Mai Vân
Trong những ngày trung tuần tháng 11/2020, đã rộ lên thông tin về khả năng Philippines sẽ là quốc gia đầu tiên nhập khẩu loại tên lửa tấn công siêu thanh tối tân Brahmos do một liên doanh Ấn-Nga chế tạo. Hợp đồng vũ khí được cho là sẽ được ký kết ngay vào năm 2021.
Đối với giới phân tích, việc Philippines được trang bị tên lửa Brahmos, được mệnh danh là “sát thủ diệt hạm”, sẽ giúp nước này có khả năng răn đe đối với Trung Quốc, vốn đã dùng sức mạnh chiếm đóng một số thực thể của Philippines tại Biển Đông, và thường xuyên cho tàu xâm nhập vùng biển của láng giềng Đông Nam Á.
Tuy nhiên, ngày 30/11 vừa qua, theo các nguồn tin báo chí, bộ trưởng Quốc Phòng Philippines đã hàm ý cho rằng kế hoạch đặt mua loại vũ khí này đã bị đình hoãn vì lý do ngân sách.
Theo nhật báo Philippine Daily Inquirer, phát biểu với báo chí hôm 30/11, bộ trưởng Quốc Phòng Delfin Lorenzana đã giải thích rằng tác hại kinh tế của dịch Covid-19 đã buộc chính quyền phải ưu tiên chăm sóc y tế cho người dân hơn là mua tên lửa hành trình, vì vậy kế hoạch mua Brahmos đã bị “dừng lại vì không còn kinh phí”.
Để hỗ trợ cho Manila trong thương vụ tên lửa Brahmos, New Delhi đã đề nghị tháo khoán một khoản tín dụng tối thiểu là 100 triệu đô la cho Philippines, tuy nhiên ông Lorenzana vẫn tỏ thái độ ngần ngại, viện lẽ chính quyền đương nhiệm của tổng thống Duterte không muốn ký kết các khoản vay mà chính quyền kế nhiệm sẽ phải trả.
Philippines đi đầu trong số nước sẽ sở hữu Brahmos?
Tuyên bố của bộ trưởng Quốc Phòng Philippines đã bác bỏ khả năng được báo chí châu Á nêu bật trước đó, cho rằng quốc gia ven Biển Đông này sẽ là nước đầu tiên ngoài Ấn Độ được trang bị vũ khí tối tân này.
Mọi sự bắt nguồn từ tuyên bố hôm 12/11 của phó đại sứ Nga tại Ấn Độ Roman Babushkin, cho biết là liên doanh Nga-Ấn BrahMos Aerospace phụ trách sản xuất tên lửa – đang xem xét khả năng xuất khẩu loại vũ khí này sang các nước khác, trước tiên là Philippines.
BrahMos là tên lửa hành trình siêu thanh duy nhất trên thế giới bay với tốc độ gấp 3 lần tốc độ âm thanh (2,8 Mach), có thể được bắn đi từ máy bay chiến đấu, tàu chiến hoặc các bệ phóng di động trên đất liền. Nhà sản xuất BrahMos khẳng định rằng tên lửa của họ có thể chọc thủng mọi lá chắn phòng thủ, và cho đến nay, họ “chưa ghi nhận vũ khí nào đánh chặn được BrahMos”.
Nhiều quốc gia bày tỏ quan tâm đến việc mua tên lửa, nhưng các cuộc đàm phán được cho là đã tiến xa nhất với Việt Nam và Philippines, và nếu thương vụ hoàn thành, điều đó có nghĩa là cả hai nước sẽ tăng cường được đáng kể năng lực phòng thủ, trong bối cảnh cả hai đều bị Trung Quốc lấn lướt ở Biển Đông.
Brahmos, một hiểm họa đối với tàu thuyền Trung Quốc
Theo ghi nhận của ORF, liên doanh Ấn-Nga sản xuất tên lửa Brahmos đã có một vòng thảo luận sơ bộ với Manila, với một thỏa thuận cung cấp tên lửa có thể sẽ được lên kế hoạch vào đầu năm 2021 nhân cuộc gặp thượng đỉnh dự kiến giữa thủ tướng Narendra Modi và tổng thống Rodrigo Duterte.
