Nhạc sĩ Mai Châu tên thật là Mã Gia Minh, sinh năm 1945 ở Bạc Liêu. Ông học Dược khoa và ra trường năm 1971, sau đó phục vụ tại Căn cứ Y dược Trung ương – Cục Quân y Saigon.
Thuở nhở nhạc sĩ Mai Châu đã từng theo học nhạc với nhạc sĩ Hoàng Lang và viết nhạc với 2 bút danh là Mai Châu, Chiêu Anh. Ông là tác giả của một số bài nhạc vàng chủ yếu viết về người lính, nổi tiếng nhất là Một Người Đi, Tiếng Hát Chinh Nhân, Một Ngày Tôi Đi Qua…
Nhạc sĩ Mai Châu còn được biết đến khi là chồng của nữ ca sĩ nhạc vàng nổi tiếng Hoàng Oanh. Tình yêu của họ được nhiều người ngưỡng mộ, và có thể nói họ là mối tình đầu, cũng là tình cuối của nhau, đã sống cùng nhau gần 50 năm qua.
Nhạc sĩ Mai Châu quen biết nữ danh ca Hoàng Oanh năm 1963, khi ông 18 tuổi và Hoàng Oanh là cô nữ sinh Gia Long 17 tuổi. Sau 9 năm quen nhau, họ mới chính thức nên duyên vợ chồng năm 1972 khi nhạc sĩ Mai Châu tốt nghiệp trường Dược Khoa. Ngày 28/4/1975, gia đình Hoàng Oanh, Mai Châu rời Việt Nam và định cư tại Hoa Kỳ, ban đầu họ ở gần New York, tiểu bang New Jersey, nhưng sau đó chuyển về sinh sống tại tiểu bang California.
Từ đó đến nay, nhạc sĩ Mai Châu sống một cuộc đời lặng lẽ, khiêm nhường bên cạnh người bạn đời nổi tiếng là nữ ca sĩ Hoàng Oanh.
Nhạc sĩ Mai Châu sáng tác không nhiều, chủ yếu là sáng tác cho vợ là Hoàng Oanh hát, nổi tiếng nhất trong đó là bài Một Người Đi, có thể xem là một trong những bài nhạc lính được yêu thích nhất:
Tôi tiễn anh lên đường, trời hôm nay mưa nhiều lắm
Mưa thấm ướt vai gầy, mưa giá buốt con tim
Mình cầm tay nhau chưa nói hết một câu
Thôi đừng buồn anh nhé, tiếng còi đang ngân dài
Chinh nhân ơi xin anh chớ buồn
Chinh nhân ơi xin anh chớ buồn
Người yêu anh còn đó, người yêu anh bé nhỏ hứa thương anh trọn đời
Thức trắng đêm qua hai đứa chúng mình chưa vơi hết tâm tư
Ta kể nhau nghe những vui buồn thời ấu thơ
Đếm lá thu rơi, mười bốn thu tàn tôi đã biết tên anh
Nay cách xa rồi, anh khoác chinh y.
Tôi còn ở lại đưa tiễn một người đi
Tôi đứng trông theo đoàn tàu đi xa xa thành phố
Tôi thấy dáng anh buồn, đôi mắt nhớ xa xăm
Vì ngàn yêu thương anh xếp bút mực xanh
băng mình vào sương gió sống trọn kiếp trai hùng.
Chinh nhân ơi khi anh trở về
Chinh nhân ơi khi anh trở về
Người yêu ra mừng đón
Người yêu anh bé nhỏ sẽ yêu anh trọn đời…
Tôi tiễn anh lên đường, trời hôm nay mưa nhiều lắm Mưa thấm ướt vai gầy, mưa giá buốt con tim Mình cầm tay nhau chưa nói hết một câu Thôi đừng buồn anh nhé, tiếng còi đang ngân dài Chinh nhân ơi xin anh chớ buồn Chinh nhân ơi xin anh chớ buồn Người yêu anh còn đó, người yêu anh bé nhỏ hứa thương anh trọn đời Thức trắng đêm qua hai đứa chúng mình chưa vơi hết tâm tư Ta kể nhau nghe những vui buồn thời ấu thơ Đếm lá thu rơi, mười bốn thu tàn tôi đã biết tên anh Nay cách xa rồi, anh khoác chinh y. Tôi còn ở lại đưa tiễn một người đi Tôi đứng trông theo đoàn tàu đi xa xa thành phố Tôi thấy dáng anh buồn, đôi mắt nhớ xa xăm Vì ngàn yêu thương anh xếp bút mực xanh băng mình vào sương gió sống trọn kiếp trai hùng. Chinh nhân ơi khi anh trở về Chinh nhân ơi khi anh trở về Người yêu ra mừng đón Người yêu anh bé nhỏ sẽ yêu anh trọn đời…
Ca khúc Một Người Đi được nhạc sĩ Mai Châu phổ lại từ bài thơ cùng tên của chính ông sáng tác năm 1967, khi ông đang học năm thứ 3 trường Dược. Bài thơ, bài hát này được dành tặng cho người bạn từ thuở nhỏ của ông là chuẩn úy biệt động quân Nguyễn Ngọc Lân, người đã hy sinh ở chiến trận Bình Long.
