nhạc sĩ Lê Dinh – tác giả của Tình yêu trả lại trăng sao, Chiều lên bản thượng, Cánh thiệp đầu xuân (viết với Minh Kỳ) vừa qua đời ở Canada vào ngày 9.11 (giờ địa phương), thọ 86 tuổi.
Nhạc sĩ Lê Dinh tên đầy đủ là Lê Văn Dinh, sinh năm 1934 tại Gò Công (nay là Tiền Giang). Ông từng làm việc tại Đài Phát thanh Sài Gòn trước khi định cư ở Canada.
Ông bắt đầu sáng tác từ năm 1956, được biết đến và nổi tiếng với những nhạc phẩm: Tình yêu trả lại trăng sao, Chiều lên bản Thượng, Cánh thiệp hồng, Ngang trái, Xác pháo nhà ai, Thương một đời hoa… và Cánh thiệp đầu xuân, Hạnh phúc đầu xuân, Tuổi học trò (viết cùng nhạc sĩ Minh Kỳ), Cánh buồm chuyển bến (cùng Hoài Linh), Mùa thu lá bay 2, Nếu hai đứa mình (với Anh Bằng)…
Trong thời gian làm việc tại Đài Phát thanh Sài Gòn, nhạc sĩ Lê Dinh quen biết nhạc sĩ Minh Kỳ và đó là lý do của sự ra đời những nhạc phẩm họ viết cùng nhau. Sau đó, ông quen với nhạc sĩ Anh Bằng và cùng nhau lập nhóm nhạc Lê Minh Bằng (Lê Dinh – Minh Kỳ – Anh Bằng).
Chia sẻ trong chương trình gần đây do một nghệ sĩ hải ngoại thực hiện về ông, nhạc sĩ Lê Dinh cho biết về lý do thành lập, cũng như các tên của nhóm mà không phải ai cũng biết: Khi quen với nhạc sĩ Minh Kỳ và nhạc sĩ Anh Bằng, mỗi người đã có một số tác phẩm riêng của mình. Nhưng ông nghĩ, cứ viết chung hai người (giữa ông với Minh Kỳ hay với Anh Bằng) thì không hay hơn, không mạnh hơn là cả ba người cùng hợp với nhau sáng tác, lấy tên là Lê Minh Bằng. Và có một điều không phải ai cũng biết, là ngoài biệt danh Lê Minh Bằng, nhóm 3 nhạc sĩ còn có gần 20 tên khác như: Mạc Phong Linh, Mai Thiết Lĩnh (ký dưới ca khúc Chuyện tình Lan và Điệp 1-2-3), Mai Bích Dung (ký dưới bài Linh hồn tượng đá), Dạ Cầm, Trúc Ly, Dạ Ly Vũ, Vũ Chương, Tôn Nữ Thụy Khương, Phương Trà, Giang Minh Sơn, Nhật Nguyệt Hồ….
Lời của nhạc sĩ Lê Dinh:
Tôi được sinh ra tại làng Vĩnh Hựu, Gò Công; Cha là nhà giáo, Mẹ nội trợ. Thuở nhỏ, tôi học trường Gò Công; sau đó lên Mỹ Tho học trường Collège Le Myre de Vilers rồi học trường Cao Đẳng Vô Tuyến Điện (Ecole Supérieure de Radio Electricité) tại Saigon.
Thời gian theo học trường Cao Đẳng Vô Tuyến Điện, tôi học hàm thụ âm nhạc tại trường École Universelle de Paris, Pháp.
Năm 1954, tôi tốt nghiệp trường Cao Đẳng Vô Tuyến Điện; vì chưa có việc làm, tôi dạy Pháp văn và âm nhạc tại các trường tư thục ở Gò Công và Chợ Lớn.
Năm 1956, tôi làm việc tại Đài Phát Thanh Saigon cho đến đầu năm 1975, với chức vụ Chủ Sự Phòng Sản Xuất (Production Section) rồi Phòng Điều Hợp (On Air Section) của Đài.
