Lan Bùi
Khi người dân đi bầu cho tổng thống Mỹ, lá phiếu của họ còn giúp định đoạt thành phần thẩm phán trong Tối Cao Pháp Viện, nhất là nếu Thượng Viện và Tổng Thống cùng một đảng. Lịch sử nước Mỹ đầy dẫy những trường hợp Hành Pháp và Lập Pháp đấu đá để giành nhau ảnh hưởng lên Tư Pháp.
TCPV qua các thời đại. Ngồi, từ trái: Horace Gray (1886), John Marshall (1899), William Howard Taft (1923), Tom C. Clark (1965), Ruth Bader Ginsburg (2010). Đứng, từ trái: William B. Woods (1886), George Shiras (1899), Thurgood Marshall (1970), Sandra Day O’Connor (1981). Nguồn: supremecourt.gov
Tối Cao Pháp Viện tại Hoa Kỳ thành lập sau khi Hiến Pháp của tân quốc gia được chuẩn thuận năm 1789. Ðiều 3 trong Hiến Pháp quy định nhánh Tư Pháp cần có một toà án liên bang cấp cao nhất. Do đó Quốc Hội đã ban hành đạo luật ‘Judiciary Act of 1789’ để thiết lập toà án tối cao đầu tiên, với số thẩm phán là sáu người. Tất cả đều do tổng thống George Washington đề cử. Sáu vị thẩm phán tối cao này đại diện cho sáu Circuit Court.
Sở dĩ toà án ngày xưa được gọi là Circuit Court là vì thời đó quan toà không ngồi một chỗ. Hàng năm họ phải đi quanh các địa phương trong khu vực mình chịu trách nhiệm để xử án, và thường được cả đoàn luật sư đi theo tháp tùng. Lộ trình của họ bao giờ cũng được sắp đặt trước và được gọi là “circuit”. Ngày nay tuy toà án di động không còn nữa, nhưng người ta vẫn giữ nguyên tên gọi hệ thống toà án liên bang là Circuit Court.
John Jay, chánh thẩm phán TCPV đầu tiên.
Thuở ban đầu toà án tối cao không có tên là Tối Cao Pháp Viện (TCPV) mà là một dạng toà kháng án cấp cao nhất, và những vị thẩm phán vẫn tiếp tục làm công việc xử án trong hệ thống Circuit Court đương thời. Thậm chí họ cũng chẳng có chỗ riêng để làm việc mà phải mượn một căn phòng trong Thượng Viện tại New York. Nhưng rồi theo thời gian TCPV lớn dần và biến thành một toà án đặc biệt chuyên xử các cuộc tranh cãi về những vấn đề cực kỳ quan trọng liên quan đến hiến pháp, dân quyền v.v.
Trong hai nhiệm kỳ đầu của George Washington, ông đề cử cả thảy 10 thẩm phán vào toà tối cao. Vị chánh thẩm phán (chief justice) thứ nhất của nước Mỹ là John Jay, một luật gia nổi tiếng đương thời. Trong số 6 vị thẩm phán đầu tiên có một nhân vật tên John Rutledge đến từ South Carolina. Làm việc trong TCPV chưa đầy hai năm, ông Rutledge xin từ chức năm 1791 để trở về quê nhận chức chánh thẩm phán cho toà án tiểu bang. Năm 1795 chánh thẩm phán John Jay từ chức vì được bầu làm thống đốc New York; khi ấy Thượng Viện đang nghỉ hè dài hạn. Ðể trám chỗ trống, Tổng thống Washington bổ nhiệm ông Rutledge vào chức chánh thẩm phán thay ông John Jay. Thượng Viện lúc bấy giờ do đảng Federalist nắm đa số. Tổng thống cũng thuộc đảng này.
Chín vị thẩm phán của TCPV năm 1894. Ảnh: C.M. Bell / Library of Congress
Làm chánh án mới được vài tuần, trong một bài diễn văn trước Quốc Hội vào tháng 7 năm 1795, ông Rutledge lên tiếng công kích hiệp ước Jay Treaty với Anh quốc đang được nhiều người trong đảng Federalist ủng hộ. Hành động này khiến nhiều người quay qua chống lại ông ta. Khi Rutledge được Washington chính thức đề cử vào tháng 12 năm 1795, Thượng Viện đã chống lại tổng thống và không chuẩn y, với số phiếu 10 thuận 14 chống. Rutledge trở thành vị thẩm phán tối cao đầu tiên bị Thượng Viện khước từ, và cũng là vị chánh thẩm phán ngắn hạn nhất trong lịch sử TCPV — chưa đầy nửa năm.
Trong mùa bầu cử 1800 giữa đương kim tổng thống John Adams và ông Thomas Jefferson, chánh thẩm phán Oliver Ellsworth (người kế nhiệm ông Rutledge) phải từ chức một tháng trước ngày bầu cử vì bệnh. Ghế ông bị bỏ trống. Sau khi Jefferson đắc cử nhưng chưa kịp nhậm chức, John Adams và Quốc Hội do đảng Federalist của ông cầm đầu đã gấp rút bầu John Marshall vào chức chánh thẩm phán. Ngay sau đó Quốc Hội còn ban hành đạo luật ‘Judiciary Act of 1801’ giảm số thẩm phán trong Tối Cao Pháp Viện từ 6 xuống còn 5 để chặn bớt ảnh hưởng của tân tổng thống Jefferson trước ngày chuyển giao quyền lực. Sau khi nhậm chức, một trong những việc đầu tiên Thomas Jefferson và đồng minh của ông trong Quốc Hội làm là … bãi bỏ đạo luật này, nâng số thẩm phán TCPV lên 6 trở lại.
