Thanh Vũ & Hân Ngôn
Một hệ thống phủ rộng, bao quát và tinh vi!
Kalen Keegan, một sinh viên đại học tại Đại học Nebraska, đã bị hack tài khoản Twitter. Các bài viết cũ của cô đã biến mất và bị thay thế bằng nội dung cáo buộc những người biểu tình trong phong trào dân chủ Hồng Kông là “xúi giục ‘cách mạng sắc màu’ dưới sự hậu thuẫn của ‘âm mưu chống người Mỹ gốc Hoa’, một thông điệp rất khớp với giọng điệu của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Qua một thời gian, lại có các bài đăng cập nhật về tình hình đại dịch virus corona, cũng lại theo đúng tuyên truyền của ĐCSTQ.
Trường hợp trên đây được News Break đưa tin trong bài báo tháng 3 năm 2020 có tiêu đề “Trung Quốc xây dựng bộ máy tuyên truyền trên Twitter rồi để nó tung hoành về virus corona như thế nào” (How China Built a Twitter Propaganda Machine Then Let It Loose on Coronavirus). Từ tháng 8 năm 2019, các tác giả của bài báo đã “theo dõi hơn 10.000 tài khoản Twitter bị nghi là giả mạo và tham gia vào một chiến dịch gây ảnh hưởng có sự điều phối, liên quan đến chính quyền Trung Quốc”.
Đánh cắp tài khoản mạng xã hội
Những tài khoản bị hack này được dùng để tuyên truyền và đưa tin thất thiệt về đợt virus corona bùng phát, các cuộc biểu tình ở Hồng Kông và các chủ đề khác mà ĐCSTQ quan tâm. Chủ sở hữu của những tài khoản bị đánh cắp này thuộc mọi thành phần xã hội. Bài báo cho hay: “Trong số họ có một giáo sư ở Bắc Carolina; một nghệ sỹ đồ họa và là một bà mẹ ở Massachusetts; một nhà thiết kế trang web ở Anh; và một nhà phân tích kinh doanh ở Úc.”
Bài báo không thể xác định “liệu có phải chính chủ sở hữu các tài khoản giả mạo hiện tại đã hack mua những tài khoản này từ đâu đó hay không”, nhưng nó chỉ ra rằng quy mô thực sự của chiến dịch gây ảnh hưởng của ĐCSTQ có thể rộng lớn hơn nhiều so với những gì người ta vẫn nghĩ. Bài báo nói thêm: “Quá trình theo dõi của chúng cho thấy các tài khoản đã phát hiện được mới chỉ là một phần của hoạt động này.”
Tác giả bài báo đã xác định được ít nhất một công ty đứng sau một số tài khoản bị hack này. Công ty TNHH Công nghệ OneSight (Bắc Kinh) là công ty tiếp thị internet có trụ sở tại Bắc Kinh và “có hợp đồng tăng số người theo dõi Twitter của China News Service, hãng thông tấn quốc doanh lớn thứ hai Trung Quốc. Dịch vụ tin tức này hoạt động dưới sự quản lý của Ban Công tác Mặt trận Thống nhất, một cánh tay của ĐCSTQ từ lâu đã chịu trách nhiệm về các hoạt động gây ảnh hưởng ở nước ngoài.”
Bài báo cho thấy những người vận hành các tài khoản này thường làm phối hợp với nhau. Chẳng hạn, một tài khoản giả mạo có thể có nhiều tài khoản giả mạo khác làm người theo dõi, thậm chí cùng một bình luận được chấp thuận có thể được nhiều tài khoản khác nhau dùng lại nhiều lần cho nhiều bài đăng.
Những người vận hành các tài khoản giả mạo cũng trả tiền cho những người dùng Twitter nổi tiếng mà có lượng người theo dõi lớn để đăng các video ủng hộ ĐCSTQ. Người bất đồng chính kiến người Trung Quốc Badiucao (巴丢草) ở Úc, có 70.000 người theo dõi trên Twitter, từng bị một tài khoản tự xưng là công ty trao đổi văn hóa tiếp cận và chào giá 1.700 Nhân dân tệ (tương đương 240 USD) cho mỗi bài đăng.
