Tấm hình gây giận dữ

Cổ Nhuế

Vào thứ Hai đầu tuần (30.11.2020), thủ tướng Úc Scott Morrison đã giận dữ. Thủ lãnh đối lập Anthony Albanese cũng thế. Chắc là gần hết người sinh sống trên đất nước này cũng thế.

Số là trên trang Twitter chính thức của chính phủ Trung Cộng có đăng tấm hình một người lính Úc ngồi trên là cờ Úc, một tay ôm em bé, một tay cầm con dao dí vào người em. Bên dưới có hàng chữ ‘Don’t be afraid, we are coming to bring you peace! Đừng sợ, chúng tôi đến để mang lại hoà bình!”

Hình này do Zhao Lijian (Triệu Lập Kiên, 赵立坚), phát ngôn viên của bộ ngoại giao Trung Cộng, tung lên mạng, sau khi chính phủ Úc công bố kết quả điều tra về ‘tiếng đồn Lực Lượng Đặc Biệt Úc phạm tội ác chiến tranh tại Afghanistan’.

Tấm hình ghê tởm

Hình này không phải là tranh hí hoạ mà là hình được photoshop. Nếu chỉ là hí hoạ thì chắc là người Úc chỉ cười tủm, rồi quên. Nhưng đây là hình dùng thủ thuật điện tử để ráp nối nhiều phần trong hình với nhau. Các phần này tạo ra tấm hình mới, y như thiệt. Có lẽ Úc nổi giận vì tính chất ‘y như thiệt’ của tấm hình.

Nhìn vào tấm hình, thủ tướng Úc thấy ‘ghê tởm, repugnant’ và đòi chính phủ Trung Cộng xin lỗi. Trung Cộng cứng đầu không xin lỗi mà còn dạy bảo Úc phải xin lỗi vì làm thiệt mạng thường dân ở Afghanistan. Ngoài ra, Trung Cộng – qua cái loa tuyên truyền Hoàn Cầu Thời Báo (Global Times) – lại khăng khăng cho tấm hình chế này chỉ mà một bức hí hoạ (cartoon).

Có thể Zhao Lijian hay thuộc hạ của ông ta gợi hứng từ chi tiết trong tường trình Brereton cho rằng: có lính Úc bị tố đã cắt cổ (hay đâm vào cổ) hai chú bé người Afghanistan. Cả hai chỉ chừng 14 tuổi đã bị Lực Lượng Đặc Biệt Úc tóm cổ.

Úc ‘giả nhân giả nghĩa’ (?)

Tấm hình chế này là thêm một đòn Trung Cộng uýnh vào Úc sau khi Úc đòi mở điều tra về gốc tích con Corona.Trung Cộng trả thù bằng một loạt gây khó khăn cho hàng xuất cảng của Úc. Trung Cộng vu cáo Úc bí mật tài trợ cho nông gia trồng lúa mạch, dán sai nhãn thịt bò, tìm thấy sâu bọ trong gỗ do Úc xuất cảng, chận tôm hùm, đánh 212% thuế rượu và không cho tàu chở than đá Úc cập bến vì cho rằng than của thuộc loại xấu…. Đến nay, Trung Cộng đã gây thiệt hại đến $21 tỷ Đô-la – trong tổng số $147 tỷ trị giá hàng hoá Úc xuất cảng qua bển.

Sau những những đòn về buôn bán ấy, Trung Cộng nhảy qua lãnh vực khác. Họ xỉ vả Úc và bêu rếu quân đội Úc – như lời thủ tướng Scott Morrison nói ‘Đây là hình chế và nhạo báng tàn tệ quân đội hùng mạnh của chúng ta, chế nhạo các quân nhân nam nữ của chúng ta đã từng phục vụ dưới cờ hơn trăm năm qua. Rõ ràng đang có những căng thẳng giữ Trung Cộng va Úc, nhưng đây không phải là cách giải quyết …’

Thật vậy, nếu xưa nay Úc nhiều lần lên tiếng tố cáo Trung Cộng vi phạm nhân quyền – cụ thể là cách đối xử với người Ngô Duy nhĩ (Uighurs) trong tỉnh Tân Cương, thì bây giờ Trung Cộng trả đòn bằng tấm hình cho thấy Úc đang dùng chiêu bài ‘mang lại hoà bình’ để cắt cổ trẻ em ở Afghanistan. Mục đích của tấm hình chế này nhằm ‘lột trần’ bộ mặt giả nhân giả nghĩa của Úc: Úc lớn họng tố cáo Trung Cộng vi phạm nhân quyền, giết người Ngô Duy Nhĩ nhưng lại dí dao đâm vào một trẻ em vô tội ở Afghanistan!

Căng thẳng giữa Úc và Trung Cộng

Cách Úc muốn để giải quyết căng thẳng là viên chức hai bên nói chuyện với nhau. Thế mà từ khi Úc xướng lên cuộc điều tra về nguồn gốc con Corona thì giới chức bên ấy không bao giờ nhấc điện thoại từ Úc gọi qua. Úc có hỏi thì toà đại sứ Trung Cộng ở Canberra (nơi bà con mình quá quen vì nhiều lần tụ tập biểu tình ở đây) trả lời: các quan ở Bắc Kinh chỉ nói chuyện với Úc khi Úc không còn coi Trung Cộng như mối đe doạ.