Vì lý do riêng, tôi xin nghỉ việc từ ngày 01-01-1975 cho nên sau khi Cộng Sản chiếm miền Nam, tôi không được “hân hạnh” đi học tập cải tạo.
Từ sau ngày 30-04-1975 tôi bị tù ở trại Phan Đăng Lưu vì vài lần vượt biên bị thất bại; nhưng vì tôi ghi nghề nghiệp là bán thuốc Tây cho nên cũng không bị đưa đi cải tạo.
Đến năm 1978 tôi vượt biên thành công.
Trong suốt 9 năm thành lập nhóm Lê Minh Bằng, chúng tôi sống với nhau rất vui vẻ, hòa thuận. Tôi là người miền Nam, anh Minh Kỳ là hoàng tộc, còn anh Anh Bằng, từ một làng xa xôi tận miền ranh giới Việt Trung; Nam Trung Bắc hợp thành một nhóm rất hài hòa.
Một kỷ niệm đáng nhớ nhất là nguồn gốc của bài Linh Hồn Tượng Đá mà đôi lần tôi đã kể cho thính giả và độc giả nghe: Một cuối tuần, anh Minh Kỳ, anh Anh Bằng và Lê Dinh rủ nhau ra Vũng Tàu chơi cho khuây khỏa và cũng để tìm cảm hứng sáng tác. Khi xe chúng tôi đến bãi Trước, chỗ Ty Bưu Điện, chúng tôi thấy ba cô gái mặc áo dài đang đi dưới nắng trưa nóng của Vũng Tàu. Anh Anh Bằng lái xe. Anh Minh Kỳ ngồi phía trước. Bất ngờ anh Minh Kỳ nói với anh Anh Bằng: “Bằng, Bằng dừng xe lại cho ba cô đó lên xe đi chung với mình. Tội quá, nắng chư vầy mà 3 cô đi bộ tội nghiệp quá!” Vì tính hơi nhác, anh Anh Bằng bảo: “Thôi, ông đi đi, tôi không đi đâu”. Anh Minh Kỳ nói: “Thôi, dừng xe lại để ‘moi’ đi cho”. Nói rồi, anh Minh Kỳ xuống xe và không biết anh Minh Kỳ nói gì với 3 cô đó mà 3 cô vui vẻ, đồng ý lên xe. Vì phía băng trước có anh Minh Kỳ ngồi, cho nên 3 cô phải ngồi ở băng sau với tôi. Tôi hỏi tên 3 cô và tại sao đi bộ dưới nắng trưa như vậy? Cô ngồi kế bên tôi cho biết cô tên là Mai, cô kế là Bích và cô bên kia là Dung. Tất cả 3 cô đều là sinh viên Khoa Học, đi Vũng Tàu tìm con sứa để về trường thí nghiệm.
Chúng tôi chở 3 cô ra bãi Sau, mời 3 cô vào quán dùng cơm trưa. Ăn xong, 3 cô xuống mé biển tìm sứa. Sau đó chúng tôi đưa 3 cô ra bến xe Vũng Tàu trở về Saigon. Đêm đó chúng tôi về khách sạn, anh Anh Bằng là người đề xướng việc viết bài Linh Hồn Tượng Đá, lấy tên tác giả – tên của 3 cô ghép lại – là Mai Bích Dung. Chúng tôi cùng hòan tất bài Linh Hồn Tượng Đá ngay đêm đó. Mặc dù, trong bài có câu “Không bao giờ gặp lại lần thứ hai”, nhưng thật ra chỉ đúng với tôi và anh Minh Kỳ thôi; còn anh Anh Bằng thì, sau khi nhạc khúc được in ra, anh Anh Bằng mang đến trường, tặng 3 cô, mỗi người một bổn.
Bây giờ, nửa thế kỷ sau, tôi được biết, qua cô Mai – tên thật là Mai Xuân Lan – hiện đang ở tiểu bang Ohio, thành phố Cleveland; cô Dung còn ở Việt Nam; và cô Bích cư ngụ tại tiểu bang Arizona. Chỉ có cô Mai Xuân Lan thỉnh thoảng liên lạc với tôi.