Quân đội tấn công, 1000 người Myanmar ồ ạt chạy sang Thái Lan

Ngọc Mai

Ảnh trái: Một gia đình ở Yangon khóc thương người thân thiệt mạng trong cuộc biểu tình ngày 27/3 (nguồn: chụp màn hình Cánh cò) – Ảnh phải: người dân Myanmar trốn chạy sang Thái Lan (nguồn: chụp màn hình Bangkok Post).

Straits times đưa tin, ngày 1/4, khoảng 1.000 dân làng Myanmar đã chạy qua con sông giáp biên giới Thái Lan để tìm đường sang nước láng giềng trong bối cảnh bất ổn chính trị leo thang.

Đại tá Chaidan Grisanasuwarn, chỉ huy lực lượng đặc nhiệm giám sát khu vực ở tỉnh Mae Hong Son (giáp biên giới Myanmar), cho biết: “Những người dân lại chạy qua sông hôm nay vì có một cuộc tấn công quân sự. Có khoảng 1.000 người vào chiều nay. Một số người trong số họ đã rời đi. Chúng tôi hy vọng họ sẽ sớm quay lại [nước họ].”

Hơn 2.000 người dân tộc thiểu số Karen vẫn ở trong tình thế tiến thoái lưỡng nan sau khi họ chạy trốn qua sông Salween ở biên giới để đến Thái Lan cuối tuần qua. Trong khi Thái Lan phủ nhận việc đẩy người Myanmar về nước, nhiều người dân nói rằng họ bị ép phải trở về. Tuy nhiên, họ vẫn sợ hãi khi nghĩ đến việc phải về nhà vì lo ngại có nhiều vụ đánh bom hơn.

Vì không được nước láng giềng tiếp nhận nhưng cũng không muốn trở về, người dân tập trung xung quanh bờ sông Salween và khu rừng gần đó.

Saw Ka Doe, thủ lĩnh nhóm người tị nạn Myanmar, cho biết tình trạng của người dân ngày càng tồi tệ, khi lương thực ít đi và không có dấu hiệu nào cho thấy các nhóm cứu trợ sẽ xuất hiện.

Ông nói “Không có gạo, không có gì cả. Mọi người đang mất hy vọng về khả năng viện trợ lương thực. Một số người trong chúng tôi cố gắng đánh bắt cá để kiếm thức ăn, nhưng hôm nay tất cả đều đi trốn và giữ yên lặng nhiều nhất có thể. Chúng tôi khẩn thiết kêu gọi thế giới đừng quên chúng tôi”.

Trong số những người mắc kẹt trên bờ sông Salween có trẻ em, người già và người mắc bệnh.

“Chỉ còn tám bao gạo cho hơn 2.000 người chúng tôi ở đây”, lãnh đạo cộng đồng Naw Then Nay nói với Straits Times hôm thứ Tư.

Trong khi năm cửa khẩu biên giới ở tỉnh Mae Hong Son, Thái Lan đã được mở cửa trở lại cho thương mại biên giới hôm 1/4, vẫn chưa rõ liệu viện trợ lương thực có thể đến được với dân làng Myanmar hay không.

Đại tá Chaidan cho biết các nhà chức trách Thái Lan vẫn đang thảo luận với phía Myanmar về việc mở lại các tuyến giao thông. Thái Lan được cho là đã yêu cầu chính quyền quân sự của Myanmar giảm mức độ bạo lực.

Người Myanmar rời bỏ nhà cửa và tìm đường sang Thái Lan sau khi ngày 27/3, quân đội Myanmar đánh bom ngôi làng Deh Bu Noh do KNU điều hành, giết chết ít nhất 2 dân làng. Hôm thứ Ba, quân đội tiếp tục đánh bom một địa điểm luyện vàng do KNU kiểm soát ở vùng Bago, giết chết 11 người, theo hãng tin Irrawaddy.

Căng thẳng gia tăng giữa quân đội Myanmar và các nhóm dân tộc vũ trang phản đối cuộc đảo chính hiện có nguy cơ bùng phát thành xung đột quy mô lớn, có thể khiến hàng nghìn người khác bỏ trốn qua biên giới.

Theo Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị, một tổ chức nhân quyền của Myanmar, ít nhất 536 người đã thiệt mạng kể từ cuộc đảo chính và hơn 2.000 người bị giam giữ.

Related posts