Chuyên gia chỉ ra vai trò độc đáo của ông Hồ Tích Tiến trong ĐCSTQ

  • Lê Tiểu Quỳ

Gần đây, chuyên gia tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là ông tổng biên tập Hồ Tích Tiến của Thời báo Hoàn Cầu thường xuyên có những phát ngôn làm công luận kinh ngạc, rất khác với phong cách thận trọng xưa nay của giới biên tập viên truyền thông nhà nước Trung Quốc. Có phân tích về động cơ chính trị đằng sau động thái bất thường của Hồ Tích Tiến, qua đó chỉ ra vai trò độc đáo của ông ta trong ĐCSTQ.

Ông Hồ Tích Tiến, người phát ngôn tuyên truyền đối ngoại của ĐCSTQ và Tổng biên tập Thời báo Hoàn Cầu (Nguồn: Chụp màn hình video).

Nhà cầm quyền ĐCSTQ vẫn đang đứng trước nhiều vấn đề khốn đốn về cả đối nội và đối ngoại. Về chính trị, đối ngoại là thực trạng vẫn luôn bị cộng đồng quốc tế lên án liên quan đến vấn đề nhân quyền ở Hồng Kông, Tây Tạng và Tân Cương; đối nội là những thách thức xung đột nội bộ hệ thống chính trị cùng tình hình thiên tai như dịch viêm phổi Vũ Hán, lũ lụt, bệnh dịch hạch, dịch tả lợn châu Phi, nạn châu chấu; về kinh tế, các lệnh trừng phạt quốc tế đối với các công ty Trung Quốc, chẳng hạn như Huawei và SMIC, đã gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế của Trung Quốc; về ngoại giao, chiến tranh thương mại Trung-Mỹ vẫn chưa chấm dứt và Mỹ đã thành lập “Liên minh Ngũ Nhãn” chống ĐCSTQ, thậm chí đã mở ra một cuộc đối thoại an ninh bốn bên để kiềm chế quyền lực của ĐCSTQ; xung đột biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ cũng đang tiếp tục nóng lên.

Bối cảnh đó khiến Bắc Kinh dồn toàn lực huy động cả bộ máy nhà nước để “rửa hận”, và Hồ Tích Tiến trong vai trò tổng biên tập của Thời báo Hoàn Cầu trở thành nhân vật phụ trách chính.

Đài VOA Mỹ chỉ ra rằng Hồ Tích Tiến, người phát ngôn tuyên truyền đối ngoại của ĐCSTQ và Tổng biên tập Thời báo Hoàn Cầu đặc biệt nhiệt huyết kích động chủ nghĩa dân tộc, phong cách của ông ta là độc đáo nhất trong ĐCSTQ. Ông Hồ Bình (Hu Ping) Chủ biên tập danh dự của “Mùa xuân Bắc Kinh” cũng thẳng thắn cho biết hiện nay vai trò của Hồ Tích Tiến đối với ĐCSTQ là “người phát ngôn chính thức theo kiểu phi chính thức”, mục đích là thay nhà cầm quyền truyền tải ngôn luận nhưng nhà cầm quyền lại không phải mang tiếng gánh trách nhiệm trong những phát ngôn của ông ta.

Ông Hồ Bình còn chỉ ra Hồ Tích Tiến có vị trí quan trọng trong bộ máy ĐCSTQ nhưng phát ngôn khác với các học giả thông thường và thậm chí là các chuyên gia trong thể chế, khiến thế giới bên ngoài nghĩ rằng ông đại diện cho tiếng nói của Chính phủ. Nhưng rốt cuộc Thời báo Hoàn Cầu không phải là Nhật báo Nhân Dân, không phải là cơ quan ngôn luận chính thức của ĐCST nên cũng không thể coi đó là phát ngôn chính thức, không thể đánh đồng phát ngôn của ông ta là của Chính phủ. Như vậy ông ta có thể lên tiếng thay những gì Chính phủ muốn nhưng không tiện lên tiếng chính thức, một mặt đã truyền bá được tiếng nói của nhà cầm quyền trong khi nhà cầm quyền không phải chịu trách nhiệm về tiếng nói đó.

