Phạm Đức Đồng Hùng
Sau vụ chặt đầu giáo viên Samuel Paty vào ngày 16 tháng Mười tại vùng ngoại ô Conflans-Sainte-Honorine của Paris thì chưa đầy hai tuần sau (29.10.2020) lại xảy ra vụ tấn công tại thành phố du lịch Nice ở miền nam nước Pháp, khiến ít nhất 3 người thiệt mạng.
Cuộc khủng hoảng này phát sinh từ những bức biếm họa ra đời năm 2005, bùng nổ thành cuộc khủng hoảng toàn cầu năm 2006, đến năm 2015 lại nổi lên với vụ tấn công khủng bố tại Paris và nay thì tái diễn.
Nước Pháp đang bị thế giới Hồi giáo tẩy chay nhưng được cả khối Liên Âu đứng chung chiến hào, bày tỏ sự ủng hộ; phải chăng đây là cuộc xung đột giữa hai nền văn minh? Để hiểu tận gốc vấn đề, chúng ta hãy trở lại với căn gốc của vấn đề: những thế lực độc tài, toàn trị và giáo điều luôn sợ bị chế giễu!
Phản ứng từ sự sợ hãi
Cuộc khủng hoảng hiện tại phát sinh năm 2005. Lúc đó nhà văn chuyên về đề tài thiếu nhi Đan Mạch Kare Bluitgen soạn một tập truyện hình về cuộc đời của Mohammed nhưng không tìm đâu ra người minh hoạ.
Nhưng đạo Hồi lại cấm vẽ chân dung giáo chủ của mình, cũng như Cựu Ước của Thiên Chúa Giáo cấm thờ ảnh tượng trong 10 điều răn của Moses. Giữa lúc cuộc chiến chống khủng bố đang căng thẳng và các nhóm khủng bố Hồi giáo ở Âu châu có thể dụ dỗ những thiếu nữ Bỉ hoàn toàn da trắng tham gia đội quân đánh bom tự sát ở Iraq, các họa sĩ minh họa chuyên nghiệp không dám nhận lời.
Thấy vậy nhà báo Flemming Rose – chủ biên mục văn hoá của nhật báo Jyllands-Posten- mới bực mình, muốn làm cái gì đó phá tan sự sợ hãi. Ông liên lạc với giới hoạ sĩ biếm hoạ đang và đã từng cộng tác với mình để đặt hàng và thu nhận sự cộng tác của 40 hoạ sĩ cộng tác viên. Đến tháng 9 năm 2005 ông đã chọn và cho đăng 12 bức biếm họa xem là “hay” nhất về Mohammad.
Trong 12 bức này, có bức diễn tả Đấng Tiên Tri vĩ đại với cái khăn quấn theo hình trái bom đã châm ngòi trên đầu. Có bức diễn tả Đấng Tiên Tri ló mặt ra từ một đám mây ở trên trời, nói vọng xuống dưới như nhắn gởi với lũ tín đồ đang lăm le “tử vì đạo”, tạm dịch: “Stop, stop, stop. Trên này hết gái trinh rồi”. Như vậy bức biếm hoạ này đã nhại theo một “huyền thoại” của Tổ chức khủng bố al-Qaede của bin Laden, theo đó những chiến sĩ tử đạo sẽ được thưởng công bằng 72 trinh nữ xinh đẹp trên thiên đường.
Dĩ nhiên những bức tranh này đã làm tín đồ Hồi giáo sống ở Ðan Mạch bầm gan tím ruột. Tuy nhiên câu chuyện có lẽ cũng sẽ đi dần vào quên lãng nếu không có một phái đoàn giáo sĩ đạo Hồi ở Ðan Mạch mang những hình ảnh này đi khắp nơi trên thế giới tố khổ, để nói với đạo hữu của mình: “Hãy xem đây, bọn tà đạo này đã báng bổ niềm tin của chúng ta như thế này đây!”
Vớ được tin này, al-Qaida và quân Taliban cùng các phần tử Hồi giáo cực đoan khắp nơi đã khai thác ngay để kích động các vụ khủng bố và đánh bom tự sát. Đầu năm 2006 thì những tranh biếm họa này thực sự biến thành “cuộc khủng hoảng toàn cầu”, khiến Liên hiệp quốc, EU và Tổ chức hội nghị Hồi giáo cũng đã kêu gọi mọi người giữ bình tĩnh trong khi thế giới Hồi giáo tuyên bố tẩy chay hàng hóa Đan Mạch.
Không nhượng bộ quyền tự do ngôn luận
Lúc đó dường như chỉ có báo chí Pháp ngửng cao đầu với tinh thần tự do ngôn luận tuyệt đối, do đó bị xem là “tiếp tục gây hấn với cộng đồng Hồi giáo”.