Các cuộc đấu đá chính trị trong việc đề cử thẩm phán trong những thập niên sau đó đã giảm bớt phần nào dưới thời của chánh thẩm phán Marshall, người giữ chức vụ này cả thảy 34 năm — lâu nhất từ cổ chí kim. Nhưng sau khi ông Marshall qua đời năm 1835, Tối Cao Pháp Viện một lần nữa bị chính trị chi phối dưới thời Tổng thống John Tyler — người có thành tích tệ hại nhất trong việc đề cử thẩm phán vào TCPV.
Năm 1840 ông Tyler là phó tổng thống đầu tiên lên làm tổng thống sau khi William Henry Harrison mất bất thình lình khi mới nhậm chức có 31 ngày. Hiến Pháp Hoa Kỳ lúc đó chưa hiến định rõ ràng điều lệ kế nhiệm, nên ông Tyler không được xem là tổng thống chính danh. Thế nhưng ông vẫn nghiễm nhiên dọn vào Bạch Cung vì cũng chẳng có luật nào cấm. Tuy nhiên không mấy ai ưa hoặc nể phục John Tyler. Trong khi vị tổng thống tiền nhiệm được gần 60% cử tri bỏ phiếu ủng hộ thì ông Tyler không nhận được sự hậu thuẫn nào từ đảng Whig của mình. Nội Các của cố Tổng thống Harrison không thích John Tyler đến nỗi chưa đầy một năm ai cũng từ chức, trừ một người. Ông bị đảng Whig khai trừ, và năm 1843 Hạ Viện còn tìm cách đàn hạch để truất phế ông, nhưng bất thành. Trong bốn năm cầm quyền, ông Tyler đã năm lần đề cử người vào Tối Cao Pháp Viện, nhưng chỉ một thẩm phán duy nhất được Thượng Viện chuẩn thuận.
Trong những thập niên kế tiếp nước Mỹ dần bành trướng sang miền viễn Tây nên có nhu cầu mở thêm một số Circuit Court. Do đó số thẩm phán tại Tối Cao Pháp Viện cũng tăng theo. Khi thì 7, khi thì 8. Ðến thời Nội Chiến con số trồi sụt giữa 9 và 10. Sau khi Tổng thống Lincoln bị ám sát, phó Tổng thống Andrew Johnson lên kế vị và ngay lập tức gây xích mích với Quốc Hội. Ðể kiềm chế ông Jackson, Quốc Hội giảm số thẩm phán Tối Cao Pháp Viện xuống 7, không cho ông đề cử thêm người vào đấy. Andrew Jackson cũng là tổng thống đầu tiên bị Hạ Viện đàn hạch, nhưng Thượng Viện đã không truất phế ông.
Sandra Day O’Connor, nữ thẩm phán đầu tiên do Tổng thống Reagan đề cử, nhận huy chương Freedom Medal từ Tổng thống Obama năm 2009. Ảnh: J. Applewhite/AP
Trong thời kỳ Tái Thiết sau Nội Chiến, vào năm 1869 Quốc Hội một lần nữa tăng số thẩm phán Tối Cao Pháp Viện lên 9 người, và con số đó đã không thay đổi từ đó tới nay. Tuy nhiên, Tối Cao Pháp Viện vẫn luôn là nạn nhân của chính trị đảng phái. Trong thập niên 1930, chương trình New Deal do tổng thống Franklin Roosevelt đề xuất hòng vực dậy nền kinh tế sau cơn Ðại Khủng Hoảng đã gặp phải nhiều sự chống đối từ khối hữu khuynh, kể cả trong Tối Cao Pháp Viện. Vì lý do đó, ông đề nghị tăng số thẩm phán lên 15 nhằm đưa thêm người thuộc phe tả khuynh vào để cân bằng TCPV, nhưng ý kiến này đã không được hậu thuẫn bởi đa số.
Cuộc tranh giành quyền lực gián tiếp qua TCPV vẫn tiếp tục xảy ra đều đặn cho tới ngày nay. Trong mùa bầu cử 2016, Thượng Viện đã chặn không cho tổng thống thuộc đảng đối lập đề cử người thay thế một vị thẩm phán qua đời 9 tháng trước ngày bầu cử, với lý do không có tiền lệ thay thẩm phán trong những năm có bầu cử nếu tổng thống không đồng đảng. Gần đây nhất, Thượng Viện vừa mới chuẩn y một vị tân thẩm phán vào TCPV chỉ tám ngày trước ngày bầu cử — và với tỉ số thuận sít sao 52-48, bà Amy Coney Barrett không nhận được phiếu thuận nào từ đảng đối lập. Trong bối cảnh chính trường hiện nay, bất luận ai đắc cử tổng thống năm 2020, Tối Cao Pháp Viện sẽ là vùng chiến địa giữa hai chánh đảng trong nhiều năm tới.