Tuyên truyền ở nước Orwellian
Tác giả người Anh George Orwell đã viết một cuốn tiểu thuyết vào năm 1949 với tựa đề 1984 (Nineteen Eighty-Four), viết về hậu quả của một chính quyền chuyên chế giả tưởng. Một khẩu hiệu của đảng cầm quyền này là: “Kẻ nào khống chế được quá khứ, kẻ đó sẽ khống chế được tương lai: kẻ nào khống chế được hiện tại, thì kẻ đó khống chế được quá khứ.” Nghĩa là, vì Đảng Inner có khả năng viết lại lịch sử, nên nó có thể thao túng dư luận. Tương tự, do nắm quyền lực độc tài toàn trị, nó tin rằng nó có quyền viết lại lịch sử.
Ông Winston Smith, nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết này, làm việc ở Bộ Sự thật. Nhiệm vụ của ông là viết lại các tư liệu lịch sử theo quan điểm lịch sử không ngừng biến đổi của Đảng. Ở mức độ nào đó, nó có chức năng tương tự như Ban Tuyên giáo của ĐCSTQ (sau này được đổi tên thành Vụ Công chúng) và Mặt trận Thống nhất. Với sự kiểm duyệt và dối trá ở Trung Quốc, cũng như việc tung tin thất thiệt bên ngoài Trung Quốc, ĐCSTQ tích cực loan tin tức sai sự thật cho người Trung Quốc và các nước khác trên thế giới.
Điều thú vị là nước Orwellian cũng có một số bộ giống như kiểu ĐCSTQ đối xử với người dân. Ví dụ, Bộ Dồi dào chia khẩu phần và quản lý lương thực dưới danh nghĩa nâng cao mức sống, trong khi thực tế là gây ra nạn đói. Dưới thời ĐCSTQ, trong suốt phong trào Đại nhảy vọt năm 1958, các quan chức đã phóng đại sản lượng ngũ cốc lên hàng chục, hàng trăm lần, dẫn đến sưu cao thuế nặng, khiến ít nhất 45 triệu người chết đói trong khoảng thời gian từ năm 1959 đến năm 1961.
Trong tiểu thuyết của Orwell, Cảnh sát Tư tưởng liên tục giám sát người dân thông qua tivi hai chiều và camera ẩn. Bộ Yêu thương theo dõi và bắt giữ người bất đồng chính kiến cả thực lẫn tưởng tượng. Ở Trung Quốc, các quan chức theo dõi người dân thông qua các mạng xã hội như WeChat và vô số camera giám sát. Những người bất đồng chính kiến bị đàn áp và bắt giữ, và những người có đức tin như học viên Pháp Luân Công bị giam giữ và tra tấn vì tin vào nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn.
Sách trắng: Ảnh hưởng ngầm và công khai của ĐCSTQ
Trung tâm Chính sách Mạng tại Đại học Stanford đã xuất bản một sách trắng vào tháng 7 với tiêu đề “Kể chuyện Trung Quốc: Chiến dịch lèo lái tin tức toàn cầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc” (Telling China’s Story: The Chinese Communist Party’s Campaign to Shape Global Narratives). Báo cáo dài 52 trang này phân tích cách ĐCSTQ sử dụng bộ máy rộng khắp của nó để “thúc đẩy sự độc tài về quyền lực trong nước và tuyên bố vai trò lãnh đạo toàn cầu của nó”.
Các tác giả của sách trắng bao gồm Renee DiTesta, Giám đốc Nghiên cứu Kỹ thuật từ Đài Quan sát Internet Stanford, và John Pomfret, cựu giám đốc văn phòng Bắc Kinh của Washington Post.
