Việt Nam hơn Sing, Mã, Thái theo viện Lowy

Cổ Nhuế

Việt Nam và Úc đều nằm trong một vùng có tên là Ấn Độ -Thái Bình Dương (Indo-Pacific). Ấn Độ-Thái Bình Dương là một vùng rộng lớn kéo dài từ đảo Madagascar phía Tây Châu Phi đến Nhật Bản phía Đông Á. Về mặt địa lý, Ấn Độ-Thái Bình Dương bao gồm 24 nước. Trong đó có Ấn Độ, Trung Cộng, Nhật Bản, Nam Hàn, Việt Nam, Úc và New Zealand, … Nhưng về chính trị và kinh tế, vùng này còn chịu ảnh hưởng từ Nga và Hoa Kỳ. Bạn đọc có thể hỏi: trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, nước nào mạnh nhất?

Thời sự hôm nay xin trả lời câu hỏi đó bằng cách dựa vào ‘Asia Power Index, bảng sắp hạng quyền lực ở châu Á’ do viện Lowy vừa phát hành. Bạn đọc có thể đọc bảng sắp hạng này tại https://power.lowyinstitute.org/

Trước hết, xin thưa với bạn đọc: khi nói nước này mạnh nước kia yếu thì chúng ta dựa vào một số tiêu chuẩn. Với viện nghiên cứu Lowy (có trụ sở tại Sydney) gọi là nước mạnh (hay yếu) là nước đó có tài nguyên và ảnh hưởng lên các nước khác nhiều ít. Đi vào chi tiết, viện Lowy đề ra 128 mục khi sắp hạng các nước trong vùng. 128 mục này gồm có sức mạnh quân sự, khả năng kinh tế, ảnh hưởng về mặt ngoại giao, ảnh hưởng về văn hoá, có khả năng ứng phó với hiện tại và đủ nguồn lực cho tương lai.

Trung Cộng qua mặt Hoa Kỳ

Xin nói ngay: tại Ấn Độ-Thái Bình Dương, mạnh nhất là Hoa Kỳ và Trung Cộng. Hai cường quốc này không những có tài nguyên to lớn nhất mà còn gây ảnh hưởng mạnh nhất trong vùng. Nếu coi 100 điểm là thống trị thì Hoa Kỳ đã đạt 81.6 điểm và Trung Cộng được 76.1. Từ năm 2018, viện Lowy theo dõi sức mạnh của các nước trong vùng. Năm nào Hoa Kỳ cũng mạnh nhất. Nhưng năm nay Trung Cộng thu hẹp khoảng cách quyền lực với Mỹ. Trước đây, Mỹ dẫn trước Trung Cộng 10 điểm. Nay chỉ còn 5.5 điểm. Nếu Mỹ cứ lùi và Trung Cộng cứ tiến thì chừng 10 năm nữa Trung Cộng dám qua mặt.

Đàng khác, vì bị con Corona cắn dữ quá, các nước trong vùng đều mất khả năng phát triển kinh tế; trong khi đó Trung Cộng nhanh chóng phục hồi – nên ngày nay nhiều nước không còn đủ sức đẩy lùi đà ảnh hưởng của Trung Cộng.

Trong 8 lãnh vực được viện Lowy cân nhắc khi cho rằng nước này mạnh, nước kia yếu, Trung Cộng đứng hạng nhất các lãnh vực: buôn bán rộng, có nguồn lực dồi dào,  kinh tế mạnh, ảnh hưởng trên trường ngoại giao. Trung Cộng đứng hạng nhì về khả năng quân sự và ảnh hưởng văn hoá. Đứng hạng ba về ứng biến với hoàn cảnh hiện tại. Nhưng yếu nhất của Trung Cộng (đứng hạng 8) là ít liên minh quân sự với các nước khác.

Riêng trong năm nay, Trung Cộng đẩy mạnh nhất về mặt văn hoá. Trung Cộng được thêm 3.6 điểm về các hoạt động mở rộng tầm ảnh hưởng văn hoá ra các nước trong vùng. Trung Cộng cũng buôn bán rộng hơn (thêm 1.4 điểm) và mở rộng ngoại giao. Ngày nay Trung Cộng ngoại giao rộng hơn cả Nhật Bản. Sau ngoại giao, Trung Cộng tiến triển mạnh về quân sự vì đang tranh chấp lãnh thổ với 11 nước trong vùng và giữ phần phòng thủ cho ba nước Cambodia, Pakistan và Bắc Hàn.

Úc mở rộng văn hoá và quân sự

Năm nay, trong số các nước được coi ngày càng mạnh hơn tại Ấn Độ-Thái Bình Dương, có Úc (hai nước kia là Việt Nam và Đài Loan). Úc vượt qua Nam Hàn và đứng thứ sáu tại Ấn Độ-Thái Bình Dương. Úc được 32.4 / 100 điểm.

Về đối ngoại, Úc mạnh hơn là nhờ gây ảnh hưởng rộng lớn hơn về mặt văn hoá và mở rộng hợp tác về quốc phòng với các nước trong vùng. Úc chỉ có một quân đội nhỏ bé nhưng rủi trong vùng có chiến tranh thì Úc dư sức thủ thân nhờ mở rộng nhiều hợp tác với Hoa Kỳ các nước trong vùng (trong đó có Ấn Độ, Nhật Bản, Indonesia và Việt Nam).

