Tặng quà, nhận quà

Việt Luận

Người ta nói tặng quà là một nghệ thuật. Chúng ta có thể thêm vào đó: Nhận quà cũng là nghệ thuật.

Xin nói về tặng quà trước.

Chúng ta đang sống những ngày cuối cùng trong năm dương lịch. Về cuối năm là lễ Giáng Sinh và ngày đầu tiên trong năm mới là Tết Tây. Sau Tết Tây, người Việt Nam còn được trời ban thêm Tết Ta. Tết Ta năm nay vào ngày 12.2.2021.

Trong những ngày này, chúng ta thường tặng quà. Và nhận được khá nhiều quà. Năm nay dù bị đại dịch, thế giới ăn lễ Giáng Sinh, Tết Tây (và người mình thêm Tết Ta) vẫn nhộn nhịp không thua gì các năm trước. Giới buôn bán cho biết mùa mua sắm năm nay mới nhú mà hàng hoá đã bán ra nhiều hơn năm ngoái đến 12%.

Trong số hàng hoá chúng ta mua sắm phần khá lớn dùng để làm quà. Trong năm chúng ta đã nhiều lần tặng quà cho người này người kia nhân dịp này nọ. Nhưng khi năm cũ sắp qua và năm mới sắp đến thì chúng ta tặng quà cho nhiều người hơn. Thói tục tặng quà nhân lễ Giáng Sinh và năm mới bắt đầu như là một cách tỏ lòng vị tha. Người ta chia sớt ơn phước trời ban cho người khác. Dần dần thói tục tặng quà này trở thành một thứ áp lực vô hình từ phía xã hội đè lên từng người.

Sống trong chòm xóm mà nhà nào cũng đặt quà quanh cây Noel, tự nhiên người nào cũng thấy mình nên làm như vậy. Bạn bè của con cái chúng ta kháo láo với nhau về những món quà ông già Noel đã cho trong đêm vọng lễ Giáng Sinh. Nghe vậy, chẵng lẽ chúng ta lại để mặc cho con yêu quý của mình bị khinh thường là ‘bad boy / bay girl’ nên bị ông già Noel bỏ qua sao?

Vượt khỏi khung cảnh gia đình, chúng ta còn quen biết nhiều người. Thời gian này là lúc chúng ta để ý đến nhau nhiều hơn. Một trong những cách tỏ lòng quý mến là tặng quà.

Khi tặng quà, chúng ta đều biết món quà không quan trọng bằng cách tặng. Dù không quan trọng bằng, món quà vẫn làm chúng ta nhức đầu không ít. Mua món nào? Đây là câu hỏi mà chỉ có người tặng trả lời được mà thôi. Bởi lẽ tặng quà là việc làm hoàn toàn tư riêng tuỳ theo mối liên hệ giữa người tặng và người nhận. Tặng sai một món quà có thể gây hại nhiều hơn là bày tỏ lòng ta quý mến người khác.

Có những món quà làm cho người nhận rất quý và nhớ tới trong thời gian khá lâu. Nhớ tới món quà tức là nhớ tới người tặng. Ngược lại, có những món quà bị hờ hửng khi nhận và sau đó bị bỏ xó. Công ty ING cho biết: ở Úc đã có chừng $400 triệu Đô-la quà cáp trong mùa Giáng Sinh năm 2018 bị vất vào bãi rác. Bơi bãi rác quà Giáng Sinh, người ta thấy nhiều nhất là những món đồ mới lạ (novelty items). Hơn phân nửa (51%) bị quăng. Kế tiếp, 40% đèn cầy (nến sáp). Cũng 40% hàng hoá trong giỏ quà gói sẵn (hamper) không được người nhận giữ lại.

Sau khi chọn đúng món quà dành riêng cho người nhận, cách tặng quà sẽ giúp đạt được hai mục đích của tặng quà. Mục đích thứ nhất là làm cho người nhận quà được thích thú. Mục đích kế tiếp là thắt chặt hơn mối liên hệ giữa người tặng và người nhận. Cha mẹ có những món quà và cách tặng quà làm cho con cái thích thú — khác với người yêu tặng quà cho bạn gái / bạn trai. Người làm chung sở có những món quà và cách tặng quà cho đồng nghiệp — khác với hàng xóm làng giềng tặng quà cho nhau. Dù món quà nào và tặng quà bằng cách nào thì nghệ thuật tặng quà luôn luôn được đánh giá bằng hai tiêu chuẩn: có cho thấy người tặng để tâm (thoughtful) vào món quà hay không; và có được người nhận ưa thích không. Với người phương Tây, tặng tiền mặt chứng tỏ người cho không để tâm vào món quà. Nhưng ai mà không thích … tiền mặt. Để giúp cân bằng giữa ý thích của người nhận và tấm lòng của người cho, có những cô dâu chú rễ trong đám cưới ở Úc ghi ra những món quà mình thích nhận. Người tặng cứ thế mà mua. Tiện lợi cả đôi đàng.

Nay xin nói qua vai trò của người nhận quà. Có người tặng thì phải có người nhận. Người tặng gởi gấm tấm lòng vào món quà. Người tặng không mong gì hơn người nhận nhìn ra và trân quý tấm lòng của mình. Người Úc xem chừng khá nhanh nhẹn, vồn vã khi nhận quà. Họ hớn hở đón nhận. Tay với lấy. Miệng cười. Mắt sáng lên. Nhìn cử chỉ này, người tặng quà thấy vui trong lòng. Rất đông người mình cũng làm thế khi nhận quà. Tuy nhiên, vẫn còn một số ít (rất ít) thỉnh thoảng ‘giữ kẽ’ khi nhận quà. Có người từ khước đay đảy. Có người làm như bất đắc dĩ phải nhận lấy quà cáp từ người khác. Có người không dám ra mặt vồn vã, sung sướng khi nhận quà. Không có gì sai trái khi tỏ những thái độ dè dặt ấy. Tuy nhiên, thái độ này có thể gây ra hiểu lầm cho người lớn lên trong xã hội phương Tây (trong số này có nhiều bạn trẻ Việt Nam tại đây).

Ở đời, có những khi chúng ta không được phép nhận quà. Ngoài những trường hợp đó, từ chối hay miễn cưỡng nhận quà bao giờ cũng tước đi cơ hội cho người khác bày tỏ tấm lòng với ta.

Việt Luận

Related posts