Báo cáo mở đầu bằng một vụ việc từ Chiến tranh Triều Tiên, trong đó ĐCSTQ tuyên bố vào năm 1952 rằng Hoa Kỳ đã phát động chiến tranh vi trùng dẫn đến bệnh dịch hạch, bệnh than và dịch tả bùng phát. Báo cáo cho hay: “[ĐCSTQ] đã thành lập một cơ sở hoạt động ở Prague để đào tạo ra những người đồng tình với chủ nghĩa cánh tả và chủ nghĩa hòa bình phương Tây từng tuyên bố hùng hồn trên truyền thông phương Tây.”
Mặc dù giai đoạn này đã đi vào lịch sử, nhưng những thủ đoạn đó của ĐCSTQ vẫn tiếp diễn. Báo cáo viết: “ĐCSTQ đã thành công trong việc che giấu, bóp méo các tư liệu để khiến các giới vẫn tin rằng đó là sự phản trắc của Mỹ. Chiến dịch đưa tin thất thiệt này kết hợp giữa tuyên truyền công khai và lợi dụng các cơ quan có thẩm quyền cả tin để khuếch trương và hợp thức hóa các luận điểm của ĐCSTQ, gieo rắc mối nghi và ngờ vực, đồng thời xác lập vị thế trong nước và quốc tế của ĐCSTQ, trong khi khiến các đối thủ của nó phải trả giá.”
Để chi phối tin tức trong xã hội quốc tế, ĐCSTQ đã không ngừng mở rộng hoạt động ở nước ngoài. Tân Hoa xã đã trở thành một trong những hãng thông tấn lớn nhất trên thế giới, còn CGTN hoạt động thông qua hàng chục văn phòng nước ngoài và các chương trình phát sóng bằng bảy thứ tiếng. Báo cáo giải thích: “Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc có hợp đồng phát sóng từ mười mấy đài phát thanh ở Hoa Kỳ, còn China Daily đăng quảng cáo trên các tờ báo như Washington Post, với giá 250.000 USD một số.”
Có ước tính rằng ĐCSTQ đã chi ít nhất 45 tỷ nhân dân tệ (tương đương 6,6 tỷ USD) cho hoạt động tuyên truyền ở nước ngoài kể từ năm 2009. Năm 2011, Tân Hoa xã đã thuê một bảng tin kỹ thuật số lớn hướng ra ngoài Quảng trường Thời đại với giá từ 300.000 đến 400.000 USD mỗi tháng. Gấu trúc, Vạn Lý Trường Thành, Tử Cấm Thành và Tam Hiệp nhanh chóng trở thành những từ thông dụng để ĐCSTQ tiếp thị bản thân.
Tháng 7 năm 2016, một tòa án quốc tế đã ra phán quyết có lợi cho Philippines về vùng tranh chấp ở Biển Đông. ĐCSTQ lập tức phát động một chiến dịch trả đũa thông qua bảng tin hướng ra Quảng trường Thời đại bằng cách phát một đoạn video dài ba phút 120 lần mỗi ngày trong 12 ngày liên tục.
Đặc vụ ở nước ngoài làm việc cho ĐCSTQ
Do sự đầu tư và thâm nhập sâu rộng của ĐCSTQ, nhiều hãng thông tấn ở nước ngoài – gồm cả các hãng bằng tiếng Trung Quốc – đã nhún mình trước chính quyền này và hiện đang đóng vai trò là cơ quan ngôn luận của nó.
Sách trắng có viết: “30 năm trước, truyền thông tiếng Trung bên ngoài Trung Quốc phản ánh các quan điểm chính trị còn có sự đa dạng. Ngày nay, sau khi Trung Quốc đầu tư lớn và vì các lợi ích khi thân với ĐCSTQ, những ấn phẩm tiếng Trung chiếm ưu thế lại cộng hưởng và khuếch đại tin tức của ĐCSTQ.”
