Vũ Dương
Hòn đảo đã thực hiện công tác phòng chống virus corona trước khi chính quyền Trung Quốc phong tỏa thành phố Vũ Hán vào ngày 23/1.
Theo số liệu do Đại học Johns Hopkins tổng hợp, tính đến ngày 30/10, trên thế giới đã có khoảng 45 triệu ca nhiễm virus cúm Vũ Hán, với hơn 1,1 triệu ca tử vong. Tuần này, Hoa Kỳ đã lập kỷ lục mới với hơn 88.000 số ca lây nhiễm mới chỉ trong một ngày, Pháp và Đức đều thiết lập các biện pháp phong tỏa mới, theo bài viết trên trang RTI.
Trong khi nhiều quốc gia trên thế giới đang oằn mình để chống lại làn sóng bùng phát thứ hai của đại dịch viêm phổi Vũ Hán, thì trên mảnh đất Đài Loan không có ca nhiễm địa phương nào trong 200 ngày liên tiếp, hiệu quả phòng chống dịch của đất nước này có thể nói là một kỳ tích.
Báo cáo cho hay, ca lây nhiễm với người dân bản địa gần đây nhất của Đài Loan là vào ngày 12/4. Đài Loan, đất nước với dân số 23 triệu người, cho đến nay chỉ có 55 ca nhiễm bản địa, 7 ca tử vong. Tính đến cuối ngày 31/10, tổng số ca bệnh được ghi nhận tại nước này là 555 ca, phần lớn đều là những người đến từ nước ngoài.
Đài Loan chống dịch xuất sắc nhờ ứng phó mau lẹ
Báo cáo nhấn mạnh rằng kể từ khi dịch bùng phát, Đài Loan chưa từng áp dụng các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt, cũng không hạn chế các quyền tự do của người dân một cách cực đoan để phòng chống dịch như bên Trung Quốc. Phương pháp ứng phó dịch bệnh của Đài Loan chủ yếu tập trung vào tốc độ ứng phó mau lẹ nhất có thể.
Ngay từ ngày 31/12 năm ngoái, nhà chức trách Đài Loan đã bắt đầu xét nghiệm virus đối với hành khách trên các chuyến bay từ thành phố Vũ Hán đến Đài Loan. Vào thời điểm đó, dịch bệnh viêm phổi ở Vũ Hán được coi là tin đồn và các báo cáo liên quan còn hạn chế.
Khi Đài Loan ghi nhận ca lây nhiễm đầu tiên vào ngày 21/1, chính phủ Đài Loan ngay lập tức cấm người dân Vũ Hán nhập cảnh vào đất nước này, đồng thời kiểm tra bắt buộc đối với tất cả hành khách đến từ Trung Quốc, Hồng Kông và Ma Cao.
Tất cả đều đã được thực thi trước khi chính quyền Trung Quốc phong tỏa thành phố Vũ Hán vào ngày 23/1.
Vào tháng 3, Đài Loan thậm chí cấm tất cả du khách nước ngoài nhập cảnh vào đất nước này, ngoại trừ các nhà ngoại giao, cư dân và những người có thị thực nhập cảnh đặc biệt.
Chính phủ Đài Loan cũng đã kích hoạt Trung tâm Chỉ huy Phòng chống Dịch bệnh Trung ương được thành lập sau vụ dịch SARS để điều phối các hoạt động phòng chống dịch của các bộ ngành khác nhau.
Ngoài ra, chính phủ Đài Loan đã chỉ đạo mở rộng sản xuất khẩu trang và các trang thiết bị bảo hộ y tế khác để đảm bảo nguồn cung ổn định, đồng thời đầu tư lượng lớn tài nguyên để tiến hành xét nghiệm sàng lọc trên quy mô lớn, truy tìm tung tích của những ai có lịch sử tiếp xúc gần với bệnh nhân một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Cựu Phó Tổng thống Đài Loan Trần Kiến Nhân nói rằng việc phong tỏa không phải là cách thức lý tưởng để phòng chống dịch, việc sàng lọc trên quy mô lớn mà Trung Quốc áp dụng là không cần thiết. Trung Quốc đã từng sàng lọc hàng triệu người mắc bệnh viêm phổi ở thành phố Vũ Hán, nhưng chỉ một số rất ít trường hợp lây nhiễm được phát hiện.
