Tổng biên tập cơ quan ngôn luận ĐCSTQ mới được bổ nhiệm bị phanh phui bê bối
Gần đây, Thỏa Chấn, người vừa mới nhậm chức chủ tịch tờ Nhân dân Nhật báo của ĐCSTQ đã bị phanh phui bê bối liên quan đến 6 nhân tình trong 5 năm.
Theo Epoch Times, tờ Nhân dân Nhật báo và Tân Hoa xã, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đồng loạt cập nhật danh sách “lãnh đạo” trong ngày 20/10. Trong số đó, Thỏa Chấn thay thế Lý Bảo Thiện đảm nhiệm chức tổng biên tập của Nhân dân nhật báo; Hà Bình thay Thái Danh Chiếu làm bí thư đảng bộ và tổng biên tập Tân Hoa xã.
Ngay sau đó, ông Thỏa Chấn, 61 tuổi, đã bị phanh phui một vụ bê bối.
Vào đầu tháng 1/2013, La Xương Bình, phó tổng biên tập tạp chí Tài chính và Kinh tế và là phóng viên của Phương Nam Cuối tuần đã tung tin rằng Thỏa Chấn, lúc đó là Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền tỉnh Quảng Đông, đã cưỡng ép xóa và chỉnh sửa bài phát biểu năm mới của Phương Nam Cuối tuần. Động thái của Thỏa Chấn bị cáo buộc là đàn áp quyền tự do báo chí và quyền tự chủ biên tập, nội dung sau khi bị xóa có nhiều sai sót nghiêm trọng. Vụ việc này gây náo động, thậm chí các biên tập viên, phóng viên còn ký vào thư ngỏ để phản đối. Tuy nhiên, cuối cùng, nhiều thành viên cấp cao của Phương Nam Cuối tuần đã bị thay thế.
Ngay sau khi vụ hỗn loạn này xảy ra, tin tức lan truyền trên các phương tiện truyền thông nước ngoài và vạch trần một loạt vụ bê bối. Theo các nguồn tin, ở Bắc Kinh lưu truyền thông tin không chính thức rằng trước khi chuyển đến Quảng Đông, Thỏa Chấn đã có 6 nhân tình trong 5 năm ở Bắc Kinh, trong đó một người làm việc cho Tân Hoa Xã và người kia làm việc cho tờ Thời báo Kinh tế. Tin tức cũng cho biết “lý tưởng” của Thỏa Chấn khi đó là vào Bộ Chính trị.
Tin tức cũng cho biết, trong thời gian làm việc tại Bắc Kinh, Thỏa Chấn đã sắp xếp một số lượng lớn người thân và bạn bè ở quê nhà đến đó làm việc. Vào thời điểm ấy, ông Thỏa có hai bất động sản, nhưng các thành viên trong gia đình trực tiếp của ông có tám bất động sản đắt tiền với tổng số tiền đặt cọc khoảng 45 triệu nhân dân tệ (khoảng 150 tỷ đồng).
Hunter Biden dính đến nghi án rửa tiền của FBI
Trát hầu toà của FBI về máy tính xách tay và ổ cứng nghi thuộc về Hunter Biden có liên quan đến cuộc điều tra rửa tiền vào cuối năm 2019, theo các tài liệu do Fox News thu thập và được xác minh bởi nhiều quan chức thực thi pháp luật liên bang.
Nhiều quan chức thực thi pháp luật liên bang, cũng như hai quan chức chính phủ riêng biệt, đã xác nhận tính xác thực của những tài liệu này do Đặc vụ FBI Joshua Wilson ký. Wilson đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của Fox News.
Một trong những tài liệu mà Fox News có được là biểu mẫu “Biên nhận tài sản” của FBI, trong đó nêu chi tiết các mối quan hệ của cục với John Paul Mac Isaac, chủ sở hữu của “The Mac Shop”, người đã báo cáo nội dung của máy tính xách tay cho nhà chức trách.
Tài liệu có phần phân loại được điền bằng số viết tay: 272D-BA-3065729. Theo nhiều quan chức và trang web của FBI, “272” là phân loại về rửa tiền, trong khi “272D” đề cập đến “Rửa tiền, Hoạt động bất hợp pháp được chỉ định” theo tài liệu của FBI. Một quan chức chính phủ đã mô tả “272D” là “xuyên quốc gia hoặc có tính chất phổ biến, bao trùm”.
Một tài liệu khác, được Fox News thu được, là trát hầu tòa gửi cho Isaac để làm chứng trước Tòa án quận Hoa Kỳ ở Delaware vào ngày 9/12/2019. Một trang của trát đòi hầu tòa cho thấy những gì dường như là số sê-ri của một máy tính xách tay và ổ cứng bị chiếm hữu.
“Nếu một vụ án hình sự được mở ra và trát hầu tòa được đưa ra, điều đó có nghĩa là có khả năng cao là cả máy tính xách tay và ổ cứng đều chứa các hoạt động phạm tội,” một quan chức nói với Fox News.
Hiện FBI đã từ chối xác nhận hoặc phủ nhận sự tồn tại của một cuộc điều tra về máy tính xách tay hoặc các email.
Thái Lan hủy bỏ sắc lệnh khẩn cấp
AP đưa tin, nhằm xoa dịu các cuộc biểu tình, chính phủ Thái Lan hôm 22/10 đã tuyên bố dỡ bỏ sắc lệnh cấm tụ tập chính trị từ 5 người trở lên. Quyết định này sẽ được áp dụng từ 24h đêm nay.
Quyết định dỡ bỏ biện pháp khẩn cấp được đưa ra sau khi hàng chục nghìn người hôm 21/10 tụ tập biểu tình trước văn phòng Thủ tướng Thái Lan tại Tòa nhà Chính phủ, yêu cầu Thủ tướng Prayuth Chan-ocha từ chức trong vòng ba ngày hoặc đối mặt với nhiều cuộc biểu tình hơn.
