Tin Việt Nam sáng thứ Sáu

Bão số 8 thẳng hướng vào Nghệ An – Quảng Trị

Hình ảnh vệ tinh của bão số 8 chiều 22/10.

Bão số 8 có khả năng vào vùng biển các tỉnh Nghệ An – Quảng Trị trong ngày 25/10 với sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 10.

Ngày 22/10, theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, bão số 8 – Saudel đang di chuyển chậm với sức gió mạnh nhất cấp 11-12, giật cấp 14. Lúc 13h, tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa 360km về phía đông.

Vùng bán kính 200km từ tâm bão có thể chịu sức gió mạnh từ cấp 6, giật cấp 8 trở lên. Trong khi các khu vực nằm trong bán kính 100km hứng chịu gió mạnh cấp 10, giật cấp 12 trở lên.

Trong 24 giờ tới, bão đi theo hướng tây tây bắc, vận tốc 5-10km/h. Đeén chiều 23/10, tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa 190km về phía đông đông bắc. Lúc này, bão đạt cường độ cực đại với sức gió mạnh cấp 12, giật cấp 14.

Sau đó, bão đổi hướng, di chuyển theo hướng tây với vận tốc 10km/h. Chiều 24/10, tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa 140km về phía tây tây bắc. Sức gió mạnh nhất giảm xuống cấp 11, giật cấp 14.

Nhiều giờ tiếp theo, bão giữ hướng đi, tăng tốc lên 15-20km/h và di chuyển vào vùng biển các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị chiều 25/10. Lúc này, cường độ bão giảm đi đáng kể, vùng gần tâm chỉ còn duy trì ở cấp 8, giật cấp 10.

Theo bản đồ dự báo đường đi, tâm bão có thể quét vào khu vực Hà Tĩnh – Quảng Trị. So với dự báo 12 giờ trước đó, bão có xu hướng di chuyển hơi chếch lên phía bắc.

Trong 24 giờ tới, vùng nguy hiểm trên Biển Đông nằm từ vĩ tuyến 15 đến 20 độ vĩ bắc và từ kinh tuyến 112 đến 118 độ kinh đông.

Hiện, khu vực bắc Biển Đông có mưa bão. Gió mạnh cấp 10-11, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 12, giật cấp 14. Sóng biển cao 6-8 m, biển động dữ dội.

Theo thống kê từ truyền thông trong nước, tính đến trưa 21/10, mưa lũ khiến 111 người chết, 22 người mất tích; hơn 200.000 người phải sơ tán.

Bốn tỉnh thiệt hại về người nặng nhất là Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Quảng Bình.

Hiện còn hơn 124.000 hộ dân tại hai tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình đang bị ngập. Trong đó, Hà Tĩnh có 9 huyện, Quảng Bình 7 huyện ngập sâu (trên một mét). Ở Quảng Trị, nước đã rút khỏi nhà dân, chỉ còn một số tuyến đường ở các vùng thấp trũng, gần sông còn ngập nhẹ.

Quảng Bình lũ lớn nhất trong 41 năm, nước dâng nhanh quan tài không kịp chôn cất

Hiểu Minh

Người dân chơi vơi trên nóc nhà (ảnh chụp màn hình báo Tiền Phong).

Tính đến trưa 22/10, mưa lũ lịch sử ở miền Trung khiến 111 người chết, 28 người mất tích, hơn 200.000 người phải sơ tán. Một người dân Quảng Bình phải thốt lên rằng “Đây là lũ lớn nhất từ khi tôi sinh ra đến giờ”

Quảng Bình bắt đầu đợt lũ cùng với nhiều tỉnh miền Trung. Từ ngày 6/10, mưa lớn đã bắt bắt đầu gây ngập những vùng hạ du. Mưa không ngớt, các hồ thủy điện phải xả tràn, lũ dâng nhanh. Không bị sạt lở đất, đá gây chết người như Thừa Thiên Huế và Quảng Trị, nhưng Quảng Bình lại bị ngập sâu nhất.

“Đây là lũ lớn nhất từ khi tôi sinh ra đến giờ”

Theo VnExpress, 23h ngày 19/10, thời điểm người dân Quảng Bình cảm nhận rõ nhất về trận đại hồng thủy mới. Ông Hoàng Tấn Trọng (44 tuổi, trú TP. Đồng Hới) khi đó đang cùng bố và người vợ mang thai tháng thứ 8, ở căn nhà cấp bốn trông coi trang trại ở cánh đồng phường Bắc Lý thì nước lũ xô sập một vách tường gạch, táp lô.