Chính quyền Trung Quốc cũng dành nhiều nỗ lực hơn để gây ảnh hưởng trên các hãng thông tấn quốc tế. Sách trắng còn viết: “Chính quyền Trung Quốc đã đưa hàng trăm nhà báo từ các nước đang phát triển sang Trung Quốc tham gia các khóa đào tạo, trong đó giới thiệu những thành tựu kinh tế và công nghệ của mô hình quản trị của Trung Quốc. Thường thì chính quyền Trung Quốc bao chi phí, trả lương, cung cấp chỗ ở rộng rãi và cơ hội tham quan cho họ để đổi lấy thiện chí và đưa tin có lợi cho Trung Quốc khi các nhà báo về nước.”
Chiến lược này đã có từ trước khi ĐCSTQ lên nắm quyền vào năm 1949. Nhà báo Mỹ Edgar Snow đã phỏng vấn Mao Trạch Đông vào năm 1930 và đã xuất bản cuốn sách Ngôi sao đỏ trên Trung Quốc dựa trên câu chuyện một chiều đó. Cuốn sách này đã khiến nhiều người Trung Quốc cũng như người phương Tây bị lừa mà ủng hộ ĐCSTQ nói riêng và chủ nghĩa cộng sản nói chung.
Snow qua đời vào năm 1972, và vợ ông, Lois Wheeler, đã không thực sự hiểu ĐCSTQ cho đến khi xảy ra vụ Thảm sát trên Quảng trường Thiên An Môn năm 1989. Số tiền bà quyên góp cho một số gia đình nạn nhân đã bị tịch thu. Khi bà quay lại thăm Trung Quốc cùng con trai vào năm 2000, dự định sẽ gặp một người mẹ có con trai chết trong vụ thảm sát, “họ bị bao vây ở cổng trường Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh … ít nhất hơn hai chục cảnh sát mặc thường phục, đã quay lén và ngăn [họ] vào”, theo một bài báo đăng trên tờ New York Times vào tháng 4 năm 2018 với tiêu đề “Lois Wheeler Snow, nhà phê bình về lạm dụng nhân quyền ở Trung Quốc, qua đời ở tuổi 97” (Lois Wheeler Snow, Critic of Human Rights Abuses in China, Dies at 97).
So với các thập kỷ trước, ĐCSTQ hiện có ảnh hưởng với dư luận hơn nhiều, gồm cả các kênh tin tức truyền thống cũng như mạng xã hội như Facebook, Twitter và YouTube. Anh Vương Lập Cường, một gián điệp Trung Quốc trốn sang Úc, tuyên bố rằng anh đã tham gia vào việc ĐCSTQ can thiệp vào các cuộc bầu cử địa phương của Đài Loan năm 2018 bằng cách tạo 200.000 tài khoản mạng xã hội giả. Ngoài ra, một công ty bình phong của Hồng Kông đã tạo ra 20 “công ty internet” khác để tấn công đảng chính trị mà ĐCSTQ không thích. Anh cho biết cũng đã trả 1,5 tỷ Nhân dân tệ (hơn 200 triệu USD) cho các cơ sở truyền thông Đài Loan để quảng bá cho một ứng cử viên mà ĐCSTQ ưu ái cho chức Thị trưởng Cao Hùng.
Bộ máy nhà nước chuyên sản xuất dối trá
Mặc dù vào tháng 12 năm 2019, các nhà khoa học Trung Quốc đã xác nhận virus corona có khả năng lây nhiễm, nhưng mãi đến ngày 20 tháng 1, ba ngày trước khi tâm dịch Vũ Hán bị phong tỏa thì ĐCSTQ mới thừa nhận. Một ngày sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố virus corona bùng phát thành đại dịch, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã thẳng thừng đổ lỗi cho Hoa Kỳ là nguồn gốc của virus.