Ông Trần Kiến Nhân chỉ ra: “Để kiểm soát dịch Covid-19, cách tốt nhất là truy tìm người ai có lịch sử tiếp xúc gần với bệnh nhân một cách cẩn thận, sau đó cách ly nghiêm ngặt những người tiếp xúc gần”.
Đài Loan chống dịch xuất sắc nhờ không tin ĐCSTQ
Từ lâu, quan điểm của giới lãnh đạo Đài Loan rất rõ ràng. Tổng thống Thái Anh Văn từng phát biểu: “Bắc Kinh là mối đe dọa lớn nhất đối với xã hội tự do và dân chủ ở Đài Loan”. Việc người dân Đài Loan nhìn rõ mối đe dọa từ Trung Quốc giúp họ có thái độ đúng đắn với virus Vũ Hán ngay từ rất sớm.
Đầu tháng 3 năm nay, trong khi phần lớn thế giới đang bị phong tỏa nhằm ngăn chặn virus Vũ Hán, cuộc sống hàng ngày ở Đài Loan vẫn tiếp tục gần như bình thường với hầu như không có bất kỳ hạn chế nào.
Việc Đài Loan xử lý đại dịch viêm phổi Vũ Hán tốt hơn nhiều so với hầu hết các quốc gia trên thế giới đã khiến không ít chuyên gia ngạc nhiên.
Ngày 18/3, trong một cuộc phỏng vấn với tờ The Epoch Times tại Đức, ông Tạ Chí Vỹ (Jhy-Wey Shieh), đại diện chính phủ Đài Loan ở Đức nói rằng, điều khiến hòn đảo thành công khi đối phó với virus Vũ Hán là nhờ việc không tin ĐCSTQ.
Thời điểm đó, theo các chuyên gia, Đài Loan là nơi phải đối mặt với nhiều yếu tố bất lợi trong việc phòng chống đại dịch. Gần với Trung Quốc đại lục, hàng triệu người Đài Loan đến và đi Trung Quốc mỗi năm, thêm vào đó, quốc đảo này đã bị loại khỏi hầu hết các tổ chức quốc tế, bao gồm Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) do áp lực từ Bắc Kinh.
Tuy nhiên, ông Tạ cho rằng, chính “sự ngăn chặn này đã dạy cho chúng tôi, và đây là điều đã cứu sống người dân Đài Loan, rằng chúng ta cần phải dựa vào chính mình trước tiên”, và đó là yếu tố quan trọng nhất.
Ông Tạ nói rằng, Đài Loan đã học được cách đối phó với ĐCSTQ từ kinh nghiệm của đợt dịch SARS năm 2002 và 2003, Vào lúc đó, Bắc Kinh đã ngăn WHO hỗ trợ Đài Loan và ĐCSTQ đã cung cấp cho Đài Loan thông tin không chính xác về dịch bệnh. Điều này khiến cho 73 người Đài Loan phải mất mạng.
“Bất kỳ thông tin nào nhận được từ Bắc Kinh, các vị nên phải được xác minh trước khi kết luận đó có phải là sự thật hay không”, ông nói. “Đây là một chế độ độc đoán, nếu không muốn nói là độc tài có hệ thống và đó là đặc điểm của một chế độ đặt sự ổn định lên trên sự thật”.
Khi ĐCSTQ lần đầu tiên báo cáo về virus, Đài Loan đã sớm gửi một nhóm y tế đến Vũ Hán để tìm hiểu thực tế. Trong khi ĐCSTQ nói rằng sẽ không có sự lây truyền virus từ người sang người, Đài Loan đã không tin và bắt đầu chuẩn bị cho tốt mọi động thái cần thiết và luôn trong tư thế sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh bất cứ lúc nào.