- Dương Uy
Ngày 9/10, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã triển khai 60.000 binh sĩ dọc theo biên giới Trung – Ấn. Thông tin như vậy không có gì đáng ngạc nhiên. Khả năng xảy ra xung đột biên giới Trung – Ấn vẫn còn, vấn đề chỉ là trong lúc tràn ngập nguy cơ cả trong và ngoài nước này giới chóp bu ĐCSTQ đang muốn hạ nhiệt nhanh tình hình, giới truyền thông của ĐCSTQ cũng kín tiếng để tạo cảm giác xung đột biên giới Trung – Ấn đã lắng xuống.
Bài toán của ĐCSTQ ở biên giới Trung – Ấn
Từ vài tháng trước, ĐCSTQ đã bị cộng đồng quốc tế kịch liệt lên án vì che giấu đại dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19), lúc đó các quan chức cấp cao của ĐCSTQ đã áp dụng chiến lược tấn công toàn diện. Ngày 10/5, bất ngờ xảy ra xung đột biên giới Trung – Ấn. Có lý do để tin rằng giới chóp bu ĐCSTQ đã cố gắng mô phỏng cuộc chiến với Ấn Độ năm 1962 do Mao Trạch Đông phát động để chuyển hướng sự chú ý, nhằm bảo vệ uy quyền. Nhưng tình hình diễn biến đối với ĐCSTQ theo chiều hướng xấu khi Ấn Độ đầy khí thế đẩy mạnh quân đến biên giới, trong khi tình hình quốc tế cũng trở nên bất lợi cho ĐCSTQ khi ngay cả “đối tác chiến lược” Nga mà ĐCSTQ tự nhận cũng ngả về Ấn Độ.
Vậy là giới chóp bu ĐCSTQ đã phải tạm thời dừng lại, nhưng điều này không có nghĩa là họ đã hoàn toàn từ bỏ lựa chọn lợi dụng xung đột biên giới Trung – Ấn để chuyển hướng sự chú ý của quốc tế. Nếu sức mạnh quân sự của ông Tập Cận Bình bị thách thức thì hoàn toàn có khả năng ông ta chấp nhận rủi ro lao vào cuộc chiến cục bộ với Ấn Độ, vì xét cho cùng thì mức mạo hiểm thấp hơn nhiều so với cuộc chiến tại eo biển Đài Loan. Ngay cả khi ĐCSTQ thua thì vẫn có thể tuyên truyền rằng đã chiến thắng, ít nhất cho đến nay không ai biết con số thương vong thực sự của quân đội ĐCSTQ. Tương tự, cũng không ai rõ phạm vi ĐCSTQ đã kiểm soát thực sự, đã chiếm thêm bao nhiêu đất hay là đã để mất thêm một số trạm gác trước đây.
Hiện nay Ấn Độ đã bị kích động mạnh, đại khái đã hoàn thành triển khai quân sự đủ khả năng phản kích mạnh mẽ, giới chóp bu ĐCSTQ có thêm lo ngại nên không thể không triển khai quân đến biên giới Trung – Ấn.
Trong tình hình như vậy có lẽ giới chóp bu ĐCSTQ không mong lúc này tiếp tục kích động xung đột Trung-Ấn, nhưng một cuộc chiến tranh Trung-Ấn khác đã và đang diễn ra trong thế lép vế của ĐCSTQ: cuộc chiến chuỗi cung ứng.
Cuộc chiến chuỗi cung ứng do ĐCSTQ gây ra
ĐCSTQ muốn đẩy mạnh tiêu dùng du lịch trong kỳ nghỉ lễ ngày 1/10 nhưng nào ngờ thực tế lại sụt giảm 31% so với cùng kỳ năm ngoái, dấu hiệu cho thấy khả năng phục hồi khó khăn của nền kinh tế Trung Quốc. Ông Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng nhấn mạnh lại thực tế về vấn đề việc làm. Theo đó, 8 tháng đầu năm có 7,81 triệu việc làm mới, nhưng lo ngại vấn đề 8,74 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học đang thất nghiệp, chưa kể những thành phần khác, trong khi có vẻ ông tránh nhắc số liệu thất nghiệp thực tế.