Hàng chục người biểu tình, trong đó có một số lãnh đạo phong trào, trước đó đã bị cảnh sát bắt trong nỗ lực trấn áp.
Người biểu tình Thái Lan cáo buộc Thủ tướng Prayuth thao túng cuộc bầu cử năm ngoái để tiếp tục nắm quyền, yêu cầu ông từ chức, đồng thời đưa ra nhiều yêu sách khác như thay đổi hiến pháp và cải cách chế độ quân chủ.
Thủ tướng Prayuth cho biết quốc hội sẽ họp bất thường vào tuần sau, đồng thời khẳng định không từ chức. Ông nói: “Bây giờ chúng ta phải lùi lại khỏi rìa của con dốc trơn trượt có thể dễ dàng dẫn tới hỗn loạn”.
Đài Loan không muốn chạy đua vũ trang với Trung Quốc
Theo Reuters, Đài Loan ngày 22/10 cho biết họ sẽ không chạy đua vũ trang với Trung Quốc sau khi nước này được Mỹ đồng ý bán hệ thống vũ khí tiềm năng trị giá 1,8 tỷ USD.
Bắc Kinh thời gian qua đã gia tăng áp lực đối với Đài Loan, trong đó có việc thường xuyên cho máy bay chiến đấu xâm phạm vùng lãnh thổ nước này.
Phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan Nghiêm Đức Phát cho biết: “Điều này cho thấy tầm quan trọng của Hoa Kỳ đối với an ninh ở Ấn Độ Dương và eo biển Đài Loan. Chúng tôi sẽ tiếp tục củng cố quan hệ đối tác an ninh với Hoa Kỳ”.
Trung Quốc nhiều khả năng sẽ lên án việc bán vũ khí của Mỹ cho Đài Loan như mọi khi, nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan nói rằng họ không tìm kiếm sự đối đầu.
Ông Nghiêm nói thêm: “Chúng tôi sẽ không tham gia vào một cuộc chạy đua vũ trang với Trung Quốc. Chúng tôi sẽ đưa ra các yêu cầu đồng thời xây dựng hệ thống phòng thủ đáng tin cậy để tự bảo vệ mình”.
Giám đốc tình báo Mỹ: Iran và Nga muốn can thiệp bầu cử Mỹ để trấn áp ông Trump
Giám đốc Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ John Ratcliffe vào thứ Tư (21/10) tại cuộc họp báo của Cục Điều tra Liên bang (FBI) nói rằng Nga và Iran đang cố gắng tác động đến cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 và đã lấy được một số thông tin cá nhân do cử tri đăng ký.
Theo Fox News, ông Ratcliffe đã chỉ ra rằng cả Nga và Iran đều đã có những hành động cụ thể nhằm tác động đến ý kiến của cử tri. Ông đề cập đến việc thông tin đăng ký mà họ thu được có thể được sử dụng để cung cấp thông tin sai lệch nhằm gây nhầm lẫn cho cử tri.
Ông Ratcliffe nói rằng sự can thiệp của Iran đã bị phát hiện là nhằm kích động bất ổn xã hội và tấn công tổng thống.
Ông cho biết ví dụ họ tự tạo ra những email giả mạo vu khống ông Trump để kích động bất ổn xã hội và chống lại Tổng thống. Iran cũng đang phát tán một video chứa các thông tin sai lệch về các phiếu bầu giả mạo.
NATO sẽ xây dựng trung tâm vũ trụ ở Đức để đối phó với Trung Quốc, Nga
The Epoch Times đưa tin, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết NATO dự kiến sẽ thông qua một kế hoạch vào thứ Năm (22/10) để xây dựng một trung tâm vũ trụ mới tại Căn cứ Không quân Ramstein ở Đức để đối phó với các mối đe dọa từ ĐCSTQ và Nga.
Theo “Deutsche Welle”, trung tâm sẽ chịu trách nhiệm thu thập thông tin có thể tạo thành mối đe dọa đối với các vệ tinh của liên minh để NATO cung cấp hỗ trợ hành động, tạo điều kiện chia sẻ và phối hợp thông tin. Trong tương lai, nó có thể phát triển hơn nữa thành một trung tâm chỉ huy phòng thủ không gian.
Ngoài ra, NATO cũng đang chuẩn bị thành lập một trung tâm nghiên cứu quân sự vũ trụ, hiện Pháp và Đức đã bày tỏ mong muốn trở thành nước chủ nhà.
Lở đất tại mỏ than ở Indonesia, 11 người thiệt mạng
AFP đưa tin, một vụ sạt lở đất ở Indonesia hôm 21/10 đã cướp đi sinh mạng của 11 người.
Vụ tai nạn xảy ra tại mỏ than đang khai thác trái phép ở một ngôi làng tỉnh Nam Sumatra, miền Trung Indonesia. Thi thể những người thợ mỏ bị vùi sâu 20m dưới lòng đất trước khi được lực lượng cứu hộ đưa lên. Theo giới chức Indonesia, nền đất yếu và mưa lớn liên tiếp những ngày qua là nguyên nhân dẫn đến tình trạng sạt lở nghiêm trọng này.
Indonesia thời gian qua thường xuyên xảy ra tai nạn hầm mỏ mà nguyên nhân là do khai thác khoáng sản trái phép.
Đầu năm nay, 9 người đã thiệt mạng do lở đất tại một mỏ vàng bỏ hoang ở tỉnh Tây Sumatra. Năm ngoái, ít nhất 16 người đã bị chôn sống trong vụ sập mỏ ở Bắc Sulawesi.