Chiếc giường được treo bằng bốn sợi dây lên mái nhà, cách mặt đất hơn 2m bị nghiêng một góc khi vách tường sập. Ông Hoàng Tấn Trường (64 tuổi, bố anh Trọng) nhảy xuống nước, ghì chặt chiếc dây bị chùng, loay hoay tìm điểm tựa cột lại để sản phụ không bị mưa ướt, nguy hiểm tính mạng.

“Không thể cứ gồng người chống chọi như thế này được, phải vào nhà kiên cố thôi”, chị Đào nói với anh Trọng. Trong đêm tối, anh Trọng thuê một chiếc ghe máy, vốn là thuyền đánh cá của ngư dân vùng ven biển, di chuyển cả gia đình vào thành phố Đồng Hới cách đó 2km.

Anh Trọng sau đó quay lại căn nhà, khi đồ đạc nổi bập bềnh dưới nước lũ, mục đích để đẩy hơn 30 con gà trong đàn gần 200 con còn sống lên những vách nhà, cành cây cao. Ba con chó đứng tạm trên thành giường, hôm sau được đưa về nhà người thân gửi tạm. “Đây là lũ lớn nhất từ khi tôi sinh ra đến giờ”, anh nói.

Lượng mưa tại Quảng Bình từ 1h ngày 16 đến 17h ngày 20/10 tại trạm Trường Sơn là 1.380mm, Minh Hóa 1.410mm, Đồng Tâm 1.290mm… Vùng bị ngập nặng nhất ở Quảng Bình là huyện Lệ Thủy với hơn 32.000 ngôi nhà. Con số này của toàn tỉnh là hơn 105.000.

“Lũ năm nay đã vượt đỉnh lũ lịch sử năm 1979 lên đến 0,98m”, ông Trần Công Thuật, Chủ tịch tỉnh Quảng Bình, nói. Đỉnh lũ mà ông Thuật đề cập được đo ở trạm trên sông Kiến Giang (huyện Lệ Thủy). Năm 1979, mực nước lũ tại đây là 3,91m, còn năm nay là 4,89m và duy trì trong nhiều ngày.

“Lũ về trong đêm nên rất dữ dội. Đỉnh lũ quá cao làm một số nơi rơi vào tình trạng bị động”, ông Thuật nói. Trong đêm 19/10, hàng nghìn người dân ở hầu hết các huyện của tỉnh Quảng Bình cầu cứu bằng điện thoại và trên mạng xã hội.

Chưa kịp chôn cất thì nước lũ bất ngờ ập đến

Tại gia đình chị Lê Thị Trang (28 tuổi, ở đội 4, thôn Đại Phong, xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) phải treo quan tài người mẹ lên trần nhà tận 5 ngày vì nước lũ dâng cao. Mẹ chồng chị Trang năm nay 75 tuổi, qua đời hôm 17/10, phải đến sáng 22/10 mới được chôn cất.

Theo người nhà, gia đình gồm 7 anh chị em ở quây quần giữa một cánh đồng đang tất tả lo hậu sự thì nước lũ ập đến. Chỉ trong vòng vài giờ, nước đã dâng cao 2m, khi quan tài được kéo lên sát trần cũng là lúc nước ngoài đồng lẫn trong nhà mênh mông.

Mưa lũ cũng làm 2 đứa con trai 10 tuổi và 6 tuổi ở xã Thanh Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình đuối nước thương tâm hôm 18/10 khi tìm nơi trú ngụ vì nước lũ lên nhanh.

Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Bình, đợt lũ lịch sử này không chỉ “thiết lập” một đỉnh lũ mới, mà còn rút rất chậm. Đến sáng 21/10, mưa lũ vẫn đang chia cắt nhiều nơi trong tỉnh. Đời sống người dân gặp nhiều khó khăn khi phải sống trên gác sát mái nhà nhiều ngày, trâu, bò, lợn, gà, rau màu bị chết và hư hại.

Lý giải nguyên nhân khiến khu vực miền Trung có mưa triền miên dẫn đến lũ lịch sử trong những ngày qua, ông Trần Quang Năng cho biết đó là do ảnh hưởng của La Nina và tác động của biến đổi khí hậu với các hình thái thời tiết nguy hiểm như bão, không khí lạnh, gió mùa đông bắc… khiến thời tiết khu vực miền Trung đã cực đoan ngày càng khốc liệt hơn.

Tuy nhiên, có nhiều phân tích của các chuyên gia cho rằng thiên tai tại Việt Nam hiện nay và những năm gần đây ngày càng trầm trọng là do phá rừng và làm thủy điện.