Khác với hình dung của nhiều người khi nghe bài hát, có thể sẽ nghĩ rằng buổi chia tay trong bài hát là người con gái đưa tiễn người chinh nhân:
Tôi tiễn anh lên đường, trời hôm nay mưa nhiều lắm
Mưa thấm ướt vai gầy, mưa giá buốt con tim
Mình cầm tay nhau chưa nói hết một câu
Thôi đừng buồn anh nhé, tiếng còi đang ngân dài
Thực ra ở trong bài thơ gốc thì người đưa tiễn trong bài chính là nhạc sĩ Mai Châu, đưa tiễn bạn của mình lên đường ra đơn vị.
Chinh nhân ơi xin anh chớ buồn
Chinh nhân ơi xin anh chớ buồn
Người yêu anh còn đó,
người yêu anh bé nhỏ
hứa thương anh trọn đời
Câu hát: “người yêu anh con đó, người yêu anh bé nhỏ hứa thương anh trọn đời” là lời nhắn gửi của người bạn gửi đến người chinh nhân để anh yên tâm lên đường ra trận. Trong nguyên tác bài thơ, đoạn chia tay giữa 2 người được viết như sau:
Trời mưa lạnh, cơn mưa rào của cảnh biệt ly
Mắt Anh thật buồn sâu thăm thẳm
“Mầy đừng buồn, nhớ viết thơ thăm Vân”
Người yêu Anh đó, người yêu Anh bé nhỏ
Hứa thương Anh trọn đời…
“Vân” chính là tên của “người yêu anh bé nhỏ” của Nguyễn Ngọc Lân.
Ngày 27 tháng 10 năm 1967, thiếu uý Nguyễn Ngọc Lân đã hy sinh anh dũng, nên đã vĩnh viễn không còn hình ảnh anh trở về và người yêu ra mừng đón nữa, đó chỉ là hình ảnh trong tưởng tượng, ước mong của một người bạn mà thôi.
Sau này, nhạc sĩ Mai Châu cho biết vì mẹ của Nguyễn Ngọc Lân ở xa, lại lớn tuổi, Mai Châu phải thay mặt để đi đón bạn trỏ về, xin phi cơ chở quan tài từ Saigon về Sóc Trăng chôn cất (với nghi lễ tiễn đưa có binh sĩ dàn chào khi hạ huyệt). Lúc đi sau xe tang tiễn bạn về nơi an nghỉ cuối cùng, trời mưa lất phất, ông đã thương cảm viết thành những câu thơ đầu tiên: Tôi tiễn anh lên đường, trời hôm nay mưa nhiều lắm…
Sau đó bài thơ này được ông viết thành nhạc và nổi tiếng qua giọng hát của Hoàng Oanh. Bài hát có giai điệu và lời nhạc da diết, là nỗi buồn của tiễn đưa, nỗi nhớ của người em gái hậu phương và niềm mong ước được sống bên nhau trọn đời của những đôi uyên ương sinh ra trong thời loạn.
Từ bài thơ gốc với hình ảnh là một người bạn tiễn một người bạn, khi chuyển sang thành bài hát, những hình ảnh đẹp mà rất buồn trong đoạn sau đây làm cho người nghe nhạc liên tưởng đến hình ảnh nhỏ bé, cô đơn của người con gái khi tiễn người yêu ra mặt trận, nhìn theo bóng con tàu đã dần khuất:
Tôi đứng trông theo đoàn tàu đi xa xa thành phố
Tôi thấy dáng anh buồn, đôi mắt nhớ xa xăm.
Nguồn: Bolero