Trung Quốc bắt giữ nhân viên của Bloomberg với lý do “an ninh quốc gia”

  • Lê Vy

Nhà chức trách Trung Quốc đã bắt giữ một nhân viên của Hãng tin Bloomberg hôm 7/12 tại Bắc Kinh vì nghi ngờ gây nguy hiểm cho “an ninh quốc gia”, theo Bloomberg tiết lộ hôm 11/12.

Haze Fan

Công dân Trung Quốc Haze Fan “bị các quan chức an ninh mặc thường phục hộ tống khỏi tòa chung cư của bà” vào thứ Hai (7/12) ngay sau khi tiếp xúc với một trong các biên tập viên của bà, theo hãng tin. Fan làm việc cho Văn phòng Bắc Kinh của Bloomberg News.

“Công dân Trung Quốc, bà Fan đã bị Cục An ninh Quốc gia Bắc Kinh tạm giữ theo luật liên quan của Trung Quốc vì tình nghi tham gia vào các hoạt động tội phạm gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia. Vụ việc hiện đang được điều tra. Các quyền hợp pháp của bà Fan được đảm bảo đầy đủ và gia đình bà ấy đã được thông báo,” nhà chức trách Trung Quốc cho biết, theo Bloomberg.

Khi được phóng viên hãng AFP hỏi về vụ việc hôm thứ Sáu, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng “các biện pháp bắt buộc” gần đây đã được Cục An ninh Quốc gia Bắc Kinh áp dụng đối với Fan. AFP lưu ý rằng thuật ngữ trên “có thể bao gồm việc bắt giữ hoặc tạm giam, hoặc các biện pháp khác” tại Trung Quốc.

“Chúng tôi rất lo lắng cho bà ấy và đã tích cực nói chuyện với chính quyền Trung Quốc để hiểu rõ hơn về tình hình. Chúng tôi đang tiếp tục làm mọi thứ có thể để hỗ trợ bà ấy trong khi chúng tôi tìm kiếm thêm thông tin,” người phát ngôn của Bloomberg cho biết hôm thứ Sáu.

Luật pháp Trung Quốc cho phép công dân làm trợ lý tin tức cho các hãng thông tấn nước ngoài ở Trung Quốc, nhưng cấm họ làm các báo cáo độc lập cho những tổ chức đó.

Fan bắt đầu làm việc cho Bloomberg vào năm 2017 và “đã được ghi nhận là một người đóng góp nhiều cho các bản tin về kinh doanh,” theo AFP. Bloomberg News là một hãng thông tấn quốc tế có trụ sở chính tại Thành phố New York.

Việc giam giữ Fan diễn ra hai tháng sau khi chính quyền Trung Quốc bắt giữ Cheng Lei, một nhà báo người Úc gốc Hoa, với lý do “an ninh quốc gia” tương tự. Cheng làm việc cho dịch vụ tin tức tiếng Anh của Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc (CGTN) do nhà nước điều hành. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết bà Cheng bị “nghi ngờ có các hoạt động tội phạm gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia”.

Chính phủ Úc cho biết họ đã được cấp quyền tiếp cận phóng viên lần cuối vào cuối tháng 9.

“Chúng tôi đã được cấp quyền tiếp cận lãnh sự với bà Cheng vào ngày 28/9 qua video tại một trung tâm giam giữ”, Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT) nói với Công ty Truyền hình Úc (ABC) trong một tuyên bố.

DFAT cho biết họ không thể cung cấp thêm bất kỳ thông tin nào về vấn đề này do các nghĩa vụ về quyền riêng tư.

Lê Vy (theo Breitbart News)

Related posts