Thế mạnh tuyệt đối của nước Úc ở tại Úc không tranh chấp lãnh thổ với nước nào. Ngược lại Úc thu hút đông sinh viên trong vùng tìm đến cầu học, buôn bán với nhiều nước và mở rộng nhiều liên minh quân sự.

Trong năm nay, Úc tiến triển mạnh nhất là ở những lãnh vực văn hoá, ngoại giao và thương trường. Úc gây được ảnh hưởng mạnh về văn hoá (tăng 4.1 điểm). Úc tăng thêm 3.1 điểm trên thương trường nhờ buôn bán rộng hơn với nhiều nước. Kế tiếp, Úc còn mở rộng thêm tầm ngoại giao (tăng 2.2 điểm). Ấy là chưa kể đến những liên minh quân sự Úc đã ký kết (tăng 1.4 điểm). Nói về liên minh quân sự, Úc đứng hạng nhì (chỉ thua Hoa Kỳ).Tuy nhiên trong năm qua, Úc đã xuống hạng về khả năng quân sự (xuống 1.2 điểm) và bớt lanh lợi khi ứng phó với hoàn cảnh hiện tại (mất 0.9 điểm).

Việt Nam hơn Đài Loan

Hà Nội luôn luôn muốn ‘hơn Thái, hơn Sing, hơn Đài’. Với ý muốn này, chỉ số quyền lực năm 2020 của viện Lowy phải được tuyên giáo của Cộng Sản Việt Nam đưa lên trang nhất của báo lề phải. Việt Nam đã qua mặt được Đài Loan. Nhưng bốn nước Singapore, Thái Lan, Mã Lai và Indonesia vẫn ‘đội đầu đội cổ’ đỉnh cao trí tuệ.

Viện Lowy chia 26 nước tại Ấn Độ-Thái Bình Dương thành bốn nhóm: 1. Siêu cường (super powers): Hoa Kỳ và Trung Cộng. 2. Cỡ lớn (Major power) : Nhật Bản. 3. Cỡ trung (middle powers): gồm có 14 nước trong đó có Úc và Việt Nam 4. Cỡ nhỏ (minor powers): gồm có 9 nước. Trong đó có Lào, Cambodia và Papua New Guinea.

Việt Nam được coi là nước mạnh cỡ trung và đứng thứ 12 trong vùng. Căn cứ vào chỉ số mạnh yếu của viện Lowy, Việt Nam được 19.2 / 100 điểm.

Trong năm nay, Việt Nam tăng thêm sức mạnh nhiều nhất trong lãnh vực ngoại giao (thêm 6 điểm), mở rộng mạng lưới quốc phòng (thêm 5.4 điểm), phát triển kinh tế (thêm 1.9 điểm), tạo được ảnh hưởng về văn hoá (thêm 0.4 điểm). Tiến triển mạnh nhất của Việt Nam là ngoại giao. Đáng ghi nhận là Việt Nam trong vai trò chủ tịch ASEAN đã giúp làm sống lại một thứ TTP (Trans-Pacific Patnership) giữa 11 nước Đông Nam Á. Một trong những sức mạnh của Việt Nam hiện hay là tham gia vào các cuộc đối thoại về quân sự. Việt Nam được 95.2 điểm về lãnh vực này và đứng hạng ba trong vùng (đồng hạng với Ấn Độ và chỉ thua Nhật Bản, và Hoa Kỳ). Việt Nam cũng được coi là nước mạnh về thu hút ngoại quốc đầu tư. Sau Trung Cộng, Hoa Kỳ, Ấn Độ là Việt Nam (sau Việt Nam là Úc).

Nhưng Việt Nam thụt lùi vì mất mối làm ăn buôn bán (mất 1.2 điểm), yếu hơn về quân sự (mất 0.4 điểm) và thiếu khả năng ứng phó với hoàn cảnh hiện tại (mất 0.2 điểm). Khả năng ứng phó với hoàn cảnh hiện tại là điểu yếu nhất của Việt Nam. Và nguy hiểm nhất cho Việt Nam là tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

Nước nhỏ mà có võ

Theo viện Lowy, một nước thành công không phải vì có nguồn lực dồi dào mà ở tại biết dùng nguồn lực để gây ảnh hưởng lên nước khác. Trong bảng sắp hạng các nước trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, viện Lowy chia 26 nước thành 2 nhóm.

1. Thành công: Đây là những nước gây ảnh hưởng mạnh hơn nguồn lực mình có trong tay. Gồm có Nhật Bản, Úc, Singapore, Nam Hàn, Thái Lan, Mã Lai, Việt Nam, New Zealand, Phi Luật Tân, và Indonesia.

2. Chưa thành công: Đây là những nước chưa gây ảnh hưởng xứng với nguồn lực của mình. Trong số này có Trung Cộng, Hoa Kỳ, Đài Loan, và nước ở cuối bảng là Bắc Hàn.

Như vậy không cứ nước nhỏ thì yếu. Coi chừng những nước … ‘nhỏ mà có võ’ như ông bà mình thường nói. Sau cùng, ngày nay nước mạnh hay yếu không chỉ dựa vào quân sự và kinh tế mà còn ở tại những điều gọi là ‘sức mạnh mềm, soft power’ gồm có ngoại giao và văn hoá.

Cổ Nhuế

Hình: Trang bìa bàng sắp hạng các nước trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương do viện Lowy phát hành.

Diagram, engineering drawing

Description automatically generated

Related posts