Video: Vở kịch lớn trước Tết của Trung Quốc, khiến bao người chịu nạn

Nam sinh bị đuối nước: gia đình nói chèo bè đi nhận cứu trợ, xã nói đi thả lưới

Nam sinh bị đuối nước: gia đình nói chèo bè đi nhận cứu trợ, xã nói đi thả lưới
Ảnh tổng hợp.

Ngày 22/10, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một lãnh đạo xã Thạch Thắng (Thạch Hà, Hà Tĩnh) cho biết trên địa bàn vừa xảy ra vụ việc một nam sinh bị lũ cuốn tử vong.

Theo thông tin ban đầu, khoảng 16h chiều 21/10, em H.T.Q. (17 tuổi, học sinh Trường THPT Cẩm Bình, trú ở xã Thạch Thắng) chèo bè kết bằng cây chuối đi thả lưới đánh cá, cách nhà khoảng 400m thì bị lật bè, chìm xuống nước tử vong.

Sau 14 giờ tìm kiếm, đến 9h sáng 22/10, thi thể của em Q. đã được lực lượng chức năng tìm thấy và bàn giao cho gia đình tổ chức hậu sự.

Ngồi khóc cạnh thi thể con trai, bà Bùi Thị Thủy (51 tuổi, mẹ nạn nhân) vừa khóc vừa kể lại chiều hôm qua (21/10), sau nhiều ngày nhà bị lũ ngập sâu, con trai bà chèo bè đi lấy cơm cứu trợ.

Tuy nhiên, sau nhiều giờ không thấy con về bà linh tính có chuyện chẳng lành. Một lúc sau, bà nghe hàng xóm gọi nói con bà vừa bị lật bè nhưng do dòng nước lũ quá sâu, không có thuyền nên không ra cứu kịp.

Bà Thủy cũng khẳng định con bà đi lấy cơm cứu trợ nên bị đuối nước, vì trong nhà không có lưới đánh cá nên không thể đi thả lưới.

Chi 500 tỷ đồng cho 5 tỉnh miền Trung để ứng phó mưa lũ

Chính phủ Việt Nam ngày 22/10 cho biết sẽ cấp 500 tỷ đồng cho 5 tỉnh đang chịu thiệt hại nặng nề nhất do mưa lũ là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Quảng Nam. Ngoài ra, mỗi tỉnh cũng sẽ nhận 1.000 tấn gạo, cùng thuốc men, hóa chất khử trùng.

Theo thống kê đến hôm nay, mưa lũ đã làm 111 người chết, 28 người mất tích; gần 7.500 ha lúa bị ngập úng và hư hại, 6.000 con gia súc bị lũ cuốn trôi.

Những ngày qua có rất nhiều đoàn cứu trợ trên khắp cả nước đến rốn lũ miền Trung giúp đỡ đồng bào đang trong hoạn nạn.

Sáng 22/10, hàng trăm xe cộ đổ về ngã ba Cam Liên, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình, mang theo nhu yếu phẩm cứu trợ bà con vùng lũ khiến quốc lộ 1 bị ùn tắc cục bộ.

Ngã từ xe máy đang bốc đầu, 1 người chết

Theo báo Zing, tài xế điều khiển xe máy bốc đầu khiến nam thanh niên ngồi phía sau văng ra đường. Người này sau đó bị ôtô cán tử vong.

Cụ thể đêm 21/10, xe máy biển số 29H1-928.12 do Uông Tuấn Anh (17 tuổi) điều khiển chở theo Nguyễn Công Tới (19 tuổi, cùng trú tại trú tại Đan Phượng, Hà Nội) chạy trên quốc lộ 32 hướng về trung tâm thành phố.

Khi đến Km18+950 thuộc thị trấn Trạm Trôi, huyện Hoài Đức, tài xế điều khiển xe máy bốc đầu, đi bằng một bánh. Sau đó, xe này va chạm vào dải phân cách, khiến người ngồi sau bị bắn sang làn đường ngược chiều.

Lúc này, một ôtô đi tới cán qua người nạn nhân khiến Nguyễn Công Tới thiệt mạng tại chỗ.

Thêm 4 trường hợp mắc mới, Việt Nam có 1.148 ca bệnh Covid-19

Ngày 22/10, Việt Nam ghi nhận thêm 4 ca mắc Covid-19 đều là công dân Việt Nam trở về từ Angola, được cách ly ngay sau khi nhập cảnh san bay Vân Đồn. Hiện tại bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh. Nhu vậy Việt Nam hiện có 1.148 ca bệnh.

Related posts