Mỹ cấm nhập khẩu bông từ nhà sản xuất lớn TQ trước cáo buộc ‘lao động nô lệ’

  • Nhật Minh

Chính quyền Tổng thống Trump đã tăng áp lực kinh tế lên khu vực phía tây Tân Cương, Trung Quốc vào hôm thứ Tư (2/12) bằng việc cấm nhập khẩu bông của tổ chức bán quân sự quyền lực của Trung Quốc, nơi được cho là sử dụng lao động cưỡng bức người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ đang bị giam giữ.

Ảnh minh họa: Lao động cưỡng bức trong nhà tù ĐCSTQ (Ảnh: Minghui.org).

Cục Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ cho biết “Lệnh hủy bỏ” sẽ cấm bông và các sản phẩm từ bông từ Quân đoàn Sản xuất và Xây dựng Tân Cương (XPCC), một trong những nhà sản xuất lớn nhất của Trung Quốc.

Động thái này nằm trong hàng loạt biện pháp trừng phạt mà chính quyền TT Trump đã thực hiện trong những tuần vừa qua nhằm củng cố lập trường cứng rắn của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc.

Việc nhằm vào XPCC, nơi từng sản xuất 30% lượng bông của Trung Quốc vào năm 2015, là chiểu theo động thái của Bộ Tài chính Hoa Kỳ vào tháng 7, theo đó cấm tất cả các giao dịch bằng đồng đôla với tổ chức được thành lập vào năm 1954 này.

Trước các lệnh trừng phạt của Bộ Tài chính Hoa Kỳ nhắm vào cơ cấu tài chính của XPCC, Cục Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ (CBP) buộc các công ty may mặc và các công ty khác nhập khẩu sản phẩm bông vào Hoa Kỳ phải loại bỏ sợi bông được sản xuất từ XPCC ra khỏi nhiều cung đoạn trong chuỗi cung ứng của họ, Brenda Smith, ủy viên trợ lý điều hành của CBP về giao thương nói.

CBP có thẩm quyền bắt giữ các lô hàng bị nghi ngờ có liên quan đến lao động cưỡng bức theo bộ luật có từ lâu đời của Hoa Kỳ nhằm chống buôn người, chống lạm dụng lao động trẻ em và các hành vi vi phạm nhân quyền khác.

Vào tháng 9, CBP đã cân nhắc thắt chặt hơn lệnh cấm nhập khẩu đối với tất cả các sản phẩm bông và cà chua từ Tân Cương, nhưng sau khi có bất đồng quan điểm từ nội bộ chính quyền Tổng thống Trump, lệnh cấm được nới lỏng đối với sản phẩm từ hai nhà sản xuất bông và may mặc nhỏ hơn.

Bộ trưởng Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ Kenneth Cuccinelli, người giám sát cơ quan biên giới, nói trong một cuộc họp báo rằng lệnh cấm nhập khẩu bông trên toàn khu vực Tân Cương vẫn đang được nghiên cứu.

Cuccinelli gọi “Made in China” là “nhãn cảnh báo.”

“Những món hàng sản xuất từ bông giá rẻ mà bạn mua cho gia đình và bạn bè trong mùa tặng quà này – nếu đến từ Trung Quốc – có thể được làm từ lao động nô lệ, những con người đang bị vi phạm nhân quyền nghiêm trọng nhất hiện nay trong thế giới hiện đại.”

Các nhà sản xuất hàng may mặc của Hoa Kỳ đã phàn nàn về lệnh cấm, nhưng vào thứ Tư, các nhóm may mặc và bán lẻ trong một tuyên bố chung đã hoan nghênh lệnh cấm XPCC và cho biết họ đang ở “tuyến đầu trong nỗ lực nhằm đảm bảo lao động cưỡng bức không làm hỏng chuỗi cung ứng của chúng ta hoặc xâm nhập vào Hoa Kỳ.”

Các nhóm, bao gồm Hiệp hội Quần áo và Giày dép Hoa Kỳ và Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia, cho biết việc chấm dứt lao động cưỡng bức và đàn áp ở Trung Quốc chưa thể đạt được trước áp lực đơn phương của Hoa Kỳ mà cần có “giải pháp toàn thế giới.”

Tổng thống Trump trong những tuần gần đây đã tăng cường hành động chống lại các công ty nhà nước lớn của Trung Quốc, cấm những công ty này tiếp cận với công nghệ và các khoản đầu tư của Hoa Kỳ.

Liên Hợp Quốc trích dẫn các báo cáo đáng tin cậy cho biết khoảng một triệu người Hồi giáo bị giam giữ trong các trại đã bị đưa vào lao động cưỡng bức. Trung Quốc phủ nhận việc ngược đãi người Duy Ngô Nhĩ và nói rằng các trại này là trung tâm đào tạo nghề cần thiết để chống lại chủ nghĩa cực đoan.

Nhật Minh (theo Reuters)

Related posts