Được khuếch trương thông qua Twitter, WeChat và TikTok, các cơ quan và truyền thông ủng hộ ĐCSTQ tuyên bố rằng virus đến từ Fort Detrick, một căn cứ quân sự của Hoa Kỳ ở Maryland. Mặc dù nhiều người bên ngoài Trung Quốc đã biết đây là trò lừa bịp, nó đã đánh lừa nhiều người ở Trung Quốc và gây ra sự hoang mang trong cộng đồng quốc tế.
Vì chính quyền chuyên chế của ĐCSTQ huy động toàn bộ bộ máy nhà nước để tung tin thất thiệt và dối trá nên hậu quả đã rất nghiêm trọng. “Sự quản lý yếu kém của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong giai đoạn đầu của đại dịch COVID-19 và những hành vi lợi dụng cuộc khủng hoảng của nó sau đó đã gây ra những vấn đề dai dẳng cho các nước khác trên thế giới”, theo bài báo trên tờ Foreign Affairs ngày 11 tháng 8 có tiêu đề “Một câu trả lời về sự hung hăng: Làm thế nào để đẩy lùi Bắc Kinh” (An Answer to Aggression: How to Push Back Against Beijing).
Bài báo cũng cho biết: “Nhưng hành vi của ĐCSTQ cũng đã giúp làm rõ mối đe dọa mà Trung Quốc gây ra cho an ninh, sự an khang, thịnh vượng của các quốc gia khác. Hoa Kỳ không còn có thể coi Trung Quốc chỉ là một đối tác thương mại khác nữa.”
“Anh cả đang nhìn kìa” là một khẩu hiệu nổi tiếng trong cuốn 1984. Tuy nhiên, ở Trung Quốc ngày nay, hệ thống kiểm duyệt tối tân đã vượt xa những gì được mô tả trong tiểu thuyết. Từ các loại mạng xã hội đến kiểm soát internet, từ camera giám sát khắp nơi đến quét khuôn mặt bắt buộc kể cả khi sử dụng phòng tắm công cộng, cường độ giám sát và kiểm soát đã lên đến mức chưa từng có.
Những người dám chống lại ĐCSTQ thường sẽ bị phạt nặng. Nhậm Chí Cường, một ông trùm bất động sản, đã bị giam giữ và cáo buộc vì đã chỉ trích lãnh đạo ĐCSTQ. Giáo sư Hứa CHương Nhuận của Đại học Thanh Hoa đã bị sa thải vì bày tỏ quan điểm bất lợi về ĐCSTQ. Các học giả như Trần Thu Thực và Phương Bân đã mất tích nhiều tháng sau khi chỉ trích ĐCSTQ bưng bít dịch virus corona bùng phát.
Bên trong Trung Quốc, các học viên Pháp Luân Công là nhóm lớn nhất bị ĐCSTQ bức hại vì đức tin của họ. Qua các chiến dịch tung tin thất thiệt gần đây của ĐCSTQ, ngày càng nhiều quan chức chính phủ trong cộng đồng quốc tế đã nhận thức được mối đe dọa của chính quyền Trung Quốc đối với thế giới. Các ủy viên của Đại Hội đồng Virginia, cơ quan lập pháp liên tục lâu đời nhất ở Hoa Kỳ kể từ năm 1619, đã viết một bức thư gửi Ngoại trưởng Hoa Kỳ Michael Pompeo vào ngày 29 tháng 7 nhằm kêu gọi ông giúp chấm dứt nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công còn sống ở Trung Quốc.
Bức thư có viết: “Chúng tôi viết thư này bằng sự đồng cảm với những người sống sót và những người không còn có thể lên tiếng cho bản thân. Chúng tôi kêu gọi sự lãnh đạo của Ngài, và sự tác động mạnh mẽ của Hoa Kỳ, để năm tới chúng ta không phải chứng kiến cuộc bức hại này bước sang năm thứ 22 nữa.”
(Ảnh chụp màn hình Twitter, trừ khi chú thích)