- Mỹ Huyên
Ngày 13/10, quốc gia thành viên Liên minh châu Âu là Cộng hòa Síp đã công bố thông tin cho biết, sẽ xóa bỏ kế hoạch “hộ chiếu vàng”, kế hoạch cấp visa thu hút đầu tư này đã gây nhiều tranh cãi trong thời gian gần đây. Truyền thông tiết lộ, không ít người được liệt vào danh sách “rủi ro cao” đã dùi vào sơ hở này mà có được “hộ chiếu vàng”.
Tổng hợp thông tin từ truyền thông quốc tế, Cộng hòa Síp – một quốc gia nằm ở phía Đông của Địa Trung Hải, vì để thu hút đầu tư nên đã đưa ra kế hoạch “hộ chiếu vàng”, để cấp phát hộ chiếu của nước này cho những nhà đầu tư bỏ tiền vào ít nhất 2,5 triệu USD. Tuy nhiên mới đây, ngày 12/10, Bộ Nội chính và Bộ Tài chính Cộng hòa Síp đã tuyên bố trên Twitter rằng, kế hoạch này sẽ được xóa bỏ vào ngày 1/11 tới, tuyên bố cho biết nguyên nhân là do lỗ hổng lâu dài và kế hoạch bị lạm dụng.
Trước khi chính phủ Síp tuyên bố quyết định này, ngày 12/10, Đài truyền hình Al Jazeera đã công bố một báo cáo điều tra, tiết lộ về việc Chủ tịch Quốc hội nước này là ông Demetris Syllouris và Nghị viên Quốc hội Christakis Giovanis đồng ý giúp đỡ những người có hồ sơ phạm tội có được “hộ chiếu vàng”.
Phóng viên của Đài Al Jazeera đã vào vai người đại diện cho doanh nhân Trung Quốc muốn có hộ chiếu Síp, nói rằng doanh nhân này bị định tội do rửa tiền, theo luật pháp thì không cách nào xin cấp hộ chiếu được. Tuy nhiên, phóng viên liên tiếp được báo rằng, chỉ cần có đủ tiền đầu tư thì sẽ không có vấn đề gì. Ông Christakis Giovanis còn nói ông sẽ đảm bảo cho doanh nhân này có được hộ chiếu.
Sau khi báo cáo được công bố, Ủy ban Liên minh Châu Âu đã đưa ra tuyên bố cho biết “khó có thể tin được”. Sau khi biết được kế hoạch “hộ chiếu vàng” sẽ bị hủy bỏ, EU hy vọng cơ quan chủ quản của Cộng hòa Síp có thể điều tra triệt để vụ án này.
Hôm 27/8, Đài truyền hình Al Jazeera từng công bố báo cáo điều tra có tiêu đề “Hồ sơ Síp”. Báo cáo tiết lộ các vấn đề mờ ám khi dùng kế hoạch “hộ chiếu vàng” để thu hút đầu tư di dân.
Báo cáo chỉ ra, gần 500 doanh nhân giàu có ở Trung Quốc những năm gần đây đã dùng phương thức đầu tư để có được hộ chiếu của Cộng hòa Síp, trong đó bao gồm cả nữ tỷ phú châu Á Dương Huệ Nghiên (Yan Huiyan) và nhiều đại biểu Nhân đại toàn quốc Trung Quốc, đại biểu Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc và lãnh đạo cấp cao các doanh nghiệp Trung Quốc. Theo luật pháp Trung Quốc, những người này cần phải mất quốc tịch Trung Quốc và chức vụ chính trị.
Báo cáo còn tiết lộ về tài liệu của 8 người Trung Quốc xin cấp hộ chiếu Cộng hòa Síp. Trong đó người được chú ý nhất là bà Dương Huệ Nghiên – Giám đốc điều hành của Tập đoàn Bất động sản Bích Quế Viên (Country Garden). Bố của Dương Huệ Nghiên là Dương Quốc Cường (Yang Guoqiang) – người sáng lập Tập đoàn Bích Quế Viên. Danh sách tỉ phú của Forbes ước tính tài sản của gia đình ông xấp xỉ 20,3 tỷ USD.
Dương Quốc Cường là ủy viên Ủy ban Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc. Báo cáo chỉ ra, ít nhất có 4 người xin cấp hộ chiếu từng hoặc đang giữ các chức vụ chính trị trong Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trong đó bao gồm Lục Văn Bân (Liu Wenbin, đại biểu Nhân đại Thành phố Thành Đô), Trần An Lâm (Chen Anlin, ủy viên Chính hiệp quận Hoàng Pha, thành phố Vũ Hán), Phó Chính Quân (Fu Zhengjun, cựu ủy viên Chính hiệp thành phố Kinh Hoa, tỉnh Chiết Giang), Triệu Chấn Bằng (Zhao Zhenpeng, ủy viên Chính hiệp thành phố Tân Châu, tỉnh Sơn Đông).
Tờ Nam Hoa Tảo Báo khi đưa tin về sự kiện này đã chỉ ra, đại biểu Nhân đại và ủy viên Chính hiệp của ĐCSTQ sau khi bị phát hiện có quốc tịch nước khác, nên phải hủy bỏ tư cách, năm 2019 tại Hà Bắc và Sơn Tây đều có trường hợp tương tự. Đồng thời, “cán bộ” của doanh nghiệp nhà nước trên toàn quốc thông thường không được phép có quốc tịch nước khác, tuy nhiên tên của Tổng giám đốc của Điện lực Hoa Nhuận (China Resources Power) là Đường Dũng cũng xuất hiện trong hồ sơ xin cấp “hộ chiếu vàng”.
Điều tra của Al Jazeera còn cho thấy có hai người nổi tiếng của Việt Nam đang có trong tay “hộ chiếu vàng” của Síp là: Đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc – Tổng giám đốc công ty Tân Thuận IPC, thuộc đoàn đại biểu quốc hội TP.HCM nhiệm kỳ 2016 – 2021; và ông Phạm Nhật Vũ – cựu Chủ tịch công ty Cổ phần Nghe nhìn toàn cầu (AVG), người đang thụ án tù 3 năm vì tội đưa hối lộ.
Hồ sơ nhập quốc tịch Síp của ông Phạm Phú Quốc được chấp thuận vào tháng 12/2018, vợ của ông Quốc cũng đã được nhập quốc tịch Síp.
Hồ sơ nhập quốc tịch Síp của ông Phạm Nhật Vũ được chấp thuận vào tháng 5/2019, khoảng 6 tháng trước khi doanh nhân này bị kết án tù vì tội tham nhũng. Vợ của ông Vũ cũng đã được nhập quốc tịch Síp.
Mỹ Huyên