Vì sao có số lượng lớn người thất nghiệp ở Trung Quốc Đại Lục? Một phần là do dịch bệnh, phần nữa là do tình trạng bất ngờ chuyển dịch nhanh chuỗi cung ứng và đây mới là vấn đề nan giải.
Việc chuỗi cung ứng dịch chuyển khỏi Trung Quốc, không chỉ từ Mỹ mà còn từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên minh Châu Âu và Đài Loan. Trong khi bên hưởng lợi nhanh nhất là Việt Nam, còn bên hưởng lợi lâu nhất là Ấn Độ.
Trung Quốc có thể trở thành công xưởng của thế giới, tất nhiên lợi thế lớn nhất là nhờ vào số lượng lớn lao động giá rẻ. ĐCSTQ dùng chính sách đăng ký hộ khẩu nghiêm ngặt để hạn chế dân cư lưu động, đã từng có lúc chia tách hàng trăm triệu lao động nông thôn với các thành phố và thị trấn, đã trở thành hướng cho các công ty đa quốc gia kiếm lợi nhanh chóng. ĐCSTQ cũng đã thực hiện các chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt với sự giúp đỡ của Mỹ giúp Trung Quốc gia nhập WTO để có được tấm vé thâm nhập toàn cầu.
Sau đó, ĐCSTQ thực hiện chính sách trợ cấp xuất khẩu mạnh mẽ, xây dựng các rào cản đối với nhập khẩu, thao túng tỷ giá hối đoái, dẫn đến mất cân bằng thương mại nghiêm trọng; đồng thời, ĐCSTQ điên cuồng đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ khiến quan hệ với phương Tây ngày một căng thẳng hơn. Nguyên nhân quan trọng trong dịch bệnh toàn cầu viêm phổi Vũ Hán hiện nay làm cả thế giới thiệt hại nặng nề vì ĐCSTQ che giấu tình hình dịch bệnh, nhưng lại phủ nhận chống chế, đồng thời duy trì kiểu ngoại giao sói chiến, hệ quả đã làm bùng cơn thịnh nộ của phương Tây vốn đã âm ỉ.
Các nước đã lần lượt rút chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc, và nước có thể cung cấp một lượng lớn lao động trẻ và giá rẻ thay thế không nghi ngờ gì chính là Ấn Độ. Đối với các chuỗi cung ứng có khối lượng sản xuất nhỏ hơn có thể chọn các nước Đông Nam Á; đối với các ngành đòi hỏi nhiều lao động hơn thì Ấn Độ đã trở thành lựa chọn hàng đầu; đây đã là chiến lược rộng rãi của Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên minh Châu Âu và Đài Loan.
Ấn Độ có cơ hội hiếm gặp
Chính phủ Ấn Độ thông báo rằng Google, Amazon và các quỹ tài sản lớn thuộc Abu Dhabi đều đã công bố kế hoạch đầu tư dài hạn tại Ấn Độ. Đến nay, những nguồn đầu tư vào Ấn Độ từ các công ty đa quốc gia dự kiến sẽ tạo ra 1,2 triệu việc làm cho Ấn Độ, tăng giá trị sản lượng hơn 150 tỷ USD.
Hãng Apple từng xem Trung Quốc là địa bàn sản xuất chính, sẽ chỉ tiếp tục sản xuất các sản phẩm bán tại thị trường Trung Quốc, còn hầu hết năng lực sản xuất khác của họ sẽ được chuyển sang Ấn Độ; Samsung thì đã đi trước và triển khai ở Ấn Độ sớm hơn Apple; hàng loạt công ty Đài Loan quen thuộc như Foxconn, Wistron và Pegatron cũng chuyển đến Ấn Độ.
Chính phủ Ấn Độ cũng nhanh chóng đưa ra ba chính sách ưu đãi nhằm thu hút rộng rãi đầu tư nước ngoài vào các ngành điện tử, dược phẩm, ô tô, dệt may và thực phẩm.
