy nhà đạo đức (họng) lại vu oan giá họa cho mấy em mình phục vụ trong quán nhậu là mấy đứa hư thân mất nết, sống buông thả, chuyện dụ khị đàn ông đến nhậu rồi moi tiền của họ.

(Tui e cái phong trào nầy do mấy bà Cố Nội, Cố Ngoại của Úc cầm đầu vì không muốn thằng chồng mình đi nhậu đó thôi!).

***

Đời mà! Dẫu mồ côi cha lẫn mẹ, ta vẫn sống. Bị vợ bỏ ta vẫn sống. Nhưng sống không thể nào thiếu bạn nhậu cho được. Xưa giờ từ bên Tàu tới bên Tây rồi tới bên Ta đều là như vậy cả.

Làm đàn ông, dù ghiền rượu hay chỉ uống để xã giao, chúng ta đều có một kỷ niệm, không dễ gì quên, về quán nhậu đã đi qua đời ta.

Nên có chuyện rằng: “Một ông Mít và một ông Úc tình cờ gặp nhau ở Little Saigon, Hoa Kỳ cùng ngồi nhậu và tán phét về những quán rượu phục vụ hết sẩy, được tụi nó rất là ưa thích.

 “Quán rượu này phục vụ tốt như vậy; nhưng tao vẫn thích quán rượu ở quê nhà tao hơn. Ở Cần Thơ, quê em yêu của tao, có một quán rất nhỏ. Chủ quán chịu chơi hết mình! Khi chú mầy uống bốn ly, thằng cha chủ quán sẽ không tính tiền ly thứ năm.”

 “Phục vụ như vậy thì nhằm nhè gì?” ông Úc nói:

 “Ở quê tao, Melbourne nè, có một quán rượu rất đã! Ngay khi mới đặt chân đến, họ sẽ mua rượu cho uống, rồi đồ nhắm nữa. Hoàn toàn miễn phí, không tốn một cắc nào hết! Uống đã điếu, ngà ngà say, họ sẽ đưa lên một căn phòng ở trên lầu để nằm phè cánh nhạn!

Ông Mít lè nhè nhướng mắt nhìn ông Úc,vẻ nghi ngờ: “Xạo vừa vừa thôi cha Nội! Làm gì có quán rượu nào phục vụ nào tốt như thế trên thế giới nầy chớ?”

Ông Úc thề bán mạng rằng rằng mọi lời nó nói đều là sự thật.

“Điều này có thực sự xảy ra với chú mầy không?”

“Cá nhân tao thì không!” Ông Úc thừa nhận “Nhưng nó đã xảy ra với con vợ tao khá nhiều lần. Nó đi nhậu một mình về rồi nó kể cho chính tai tao nghe mà!”

Đoàn Xuân Thu.

Melbourne.

Related posts