Trả lời báo Nhật Bản Nikkei Asian Review ngày 22/11, ông Pankaj Jha, một chuyên gia quân sự của Ấn Độ, nhận định Trung Quốc sẽ đứng ngồi không yên nếu Philippines sở hữu phiên bản hải quân của tên lửa BrahMos. Trước mắt, Manila chỉ mới quan tâm đến phiên bản phóng từ mặt đất của BrahMos.
Cho dù vậy, theo một phân tích của trung tâm tham vấn Ấn Độ Observer Research Foundation ORF đăng trên trang mạng Eurasia ngày 29/11 vừa qua, việc Philippines sở hữu loại tên lửa Brahmos, dù là phiên bản phóng đi từ đất liền, cũng là một hiểm họa đối với tàu của Trung Quốc.
Tên lửa BrahMos sẽ nâng cao đáng kể khả năng phòng thủ của Philippines, cho phép nước này tấn công một cách chính xác vào các mục tiêu trên biển hoặc tàu thuyền ở một khoảng cách tương đối xa bờ biển. Phiên bản mà Philippines đặt mua có tầm bắn gần 300 km, nhưng một biến thể mới hơn với phạm vi hoạt động 500 km dự kiến sẽ hoàn tất vào năm 2024.
Hiển nhiên là đối tượng mà Philippines cần chống lại với tên lửa Brahmos là Trung Quốc, quốc gia đang tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông với Philippines và 3 nước Đông Nam Á khác là Việt Nam, Malaysia và Brunei.
Dưới thời tổng thống Duterte, Manila đã có lập trường rất khó xác định với Bắc Kinh. Trong khi lên tiếng phản đối Trung Quốc về các hành vi áp đặt yêu sách chủ quyền ở Biển Đông, thì về các vấn đề khác, Philippines lại cho thấy ý định muốn hợp tác chặt chẽ với Bắc Kinh.
Tuy nhiên, theo ORF, bất chấp các lập trường hòa hoãn được tuyên bố chính thức, hành động của Trung Quốc trong rất nhiều trường hợp đã cho thấy điều ngược lại, và việc Ấn Độ cung cấp tên lửa siêu thanh cho Philippines chắc chắn sẽ khiến Bắc Kinh giận dữ.
Vai trò của Nga
Một khía cạnh khác được trung tâm nghiên cứu Ấn Độ chú ý trong thương vụ bán Brahmos cho Philippines là vai trò của Nga, nước thường là đồng minh của Trung Quốc, nhưng đồng thời cũng đang tìm cách cân bằng quan hệ của họ với cả Ấn Độ lẫn Trung Quốc.
Theo ORF, việc bán được Brahmos, trước hết là cho Philippines, rồi sau đó cho các nước khác như Việt Nam, Indonesia, Thái Lan…, thậm chí cho các quốc gia châu Phi, Nam Mỹ… sẽ là một động lực giúp lĩnh vực quốc phòng đang suy yếu của Matxcơva hồi sinh.
Liên doanh với Ấn Độ trong việc phát triển và tên lửa Brahmos, và mối quan tâm đến việc xuất khẩu loại vũ khí này, có lẽ cũng là bằng chứng cho thấy tầm quan trọng mà Matxcơva đặt ra cho mối quan hệ chiến lược với New Delhi.
Harsh V Pant, cũng là chuyên gia thuộc trung tâm ORF ghi nhận: “Nga rõ ràng coi Trung Quốc là một đối tác hữu ích khi cần chống phương Tây. Nhưng họ cũng rất thực dụng khi nói đến xuất khẩu quốc phòng của [họ]” đang bị sụt giảm.
Một cách ngẫu nhiên, quan hệ giữa Matxcơva và Manila cũng đang ở mức cao. Philippines chuẩn bị làm việc với Nga về việc thử nghiệm, sản xuất và cung cấp vác xin Covid-19 do Nga phát triển.
Thái độ năng động mới của Ấn Độ
Về phía Ấn Độ, việc cung cấp Brahmos cho Philippines nằm trong chiến lược mới của New Delhi, ngày càng sẵn sàng can dự mạnh mẽ hơn vào những vấn đề của vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương rộng lớn hơn vùng ảnh hưởng truyền thống của Ấn Độ.
Ấn Độ đã và đang từng bước tăng cường hợp tác chiến lược với các nước trong khu vực Đông Nam Á, và các nước “đồng chí hướng” khác, với mục đích làm đối trọng với ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh.