Tùng Giang (1940-2009) là một nhạc sĩ nhạc trẻ ở Miền Nam Việt Nam và sau 1975 sang định cư ở Hoa Kỳ. Tên thật là Phạm Văn Lượng, sinh ngày 17 tháng 11 năm 1940 tại Campuchia, nhưng thời niên thiếu lại sống ở thành phố Nha Trang. Xuất thân từ một gia đình nghệ sĩ (mẹ Tùng Giang là Cô Ba Được, một đào hát cải lương rất nổi tiếng thuở đó)
Nhạc sỉ Lê Minh đã viết về Tùng Giang như sau :
“ Năm 1956, thiếu niên 15 tuổi Tùng Giang là trưởng ban văn nghệ trường trung học Võ Tánh Nha Trang. Anh đánh trống kiêm quản thủ nhạc cụ của nhà trường. Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ lúc đó, từ Sàigòn bay ra Nha Trang tổ chức Ðại Nhạc Hội “Thùy Dương”, mang theo các nghệ sĩ lừng danh như Hồng Phúc, Thúy Nga, Thanh Thoại, Thùy Hương, Hoàng Thi Thao, Nghiêm Phú Phi… Tại đây, nhạc sĩ họ Hoàng biết được trường Võ Tánh có một bộ trống “xịn” và qua môi giới của một giáo sư bạn, ông tới nơi với ý định mượn bộ trống tăng cường cho đại nhạc hội. Từ duyên cớ trên, ông bầu họ Hoàng gặp chú bé Tùng Giang 15 tuổi đang chơi trống một cách say xưa. Với con mắt nhà nghề, nhìn cách “khua” trống của Tùng, ông nhận ra ngay một tài năng thời kỳ trứng ấp. Nên thay vì chỉ mượn trống, ông mời luôn “trống sĩ” Tùng Giang đến thao diễn.
Lần đầu tiên giáp kiến với các nghệ sĩ tay tổ của Sàigòn, lại được mời chơi chung, Tùng Giang rét quá, ngẩng người bối rối tới không dám cười và hỏi lại nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ: “Chơi hay thiệt vậy anh?” Là một nghệ sĩ dày dặn kinh nghiệm, nhạc sĩ họ Hoàng cười thay cho câu trả lời. Bấy giờ Tùng Giang mới dám hé môi đáp lễ. Anh Hoàng Thi Thơ kể: “Nụ cười đó mang đầy tính chinh phục, chứa một cá biệt độc đáo, tới độ, nếu che hết khuôn mặt hắn, chỉ chừa nụ cười cũng biết hắn là ai”.
Tuy nhiên thành tích đáng kể nhất của nhạc sĩ Tùng Giang chính là sự khai phá ra kỹ nghệ “phòng thu âm” các tác phẩm âm nhạc cho cộng đồng người Việt tại hải ngoại sau năm 1975. Có thể nói Tùng Giang là người đi tiên phong trong lãnh vực này, anh đã có công phổ biến và lưu truyền các tác phẩm giá trị của Việt Nam trong những thập niên đầu kể từ khi kỹ thuật và máy móc còn rất thô sơ. Nhưng cũng chính nhờ vậy mà nền âm nhạc VN tại hải ngoại không bị mai một. Hầu hết các cuộn băng cassette rất giá trị của Khánh Ly, Sĩ Phú, Lệ Thu, Khánh Hà, Vũ Thành An, Từ Công Phụng, Phạm Duy v..v.. đều do bàn tay “phù thủy” của Tùng Giang chăm sóc và nắn nót từng câu hát, từng tiếng đàn. Và cũng từ những phòng thu do Tùng Giang làm chủ, anh đã lần lượt giới thiệu đến người yêu nhạc các giọng hát lần đầu tiên cất tiếng ca như Diễm Liên, Phi Nhung, Thanh Hà, Kỳ Duyên v..v… Ngoài ra vào thời gian đó Tùng Giang còn cộng tác với người bạn thân là Trường Kỳ xuất bản tờ báo Hồng dành riêng cho giới trẻ yêu nhạc tại hải ngoại.
Tên tuổi Tùng Giang càng nổi bật thêm vì tài sáng tác, tuy viết không nhiều, nhưng hầu hết các nhạc phẩm của anh đều được đón nhận một cách nồng nhiệt và vẫn tiếp tục được các ca sĩ thuộc thế hệ trẻ trình bầy cho đến ngày hôm nay.
Nhạc sĩ Tùng Giang từ trần tại California ngày 4 tháng 6 năm 2009. Trưởng nữ của nhạc sĩ Tùng Giang là xướng ngôn viên Giáng Ngọc.
Nguồn: Câu Chuyện Âm Nhạc