Nổi bật nhất là tạp chí trào phúng Charlie Hebdo, một tạp chí nêu cao quyền lực thế tục và không tiếc lời chỉ trích tôn giáo, từ cả Hồi giáo cực đoan lẫn Công giáo bảo thủ. Đầu năm 2006, giữa cao trào của cuộc khủng bố, tạp chí này đăng lại trọn bộ các tranh châm biếm nói trên.
Ngay sau đó các nhân viên tạp chí liên miên bị dọa giết và năm 2011 trụ sở tòa soạn bị phóng hỏa, cuối cùng là vụ tấn công chấn động năm 2015. Trưa ngày 7.1.2015 hai anh em người Pháp gốc Algeria, Saïd và Chérif Kouach tấn công vào đây, bắn chết 21 người, trong đó có nữ ký giả Elsa Cayat, tuy nhiên sau đó tha mạng cho một nữ ký giả khác, tuyên bố với cô rằng họ không giết phụ nữ. Sau cuộc truy lùng kéo dài hai ngày, hai tay súng đã bị bao vây ở một khu kỹ nghệ bên ngoài Paris và bị giết trong cuộc đấu súng với cảnh sát.
Hành động này không chỉ bị xem là khủng bố mà là tấn công vào tự do ngôn luận. Sau các vụ tấn công, lễ tưởng niệm được tổ chức khắp nơi trên thế giới, với nhiều người sử dụng khẩu hiệu “Je suis Charlie” (Tôi là Charlie). Ngày 10 và 11 sau đó các cuộc “Tuần hành Cộng hòa” diễn ra trên khắp nước Pháp nhằm vinh danh các nạn nhân và quyền tự do ngôn luận trên toàn quốc.
Một cách để khẳng định quyền tự do ngôn luận là không để tạp chí chết. Charlie Hebdo vẫn tiếp tục lịch trình xuất bản bình thường và ấn bản đầu tiên sau vụ tấn công ra ngày 13.1.2020 đã thể hiện thái độ thách thức khi tiếp tục sử dụng chân dung Mohammed làm trang bìa: nhà tiên tri khóc, tay cầm bích chương với hàng chữ “Tôi là Charlie”, trên đầu là hàng tít lớn “Tất cả đã được tha thứ”.
Chỉ vài phút sau khi phát hành tòan bộ 3 triệu số báo đã được bán sạch tại toàn bộ các sạp báo ở Pháp. Nhà xuất bản h nâng số phát hành từ 3 triệu lên 5 triệu và sau đó thêm 3 triệu nữa, tổng cộng có 8 triệu số báo bán ra. Số báo này còn được dịch ra năm thứ tiếng : Tây Ban Nha, Anh, Ả Rập cho ấn bản báo giấy, tiếng Ý và Thổ Nhĩ Kỳ cho ấn bản báo mạng, phát hành tại hơn 20 quốc gia.
Lúc đó tại Úc nguyên Thủ tướng Tony Abbott đã lên tiếng ca ngợi tạp chí này. Phát biểu trên Đài phát thanh 3AW vào sáng hôm sau ông Abbott bày tỏ: “Bây giờ thì tôi khá là thích bức biếm họa này – Tôi không chắc là tôi thích tất cả những gì mà đã sản xuất – nhưng bức biếm họa với hình Nhà Tiên tri Mohammed với dòng nước mắt chảy trên khuôn mặt nói rằng tất cả đã được tha thứ. Tinh thần tha thứ đó là những gì chúng ta đang cần và cần nhiều hơn trong thế giới hiện đại đầy hận thù này.”
Năm năm sau, tháng qua bức biếm họa này lại trở thành tâm bão với vụ chặt đầu giáo viên lịch sử Samuel Paty bên ngoài một trường học tại Pháp vào ngày 16.10.2020, sau khi ông đưa ra trước các học sinh những tấm ảnh biếm họa nói trên trong một bài giảng về tự do ngôn luận. Ngay sau đó Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gọi vụ tấn công này là “khủng bố” , tuyên bố đạo Hồi “đang gặp khủng hoảng” và đưa ra các biện pháp cứng rắn mới nhằm bảo vệ nước Pháp trước các phần tử Hồi giáo cực đoan.
Phản ứng của kẻ thiếu viễn kiến?
Bây giờ thì chưa nhưng có lẽ mai này những tín đồ Hồi giáo mới nhận ra cái sai của mình khi đã có phản ứng quá mức như vậy.
Những bức tranh châm biếm trên có thể đã đi vào quên lãng nếu phái đoàn giáo sĩ đạo Hồi ở Ðan Mạch không làm lớn chuyện. Và nó sẽ không thành biểu tượng của quyền tự do ngôn luận nếu không có các vụ đốt nhà, tàn sát và chém đầu kể trên.