Thật vậy, Trung Cộng rất bực bội vì: về thương mại, Trung Cộng đã từng 140 lần bị Úc phàn nàn với tổ chức WTO. Về chính trị: Từ lâu, Trung Cộng cho rằng Mỹ giao cho Úc giữ vai trò ‘phó cảnh sát’ tại khu vực Trung Cộng đang ngấp nghé. Đó là Đông Nam Á và Nam Thái Bình Dương. Mới nhất, Úc càng làm cho Trung Cộng tức giận khi thủ tướng Scott Morrison đích thân sang Tokyo. Thủ tướng Úc là nguyên thủ đầu tiên thăm tân thủ tướng Nhật Yoshihide Suga. Trong chuyến đi chớp nhoáng, thủ tướng Úc đã nối một cây cầu hợp tác quân sự giữa Nhật Bản với Úc. Dù cho Úc thanh minh thanh nga rằng cây cầu hợp tác quân sự không liên quan gì với Bắc Kinh, nhưng thông cáo chung giữa hai ông Scott Morrison và Yoshihide Suga đã nói lên ‘quan ngại’ trước những hoạt động của Trung Cộng tại Biển Đông và tình hình ngày càng tồi tệ tại Hongkong.

Như là đáp lễ thân tình giữa Úc với Nhật Bản, Trung Cộng gởi cho Úc 14 điều phàn nàn. Trong số này, ngoài những lần Úc tố cáo Trung Cộng vi phạm nhân quyền, Úc còn bị Bắc Kinh ghi vào sổ đen vì đã ngăn chận công ty viễn thông Huawei đấu thầu lập mạng 5G, đòi điều tra gốc gác con Corona, tham gia vào liên minh Ngũ Nhãn ( Five Eye) gồm có Úc, Hoa Kỳ, Anh quốc, New Zealand và Canada để chuyển tin tình báo cho nhau, và những lần bộ trưởng này hay dân biểu kia tuyên bố chạm nọc Bắc Kinh.

Fauxtography, hình chế tràn lan

Trong quá khứ, phát ngôn viên Triệu Lập Kiên của bộ ngoại giao Trung Cộng có thói quen hót bậy bạ lên mạng Twitter. Vào tháng Ba năm nay khi con Corona bắt đầu lan rộng ra thế giới, chính Triệu Lập Kiên hót lên mạng cho rằng quân đội Hoa Kỳ đã chế ra con Corona chứ còn ai … ‘trồng khoai đất này’!

Xào nấu những tin vô bằng cớ và chế hình chụp, rồi tung lên mạng đang trở thành thói quen của khá đông người. Không phải chỉ có Cộng Sản mà ngay đến người chống Cộng cũng trổ tài photoshop. Trên mạng lưu hành hình bà Ngân đú đởn với ông Tập hay ông Hồ làm chuyện bậy bạ… Mấy tấm hình ghép đó chắc là chả ‘mua vui’ được ‘trống canh’ nào cả. Ngoài chuyện cho thấy tài nghệ của người chế hình. Thật ra, ngày nay chế một tấm hình còn dễ dàng hơn cả viết một câu (chữ Anh hay chữ Việt) cho ra hồn. Thành ra, mỗi ngày bạn đọc có thể thấy ít nhất 3 tỷ 200 triệu tấm hình, cộng thêm 720 ngàn giờ video chiếu trên mạng thông tin toàn cầu. Có những người thực lòng thương đồng bào chết bờ chết bụi vì bão lụt ở Việt Nam, họ muốn đánh động tình thương của thật nhiều người bằng cách đăng hình hết sức thương tâm. Cách dễ dàng nhất là ‘chôm’ đại một hình ở đâu đó, rồi thêm ghi chú. Đã có hình lấy từ Thái Lan mà ghi chú lại cho là ở Việt Nam!

Ghi chú bậy là cách dễ nhất để chế hình. Cách khác là ráp nối. Đàn em của Triệu Lập Kiên đã ráp nối. Khi rừng cháy ở Úc vào đầu năm nay, trên mạng lưu hành tấm hình một em bé tay ôm con Koaka lội qua giòng nước chạy thoát cơn giận của bà Hoả. Hình này khiến cho nhiều người Úc mủi lòng. Cuối cùng, người ta khám phá ra đây chỉ là hình ghép. Cũng là hình ghép khi ai đó quá khoái tổng thống Mỹ, bèn đặt luôn trên bàn ăn ở trong chiếc máy bay Airforce One nào là chả giò, mì phở thiệt đúng điệu Việt Nam. Ai xem hình lễ nhậm chức của tổng thống Donald Trump vào năm 2017 có thể thấy một viên chức nào đó trong phủ tổng thống Mỹ đã ghép thêm người vào đám đông dự lễ cho thêm phần xôm tụ.

Vì quá nhiều hình chế, nên chữ Anh có thêm một chữ. Chữ ‘fauxtography’, nghĩa là hình… chế. Bạn đọc Việt Luận có quởn, xin mời coi chơi tại https://www.snopes.com/fact-check/category/photos/

Cổ Nhuế           

Related posts