Đàm phán 4 bên vừa kết thúc giữa Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc chắc chắn sẽ thúc đẩy sự phát triển của chuỗi cung ứng tại Ấn Độ. Cứ theo đà như vậy tiếp tục thì Ấn Độ sẽ thay thế Trung Quốc trong vai trò trở thành công xưởng thế giới. Người ta ước tính một cách thận trọng rằng Ấn Độ hiện có 500 triệu lao động trẻ, và triển vọng kinh tế rõ ràng là lạc quan.
Cơ hội kinh tế của Ấn Độ có được chính là do ĐCSTQ ban tặng!
“Tuần hoàn nội bộ” của ĐCSTQ là bán nước
Để duy trì chế độ của ĐCSTQ, giới chóp bu ĐCSTQ đề ra cái gọi là “tuần hoàn nội bộ”, chuẩn bị bế quan tỏa cảng, thực tế đó chính là chủ động tách khỏi thế giới, chấp nhận từ bỏ địa vị là công xưởng của thế giới.
ĐCSTQ không chuẩn bị cho bất cứ thay đổi nào, chưa nói đến việc không thừa nhận che giấu dịch bệnh, ĐCSTQ vẫn còn muốn bắt cóc 1,4 tỷ người Trung Quốc để chống lại Mỹ và các nước phương Tây đến cùng. Vì quyền lực mà giới chóp bu ĐCSTQ sẽ không tiếc vứt chén cơm của người Trung Quốc, không tiếc từ bỏ cuộc chiến chuỗi cung ứng với Ấn Độ.
Các cơ quan tuyên truyền của ĐCSTQ vẫn ngày ngày bài ca lòng yêu nước, trong khi thực tế là ĐCSTQ đang bán nước. Giới chóp bu của ĐCSTQ không ngần ngại từ bỏ đơn đặt hàng các công ty xuất khẩu Trung Quốc và cơ hội việc làm của người dân Trung Quốc chỉ để bảo toàn vị trí cầm quyền của ĐCSTQ. Đồng thời ĐCSTQ lại tuyên bố ưu thế quân sự so với Ấn Độ và đắm chìm trong cuộc chiến năm 1962, nếu cứ tiếp tục như vậy thì đời sống nhân dân sẽ khó khăn, sức mạnh quốc gia giảm sút, về cơ bản, ĐCSTQ sẽ thua trong cả hai cuộc chiến và cuối cùng sẽ không thể giữ được chế độ.
Để thu hút đầu tư, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nêu rõ vấn đề tái định hình chuỗi cung ứng cần dựa trên nền tảng tín nhiệm và ổn định chứ không phải chỉ là vấn đề chi phí. Câu này chọc thẳng vào điểm yếu của chế độ ĐCSTQ. Chế độ ĐCSTQ đã mất lòng tin đối với thế giới và từ lâu đã mất lòng tin của chính người dân Trung Quốc, việc giới chóp bu ĐCSTQ rêu rao chính sách “tuần hoàn nội bộ” nhằm bảo vệ chế độ nhưng cũng phản ánh thứ tinh thần rệu rã bệ rạc của họ.
Mỗi người Trung Quốc, vì lợi ích thiết thân và vì tương lai của thế hệ sau không thể để cho chế độ toàn trị thoải mái làm chuyện sai trái kéo đất nước xuống vực sâu. Cần thêm nhiều hơn người Trung Quốc bắt tay hành động càng sớm càng tốt để sớm loại bỏ cai trị của ĐCSTQ, định hình lại mối quan hệ giữa Trung Quốc và thế giới, lấy lại lòng tin của thế giới và sớm quay trở lại chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trận chiến chuỗi cung ứng thực ra không phải là trận chiến giữa Trung Quốc và Ấn Độ, mà là trận chiến giữa người dân Trung Quốc và chế độ Cộng sản Trung Quốc!
Theo Dương Uy/Epoch Times