Thứ nhất, là ngay trong thế giới Hồi giáo, trong khi bày tỏ sự phản đối của mình trước bức biếm hoạ, đa số những thành phần trí thức của thế giới Hồi giáo cũng lên tiếng phản đối và có giữ khoảng cách với làn sóng phản phản ứng mang tính bạo loạn của thế giơi Hồi giáo.
Thứ hai, bằng các phản đối thái quá như vậy, cộng đồng Hồi giáo tại các nước Tây phương đã tự đồng hoá mình với những tín điều buồn cười như “tử đạo sẽ được thưởng 72 trinh nữ trên thiên đường”.
Những phản ứng như thế sẽ làm người Hồi giáo bị nhìn với ánh mắt nghi kỵ. Lâu nay, người ta vẫn thừa biết rằng người Hồi giáo vẫn thường dạy dỗ con em rằng thế giới Tây phương là rác rưởi, là hạ cấp, là tà đạo, chỉ có niềm tin của họ mới là chân chính, là thượng đẳng. Chính vì vậy, bằng “cao trào” phản đối vừa qua, họ đã chứng minh một cách rất cụ thể là họ không thể nào hội nhập vào xã hội phương Tây và chắc chắn điều này sẽ càng khiến các chính quyền Tây phương lưu ý trong các chính sách di dân.
Không phải là tín đồ Thiên chúa giáo không bị xúc phạm niềm tin, vấn đề là phản ứng của họ hoàn toàn khác.
Năm 1997 khi Art Center ở Melbourne tổ chức triển lãm những tác phẩm của nhiếp ảnh gia Mỹ Andres Serrano, nguyên Tổng giám mục George Pell đã đưa trung tâm trên ra toà, đòi phải huỷ bỏ cuộc triển lãm. Lý do là trong số tác phẩm được trưng bày có Piss Chirst, chụp hình một thánh giá có tượng của Chúa Jesus ngâm trong lọ nước tiểu. Thế nhưng toà lại bảo vệ quyền “tự do ngôn luận” của Serrano và chỉ đến khi hai thanh niên tham dự cuộc triển lãm có hành động phá hoại, làm hư hại bức ảnh, nhà tổ chức mới rút bức tranh này đi.
Dĩ nhiên là hành động của hai thanh niên này đáng trách thế nhưng so ra thì cũng chỉ là giọt nước so với biển của trước hành động của những tín đồ Hồi giáo cực đoan.
Biếm họa và dân chủ
Đây không phải là lần đầu tiên nền chính trị Pháp ồn ào với tranh biếm họa.
Bức biếm hoạ nổi tiếng nhất trong lịch sử Pháp và có lẽ là cả nhân loại là bức biếm hoạ vẽ vua Louis-Philippe (1800-1862) của Pháp vào năm 1831. Ðây là giai đoạn mà nước Pháp trải qua nhiều xáo trộn: cuộc cách mạng dân quyền 1789-1799 và, sau giai đoạn làm mưa làm gió của Napoleon Bonaparte, đường phố Paris lại sục sôi với những khẩu hiệu cách mạng vào năm 1830, năm Louisi Philppe lên ngôi.
Lúc đó một nhà báo kiêm hoạ sĩ Charles Philipon, chủ bút tạp chí La Caricature, đã diễn tả Louis-Philippe như một trái lê: trong tiếng Pháp, trái lê là “la poire” còn có nghĩa là “người đần độn” và điều này đã ảnh hưởng sang tiếng Anh khi diễn tả ai đó đần độn, người Anh có thể sử dụng từ ghép “pear-shaped”.
Bức biếm họa này nhanh chóng trở thành biểu tượng của Louis-Philippe, một ông vua không mấy tài năng và hoàn toàn không được lòng dân. Người ta chế diễu ông ta bằng cách nặn những trái lê bằng sáp để bán như những vật kỷ niệm gởi gắm những thông điệp chính trị, rồi hình trái lê xuất hiện khắp nơi, từ các bức biếm hoạ khác hay các bức tranh vẽ bậy trên tường.
Tức giận, Louis-Philippe kiện Charles Philipon ra toà vì tội mạ lỵ và kết quả là bản án 6 tháng tù dành cho tác giả. Ðể trả đũa, tờ La Caricature liên tiếp đưa bản tin về vụ án này lên trang mặt, và trình bày bản tin theo hình trái lê.
Ðến lúc này thì Louis-Philippe mới biết mình dại: cả Âu châu lúc này, có lẽ còn giữ lại mối thù bị Napoleon hành hạ, đã liên tiếp khai thác đề tài “vua lê”. Họ không chỉ in lại bức biếm hoạ mà thay vì gọi tên Louis-Philippe, họ chỉ đơn giản gọi ông là “Vua Trái Lê”: tự Louis-Philippe đã biến mình thành trò cười cho thiên hạ.