Nhưng ở Trung Quốc dưới thời ĐCSTQ thì mô hình con người “kiểu Hồ Tích Tiến” không phải là hiếm thấy, vì ĐCSTQ luôn có hai hệ thống tuyên truyền là bộ máy truyền thông và Mặt trận Thống nhất.

Ông Hồ Bình nêu ví dụ, “Ví dụ, khi nói đến dân chủ, theo diễn ngôn tuyên truyền nhà nước thì nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ‘đặc sắc Trung Quốc’ là nền dân chủ ưu việt nhất, dân chủ nhất. Diễn ngôn của Mặt trận thống nhất nói rằng nền dân chủ này là tập hợp những gì tốt đẹp của cả phương Đông và phương Tây, nhưng còn hòa nhập với điều kiện Trung Quốc, không thể một bước bay lên trời”. Ông chỉ ra rằng thông thường người ta khó chấp nhận “dân chủ kiểu Trung Quốc” này, nhưng cũng bị thuyết phục từ quan điểm “cần dựa trên bối cảnh của Trung Quốc” là có đạo lý. Như vậy ở một mức độ nào đó có thể xem người ta đã chấp nhận quan điểm vô lý của nhà cầm quyền. Diễn ngôn đó đã phát huy được công dụng mà ngôn ngữ hệ thống tuyên truyền của ĐCSTQ không làm được.

Vấn đề cũng được tiến sĩ chính trị và nhà bình luận độc lập Ngô Cường (Wu Qiang) chỉ ra rằng sự tồn tại độc đáo của Hồ Tích Tiến là kết quả tất yếu của quá trình phát triển hệ thống tuyên truyền ĐCSTQ theo chủ nghĩa dân túy. Với việc phát triển theo chủ nghĩa dân túy, Thời báo Hoàn Cầu ngày càng đi xuống đáy, thay đổi từ một tờ báo lá cải định hướng thị trường thành hệ thống hỗn hợp tuyên truyền trong và ngoài nước.

Ông Hồ Tích Tiến có bút danh là Nhân Bình (Renping), sinh năm 1960 ở Bắc Kinh, từng xuất hiện ở Quảng trường Thiên An Môn trong sự kiện đàn áp dân chủ tại Thiên An Môn ngày 4/6/1989, nhưng dựa theo diễn biến tình hình và Hồ Tích Tiến cũng dường như hiểu rõ quân đội ĐCSTQ nên đã đã bí mật rời khỏi hiện trường trước khi quân đội thẳng tay đàn áp. Năm đó ông ta đã không bị thẩm tra hay thanh lý như các sinh viên cùng thế hệ, thay vào đó đã thành công lấy bằng thạc sĩ tại Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh và vào Ban Quốc tế của Nhật báo Nhân Dân, sau đó được cử đến Balkans trong Nội chiến Nam Tư và không ngừng thăng tiến trên con đường quan lộ của giới truyền thông ĐCSTQ.

Năm 1996 Hồ Tích Tiến trở thành phó tổng biên tập của Thời báo Hoàn Cầu, đến năm 2005 lên chức tổng biên tập của tờ báo. Giới phê bình có ví Hồ Tích Tiến và Thời báo Hoàn Cầu của ông ta là “tên hề bắt đĩa bay”. Tuy nhiên, tờ Minh Báo (Ming Pao) của Hồng Kông dẫn lời một nguồn tin cho biết phương thức tuyên truyền của Hồ Tích Tiến đã được chính quyền Bắc Kinh khẳng định và yêu cầu hệ thống tuyên truyền của ĐCSTQ học theo.

Lê Tiểu Quỳ

Related posts