Khi Louis-Phillipe bị đem ra chế diễu là ông vua ngu vào năm 1831 ông ta đường đường là một ông vua. Lúc đó nền quân chủ đã tái lập ở nước Pháp sau giai đoạn xáo trộn của Napoleon thế nhưng tinh thần dân chủ vẫn được tôn trọng: vua có thể không thích nhưng phải đem ra toà án. Và dù đã đem ra toà án, công chúng vẫn có cách này cách khác để bày tỏ “quyền ngôn luận” của mình.
Hãy xem trường hợp nhà nước giáo quyền Iran phản ứng với một bức biếm hoạ Iran của thế kỷ 20 hay 21.
Năm 1994 họ đưa hoạ sĩ Manouchehr Karimzadeh ra toà và tuyên phạt bị cáo 50 roi cộng với 12 tháng tù.
Tội trạng của hoạ sĩ ? Anh ta vẽ một bức biếm hoạ mỉa mai tình trạng xuống dốc của nền túc cầu Iran thế nhưng các quan toà buộc tội: nét mặt của cầu thủ trong tranh giống với khuôn mặt của lãnh tụ tinh thần Ayatollah Khomeini thời còn trẻ một cách “không thể chấp nhận được”. Thế nhưng sau khi Karimzadeh ra tù, chính quyền Iran càng cảm thấy “không thể chấp nhận được” với bản án cũ, thế là ngày15.10.2003 họ lại đưa anh ra toà lần nữa và lần này toà kết án tới 10 năm tù!
Nói chung, càng độc tài và càng giáo điều bao nhiêu, người ta càng kỵ tinh thần hài hước và kỵ tranh biếm hoạ bấy nhiêu. Với họ thì việc châm biếm, mỉa mai và chọc cười chỉ được nhắm vào kẻ thù.
Năm 2006, sau khi rộ lên vụ biếm họa Đan Mạch, nhà nước Iran lại hành động kiểu trẻ con, “phát động” phong trào vẽ tranh biếm hoạ nhắm vào Thiên chúa giáo và Do Thái giáo để trả thù, gọi là “thử thách quyền tự do ngôn luận Tây phương”. Sự thực thì điều này bằng thừa: để chứng tỏ mức độ khoan dung và tinh thần hài hước của mình, nhiều tờ báo đã đăng lại các tranh biếm hoạ ở Ðan Mạch vừa cho in những biếm hoạ diễn tả Jesu Christ, Ðức Phật, Maria v.v… Lần nữa, điều này cho thấy quan điểm một chiều và độc quyền của người Hồi giáo: độc quyền chân lý và độc quyền làm nạn nhân.
Ðộc quyền như vậy còn ngụ ý là độc tài. Và từ thái độ độc quyền trong niềm tin tôn giáo này, họ nhảy sang chính trị rất dễ dàng.
Sự thực thì không chỉ người Hồi giáo mà bất cứ ai chia sẻ chữ “độc”: toàn bộ những nhà nước độc tài như phát xít, cộng sản đều rất sợ những cái cười châm biếm: với họ, người dân chỉ được cười kẻ thù chứ không được cười mình.
Bởi vậy các hoạ sĩ biếm hoạ Ðức trong thời kỳ Quốc xã chỉ được vẽ tranh biếm hoạ để chế diễu người Do Thái và sau này là lực lượng đồng minh, họ không được động tới cả sợi lông chân của chế độ.
Tại Liên Sô, kể từ thập niên 20 trở đi, đã có hẳn một tạp chí chuyên về chuyện châm biếm mang tên Cá Sấu tuy nhiên mục tiêu của việc châm biếm phải là kẻ thù, từ Hitler, Mussolini, Himmler, Goebbels, Franco và sau đó là lãnh tụ của các nước Anh, Mỹ.
Tại Việt Nam, theo lời kể của tác giả Vũ Thư Hiên, thì vào thập niên 60 nhà báo Lưu Quý Kỳ đề nghị cấp trên cho phép ra một tờ báo châm biếm tương tự Cá Sấu của Liên Xô nhưng ông ta đã bị giới lãnh đạo “hắt nước lạnh” vào mặt. Như chúng ta thấy, không ai sợ sự châm biếm bằng những nhà độc tài bảo thủ và giáo điều: dù nắm chắc quyền lực trong tay, ê kíp lãnh đạo lúc đó là Lê Duẫn và Lê Ðức Thọ sợ rằng tạp chí này sẽ trở thành con dao hai lưỡi: biết đâu một bức tranh châm biếm kẻ thù cũng có thể khiến người dân nghĩ rằng đang nói tới mình thì sao?